Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

Lễ cúng ruộng, nét văn hóa dân gian nghề nông của người Việt

Lễ cúng ruộng, nét văn hóa dân gian
nghề nông của người Việt

Từ xưa, trong tâm thức của người Phương Đông nói chung, của người Việt nói riêng luôn sống gần gũi, gắn bó, hòa mình và dựa vào thiên nhiên với quan niệm “Thiên địa nhân hợp nhất”. Đặc biệt, đối với những người làm nông nghiệp đều quan niệm nhờ vào vị thần Nông đã đem lại  mưa thuận gió hòa, trời êm biển lặng, mùa màng tươi tốt, bội thu. Sau mỗi mùa thu hoạch người nông dân sắm sửa lễ vật để đem ra đồng làm lễ cúng ruộng (hay còn gọi cúng tạ mùa, cúng thần Nông).
“Lớn lên từ đất, sống bằng nghề làm nông cho nên có được no đủ, sung túc hay không phụ thuộc trực tiếp vào vụ lúa trĩu bông hay lép hạt. Cúng ruộng là cách để chúng ta tri ân với trời đất, ông bà tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, tránh được dịch bệnh, vụ lúa sau sẽ tốt hơn vụ lúa trước...”. Theo các vị cao niên thường dặn dò lại con cháu như vậy!  Từ những mong ước bình dị của người nông dân, ngày xưa trong dân gian đã hình thành nên tục cúng ruộng để tri ân vị Thần Nông - vị Thần tương truyền là người đầu tiên đã dạy dân trồng lúa, làm hoa màu.
Lễ cúng được tổ chức vào khoảng tháng 3 âm lịch, sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, hay còn gọi là vụ mùa tháng 3 (vụ Hè –Thu tiết trời mưa, đồng ruộng ngập nước nên không cúng).
Lệ thường lễ cúng được diễn ra vào buổi chiều thời gian khoảng 16 giờ, lúc này thời tiết dịu nắng, gió nồm (gió Đông) từ biển thổi vào mát mẻ...Ngay từ trưa, sau bữa  người vợ và con cái trong gia đình đã bắt tay vào bếp để nấu chè, sáo xôi, làm gà, luộc thịt heo... người chồng chuẩn bị hương (nhang), đèn, hoa (dùng bông điệp là chính); quả (những sản vật trong vườn trồng: chuối, mận, ổi...). Các vật phẩm chuẩn bị xong đều đặt vào đôi quang gánh để đem ra ruộng, hầu hết là người vợ gánh đi, người chống vác cuốc (đến ruộng dẫy gốc ra làm sân trải chiếu để bày lễ vật cúng), con cái trong nhà đi theo, người thì ôm chiếc chiếu, người thì xách ấm nước chè... tạo ra khung cảnh buổi chiều cúng ruộng ở nông thôn thật rộn ràng và đầm ấm.
Lễ vật được cẩn trọng bày biện ra chiếu, gồm chè, xôi, thịt, hoa quả, trà, nước (chè và nồi xôi xới ra chén nếu còn lại, không cất đi mà vẫn đặt cạnh bên mâm cúng). Người chủ nhà (chủ ruộng), sửa lại áo quần nghiêm túc, đốt 3 cây hương khấn vái.
Bài cúng như sau:
Niệm Phật hiệu: Nam mô A Di Đà Phật (03 lần)
Khấn vái: Cung thỉnh Long thần, Thổ cuộc/ Bộ hạ tam thập lục loại/ Âm hồn cô hồn thương vong ngọa quỷ/ Vô danh vô hiệu đẳng chư hương hồn (dịch nghĩa: Mời thần hoàng, thổ địa, tay chân bộ hạ, các vong hồn)
Tín chủ…
Tuổi… cung…Mạng...
Vợ thách trung:...
Tuổi… cung… Mạng...
Lập điền địa tại xứ đồng:..., hôm nay ngày lành, tháng tốt (Lời khấn vái tiếp):
Cung duy tiên nông
Cúi thiên tri vị
Thao chế tác quyền
Tạo mạt cự dĩ nông điền, công diệc đại hỹ.
Giáo canh vân nhi nghệ cốc, dân lại sinh yên
Tri thích thời phương ngũ cốc
Kính trần lễ cáo tạ điền
Thượng kỳ lai cách
Ứng dĩ tất nhiên
Phong vũ điều hòa vụ lại, cao đê chi đắc toại
Hoà ma sướng mậu vật linh, thuỷ thảo chi hoặc khiên
Thứ tước viễn ly ư dã ngoa
Hoàng trùng bất nhập ư cách biên
Xứ xứ hàm ca thịnh thế.
Nhân nhân cộng lạc phong niên
Cúng thỉnh ngũ phương Thần đế
Đồng lai chứng giám, phối hưởng
Dịch nghĩa:
Kính nhớ đức Tiên nông
Quyền hành nắm giữ
Ngôi trời thiêng liêng
Mở nghiệp ruộng nương, công ngài vĩ đại
Dạy nghề trồng trọt, nuôi trồng  bình yên
Nay đã đến kỳ thu hoạch lúa, khoai
Kính dâng lễ cúng tạ ruộng đất
Cúi xin chứng giám
Cầu được hiển nhiên
Vụ tới mưa thuận gió hòa, thấp cao đều thỏa
Mùa về lúa làng vững mẩy, kho lẫm đầy thêm
Chuột sẽ chẳng tàn đồng ruộng
Sâu rầy không phá mùa màng
Nơi nơi hát mừng đời thịnh
Người người vui hưởng phong niên
Cung kính mời 5 vị thần
Về cùng chứng giám và thưởng lãm.
Có nhiều gia đình vì hoàn cảnh khó khăn, lễ vật chỉ có chè xôi và trong lễ cúng chỉ khấn vái sơ lược nhưng trang nghiêm cẩn trọng.
Khi nhang tàn, việc đầu tiên sau khi hạ lễ, người chủ nhà mời gọi các trẻ con chăn bò (mục đồng) và các người làng xóm cùng cúng ở xứ đồng qua lại ăn uống với nhau tại ruộng, với quan niệm của người dân làm ruộng là “chia lộc” với hàng xóm láng giềng vào ngày lễ cúng ruộng, đó cũng là một nét đẹp văn hóa dân gian của người dân làm nông này xưa. Chẳng biết cái lộc đó đem đến may mắn như thế nào nhưng điều ý nghĩa nhất đọng lại là tình cảm làng xóm gắn bó, nồng ấm chia sẻ sau vụ mùa thu hoạch.
Ngày nay ở Phú Yên vẫn còn lưu truyền và phục hồi trong dân gian một số lễ hội truyền thống, song lễ cúng ruộng (cúng Thần Nông) là lệ cúng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, có tác dụng giáo dục tính cộng đồng, nhưng ngày nay lễ cúng này đã dần phai mờ trong đời sống của những cư dân nông nghiệp ở Phú Yên nói riêng, vì thế cần khôi phục, gìn giữ và phát huy.
29/8/2013
Hoàng Hà Thế
Theo http://vanchuong.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  CHƯƠNG XI phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý- Tầm quan trọng của các giới hạn...