Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Lê Văn Nghĩa trong cõi nhớ Sài Gòn

Lê Văn Nghĩa
trong cõi nhớ Sài Gòn

Hai cuốn truyện trào phúng về điệp viên Không Không Thấy - một nhân vật hấp dẫn của Lê Văn Nghĩa - vừa rời bàn biên tập để đưa tới nhà in. Một luận văn thạc sĩ nghiên cứu về tác phẩm của anh cũng đang triển khai. Vậy mà Lê Văn Nghĩa không chờ được, đã vội ra đi…
Nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953-2021)
40 năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh Lê Văn Nghĩa trong lần đầu tiên gặp anh tại buổi sinh hoạt văn nghệ vào một tối mùa hè năm 1981, tổ chức ở ngôi nhà 62 Trần Quốc Thảo, quận 3, TPHCM…
Lần đó khá vui, sau khi Trịnh Công Sơn hát bài Chiều trên quê hương tôi và các nhà thơ đọc tác phẩm mới, ông Nguyễn Quang Sáng giới thiệu Lê Văn Nghĩa – người đoạt giải nhì (không có giải nhất) về thể loại kịch bản trong cuộc thi sáng tác văn học của Thành đoàn.
Nghĩa lên phát biểu vắn tắt về nội dung vở kịch, vẻ e dè, có phần lúng túng nữa.
Một tuổi trẻ can trường
Tuy biết Lê Văn Nghĩa hoạt động trong Tổng đoàn học sinh Sài Gòn trước 1975, nhưng hồi đó tôi không ngờ con người có bề ngoài rụt rè ấy lại từng trải qua một tuổi hai mươi can đảm.
Vài năm trước đây, khi ngồi soạn lại những tài liệu cũ để tặng Nghĩa, tôi tìm được hai tập “Tù chính trị” mà Ủy ban Vận động cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam, do linh mục Chân Tín làm chủ tịch, đã tổ chức biên soạn và ấn hành ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Lần giở lại hai tập tài liệu dày gần 700 trang, in ronéo trên giấy khổ A4, tôi bắt gặp tên Lê Văn Nghĩa trong danh sách các tù nhân và lá thư của mẹ anh gửi ban quản lý trại giam để xin đi thăm con.
Thì ra, vì tham gia phong trào tranh đấu mà Lê Văn Nghĩa – một học sinh Sài Gòn có cha là viên chức của chính quyền – đã bị bắt giam qua các nhà tù khác nhau: Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo, và khi được thả ra lại bị “chỉ định nơi cư trú” cho đến ngày hòa bình.
Trong kỳ thi tú tài mùa hè đỏ lửa năm 1972, Bộ Quốc gia giáo dục Việt Nam cộng hòa, làm đúng chức trách của mình, đã tổ chức một hội đồng thi riêng cho các tù nhân là học sinh ngay trong nhà lao Chí Hòa, có giám thị coi thi nghiêm túc. Tù nhân – học sinh Lê Văn Nghĩa đã thi đậu tú tài năm đó.
Gần đây, Lê Văn Nghĩa có kể là sau 1975 anh được cử đi học Trường Tuyên huấn trung ương ở Hà Nội mà lớp trưởng là một cựu quan chức cao cấp mới từ trần.
Lớp của anh chắc sau này có nhiều người giữ cương vị quan trọng, riêng Nghĩa thì chức vụ cao nhất mà anh đảm nhiệm trước khi về hưu là phó tổng thư ký tòa soạn phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười, một đặc sản báo chí và văn nghệ của TP.HCM mà anh có công xây dựng từ đầu, đã tồn tại hơn 37 năm, trở thành tờ báo trào phúng có tuổi đời lâu nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam.
Người vẽ bức tranh về Sài Gòn ngày cũ
Tôi thực sự yêu thích văn kể chuyện tự nhiên, hoạt náo của Lê Văn Nghĩa khi đọc bốn cuốn truyện anh viết về học đường miền Nam, bắt đầu với Mùa hè năm Petrus và gần đây là Mùa tiểu học cuối cùng.
Gần 1.300 trang sách trang trải những kỷ niệm thiếu thời qua hình ảnh những thầy cô giáo đáng trọng, những học trò đáng yêu trong sân trường, lớp học và trên những ngả đường, góc phố Sài Gòn thời chiến.
Tác phẩm của anh lôi cuốn không chỉ nhờ cốt truyện mà còn nhờ những chi tiết từ đời thực được tái tạo trong văn hư cấu.
Như chuyện ông chủ hiệu sách Khai Trí tha thứ và tặng sách cho cậu học trò nghèo vì ham đọc mà “chôm” sách hay; chuyện nhà văn Sơn Nam cất công vào tận Trường Petrus Ký xác thực với cô giáo điều người học trò viết về ông trong bài thuyết trình; chuyện bác soát vé xe buýt bảo cậu bé đi lậu vé hãy quét sàn xe để bác trả công hai đồng đủ tiền mua vé; chuyện mấy đứa học trò đi viếng đám tang bà cụ bán bánh mì trước cổng trường mà cảm hóa được đứa cháu tưởng như bất trị của bà.
Mối quan hệ giữa văn chương và giáo dục đạo đức thật là hài hòa dưới ngòi bút Lê Văn Nghĩa.
Mấy năm nay, phát hiện bệnh trọng, vừa lo chạy chữa, Lê Văn Nghĩa vừa tranh thủ thời gian ghi lại những ấn tượng và nhận thức về xã hội miền Nam thời cũ một cách chân thực và khách quan qua những tản văn và tạp bút.
Có thể nói những tác phẩm của anh được hình thành từ sự hồi phục của ký ức, ký ức cá nhân hòa trong ký ức cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả xem đó như kết quả của việc khâu vá lại những mảnh thời gian, qua đó mà khâu vá lại chính tâm hồn mình.
Những mảnh ghép hồi cố chân thành mà không ủy mị thoạt nhìn có thể rời rạc, phân tán nhưng liên kết lại sẽ cho ta một bức tranh về Sài Gòn ngày cũ, Sài Gòn của thời niên thiếu Lê Văn Nghĩa.
Về hưu, không bị công việc làm báo thúc bách, anh Nghĩa hay ngồi với bạn bè. Anh có những nhóm bạn già thân thiết, “khi ly khi tô” – thường cà phê sáng, thỉnh thoảng bia bọt chiều cuối tuần nhân dịp có người ra sách mới hay dự đoán trúng kết quả một trận bóng đá.
Trong bàn, lúc tranh luận một chuyện gì, anh cũng đều nói ý kiến mình một cách dè dặt, khiêm tốn, chẳng bao giờ áp đảo ý kiến của ai. Và điều lạ nhất là bỉnh bút của báo cười lại là người ít cười nhất trong những lần tụ họp bạn bè.
Hình như tiếng cười anh đã gửi hết vào các tiểu phẩm châm biếm và những trang truyện thiếu nhi đầy trò đùa vui tinh nghịch của anh. Luôn chu đáo với bạn bè, Lê Văn Nghĩa lại kín tiếng về mình.
Biết anh nằm viện, nhiều lần bạn bè muốn vào thăm nhưng lần nào anh cũng từ chối vì e ngại ảnh hưởng dịch Covid-19, còn nói đùa đó là “bí mật quân sự”.
Trong bữa cà phê sáng sau Tết Tân Sửu, tôi nói Lê Văn Nghĩa cố gắng viết thêm một cuốn truyện nữa về tuổi trẻ băn khoăn và thao thức ở miền Nam; anh cười buồn, bảo e không còn đủ sức.
Hai cuốn truyện trào phúng về điệp viên Không Không Thấy - một nhân vật hấp dẫn của Lê Văn Nghĩa - vừa rời bàn biên tập để đưa tới nhà in. Một luận văn thạc sĩ nghiên cứu về tác phẩm của anh cũng đang triển khai.
Vậy mà Lê Văn Nghĩa không chờ được, đã vội ra đi. 
7/7/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Văn học Sài Gòn
Theo https://nguyenhungvabanbe.com/
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà th...