Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Ratman - Bản sao chép lỗi và "Nghệ thuật đánh lừa" từ đa điểm nhìn

Ratman - Bản sao chép lỗi và
"Nghệ thuật đánh lừa" từ đa điểm nhìn

Được đề cử giải thưởng Yamamoto Shugoro Prize và xếp thứ 10 giải thưởng KONOMYS, Ratman - Bản sao chép lỗi là một tác phẩm đặc sắc của Shusuke Michio. Khi trên nền thể tài trinh thám, từ vụ án về cái chết một người con gái, tác giả đã đưa tới cho độc giả câu chuyện có cấu trúc đặc biệt: vừa là truyện lồng truyện với sự đan xen chồng chéo giữa quá khứ và thực tại, vừa là sự đa dạng góc độ được lấy cảm hứng từ bức họa “Ratman” nổi tiếng. Sự thật chỉ có một nhưng qua khúc xạ của những điểm nhìn khác nhau, sự thật lại bị bóp méo để rồi, ai cũng là nạn nhân và hung thủ trong chính bi kịch của bản thân.
Ratman - Bản sao chép lỗi, tác phẩm của Shusuke Michio.
Cựu tay trống một ban nhạc rock tử nạn trong nhà kho một studio âm nhạc. Cái chết của cô không chỉ làm dấy lên nghi vấn của tất cả những người liên quan rằng, đây là tai nạn hay án mạng. Mà còn khiến vòng “xoáy tăm tối” của tay guitar trong ban thêm hun hút trước xung đột quá khứ, hiện thực, hoài nghi, khẳng định vẫn âm thầm cuộn trào trong nội tâm anh ta để rồi ác ý trở thành bi kịch dối lừa khó thể quay đầu.
Câu chuyện từ đa điểm nhìn
Ratman - Bản sao chép lỗi, ngay tựa đề tác phẩm gói trọn tư tưởng, nội dung tác phẩm, tác giả Shusuke Michio đã hé lộ việc ông chịu ảnh hưởng, lấy cảm hứng sáng tác nên câu chuyện, từ bức họa Ratman nổi tiếng. Mà ở đó, nếu bức họa Ratman với hai hàng, hàng động vật, hàng con người khởi đầu từ con chuột và nhà sư: “Ở phía hàng động vật này, ta có thể thấy con chuột. Còn ở hàng mặt người, ta có thể thấy khuôn mặt một nhà sư. Thế nhưng hai hình này chỉ là một thôi.” Thì trong tiểu thuyết Ratman - Bản sao chép lỗi, cũng có hai dòng sự kiện, hai mạch truyện cùng song hành tồn tại, đan xen, quyện hòa với nhau.
Một bên, chiều quá khứ Himekawa với ám ảnh về cái chết của người chị ruột và một chiều hiện tại Himekawa với nỗi hoài nghi, giằng co về cái chết của cô gái tên Hikari, hiện đang là người yêu anh. Để rồi, từ điểm nhìn của Himekawa, hai mạch truyện với các cá nhân những tưởng xa lạ, bỗng có mối tương quan mật thiết với nhau và tiếp tục nhấn chìm Himekawa vào vòng “xoáy tăm tối”.
Bởi những điều mắt nhìn tai nghe, đều hướng Himekawa tới kết luận, hai cái chết anh thấy của hai người phụ nữ đã và từng thân thiết với anh, đều là những án mạng mà hung thủ, lại từ những người anh yêu thương nhất. Ratman – Bản sao chép lỗi, phần lớn được kể dưới điểm nhìn Himekawa. Vì thế, theo dõi hai vụ án, độc giả rất dễ bị cuốn theo dòng suy tưởng hòa trộn giữa kí ức, thực tại từ một cá nhân vốn đã chìm sâu vào phức cảm đứng trước bức họa Ratman. Khi ẩn ức, đau thương, nghi ngờ quá khứ trở thành nỗi ám ảnh làm ánh nhìn người trong cuộc không thể sáng suốt suy xét mà lẫn lộn thật giả, mà tự cho bản thân là đúng, mà tự chịu đựng, tự hành động chẳng sẻ chia với ai. Từ đó, tự đẩy bản thân vào thứ khổ đau, bi kịch mang tính truyền đời mà tự cho rằng, đó là chân lí.
Tuy nhiên, điểm nhìn chính đặt vào Himekawa song không có nghĩa, xuyên suốt tác phẩm, Ratman - Bản sao chép lỗi chỉ được kể dưới điểm nhìn của tay guitar đấy. Bởi cái chết của người con gái Hiraki ở hiện tại, không chỉ Himekawa có suy tưởng riêng mà những thành viên khác trong ban nhạc cũng có suy nghĩ của riêng họ. Và sự ra đi của chị gái Himekawa ngày trước, đâu phải mình Himekawa có kết luận, chính những người còn ở lại trong gia đình anh, cũng có đáp án cho chính họ. Câu chuyện chỉ có một, tiểu thuyết của tác giả Shusuke Michio cũng chỉ có một, song sự đa dạng hình thức kể, mỗi nhân vật nhìn nhận sự việc trong nội tâm theo chiều hướng riêng làm cho điểm nhìn lẫn cấu trúc tác phẩm Ratman – Bản sao chép lỗi trở nên hết sức phức tạp.
Không phải sự phức tạp đến từ hành trình truy tìm hung thủ, vì xuyên suốt toàn bộ cuốn sách hơn 300 trang, dường như không một người nào, thật sự cố gắng điều tra để tìm tung tích kẻ phạm tội. Mà câu chuyện trở nên phức tạp, khi họ tự mặc định hung thủ, tiếp xúc với nhau hàng ngày song chẳng thể giao tiếp hay thấu hiểu lẫn nhau. Kể cả người yêu, bạn bè hay người trong gia đình. Tất thảy, làm bức tranh Ratman càng lúc, càng khúc xạ tới vô tận và xa rời hiện thực, còn con người, như mãi luẩn quẩn trong “chân lí” tự suy diễn rồi day dứt, khổ đau khôn thoát.
Khi hy sinh hóa thành vô nghĩa
Nhà văn Shusuke Michio.
Như đã nói, Ratman – Bản sao chép lỗi có một khía cạnh rất đặc biệt và cũng là điểm chung rất kì lạ giữa các nhân vật của Shusuke Michio, bất kể bạn bè, người yêu hay người thân: Họ ít nói, ít chia sẻ. Những cuộc đối thoại giữa họ thường chứa đựng rất ít thông tin. Họ giấu suy nghĩ vào nội tâm. Và lời nói, chỉ nhằm thể hiện một phần quyết định, kết quả còn nguyên nhân, mặc nhiên không được nhắc đến. Quá nhiều câu thoại bị bỏ lửng sau dấu “...”
Sau cái chết đột ngột của chị gái và cái chết bệnh của người cha, thứ xuất hiện trong ngôi nhà Himekawa là khoảng không, hố đen im lặng vô tận giữa anh và người mẹ luôn u uất. Nghi ngờ cái thai của cô bạn gái nhưng việc Himekawa làm chỉ là lặng im, đưa tiền cho cô phá thai. Himekawa với Kei, em gái Hikari phát sinh quan hệ, cũng là hành động chìm trong im lặng mặc cho anh vẫn nghĩ, hai người thấu hiếu nhau đến thế....
Người ta ngỡ như đã thấu triệt mọi chuyện, cũng như tỏ rõ tâm hồn những người xung quanh. Bởi thế, người ta cho bản thân cái quyền được giống người khác và cái quyền được phép hi sinh vì người khác, mà lấy làm tự mãn. Sự tự mãn như một dạng “AQ” rằng đấy là chân lí, hay đấy là đánh đổi cho sự thanh thản của một kẻ đang gắng sức chuộc lại tội lỗi đã qua.
“Bởi vì, bắt chước là cách thức tạo nên cá tính bản thân.”
Người ta “bắt chước” trên chính những lầm lạc mà khiến sai lầm nối tiếp sai lầm trong khi họ không thể tự ý thức được, bản thân mỗi lúc một lạc lối. “Sai lầm là gì? Ai sẽ là người phán xét? Mong ước điều gì, phải trả giá ra sao để con người ta có thể sống một cuộc đời mà không phạm lỗi lầm? [...] Nếu điều sai trái và sự đúng đắn mang gương mặt giống nhau như đúc thì ai có thể phân biệt được chúng?”
Sai lầm là một phần của cuộc sống. Nhưng thiếu sự giao tiếp, người ta đối thoại với nhau mà như độc thoại rồi mãi lảng tránh vào vùng độc thoại nội tâm thì lại càng là bi kịch của những cá nhân, sống trên cuộc đời, đã luôn cô độc biết bao. Từ cô độc mà khao khát giao hòa, kiếm tìm lòng đồng cảm trên sự hi sinh, hiến dâng chính mình tới bất lực, vô vọng.
Tuy nhiên, lòng hi sinh tới quên mình đó, đặt sai hoàn cảnh, sai con người, không đơn thuần chỉ là vô nghĩa nữa, mà đó sẽ trở thành gánh nặng, cho những người xung quanh và cho cả, cá nhân phải nhận lấy sự hi sinh tới ích kỉ đó.
“Nghệ thuật đánh lừa Ratman”
Ratman – Bản sao chép lỗi là một cuốn tiểu thuyết ngập tràn cái chết lẫn bi kịch tới nặng nề, ngột ngạt. Bi kịch gia đình mang tính truyền đời với sự bạo lực thể xác tới bạo lực tinh thần. Bi kịch tình yêu khi họ yêu nhau mà lại chẳng thể thấu hiểu lẫn nhau. Và bi kịch cá nhân, sự sụp đổ của ý thức khi họ cay đắng nhận ra, sự ngộ nhận tới vị kỉ đã đẩy bi kịch tới chẳng thể vãn hồi. Bởi vốn dĩ, trọn vẹn quãng thời gian trôi qua, đâu thể quay lại. Đánh đổi cho “sự thật” bằng bao “sai lầm” nối tiếp, sao mà đắng cay, đớn đau và nghiệt ngã.
Lấy cội rễ từ lí thuyết “Nghệ thuật đánh lừa Ratman”, bằng cách triển khai nội dung cốt truyện khá đặc biệt, mở đầu câu chuyện bằng một đoạn truyện tai nạn thang máy ở một công ti sản xuất thang máy ngỡ như không liên quan; mỗi chương truyện, đều bắt đầu từ một đoạn nhạc của ban nhạc Himekawa chơi guitar: Sundowner; tác giả Shusuke Michio như đang dùng “nghệ thuật đánh lừa” đó đối với từng độc giả trên từng trang sách Ratman – Bản sao chép lỗi.
Rằng độc giả đã quen với thể loại trinh thám, hẳn không khó nhận định được hung thủ. Nhưng cốt lõi của Ratman – Bản sao chép lỗi đâu phải hung thủ khi xuyên suốt tác phẩm, Shusuke Michio không hề tập trung vào quá trình điều tra, phá án. Mà hơn cả, từ hình ảnh “con chuột” hay “nhà sư”, thật hay giả, có nghĩa hay vô nghĩa... ông đi sâu vào góc khuất nội tâm sâu kín nhất của mỗi cá nhân. Để khắc họa lên, bản diện con người phức tạp với chuỗi bi kịch trong sự rạn vỡ mối quan hệ giữa người với người, sự vụn vỡ lòng tin lẫn “cái tôi” cá nhân “sao chép” mà chính họ, có lẽ đã chẳng thể tự ý thức.
3/4/2023
Mot Mọt
Nguồn: VNQĐ
Theo http://baovannghe.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cánh đồng tuổi thơ  Từ nơi đê biển xa tít mù tắp, Hải Đăng được bố mẹ bồng lên một con tàu để đi vào phương Nam. Nhưng không phải con tà...