Chiến tranh, giới tính và
căn tính người Mỹ gốc Việt
Ocean Vuong sinh năm 1988, là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng người
Mỹ gốc Việt. Các tác phẩm của anh có: Night Sky with Exit Wounds (2016), On
Earth We’re Briefly Gorgeous (2019), Time is a Mother (2022),
trong đó, hai tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt: Trời đêm những vết
thương xuyên thấu (Hoàng Hưng dịch, 2018), Một thoáng ta rực rỡ ở
nhân gian (Khánh Nguyên dịch, 2021).
Bài phỏng vấn (lược dịch) dưới đây do Amanpour and Company thực hiện sau khi tiểu thuyết On Earth We’re Briefly Gorgeous xuất bản tại Mỹ, tiết lộ những vấn đề đáng suy ngẫm về trải nghiệm của người nhập cư gốc Việt, ám ảnh chiến tranh, chấn thương tâm lí, sự khám phá giới tính và những nỗ lực vươn lên để khẳng định mình.
|
Ocean Vuong và tác phẩm On Earth We’re Briefly Gorgeous |
- Ocean Vuong: Chị biết đấy, trong một chừng mực nào đó, tôi được gợi cảm hứng từ những bậc thầy văn chương tiền bối và cũng được truyền cảm hứng từ cuốn Go tell it to the mountain (Hãy nói với ngọn núi) của Baldwin. Baldwin nói rằng ông ấy phải viết cuốn sách để thử nghiệm một thứ khác và điều đó rất có ý nghĩa với tôi. Một gia đình người da đen ở Harlem cũng tương tự như một gia đình người Việt Nam ở Hartford, đối với tôi, là điều đáng được coi trọng, có giá trị và là sức mạnh của văn học. Và tôi nghĩ ông ấy đã viết cuốn sách ấy để chứng minh với chính bản thân và nước Mỹ rằng cộng đồng của mình có thể ở vị trí trung tâm. Bạn có thể dùng trí tưởng tượng để hướng đến chính bạn và cộng đồng của bạn để truyền sức mạnh cho họ, không nhất thiết phải đại diện cho họ, mà truyền sức mạnh cho họ. Chỉ cần nói rằng: Đây là điều hoàn toàn đúng với bất cứ cuốn tiểu thuyết nào ở đất nước này, với bất cứ câu chuyện nào. Và việc sử dụng một cuộc đời mà có thể nhận thấy là khá giống với cuộc đời tôi - cuộc đời của một người Mĩ gốc Á từng làm việc để thoát khỏi cảnh nghèo khổ ở Hartford chính là một mô-men truyền sức mạnh cho tôi để nói lên cuộc sống mà nhiều người đã trải qua, cuộc sống đã cấp cho tôi trí tưởng tượng tương tự như cách Harlem đã trao cho Baldwin.
* Khi mới đến Mỹ, anh có nhớ bất cứ điều gì mà mẹ và bà của anh đã kể về câu chuyện của gia đình anh, về hành trình của mọi người, về việc làm thế nào mà anh đến được đây không?
- Đó toàn là những lời cảnh báo. Và tôi nghĩ rất nhiều người da màu đã nhận được điều đó từ các tiền bối của họ. Những lời cảnh báo không được giải thích và lời cảnh báo dành cho tôi chính là: “Không được khiến người khác chú ý đến mình. Con là người Việt Nam và đó là một điều bất lợi cho con”. Thật là kì quặc khi một bà mẹ nói với con mình rằng phải biến mất khi ra ngoài. Và mục tiêu của bạn là phải trở nên vô hình. Nhưng tôi nhận ra rằng họ đang cố gắng bảo vệ tôi. Nếu bạn đứng ngoài trung tâm của sự chú ý, bạn có thể tồn tại, làm việc, sống một cuộc đời lặng lẽ. Đó là nghịch lí lớn nhất giữa thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai bởi vì thế hệ thứ hai muốn được biết đến. Chúng tôi ở đây, chúng tôi tự hào, chúng tôi muốn ngợi ca hành trình của mình nhưng những người lớn tuổi hơn lại nói với chúng tôi rằng đã đến lúc che giấu bản thân để bảo vệ chính bạn và đó là một vấn đề hóc búa của chúng tôi khi là một người nhập cư. Và tôi nghĩ chúng ta không cần giải quyết vấn đề đó mà chúng ta có thể tôn vinh cả hai quan điểm.
* Anh có nhớ từ lúc nào thì anh bắt đầu nghĩ đến việc viết hoặc sáng tạo một không gian cho chính mình không?
- Tôi đã cố gắng nhưng không được khuyến khích. Gia đình tôi mù chữ và tôi đã mất một thời gian dài, phải đến năm 10, 11 tuổi, tôi mới bắt đầu đọc trôi chảy. Đó là chứng khó đọc vì không được giáo dục một cách căn bản. Nhưng lúc ở trường, tôi đã lẻn ra khỏi giờ giải lao để vào thư viện, nghe băng thu âm những bài diễn thuyết nổi tiếng và một trong số đó là bài diễn thuyết của Martin Luther King. Chị có thể cảm nhận được dòng điện khi ông ấy truyền cho tôi: tôi được nghe một bài phát biểu như mơ, và tôi nghĩ, ngoài trời tuyết đang rơi, nghe như tuyết dành cho tôi vậy và tôi nhìn thấy người đàn ông ấy đang nói về những giấc mơ trong cơn bão tuyết. Cảm giác đó thật mạnh mẽ và siêu thực nhưng nó cũng không khác biệt so với những gì bà ngoại đã kể cho tôi nghe ở nhà. Bà kể những câu chuyện cổ tích, những hành trình huyền bí, những câu chuyện dân gian Việt Nam. Tôi nghĩ việc kể chuyện cũng giống như thế và điều đó đã truyền sức mạnh cho tôi - một thằng bé cô đơn ở Hartford đang nghe băng thu âm trong thư viện. Từ đây, tôi đã thử viết bài thơ của chính mình.
* Tôi cho rằng một trong những điều mà nhiều người đánh giá cao về tác phẩm của anh, bên cạnh ngôn từ đẹp đẽ và những quan sát sắc sảo, là việc anh rất trung thực. Tôi nghĩ về một số áp bức trong chính gia đình anh, ít nhất là theo miêu tả trong cuốn sách thì có cả bạo lực. Nếu anh không phiền thì tôi muốn nói rằng mẹ anh đã đối xử với anh theo rất nhiều cách, và thật khó để đọc và ngẫm nghĩ về những gì anh đã trải qua. Tôi phải hỏi anh rằng anh nghĩ như thế nào về những điều đó?
- Tôi nghĩ việc cầm bút giúp tôi hiểu rằng mặc dù về cơ bản, bạn có thể là một nạn nhân - nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của bạo lực gia đình, một đứa trẻ bị bạo hành, nhưng bạn có sống trong tâm thế nạn nhân hay không lại tùy thuộc vào chính bạn. Chúng ta không thể thay đổi những gì xảy ra với chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi cách chúng ta sống để có một cuộc đời thành công. Và tôi nghĩ một trong những sức mạnh tuyệt vời nhất của việc cầm bút chính là khi bạn có thể sử dụng câu chuyện của mình và trình hiện một tương lai khác mà rốt cuộc từ đó, nó lại dẫn bạn đến chỗ kiểm soát được cuộc đời của chính mình. Đúng, tất cả chúng tôi đều đã nếm trải những điều khủng khiếp, chị biết đó, những người phụ nữ trong gia đình tôi đều đau khổ vì chiến tranh. Chất độc của chiến tranh ngấm vào họ, họ đã chuyển nó vào tôi và tôi thích nhìn nó như thể đó là một nỗ lực rất lớn của giống nòi chúng tôi. Đấy chính là cách chúng tôi biến chuyện đã xảy ra với chúng tôi thành cách chúng tôi sống tốt hơn. Đấy chính là một thách đố rất rất hóc búa.
* Tôi đoán là anh đã từng gặp ông của anh, một người lính Mỹ da trắng phải không? Anh đã gặp ông ấy. Ông ấy nghĩ sao về tác phẩm của anh?
- Đó là một mối quan hệ đầy thử thách. Mối quan hệ ấy khá thân tình song cũng chứa đựng rất nhiều tội lỗi, chị biết đó, từ cả hai phía. Chúng tôi không hỏi han nhau – việc đó rất hiếm khi xảy ra và khá mạo hiểm - khi mà cuộc chiến tranh có cái giá phải trả là mạng sống của hơn bốn triệu người luôn là điều mà ai cũng biết nhưng ai cũng né tránh.
* Ồ, anh có viết một bài thơ về điều đó. Về cơ bản, câu kết luận là “Không có bom thì không có tôi”1, đúng không?
- Vâng, tôi là sản phẩm trực tiếp của chiến tranh và tôi nghĩ đó là cơ hội, mặc dù đầy rẫy khó khăn bên trong một gia đình pha trộn chủng tộc mà chiến tranh đã sản sinh ra. Không có cách nào để khiến nó thật đơn giản. Tôi nghĩ đó là lí do tại sao cuốn sách vận hành như một đường xoáy ốc. Tôi đã dịch chuyển xuyên qua lịch sử và các nhận định, đánh giá giống như một cây cột buồm. Tôi tiếp tục quay lại và kiểm tra một lần nữa và điều đó xuất phát từ việc có một lịch sử rất phức tạp mà đấy không phải là chiến tranh Việt Nam, đấy là cuộc chiến khủng khiếp của nước Mỹ, một trang đen tối trong lịch sử nước Mỹ. Tôi không ở đây để nói với bạn về cách bạn vật lộn với nó. Bạn không thể nói rằng đó là điều tốt hay xấu, bạn phải nói điều tiếp theo rằng tại sao nó xảy ra và làm sao để chúng ta loại bỏ được nó.
* Anh đã nói một vài lần trong cuộc trò chuyện của chúng ta về trải nghiệm của một người Mỹ gốc Á. Nhưng xu hướng tình dục của anh và những hiểu biết của anh về nó thì sao? Yếu tố đó có ảnh hưởng như thế nào trong câu chuyện này?
- Đúng vậy, tôi muốn đề cập đến những ẩn dụ của nỗi xấu hổ này xung quanh những bản dạng giới lệch chuẩn và xu hướng tính dục. Và điều mà tôi muốn miêu tả là mối quan hệ của Chó Con với cậu bé da trắng ở nông trại, miêu tả sự khác biệt trong cách họ tiếp cận sự xấu hổ. Cậu bé Trevor ở nông trại vô cùng xấu hổ với bản dạng queer của mình bởi vì đó là một phản đề với bản sắc liên bang của cái gọi là nam tính Mỹ. Cậu ấy, theo một cách nào đó, bị vỡ vụn vì nó. Cậu ấy đánh mất chính mình theo nghĩa đen bởi vì cậu ấy không thể là một người đàn ông. Nếu cậu ấy không phải là một người đàn ông, thì cậu ấy không phải là con người theo tiêu chuẩn của người Mỹ. Nhưng trái lại, Chó Con được nuôi dạy bởi một bà mẹ Việt Nam lại thoải mái hơn với xu hướng tính dục của cậu ấy. Gia đình cậu ấy hiểu rằng chúng tôi đến từ một truyền thống khác biệt, nơi mềm dẻo hơn trong xu hướng tình dục và trên thực tế, cậu ấy sống tốt hơn trong bản dạng queer của mình so với cậu bé người Mỹ kia, người vẫn được xem là có mọi thứ, kể cả tự do tối thượng.
* Trước khi ra về, anh hãy nói cho tôi nghe về nhan đề Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đi! Đó là một nhan đề rất hay, và rất nhiều câu trong tác phẩm của anh cũng rất hay. Nó có ý nghĩa gì vậy?
- Tôi nghĩ với tôi, tôi dám gọi thân thể của những người da đen, da nâu, da vàng nghèo hèn là rực rỡ. Cảm giác như thể đây chính là cơ hội để tôi bộc bạch điều đó. Nhan đề chính là lối vào, là câu đầu tiên của cuốn sách. Và tôi muốn bắt đầu bằng cái Đẹp, đó là thói quen của tôi. Trên thực tế, những con người ấy đều rất đẹp đẽ và tôi muốn bắt đầu với điều đó, sau đó sẽ phô bày với thế giới họ đẹp đến thế nào.
* Ocean Vuong, cám ơn anh rất nhiều vì cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Chú thích:
1. Nguyên văn câu thơ của Ocean Vuong: “An American solider fucked a Vietnamese farmgirl. Thus my mother exists. Thus I exist. Thus no bombs = no family = no me” trong bài Notebook Fragments.
3/4/2023
Kim Nhạn
Nguồn: Văn nghệ số 12/2023
Theo http://baovannghe.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét