Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

"Chuyện tình Lương Chúc" - Đề tài tình yêu đồng tính hay một thói quen nhận thức thẩm mỹ sân khấu

"Chuyện tình Lương Chúc" - Đề tài
tình yêu đồng tính hay một thói quen
nhận thức thẩm mỹ sân khấu?

Nếu lý giải vở kịch dưới góc nhìn thói quen nhận thức thẩm mỹ về sự hợp cảm trong sân khấu, ta mới thấy đó là một cái kết hợp logic. Tất cả chỉ là sự ngộ nhận giữa diễn và thực mà thôi…
1. “Chuyện tình Lương Chúc”…
Chuyện tình Lương Chúc” là một vở kịch nói pha lẫn yếu tố cải lương mang một nội dung mới lạ, hấp dẫn của tác giả - đạo diễn trẻ Trương Văn Trí.
Cốt truyện vở kịch kể về câu chuyện của anh chàng nghệ sĩ trẻ Ngọc Tuấn (do Chuông Vàng Vọng Cổ Võ Minh Lâm thủ vai) với những sự việc rắc rối trong gánh hát tỉnh lẻ của mình. Ngọc Tuấn và Yến Phương (Nghệ sĩ Thy Trang thủ vai) là cặp kép – đào chính của gánh hát tỉnh lẻ này, đồng thời họ cũng là “bảng hiệu” sinh tồn của cả gánh hát. Ngọc Tuấn mang trong mình một tư chất nghệ thuật hiếm có trong giới sân khấu. Đó là khả năng diễn xuất xuất thần, sự hợp cảm với vai diễn của mình. Chính tư chất thiên bẩm này đã giúp anh hóa thân dễ dàng vào nhân vật, sống cùng những trạng thái cảm xúc mãnh liệt của nhân vật. Khi diễn cùng cô bạn diễn Yến Phương, trong vở “Hớn đế biệt Chiêu Quân”, Ngọc Tuấn đã khiến cho Yến Phương tin rằng anh đã yêu cô say đắm. Nhưng thực tế đó chỉ là tình yêu say đắm mà vua Hớn dành cho nàng cung tần Chiêu Quân trong vở diễn. Bởi vì trong đời sống riêng của mình, Ngọc Tuấn đã có người yêu là Mỹ Lệ (Nghệ sĩ Lê Hồng Thắm thủ vai). Tính cách cao ngạo, thói tự tôn thái quá của một “ngôi sao” đã khiến Yến Phương cảm thấy bị xúc phạm. Cô tìm cách gây khó khăn cho cả gánh hát, và cho cả Ngọc Tuấn khi bỏ tập thường xuyên vở diễn kinh điển “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”. Sự kiêu ngạo của Yến Phương đã khiến vở diễn bị trì hoãn hơn sáu tháng ròng.  Cuối cùng, vở diễn bắt buộc cũng phải ra mắt khán giả. Song, ngay trước đêm diễn khai trương, Yến Phương đã dẫn theo cô đào nhì Ngọc Thảo (Nghệ sĩ Phương Thảo thủ vai) lên Sài Gòn đầu quân vào một đại bang. Sự biến đó đã làm gánh hát xáo trộn và đứng trước nguy cơ tan rã khi mất cùng lúc hai cô đào quan trọng. Để cứu nguy cho gánh hát, Phi Long (Nghệ sĩ Vũ Luân thủ vai) với vai trò là một một người nhắc tuồng, và Mỹ Bảo (Nghệ sĩ Gia Bảo thủ vai) – người lo “cơm hội” đã đứng ra đảm nhận hai vai nữ là Chúc Anh Đài và Ngân Tâm.
Từ đây, xung đột kịch mới được phát triển trong mối quan hệ phức tạp. Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của anh chàng Phi Long trong vai Chúc Anh Đài đã đưa anh vào vị trí “đào chính” của gánh, bên cạnh Ngọc Tuấn. Suốt ba năm diễn chung thành “đôi tình nhân trên sân khấu”, tên tuổi Ngọc Tuấn – Phi Long ngày càng được yêu mến. Mặt khác, lúc này Ngọc Tuấn đã bắt đầu nảy sinh tình cảm đặc biệt đối với Phi Long. Xuất phát từ sự thăng hoa tình cảm trong các vai diễn cặp đôi Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Đường Minh Hoàng – Dương Quý Phi, Hạng Võ – Ngu Cơ,… Ngọc Tuấn lại đem tình yêu ấy vào trong quan hệ của mình và Phi Long. Đồng thời, trong chừng mực nào đó, Phi Long cũng đã xiêu lòng vì Ngọc Tuấn. Sự lẫn lộn giữa diễn và thực trong Ngọc Tuấn đã làm rạn nứt cảm tình giữa anh và Mỹ Lệ. Định kiến xã hội, cùng với lòng trắc ẩn đối với Mỹ Lệ đã khiến Phi Long quyết tâm đưa Ngọc Tuấn trở về đời thực. Anh lựa chọn con đường bỏ gánh hát ra đi. Giữa lúc ấy, Yến Phương và Ngọc Thảo, sau cơn thăng trầm bon chen ở chốn Sài Gòn, đã ăn năn trở về gánh hát cũ. Gánh hát đã rộng lòng đón nhân lại họ. Phi Long cũng trao trả vai diễn Chúc Anh Đài về cho Yến Phương, để quay lại với vai trò người nhắc tuồng thầm lặng của mình…
Ngọc Tuấn và Phi Long trong vở Chuyện tình Lương Chúc
2. Đề tài đồng tính…
“Chuyện tình Lương Chúc” vốn là kịch bản dàn dựng tốt nghiệp của đạo diễn Trương Văn Trí (Đạo học Sân khấu Điện ảnh Tp. HCM). Vở diễn mang lại cho người xem nhiều cảm tưởng nhờ tiết tấu nhanh gọn, sự kết hợp thú vị giữa kịch nói và cải lương. Kịch bản này đã góp thêm một cái nhìn, một cách cảm về bộ môn nghệ thuật cải lương và những người nghệ sĩ tâm huyết với nó. Nội dung kịch bản đã đưa ra một lời phê phán nhẹ nhàng vào phương diện đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nghệ sĩ đam mê vinh quang, danh vọng hơn là hoạt động với một tinh thần nghệ thuật chân chính. Lẽ tất nhiên, đó chỉ là một hiện tượng mặt trái nhỏ, bởi bên cạnh đó “Chuyện tình Lương Chúc” cũng đã bày tỏ niềm cảm thông chia sẻ với nghiệp hát, với những người mê hát, đang đứng trước cơn sóng gió dập vùi và luôn bị thời thế chực chờ xóa bỏ không luyến tiếc. Đặc biệt, vở diễn thu hút sự chú ý của nhiều người vì nhiều ý kiến cho rằng nó đã chạm tới một vấn đề nóng hổi và nhạy cảm của xã hội: một mối tình đồng tính.
Đề tài đồng tính đích thực là một mảnh đất màu mỡ đối với văn nghệ đương đại. Bước vào thế kỷ XX, văn hóa – văn nghệ Việt Nam từng đứng trước một cuộc chuyển giao tư tưởng lớn. Hàng thế kỷ trước, cái bóng huy hoàng của văn minh Đại Đông Á đã phủ chụp lên văn hóa – văn nghệ Việt Nam. Những chuẩn mực thẩm mỹ, nhân văn của tư tưởng Đại Đông Á, lấy Trung Quốc làm trụ cột, đã ăn sâu vào tinh thần văn nghệ đến mức gây ra sự nhàm chán. Lúc bấy giờ, ánh sáng rực rỡ của văn minh phương Tây mới lạ đã thu hút con người Việt. Văn hóa – văn nghệ nhanh chóng tiếp nhận thứ văn minh ngoại lai mà cốt lõi là truyền thống khoa học duy lý này. Nhiều nghiên cứu cho rằng Chủ nghĩa hiện thực chính là cái đỉnh cao của sự phát triển lối tư duy phân tích và tinh thần khoa học duy lý phương Tây. Tuy nhiên, với chiều dài phát triển hơn hai, ba thế kỷ, Chủ nghĩa hiện thực gần như đã được khai phá, tìm hiểu hết mọi bề diện của nó. Đến đây, nhân loại lại tìm kiếm soi thấu một hiện thực mới, một thứ hiện thực tinh thần trong bản chất sự vật.
Trong tiến trình chung đó, văn hóa – văn nghệ tìm những hướng đi, những cách tiếp cận khác đối với cấu trúc tầng sâu tâm lý nhân loại, mà vấn đề đồng tính là một trong những khám phá đó. Hiện tượng đồng tính là một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội hiện nay. Không nằm ngoài định hướng chung đó, văn hóa – văn nghệ cũng đã có những cố gắng tìm tòi, khơi sâu, thấu hiểu bản chất tâm hồn, của những trạng thái nhân cách đặc biệt này. Trong lĩnh vực văn học, đề cập đề tài đồng tính có nhiều tác phẩm đương đại Nhật Bản mà nổi bật là các tác giả Haruki Murakami, Banana Yoshimoto… Trong lĩnh vực điện ảnh, đã có những bộ phim có giá trị đầu tư khám phá thế giới đồng tính như “Brokeback Mountain”, “Happy Together”, “Maurice”, “Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt”… Không thua kém hai lĩnh vực anh em, sân khấu kịch nói cũng đã có những vở diễn chạm đến đề tài này như “Phận làm trai”, “Người đàn bà không ngủ”, kịch hình thể “Stereo man”, “Trai mới lớn”, hay gần đây là “Trai yêu”, “Chuyện hai chàng”... Nhà văn, đạo diễn, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng từng dàn dựng một bộ phim sân khấu kề về hai chàng đồng tính với tên gọi “Khi bóng yêu hình”. Vở được trình diễn tại Mỹ, được ghi hình và phát hành DVD (nhưng ở Việt Nam không được phát hành). Chỉ có một cuộc “nhìn mặt đặt tên” thôi mà cũng thấy được làn sóng sôi động về đề tài này trong dòng chảy văn nghệ đương đại. Từ điểm nhìn của cá nhân người viết, người viết nhận thấy đây là một cuộc khám phá đậm chất nhân văn của văn nghệ thời đại khi tiếp cận một phần không nhỏ của nhân loại, một diện mạo nhân bản của tâm hồn người. Đề tài về đồng tính đích thực là cuộc cách mạng nhân văn tiến bộ lần thứ hai, sau cuộc cách mạng nữ quyền, góp phần giải phóng cá tính và khẳng định những giá trị đậm chất nhân bản.
Một cảnh trong vở Chuyện tình Lương Chúc
3. … Và một thói quen trong nhận thức thẩm mỹ sân khấu
Trước và sau khi vở diễn “Chuyện tình Lương Chúc” được công diễn (ngày 4/3/2012 tại rạp Công Nhân – Trần Hưng Đạo, ngày 15, 16/3/2012 tại nhà hát Bến Thành) đã có nhiều bài báo, bài giới thiệu, bài phê bình từ góc nhìn khán giả cho đây là một vở diễn về đề tài đồng tính. Nhưng kỳ thực người viết cho rằng đó là một sự khẳng định vội vàng, hấp tấp. Sự nhận định đó có thể là một thủ thuật “câu” khán giả, có thể là do chưa có sự nghiền ngẫm thấu đáo, chân phương từ vị trí người tiếp nhân, cũng có thể là do sự thiếu hiểu biết chín chắn về nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng. Thậm chí, ta cũng không thể phủ nhận tác động ảnh hưởng của tâm lý theo trào lưu gây nên sự ngộ nhận sai lầm đó.
“Chuyện tình Lương Chúc” có thể là một câu chuyện về đề tài đồng tính? Hoàn toàn có thể! Vì câu chuyện kịch xoay quanh nội dung trọng tâm là những rắc rối, những băn khoăn xao động của hai nhân vật nam Ngọc Tuấn và Phi Long. Nhưng thực tế đó chỉ là hình tượng bề nổi của vở diễn. Ngay cả những bài viết mà người viết đã nhắc đến ở trên, không bài nào không công nhận rằng nhân vật Ngọc Tuấn yêu Phi Long như Lương Sơn Bá yêu Chúc Anh Đài, như Đường Minh Hoàng yêu Dương Quý Phi,… Họ yêu nhau dưới cái bóng của một con người khác, một con người ảo, hay đúng hơn là dưới vỏ bọc của một hình tượng nghệ thuật.
Mở đầu vở diễn, đáng lẽ chúng ta phải nhận ra ngay rằng kịch bản đã mặc định một hướng cảm nhận chủ đạo cho vở diễn chính là xuất phát từ quan niệm “xuất thần trong vai diễn”. Chính sự “xuất thần trong vai diễn” này đã khiến cho Yến Phương ngộ nhận tình cảm của Ngọc Tuấn. “Xuất thần trong vai diễn” là một thói quen trong tâm lý nhận thức của người nghệ sĩ sân khấu, đặc biệt biểu hiện rõ nhất ở người nghệ sĩ sân khấu phương Đông.
Sân khấu phương Đông nói chung, sân khấu Việt Nam nói riêng đều xem trọng yếu tố tâm linh. Xét từ góc độ văn hóa thì đó là một loại hình nghệ thuật nghiêng về trạng thái âm tính. Trong một sự ngẫu nhiên, từ hý khúc của Trung Quốc đến chèo, tuồng (hát bội) rồi cả cải lương ở Việt Nam đều chú trọng vai trò diễn xướng của người nữ diễn viên. Sân khấu truyền thống Việt Nam là sân khấu kịch hát, lấy “hát” làm phương thức diễn xướng chủ yếu. Xem xét các vở diễn sân khấu, thông thường dung lượng ca diễn của người diễn viên nữ chiếm tỷ lệ cao hơn diễn viên nam nhiều. Thậm chí, khi khảo sát một màn trình diễn đôi gồm một nam và một nữ thì sự ca, diễn của nữ bao giờ cũng nhiều hơn. Trong cải lương, bài bản quan trọng nhất là bản vọng cổ cũng được cho rằng không thể thiếu đối với nhân vật nữ. Bởi sân khấu kịch hát là loại hình chú trọng tính chất thanh – sắc của người diễn, mà bản vọng cổ là bài bản có tác dụng mạnh trong nghệ thuật phô bày thanh - sắc. Trong khi đó, thanh và sắc là hai yếu tố thế mạnh thiên phú dành cho phái nữ. Không những vậy, trong hành động kịch, sự “diễn” động tác, hình thể của người diễn viên nữ bao giờ cũng cầu kỳ, trau chuốt hơn diễn viên nam. Sở dĩ vậy là vì thế mạnh của phái nữ là diễn đạt được cái khí chất hướng nội, lột tả cái đặc trưng tình cảm bên trong, cũng như chiều sâu của tính cách mà thuộc tính “âm” quy định cho sân khấu truyền thống dân tộc.
Chính vì chú trọng âm tính, chú trọng yếu tố tâm linh mà sân khấu Việt Nam hình thành một thói quen tín ngưỡng. Sân khấu Việt Nam thờ phụng Ông Làng xem là Tổ ngành sân khấu, đặt ra ngày giỗ Tổ hàng năm (12/8 Âm lịch). Người nghệ sĩ quan niệm trước khi ra diễn phải khấn vái Tổ nghề, diễn hay, được yêu mến thì xem là Tổ đãi, không được yêu mến thì xem là Tổ trác, trước khi chết hát nghêu ngao mấy câu gọi là hát trả nghề… Những biểu hiện nói trên cho thấy người nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chú trọng rất nhiều vào thế giới tâm linh đằng sau cuộc sống thực. Đặc biệt, người nghệ sĩ còn quan niệm rằng con người có thể đạt được trạng thái diễn viên – vai diễn hợp nhất, gọi là sự hợp cảm. Họ cho rằng có những khoảnh khắc người diễn sống như nhân vật, hành động như nhân vật, thậm chí họ chính là nhân vật. Về vấn đề hiện tượng hợp cảm trên sân khấu, nhà tư tưởng lý luận kịch tự sự biện chứng Bertolt Brecht phản đối mạnh mẽ lối suy nghĩ này. Ông cho rằng người diễn viên diễn chân thật đến mức nào đi nữa thì cũng cũng chỉ là diễn, khác nhau ở chỗ diễn ở một trình độ điêu luyện hơn mà thôi. Người viết đồng tình với nhận định trên của Brecht. Song, theo quán tính của thói quen nghệ thuật, nhận thức thẩm mỹ về sự hợp cảm trong sân khấu là một thực tế không thể phủ nhận.
Trên cái nền nhận thức thẩm mỹ nêu trên, “Chuyện tình Lương Chúc” đã đặt ra một hình tượng, trong số vô vàn những sáng tạo hình tượng về bộ môn nghệ thuật cải lương, về khát vọng đạt đến cảnh giới hợp cảm của người nghệ sĩ. Mặc dù chính sự hợp cảm của Ngọc Tuấn và Phi Long đã gây ra một sự ngộ nhận đề tài về tình yêu đồng tính, nhưng nhận định đó có phần khiên cưỡng. Trong cách thức rào đón của vở diễn, nó cho thấy một sự lý giải có khả năng thỏa mãn những lầm lẫn đó. Có nhận định cho rằng cái kết của “Chuyện tình Lương Chúc” chưa thật sự đưa giá trị vở diễn lên cao vì cả hai nhân vật Ngọc Tuấn và Phi Long đều chọn con đường trốn tránh, không sống với chính mình. Nhưng nếu lý giải cái kết ấy dưới góc nhìn thói quen nhận thức thẩm mỹ về sự hợp cảm trong sân khấu, ta mới thấy đó là một cái kết hợp logic. Tất cả chỉ là sự ngộ nhận giữa diễn và thực mà thôi… 
20/9/2013
Vương Hoài Lâm
Theo http://vanchuong.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  CHƯƠNG XI phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý- Tầm quan trọng của các giới hạn...