Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Biến khúc ngợi ca cái đẹp

Biến khúc ngợi ca cái đẹp*

Nguyễn Việt Chiến xuất hiện vào những năm cuối thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Một giọng thơ trong trẻo, hồn hậu, với những tứ thơ, những “mắt thơ” lóe sáng. Ấy là tâm hồn, là giọng nói của người xứ Đoài mây trắng. Ông từng nhận giải nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1989-1990. Kể từ đó, gần 40 năm qua, nhà thơ tiếp tục mạch thơ giàu cảm xúc, khi hoành tráng, vạm vỡ, cuộn xiết, lúc đôn hậu, lặng lẽ đồng quê mái rạ, chân đê, mưa tháng giêng, mây tơ tằm... Nhiều người yêu, thuộc thơ Nguyễn Việt Chiến là bởi thơ ông không chỉ du dương nhạc điệu, vần điệu, ngôn ngữ giản dị, mà có sức liên tưởng, trường thơ rộng, tứ thơ bất ngờ, ám ảnh. Độc giả nhớ Nguyễn Việt Chiến là nhắc tới những bài thơ có đời sống, có sứ mệnh, có niềm hứng khởi trong mỗi thời điểm lịch sử, và có khi trong nỗi riêng của mỗi người. Đó là những thi phẩm: Tổ quốc nhìn từ biển, Thời đất nước gian lao, Gặp Nguyễn Du trên sông đêm, Lưu Quang Vũ và những bài thơ không thể chết, Ta của xứ Đoài, v.v…
Cuối năm 2022 Nguyễn Việt Chiến xuất bản cuốn Thơ và trường ca, có thể coi như một tuyển tập. 450 trang sách ghi lại những chặng đường thơ gắn liền với những miền đất, miền người, miền ký ức văn hóa, miền trầm luân thế sự, miền thời gian lắng đọng, miền trận mạc lưu đầy, miền đau thương trầm cảm... Ta gặp lại những bài thơ có tuổi thọ đời người trong tập sách này. Đương nhiên, xuyên suốt các “miền” nêu trên là một dòng chảy thời gian, không gian, lưu dấu những sự kiện lịch sử, ký ức lịch sử gắn liền với cuộc đời người lính, cuộc đời người làm báo nhiều chiến tích và lắm thăng trầm. Qua đó mà thấy được một phần đời sống dân tộc, một phần hơi thở thời đại thật là lớn lao, kỳ vĩ, nhưng cũng thật gần gũi, máu thịt. Quá khứ, hiện đại song hành. Tương lai được dự báo bởi sự mẫn cảm của  một người thơ luôn ở đầu nguồn thời cuộc.
“Thời đất nước gian lao” là phần thứ năm, cũng là phần khép lại tập thơ và trường ca cứ vang ngân mãi khúc ca ra trận, dẫu là ra trận trong thời chiến hay thời bình. Đây là một đề tài lớn về đất nước, dân tộc, nhân dân đã có nhiều nhà thơ thể hiện thành công, nhiều tác phẩm đã neo vào lịch sử dân tộc, ánh xạ trong nền thơ ca chống Pháp và chống Mỹ - một đặc trưng lớn của thơ ca Việt Nam. Nguyễn Việt Chiến tiếp tục khai mở con đường ấy, con đường tưởng như có sẵn nhưng với một tâm thế khác. Cái mới, cái khác của người đi sau là dấu chân thơ không trùng khít dấu chân người trước. Là cái tôi trữ tình với nhiều cung bậc cảm xúc, dù khi viết về thế sự, thể hiện trách nhiệm công dân, hay lúc bày tỏ nỗi phẫn uất, đau đời. Là bầu trời thơ cao vợi nhưng náo nức mây xanh và ánh mặt trời, là Trường Sa, Hoàng Sa máu thịt... Vẫn là Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả/ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn (Tổ quốc nhìn từ biển), nhưng điều nhà thơ muốn gửi gắm là tư thế, trách nhiệm của người giữ biển hôm nay: Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi. Vẫn là “những con hươu bị bóng đêm săn đuổi” trong hòa bình. Và nhà thơ nói với chúng ta Hòa bình dưới mưa phùn/ được đắp bằng cỏ non và nước mắt; rồi Người gảy đàn thì đau đớn/ mà bản nhạc viết cho đàn lại reo vui (Thời đất nước gian lao). Không cao giọng bàn tới sứ mệnh, thiên chức nhà thơ. Ngọn lửa thiêng cháy lên trong mưa mù trời. Cơn mưa lớn làm dịu đi cơn khát sa mạc. Day dứt, xót xa trong niềm vui đang trào dâng. Thấy rõ cái “còn lại” của “những gì không còn lại”. Dù buồn hay vui, khúc nhạc trái tim thơ vẫn vang khúc trầm hùng. Trong rất nhiều bài thơ khác, ta gặp  một góc nhìn, một tâm hồn không yên tĩnh này. Cố nhiên, nó hiện ra bằng những câu thơ, hình ảnh thơ thật nhẹ, thật thoảng, thật “chẳng có gì” trong mùa lên bãi, trong hồ đang sen, trong mắt mưa em lúng liếng... Tôi nghĩ, đây là cái mới và cái khác của Nguyễn Việt Chiến.
Trong suy ngẫm về thi ca, Nguyễn Việt Chiến viết: “Thiên nhiên là bầu thi quyển của thơ ca tôi, là hơi thở trong lành nuôi dưỡng những mạch nguồn cảm hứng lắng đọng, tinh tế nhất trong nhạc điệu thơ tôi”. Đúng như thế, thiên nhiên từng được thể hiện rõ qua vẻ đẹp cổ điển trong nền văn học trung đại Việt Nam. Nó trở thành vẻ đẹp đa sắc màu của văn học hiện đại. Tôi muốn nói thêm điều này, thơ của người trai Xứ Đoài không chỉ điểm trang cho thiên nhiên mà còn làm cho thiên nhiên thơ mộng, giàu có hơn, có sức sống hơn. Nó gắn với cảm xúc cá nhân, thấm đẫm chất thế sự. Điều này chắc hẳn nhà thơ không chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai mà còn viết ra từ một cõi sâu thẳm nào đó, như khi ông đặt câu hỏi: “Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”.
Có thể dẫn nhiều bài thơ, câu thơ hay với nhiều ẩn dụ nghệ thuật trong bầu khí quyển thơ ấy. Chỉ xin nhắc đến phần nhỏ trong chương mở sách “Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ”: Hồn quê mộc mạc trong hoa cỏ/ Ta-bờ bến cũ, em-phù sa (Ta của xứ Đoài); Ở quê/ mà nhớ đồng quê/ Vắng làng người nhớ. Tái tê hồn làng (Lục bát quê); Em bó chiều thành gió/ Tất bật gánh qua đồng (Làng bên kia Trung Hà); Tiếng chuông thức trong ngực sen khẽ thở/ Em nở rồi đám rước của mùa thu (Sen phía Tây Hồ); Em có nghe dưới cát/ Buồn sông không lấp đầy (Mùa này sông cạn nước). Và gập ghềnh, trúc trắc, mê man vẫn là lục bát đấy thôi, thứ lục bát mở ra nhiều liên tưởng, không phải nhà thơ cố tìm cách chấm giữa dòng để lạ hóa câu thơ: Xứ Đoài. Thăm thẳm. Mắt sen/ Mây tơ tằm. Nở trên miền. Đá ong (Mây tơ tằm). Mây tơ tằm ấy khiến ta thảng thốt, vừa lạ, vừa quen, vừa gợi nương dâu, nong tằm, vừa đưa ta về vun vén những lứa đôi, dựng nghiệp trên miền đá ong chín đỏ mà đầy thi vị.
Cũng như nhiều nhà thơ khác, Nguyễn Việt Chiến dành nhiều tâm huyết viết về nghề thơ và những người thơ… “Gặp Nguyễn Du trên sông đêm” là những bài thơ như thế. Thực và ảo, quá khứ và hiện tại, đối thoại và độc thoại, dân tộc và nhân loại... đan xen trong các tác phẩm, trong thi ảnh thật gợi, thật ám ảnh. Những câu thơ được viết ra như chép lại một giấc mơ vậy. Đọc phần thơ này càng thấy rõ hơn lời dặn của tiền nhân: Thơ, trước hết cần phải đẹp. Đừng hỏi thơ đang chạy hay đang đi. Cũng không hẳn thơ đang múa. Thơ như lửa, như rượu, nhưng nó chỉ cháy lên khi có sự đồng điệu của tâm hồn nhà thơ và bạn tri âm. Truyện ngắn-thơ Gặp Nguyễn Du trên sông đêm là một cảnh huống mờ mờ nhân ảnh như thế: Ông ra câu cá. Sông này/ Một chiếc cần trúc phất đầy mưa đêm, để rồi từ câu cá thi nhân bất ngờ câu chữ: Ông. Ra câu chữ. Sông này/ Một chiếc cần. Bút phất đầy. Trăng đêm. Thì ra, đó không phải là dòng sông bình thường mà là dòng sông văn. Không trải qua những cơn mưa lớn của đời người thì làm sao có thể câu được những tuyệt phẩm văn chương!...
Với Lưu Quang Vũ, Nguyễn Việt Chiến như muốn mở hết các chiều kích không gian thơ để đi vào cõi thơ luôn phản kháng của nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa. Vũ là điệu dân ca xanh, là giọt cà phê thầm lặng, là cánh chim hải cảng thấm đẫm mồ hôi, là ngọn khói bay, là ánh lửa chiều...Vũ là không gian tiếng Việt đắm say, là thời gian tiếng Việt thao thức trong tâm hồn người Việt, vì thế, những bài thơ của anh không thể chết! Nguyễn Việt Chiến với “nét cọ” tài hoa phác họa chân dung những nhà thơ, nhà văn đa chiều, đa giọng không ai nhòe vào ai. Đó là Tô Hoài, Bế Kiến Quốc, Hoàng Nhuận Cầm, Trúc Thông, Nguyễn Văn Thọ, Trần Hòa Bình, Chu Văn Sơn... Và dù vẽ chân dung ai, phía sau đều hiển hiện một nét đời, một nét người sang trọng của sự tử tế, tôn thờ sáng tạo và cái đẹp, tức là tìm thấy giọng điệu của họ - một phạm trù thẩm mĩ trong văn học. Từ giọng điệu mà nhận ra tác giả. Nguyễn Việt Chiến viết: Những hạt muối trên trang văn của mình/ đang cựa quậy một đời sống khác (Với Chu Văn Sơn); Nếu còn được sống tới hôm nay/ hẳn vết thương chiến tranh kia/ không dằn vặt thơ anh đến vậy (Với Trúc Thông); Khi nước mắt phải ru bằng nước mắt/ anh ru gì cho một đóa sen tươi (Với Trần Hòa Bình). Hướng về cái đẹp và yêu cái đẹp, ông chủ của lâu đài thơ và trường ca Nguyễn Việt Chiến nhận chân cái đẹp từ các nhà văn đương thời nhanh nhạy và chuẩn xác đến vậy, bởi ông là người duy cảm và duy mĩ. Chẳng thế mà tác giả dành hẳn một phần trong tập sách nói về “Biến khúc ngợi ca cái đẹp”. Ở đâu, lúc nào cây đàn thơ cũng ngân rung, cũng được sưởi ấm bằng hơi ấm tâm hồn. Ngay cả lúc cô đơn nhất, người thơ cũng thấy cần phải “học theo cách viết/ của những đám mây”; cũng cảm nhận “nỗi cô đơn tự nó không khóc, trong bóng đêm của một lời ca”. Lời ca trong bóng đêm sao không phải là lời ca đẹp khi nó thức tỉnh, nâng dậy con người, nó làm cho tâm hồn con người tươi xanh sau  héo úa.
Còn có thể bàn đến nhiều đặc sắc thơ Nguyễn Việt Chiến. Là nội lực vạm vỡ của tư tưởng, của các vấn đề thời sự và thế sự. Là chất thi sĩ căng tràn dẫn dắt những câu thơ, bài thơ cất cánh, giống như “chim hạc bay, mà không cần vỗ cánh”. Là giữ được nét đẹp  truyền thống trong nỗ lực cách tân thơ. Là ngôn ngữ thơ trong sáng, giàu hình ảnh,v.v… Đặc sắc thơ ấy nhiều khi là phút xuất thần kết hợp sự thông minh, sắc sảo lí tính với những suy tưởng, cảm hứng mãnh liệt.
Chính vì thế, thơ ông chạm đến cõi sâu tâm hồn con người, khám phá những bí ẩn, bất ngờ của cuộc sống có khi bắt đầu từ một hình tượng, một biến khúc của cái đẹp.
Chú thích:
* Đọc Thơ và trường ca của Nguyễn Việt Chiến, NXB Hội Nhà văn, 2022.
4/3/2023
Hải Đường
Nguồn: Văn nghệ số 9/2023
Theo http://baovannghe.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...