Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Ngôn ngữ ưu thế

Ngôn ngữ ưu thế

Milan Kundera trong một bài viết của mình đã cực lực phản đối nhiều người coi F.Kafka là một nhà văn Séc, vì ông cho rằng thiên tài người Do Thái chỉ viết văn bằng tiếng Đức, và bản thân F.Kafka cũng tự coi mình là nhà văn Đức. Milan đặt một giả thuyết thú vị, nếu F.Kafka viết bằng tiếng Séc thì ngày nay sẽ không ai biết F.Kafka là ai! Giả thuyết này thật đáng sợ nhưng không phải không có lý. Vì sao tác giả của cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết lại có một nhận định gây shock như vậy?
Vấn đề nằm ở sức mạnh của một ngôn ngữ. Milan Kundera đặt giả thuyết vì tiếng Đức là một ngôn ngữ mạnh hơn tiếng Séc rất nhiều. Ngoài việc phổ biến hơn (nhiều nước sử dụng) thì tiếng Đức là ngôn ngữ của một cường quốc. Nước Séc và tiếng Séc có lẽ chưa bao giờ có được vị thế ấy. Có phải vì thế văn học được viết bằng thứ ngôn ngữ ưu thế thì nhà văn sẽ được lợi hơn? Tôi không tường tận lý do F.Kafka viết bằng tiếng Đức nhưng có lẽ ông đã từng nghĩ đến sức mạnh của ngôn ngữ khi lựa chọn giữa tiếng Đức và tiếng Séc để viết?
Milan Kundera còn dẫn ra một ví dụ khác. Ông cho rằng những saga (sử thi) của vùng Iceland ở thế kỉ XIII, XIV đã không được nhìn nhận đúng giá trị vì chúng đã được viết bởi tiếng Iceland. Nếu chúng viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức thì có lẽ sẽ khác, bất chấp thời điểm xuất hiện các saga này thì những tác phẩm tương tự còn chưa xuất hiện ở Pháp hay ở Anh. Những tác phẩm được coi là những tiểu thuyết đầu tiên của châu Âu bị thiệt thòi chỉ vì chúng không được viết bằng thứ ngôn ngữ ưu thế. Chính Milan Kundera đã rất thấm thía điều này. Từ khi sống lưu vong ở Pháp, dần dần ông đã viết văn bằng tiếng Pháp và muốn được coi mình là một nhà văn Pháp, giống như bậc tiền bối của ông là F.Kafka đã tự coi mình là nhà văn Đức chứ không phải nhà văn Séc. Cả hai người đều sử dụng thứ ngôn ngữ ưu thế, tiếng Đức và tiếng Pháp để tác phẩm của mình có cơ hội lớn hơn.
Nói như thế để thấy rằng những nhà văn sử dụng tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha... có lẽ không bao giờ cảm thấy thiệt thòi về ngôn ngữ của mình. Họ viết thứ tiếng của các cường quốc và đương nhiên tâm thế đón đợi của độc giả quốc tế sẽ tốt hơn so với các tác giả viết bằng ngôn ngữ thiểu số hoặc của các nước nhỏ yếu. Ưu thế về ngôn ngữ nói của các cường quốc là không thể phủ nhận. Ở đây để tránh hiểu lầm tôi xin nói thêm rằng, không phải ngôn ngữ ở các nước nhỏ thiếu sự giàu có hay sinh động mà sự “bất bình đẳng trong tâm thức” này chủ yếu bởi ngôn ngữ được sử dụng của các cường quốc có quá nhiều lợi thế.
Sử dụng ngôn ngữ của các cường quốc có lợi lắm chứ. Nó sẽ phát tán, áp đặt và ảnh hưởng bởi sức mạnh quân sự, sự giàu có về kinh tế, hàng hóa, sự lan tỏa văn hóa sang các nước khác. Ta dễ thấy, một tác phẩm văn học hoặc một trào lưu nghệ thuật nổi tiếng ở nước Mỹ thì ảnh hưởng của nó ra toàn cầu sẽ nhanh và mạnh hơn nhiều so với một sản phẩm tương tự ở một nước nhỏ hơn. Ở đây có một “sự bành trướng ngấm ngầm” về sức mạnh ngôn ngữ mà người ta vẫn quen gọi là quốc tế hóa văn hóa.
Một nhà văn người Việt có lần bảo tôi rằng, nếu anh ấy viết bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Pháp hoặc tiếng Anh thì có thể vị thế của anh ấy đã khác bây giờ. Đây không phải là câu nói đùa và cũng không phải sự vong quốc hay tâm lý nô dịch. Đây là một thực tế. F.Kafka sống ở Séc và viết văn bằng tiếng Đức; Nabokov là người Nga, sống ở Mỹ và viết bằng tiếng Anh; Joseph Conrad là người Ba Lan, sống ở Anh và viết văn bằng tiếng Anh. Dẫn ra điều này không phải để khẳng định F.Kafka, V.Nabokov hay Joseph Conrad phản bội quê hương của mình. Nước Séc, nước Nga, nước Ba Lan tự hào biết mấy khi có những nhà văn kể trên. Và tiếp tục câu chuyện về Milan Kundera khi ông dẫn ý kiến của nữ nhà văn Vera Linhartova, người đồng hương nổi tiếng của ông: “Nhà văn không phải tù nhân của một ngôn ngữ duy nhất”.
Nói như thế để thấy rằng, người sáng tác hoàn toàn có thể chọn một thứ ngôn ngữ bất kỳ để viết. Anh ta sẽ chọn ngôn ngữ nào? Sự lựa chọn thường là những ngôn ngữ có ưu thế và phổ biến hơn vì đơn giản với ngôn ngữ ấy tác phẩm sẽ có nhiều người đọc và được chú ý hơn. Nhưng điều này đôi khi lại khá nguy hiểm khi nhà văn không viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình, anh ta thường bị coi là bạc bẽo, vong quốc. Có lẽ cái quan niệm “phải viết vào tiếng mẹ đẻ” là một thứ định kiến ăn quá sâu vào rất nhiều người. Chỉ những trường hợp tác giả sống ở nước ngoài và viết bằng ngôn ngữ của nước ấy thì sự chấp thuận dễ dàng hơn.
Ở các nước châu Á, ưu thế về ngôn ngữ không quá rõ ràng như châu Âu. Hầu như không có ngôn ngữ nào được coi là ưu thế, kể cả tiếng Trung Quốc được nói bởi hơn một tỉ người. Một ví dụ dễ thấy là một tác phẩm nổi tiếng viết bằng tiếng Trung Quốc thì phải khá lâu mới được biết đến bên ngoài lãnh thổ Trung Hoa, một sự khác biệt khá lớn nếu so sánh với một tác phẩm tương tự viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.
Milan Kundera cho rằng F.Kafka khi lựa chọn ngôn ngữ viết đã nghĩ đến sức ảnh hưởng của nó.
Từ cuối thế kỷ XX, Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở thành những cường quốc thực sự ở châu Á và vì thế ngôn ngữ của họ đã dần trở thành những ngôn ngữ ưu thế. Tác phẩm của các nhà văn Nhật Bản và Hàn Quốc được dịch sang các ngôn ngữ khác nhanh hơn, trong đó có tiếng Việt. Ở Việt Nam, ngoại trừ tiếng Trung Quốc, do có một lịch sử và sự gắn liền văn hóa quá lâu đời và những bối cảnh đặc biệt, hiện thời tác phẩm của các nhà văn châu Á được dịch nhiều nhất là đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Các ví dụ tiêu biểu, có thể kể đến tác phẩm của những tác giả như Kawabata, H.Murakami, Tanazaki... đến từ Nhật Bản và Shin Kyung-sook, Ahn Do Hyun, Han Kang... đến từ Hàn Quốc.
Các nhà văn gốc Việt cũng sử dụng những ngôn ngữ ưu thế cho tác phẩm của mình. Những người sống ở nước ngoài như Linda Lê, Viet Thanh Nguyễn, Kim Thúy... viết trực tiếp bằng tiếng Anh hoặc Pháp. Tác phẩm của họ đã nhận được sự công nhận rộng rãi và có những thành tựu đáng kể. Linda Lê được coi là một trong những nhà văn nữ đương đại tiêu biểu nhất của Pháp. Tác phẩm của Linda Lê đoạt nhiều giải thưởng danh giá và đã được dịch sang tiếng mẹ đẻ như Thư chết, Lại chơi với lửa, Vượt sóng, Sóng ngầm... Còn Viet Thanh Nguyễn đã đoạt giải Pulitzer ở hạng mục văn học hư cấu cho tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên). Những tác giả ấy, ở bối cảnh và cuộc sống hiện thời của họ, chọn thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ cho tác phẩm của mình là điều đương nhiên.
Các nhà văn sống trong lãnh thổ quốc gia Việt Nam, có nhiều người từ những dân tộc thiểu số như Tày, Mường, Thái... cũng chọn thứ ngôn ngữ phổ biến để viết tác phẩm của mình. Sự lựa chọn này là đương nhiên và phù hợp với quy luật tồn tại và phát triển của văn hóa, văn học. Ngoài những tác phẩm viết bằng tiếng Việt (Kinh) là ngôn ngữ phổ biến, những nhà văn các dân tộc thiểu số cũng sử dụng tiếng dân tộc mình ở những trường hợp cụ thể để bảo tồn và phát huy tiếng mẹ đẻ. Ở đây, sự lựa chọn ngôn ngữ ưu thế là điều hoàn toàn bình thường để tác phẩm có cơ hội được biết đến nhiều hơn.
Một nhà văn trẻ đã nói với tôi rằng, chị đang thử nghiệm viết văn trực tiếp bằng một ngôn ngữ có ưu thế hơn. Điều này không phải chị đã chán tiếng Việt mà tác giả muốn có những thử nghiệm mới. Khi nhà văn viết bằng hai ngôn ngữ, rõ ràng cơ hội cho tác phẩm sẽ nhiều hơn. Chúng ta đã từng chứng kiến những hiện tượng này, Milan Kundera viết bằng cả tiếng Séc và tiếng Pháp, Nabokov viết bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh, Cao Hành Kiện viết bằng cả tiếng Trung và tiếng Pháp và điều này chỉ làm cho tác phẩm của những người kể trên có nhiều bạn đọc hơn chứ không suy giảm đi.
Đã đến thời điểm các nhà văn trẻ thành thạo nhiều ngôn ngữ và họ có những lựa chọn mới. Đã đến lúc câu nói kinh điển của nhà văn Séc - bà Vera Linhartova, về sự xóa bỏ cầm tù bởi một ngôn ngữ duy nhất mở ra rất nhiều hướng mới mà xu thế này không thể tránh khỏi hay phủ nhận. Tất nhiên sẽ có một thực tế xảy ra, những quốc gia từng bị coi là nhỏ bé đã trở nên hùng mạnh hoặc bản thân đất nước ấy sản sinh ra những tác phẩm hay. Từ một ngôn ngữ không ưu thế, tiếng Hàn, tiếng Nhật đã dần dần trở thành một ngôn ngữ quyền lực ở châu Á và những nhà văn sống trong những đất nước ấy được hưởng lợi từ quá trình biến đổi này.
Ngôn ngữ không phải là một thực thể có sức mạnh vĩnh viễn, nó có thể thay đổi bởi hoàn cảnh lịch sử, thực lực kinh tế, vị thế của quốc gia. Sự thay đổi này đã nhiều lần diễn ra trong lịch sử như ta từng thấy sự bùng nổ của tiếng Anh ở thế kỷ XIX khi nước Mỹ trở thành một cường quốc. Các ngôn ngữ ưu thế có thể bị yếu đi và các ngôn ngữ ít phổ biến hơn có thể hùng mạnh hơn, đó chính là sức hấp dẫn của sự vận động và phát triển ngôn ngữ cũng như thay “vận mạng” của các tác phẩm viết bằng thứ ngôn ngữ ấy. Nhưng có thể khẳng định một điều, nếu có một kiệt tác thực sự được tạo ra, nó sẽ không phụ thuộc vào việc viết bằng ngôn ngữ nào. Sự công nhận trước sau sẽ đến với tác phẩm và vì thế chúng ta cũng không có gì phải buồn rầu khi đang viết bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, dù nó có mạnh yếu thế nào
25/7/2019
Uông Triều
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 23.7.2019
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...