Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Nghĩ thêm về tính định hướng của Đề cương văn hóa 1943

Nghĩ thêm về tính định hướng
của Đề cương văn hóa 1943

KỶ NIỆM 80 NĂM "ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM"
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là một Cương lĩnh văn hóa có tác dụng định hướng và lãnh đạo văn hóa Việt Nam không chỉ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà cả trong xây dựng hòa bình và hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nghiên, sau 80 năm vận hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đề cương văn hóa cũng bộc lộ những vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh, phát triển… để tinh thần định hướng và khai phóng của nó ngày càng được minh định.
Chúng ta đều biết bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh Đảng vẫn còn hoạt động bí mật. Lúc đó ở Việt Nam, xã hội thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, chiến tranh thế giới thứ 2 đang làm cho đất nước kiệt quệ, tình hình chính trị, xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp. Trên lĩnh vực văn hóa, nhiều xu hướng khác nhau đang chi phối đời sống tinh thần của dân tộc, tạo ra một không khí ngột ngạt, bế tắc trong đời sống. Tất cả những điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến việc “nhận đường” cho một giai đoạn quan trọng của thời kỳ chuẩn bị cách mạng xã hội. Trong “đêm trước của cuộc cách mạng”, bản Đề cương văn hóa 1943 ra đời là một sự cần thiết nhằm hướng sự phát triển của văn hóa Việt Nam vào những mục tiêu mới, chuẩn bị cho một phong trào cứu quốc đang chuẩn bị.
Tuy nhiên, đây chỉ là một “đề cương” các hoạt động chính của một đảng chính trị trong điều kiện hoạt động bí mật, nên văn bản mới chỉ dừng lại ở những định hướng lớn, những nguyên tắc mang tính chất nền tảng, nhiều vấn đề cũng mới chỉ được nêu ra ở những định hướng mà chưa có điều kiện đi vào những nội dung cụ thể, những quan hệ phức tạp trong một cương lĩnh văn hóa đầy đủ. Sau này dù được giải thích và chỉ đạo cụ thể hơn, thì trước sau nó vẫn chỉ là định hướng, là “nguyên tắc lớn” của cuộc vận động văn hóa, là sự chỉ đạo chứ không phải là toàn bộ các quan hệ, giá trị, vấn đề của nền văn hóa. Hai trụ cột quan trọng nhất của văn hóa mới là đời sống văn hóa và con người (với tư cách là chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa và hệ giá trị của nó) cũng mới chỉ được vạch ra trong những phác thảo, thậm chí có vấn đề mới chỉ được đặt ra do yêu cầu thực tiễn, mang tính sách lược, vừa tầm. Vì vậy, sau 80 năm nhìn lại Đề cương về văn hóa Việt Nam đòi hỏi phải nhìn nhận vấn đề theo quan điểm lịch sử mà không giáo điều.
Xin được bàn cụ thể vào ba phương châm lớn của Đề cương về văn hóa Việt nam là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Trong văn bản Đề cương về văn hóa, ở mỗi mục đều có giải thích rõ nội dung cơ bản của từng phương châm. Dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”; đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng” và khoa học hóa là “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”. Ba nguyên tắc lớn này phải thắng trong cuộc đấu tranh chống lại “những xu hướng bảo thủ, triết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm v.v…”; đồng thời cũng chống cả “xu hướng văn hóa quá trớn của bọn Tờ rốt kít”. Rõ ràng, ba nội dung, ba phương châm, ba nguyên tắc này đã vạch ra những đường hướng cơ bản cho một nền văn hóa mới ở mục tiêu phải đạt đến, tính chất phải có và cả những nội dung cơ bản của nó mà mục đích chính trị là tham gia trực tiếp vào một cuộc cách mạng xã hội đang chuẩn bị đến thời kỳ cao trào.
Trong bối cảnh lúc đó, vấn đề lựa chọn chỗ đứng, lập trường và thái độ được đưa lên hàng đầu. Đề cương về văn hóa Việt Nam đặt vấn đề ba phương châm, thực chất là ba tính chất là gắn với truyền thống dân tộc, thuộc về nhân dân và thấm nhuần tinh thần khoa học như ba trụ cột cơ bản, đảm bảo cho văn hóa Việt Nam phát triển. Sau này, khi đã giành được chính quyền, Đảng ta đã nói rõ hơn thái độ của mình trong lĩnh vực văn hóa là phải gắn bó chặt chẽ với đời sống dân tộc, với truyền thống di sản của ông cha, gắn bó với đời sống nhân dân, phục vụ nhân dân. Hướng về đại chúng và dân tộc là hướng đến đất nước, nhân dân. Đó là mục tiêu của cuộc cách mạng xã hội mà Đảng đang kêu gọi. Tính chất cứu quốc của Đề cương về văn hóa Việt Nam bộc lộ rất rõ ở những nguyên tắc này. Nếu chỉ nhìn nhận văn bản như là sự chuẩn bị trong đêm trước của cuộc cách mạng xã hội đã thấy tính chất thực tiễn và khoa học của cách tiếp cận vấn đề mà nếu nhìn lại lịch sử 80 năm ra đời và tác động đến đời sống của những quan điểm văn hóa này, mới thấy hết tầm nhìn xa trông rộng của những tư tưởng lớn về văn hóa. Và ở đây tính khai phóng của Đề cương văn hóa cũng cần được nhận thức một cách đầy đủ. Đó là tinh thần cốt lõi của văn bản quan trọng này.
Trong hoàn cảnh bấy giờ, đưa ra được những vấn đề trên đây, biến nó thành tư tưởng để vận động cho một nền văn hóa mới, chưa có hoặc chính xác hơn là mới chỉ là những mầm, những nụ nhưng đã chứng tỏ sức sống của nó, chính là một sáng tạo của Đảng, bởi chỉ có nêu ra được những hướng đi như thế mới có khả năng tập hợp được lực lượng. Cần phải nhìn thấy tính chất cứu quốc của đề cương văn hóa mới này, nhận thức được tính chất tiên phong, mở đường của nó cho các văn nghệ sĩ gắn cuộc đời cầm bút của mình với dân tộc, nhân dân mới thấy hết được tầm nhìn mang tính chiến lược của Đảng không chỉ đối với cuộc cách mạng xã hội trước mắt mà còn là những chuẩn bị cho việc xây dựng một nền tảng tinh thần mới cho xã hội tương lai. Không nên bó hẹp trong những câu chữ mà cần nhìn nhận những xu thế mới với tinh thần cởi mở và sáng tạo vì những định hướng suy cho cùng cũng chỉ là xác định những đường hướng cơ bản chứ không phải là những nguyên lý cứng nhắc, gò bó, vì như thế là trái với tinh thần biện chứng. Trong những năm tháng ấy, đánh giá về vai trò to lớn và sự cần thiết của văn hóa với đời sống xã hội là một bước tiến lớn về nhận thức của Đảng đối với văn hóa dân tộc. Những phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng, cho đến tận bây giờ vẫn chứng tỏ tính chất đúng đắn của chúng trong đời sống. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến động, con đường trở về với nhân dân, dân tộc, gắn bó máu thịt với cuộc sống của nhân dân mới là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho văn hóa dân tộc phát triển.
Mặt khác, lại cũng phải nhận thấy đây là một bản “Đề cương” một chương trình, kế hoạch hành động mang tính chất cương lĩnh của một tổ chức chính trị ở một lĩnh vực vốn rộng về phạm vi, phong phú về nội dung, khó có quan điểm thống nhất, phức tạp về cách tiếp cận và quan điểm đánh giá… thì những nét lớn nhất của Đề cương văn hóa cho đến nay vẫn giữ được tính đúng đắn về mặt khoa học và tính thực tiễn. Đó là một thành công, một đóng góp của Đảng đối với văn hóa dân tộc. Lướt qua những giai đoạn phát triển, đổi thay trong 80 năm qua, nhìn lại những quan điểm lớn nhất của Đảng về văn hóa mới thấy hết những minh triết của cách tiếp cận vấn đề, tính thực tiễn và khoa học của những luận điểm. Bao trùm lên tất cả là tính chất cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới, được định hướng ngay từ khi nó chưa được xác lập, chưa thật rõ hình hài nhưng những cái mới của nó đã hé lộ, sức sống ngay từ những buổi đầu tiên đã được khẳng định. Tinh thần khai phóng, phục hưng văn hóa dân tộc này sau tháng 8-1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong luận điểm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Và thực tiễn đã chứng minh chân lý ấy.
Nếu coi Đề cương về văn hóa Việt Nam như là Cương lĩnh thứ nhất của Đảng về văn hóa thì Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII  Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 33 khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như những cương lĩnh mới về văn hóa của Đảng, vì những tư tưởng ấy vừa tiếp nối, vừa phát triển nhiều luận điểm quan trọng của Đề cương văn hóa 1943. Đồng thời cũng không thể không ghi nhận những điều chỉnh, bổ sung cả lý luận và thực tiễn của những văn kiện ấy. Chẳng hạn trong vấn đề đánh giá và tiếp nhận di sản, Đảng đã đề xuất nhiều luận điểm mới bổ sung cho Đề cương văn hóa phù hợp với yêu cầu mới. Hay như quan điểm về đại chúng và đại chúng hóa cũng được xem xét biện chứng hơn. Gần đây xu hướng chạy theo thỏa mãn nhu cầu giải trí của công chúng, đến phong trào bề nổi mà ít chú ý đến tính chuyên nghiệp… đã gây ra những tác hại cho văn hóa dân tộc đã được chỉ ra và đang được điều chỉnh. Xu hướng cào bằng, hành chính hóa hoặc xây dựng những mô hình văn hóa ở các vùng miền khác nhau theo một tiêu chí giống nhau đã làm ảnh hưởng đến sự đa dạng và bản sắc văn hóa của các vùng miền… cũng cần được khắc phục. Vấn đề quan trọng nhất trong xây dựng và phát triển văn hóa bền vững là vấn đề con người cũng phải được xem xét đa chiều hơn, gần với bản thể hơn.
Bởi vậy, cho đến hôm nay vẫn cần luận giải thêm và có những điều chỉnh khi xử lý bản thân những vấn đề dân tộc, khoa học, đại chúng, con người và quan hệ giữa văn hóa với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội khác trong quá trình mở cửa, hội nhập và toàn cầu hóa. Văn hóa vừa mở đường để một quốc gia vững vàng bước vào quá trình toàn cầu hóa, vừa là hồn cốt của một dân tộc, quốc gia đảm bảo cho quá trình ấy thành công.
5/3/2023
Phạm Quang Long
Nguồn: Văn nghệ số 9/2023
Theo http://baovannghe.com.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chiếc bàn và đèn bàn  Đêm khuya lắm rồi, thanh âm chung quanh chỉ còn lại tiếng lách cách duy nhất của bàn phím dưới mấy ngón tay tài ho...