Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Nhà văn Tất Thục Mẫn: "Virus là dao thớt, loài người là thịt cá"

Nhà văn Tất Thục Mẫn: "Virus là
dao thớt, loài người là thịt cá"

"Nếu như nhất định phải nói ai là chủ nhân của hành tinh, virus có tư cách hơn chúng ta nhiều. Virus xâm nhập lây lan, nó đã biến chủng như thế nào? Tại sao nó xông ra khỏi hang ổ, lây nhiễm vô tội vạ cho loài người? Chúng ta làm sao sống hòa bình với các loài sinh vật trong tự nhiên trên hành tinh xanh này? Đó đều là những điều chúng ta đáng phải suy ngẫm..."

Tháng giêng năm 2020, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra (COVID-19) bất ngờ tấn công thành phố Vũ Hán. Đầu tháng 2, khi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát, cư dân mạng Trung Quốc kháo nhau những gì xảy ra hôm nay rất giống với những gì nhà văn Tất Thục Mẫn đã viết trong tiểu thuyết Virus Tràng hoa (Corolla virus) xuất bản năm 2012: “Dịch bệnh bất ngờ, thành phố phong tỏa, người dân trốn chạy, ùn ùn mua sắm…, tiểu thuyết như một lời tiên đoán”. Gần đây, Tân Hoa xã (THX) đã phỏng vấn nhà văn Tất Thục Mẫn xung quanh tác phẩm này.
THX: Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, bà từng viết: “Tôi vẫn còn nhớ như in khi nghe tin ông viện sĩ Chung Nam Sơn cho biết dịch COVID-19 lây từ người sang người; cứ như bị sét đánh ngang tai, rụng rời cả tay chân…”. Lúc ấy, bà đang làm gì? Thông tin đó từ đâu ra? Phản ứng đầu tiên, điều bà lo lắng nhất là gì?
- Tôi biết được thông tin đó khi xem thời sự nghe ông viện sĩ Chung Nam Sơn phát biểu. Vũ Hán sau khi xuất hiện bệnh viêm phổi lạ, tôi đặc biệt quan tâm vấn đề lây từ người sang người. Theo kinh nghiệm từ dịch SARS, đây chính là chiêu đoạt mạng hàng loạt của virus. Nghe tin đó xong, lòng tôi đau như cắt và nghĩ: Chiếc hộp ma quái đã mở ra rồi.
Từ khi nghe tin đến nay đã hơn chục ngày, cuộc sống bà như thế nào? Bà đã làm những gì liên quan đến dịch bệnh?
- Tôi nhớ tôi chưa xem hết chương trình giao thừa đã đi ngủ. Ngủ đủ giấc rất quan trọng cho việc tăng cường sức đề kháng. Mùng 1 tết tôi ăn sủi cảo đông lạnh. Vì đi chợ phải ra ngoài, nên hạn chế tối đa. Cơ bản thì cuộc sống của tôi như sau: Một là xem thời sự, tìm hiểu tình hình diễn biến dịch bệnh để biết phải làm gì vào lúc này. Hai là phối hợp với sắp xếp của khu phố, tuân thủ kỷ luật. Ba là giữ liên lạc với gia đình, bạn bè, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn trước mắt. Bốn là giữ vững kỷ cương sinh hoạt. Vì thuộc nhóm người có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 cao, tuổi cao, có nhiều bệnh nền, không muốn gây phiền hà cho xã hội, không muốn gây rắc rối cho con cái. Năm là may khẩu trang, mua được một ít vải vụn, loại vải không dệt, tự may khẩu trang để giải quyết vấn đề khẩu trang của người nhà. Sáu là tiếp tục viết tiểu thuyết. Bảy là đọc sách.
Nhà văn Tất Thục Mẫn
Là người trải qua đại dịch SARS 17 năm trước, cuộc sống của bà đã có những thay đổi gì?
- 8 năm sau đại dịch SARS, tôi hoàn thành tác phẩm Virus Tràng hoa. Đó là tiểu thuyết cuối cùng của tôi đến nay. Sau khi hoàn thành, tôi đã đi du lịch vòng quanh thế giới. Bước ra từ đại dịch SARS, tôi nhận thấy con người mới mong manh làm sao và thế giới thì có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tôi nghĩ mình đã già rồi, nếu không nắm bắt cơ hội đi khám phá thế giới có thể sẽ không còn kịp nữa. Từ đó đến nay tôi đã đi được mười mấy nước, các chuyến đi mang đến cho tôi rất nhiều cảm hứng, sự rung động. Tôi có viết một số du ký, như Châu Phi ba vạn dặm, Châu Mỹ vũ trụ nhỏ, Phía nam Nam Cực, Phá băng điểm Bắc Cực, Chìa khóa đồng của Balkans… Hy vọng chia sẻ những trải nghiệm, những điều mới lạ với bạn đọc.
Có nhà văn đã nói “17 năm sau, khi đối diện với thiên tai, khả năng động viên, khả năng ứng phó, khả năng quản lý, khả năng cứu trợ, khả năng hợp tác, khả năng sáng tạo và thói hay quên… của con người vẫn không thay đổi. Cái giá đau thương mà chúng ta phải trả ở năm 2003, 17 năm sau đã quay lại. Chúng tôi không muốn đợi đến 17 năm lần thứ nhất, lần thứ hai hay lần thứ ba, mà con người thì cứ mãi đi theo vết xe đổ…”. Có lẽ đó cũng là tâm nguyện và ý nguyện ban đầu khi 8 năm sau bà hoàn thành tác phẩm khoa học viễn tưởng Virus Tràng hoa, được ví như một lời tiên đoán này phải không?
- Bạn nói đúng. Lúc đầu, tôi đã bắt tay viết Virus Tràng hoa trong nỗi sợ hãi, lo lắng như vậy. Đó cũng là tác phẩm ít được bạn đọc quan tâm nhất trong số các tác phẩm của tôi. Tôi cũng chuẩn bị tâm lý trước phản ứng của độc giả. Tôi đã xuất bản 5 tiểu thuyết, tác phẩm Bài thuốc đỏ tái bản nhiều lần và được chuyển thể thành phim truyền hình. Tác phẩm Huyết Linh Long cũng vậy. Tác phẩm Cứu lấy bầu vú gây được tiếng vang lớn. Tác phẩm Nữ bác sĩ tâm lý tái bản nhiều lần và đang được chuyển thể thành phim. Duy chỉ có tác phẩm Virus Tràng hoa sau khi xuất bản thì im hơi lặng tiếng, không tái bản lần nào. Người dân vốn hay quên, luôn có tâm lý ăn may, cứ tưởng rằng thiên tai đã qua không đáng để nhìn lại.
Tôi từng nghĩ có lẽ phải đợi đến sau nhiều năm tôi qua đời, dịch bệnh mới lại bùng phát. Đến lúc đó có thể sẽ có ai đó tìm thấy quyển sách này trong một góc xó xỉnh bụi bặm, và phát hiện ra rằng hóa ra nhiều năm trước từng có người cảnh báo về vấn đề này. Lúc đó, tôi đã không còn trên thế gian. Chỉ có thể khóc cho nhân loại trên thiên đường. Tôi không ngờ lại nhanh vậy, chỉ 17 năm sau dịch bệnh đã tái xuất. Và lần này, dịch bệnh lan rộng hơn với số người tử vong nhiều hơn.
Bà đã trải qua đại dịch SARS năm 2003, nhận trọng trách đi thực tế ở tuyến đầu phòng chống dịch. Bà có thể kể về cảm nhận của bà trong thời gian bị phong tỏa, cách ly hay những câu chuyện xúc động nhất trong quá trình đi thực tế không?
- Có rất nhiều câu chuyện chạm đến trái tim tôi. Nhưng tôi nhớ nhất là các y bác sĩ chống dịch ở tuyến đầu từng nói với tôi họ có thể nhận biết khả năng tử vong của bệnh nhân ở giường bệnh nào cao hơn. Lúc đầu tôi cứ tưởng đó là do phán đoán từ góc độ y học, ví dụ ai bệnh nặng hơn, tuổi cao hơn hoặc có bệnh nền nhiều hơn. Nhưng họ nói dù các yếu tố khách quan đó đại khái giống nhau, nhưng tâm lý người bệnh mới là thứ quyết định số phận cuộc đời của họ.
Nói một cách đơn giản, người có tỉ lệ chiến thắng bệnh tật, sống sót cao chính là những bệnh nhân có tinh thần lạc quan, nỗ lực tiếp nhận trị liệu, bản năng sinh tồn mạnh, không dễ đầu hàng trước bệnh tật. Ngay cả trận dịch COVID-19 lần này, bạn thấy trên tivi rồi đấy, rất nhiều bệnh nhân hồi phục đều nói: Quan trọng là phải có lòng tin, tâm lý phải vững. Vậy làm thế nào để có tâm trạng tốt?
Nếu anh mắc bệnh nặng, một mình cô độc trên giường bệnh, năng lượng tâm lý tích tụ mỗi ngày sẽ thành chỗ dựa quan trọng trong cuộc sống. Còn nếu bình thường bạn rất bi quan, khi mắc bệnh chỉ động viên mình một cách uể oải thì hiệu quả sẽ rất thấp. Do đó, ngày thường chúng ta phải chú ý xây dựng tâm lý khỏe mạnh, rèn luyện ý chí ngoan cường, bình tĩnh, dũng cảm, hợp tác, không chịu khuất phục, không dễ từ bỏ khi gặp khó khăn. Điều đó rất quan trọng khi bước vào giai đoạn then chốt của cuộc chiến chống dịch bệnh. Tôi từng phỏng vấn rất nhiều y bác sĩ, nếu gặp họ ở ngoài đời, chắc tôi sẽ không nhận ra. Tôi chưa được nhìn rõ khuôn mặt của họ, nhưng tôi nhớ giọng nói của họ và sẽ nhớ mãi việc họ đã xung phong ra trận vào thời khắc nguy nan đó.
Được biết, sau khi bà có chuyến đi thực tế tuyến đầu phòng chống dịch SARS năm 2003, 8 năm sau mới bắt tay viết tác phẩm Virus Tràng hoa. Chúng tôi muốn biết suy nghĩ của bà lúc đó và tâm trạng của bà trong quá trình sáng tác. Tại sao bà đợi lâu như vậy mới quyết định viết, trong thời gian đó bà đã có suy nghĩ gì, ý tưởng sáng tác đã có sự thay đổi nào?
- Khi bị người Athens xử tử, Socrates - nhà triết gia Hy Lạp - từng tuyên bố với mọi người: “Cuộc sống mà không suy xét thì không đáng để sống”. Suy xét ở đây là động từ, nghĩa là xem một cách cẩn thận, phân tích nhiều lần. Tôi xin phép được mượn lời ông: Tư liệu về dịch bệnh khi chưa được suy xét thì không đáng để viết. Tôi đã tự răn mình như vậy sau khi đi thực tế, phỏng vấn ở tuyến đầu chống dịch SARS, khi đã sưu tầm được nguồn tư liệu sáng tác đầu tiên.
Tại sao nói suy xét rất quan trọng, là vì suy xét cho ta phương thức và con đường suy nghĩ. Nó yêu cầu con người tự đặt câu hỏi cho mình để tìm kiếm những hiện tượng đằng sau những việc tưởng như bình thường, lẽ đương nhiên liệu có tồn tại tội ác của tà ma và sự ngu dốt của mông muội.
Tôi cần thời gian, cần suy nghĩ, thậm chí cần những giấc mơ trợ giúp. Thời gian đó, tôi đọc rất nhiều sách, làm rất nhiều bài tập. Trong giấc mơ, tôi đã không biết bao nhiêu lần mơ thấy virus, chúng tà ác nhưng diễm lệ, biến hóa khôn lường.
Sau dịch SARS, về mặt lý trí, tôi phán đoán dịch bệnh không hề rời xa chúng ta. Nếu như nói dịch SARS bùng phát và rời đi, có người lạc quan cho rằng đó chỉ là sự ngẫu nhiên ngoài ý muốn, nhưng tôi cho rằng đó là sai lầm rất lớn.
Thông qua ký ức và suy nghĩ về quá trình diễn biến dịch SARS cộng với nhiều tài liệu về lịch sử tiến hóa nhân loại, virus học, tôi lo lắng không yên. Khi viết tiểu thuyết Virus Tràng hoa, tôi đã đưa suy nghĩ của mình vào trong cốt truyện, hi vọng truyền tải đến người đọc ý thức nguy cơ sinh học, với mong muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, cố gắng phòng chống, đừng để bi kịch lặp lại.
Virus là thứ vô tri vô giác, không có bộ não. Loài người là sinh vật cao cấp nhất trên hành tinh, có lương tri và lý trí. Virus đang biến chủng, loài người đang tiến hóa. Loài người cũng không phải vạn năng, virus cũng không thể tự động dừng tấn công loài người. Đối với virus, không làm phiền chúng, đừng ép chúng chạy ra khỏi nơi trú ẩn của mình, không nên tàn phá nơi sinh sống của chúng, không nên phá vỡ giới hạn sinh tồn “nước giếng không phạm nước sông” đã có từ hàng chục ngàn năm nay. Một khi nó biến chủng “tái xuất giang hồ”, giai đoạn đầu giao chiến với chúng, loài người hầu như không có biện pháp phòng ngừa. Virus là dao thớt, loài người là thịt cá, loài người đang trong tình thế bất lợi, số ca lây nhiễm và tử vong lớn là điều khó tránh khỏi.
Con người không thể giết sạch bọn virus. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Phân loại virus quốc tế, đã phân loại được gần 5.000 chủng loại virus, chưa bao gồm những virus mới chưa được phân loại. Ngoài việc tìm thấy những điểm cân bằng để chung sống hòa thuận với chúng, bạn hầu như không còn cách nào khác.
Bìa sách

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát không lâu, nhiều học giả giới thiệu quyển Virus Tràng hoa của bà, họ cho rằng cuốn sách viết cách đây 8 năm đã tiên đoán đúng, sau đó thì rất nhiều độc giả đã tìm đọc. Bà đánh giá thế nào về giá trị của cuốn tiểu thuyết?
- Khi quốc gia đại nạn, cuốn Virus Tràng hoa lại được lôi ra đọc. Nhiều người nói tôi tiên đoán như thần, thậm chí hỏi tôi liệu có năng lực đặc biệt nào không? Tôi ngoài ngòi bút và lòng nhiệt huyết ra thì không có bất cứ năng lực siêu phàm nào.
Có độc giả nói với tôi: “Hãy nhớ lấy, những con người và sự việc được con người nhớ đến những lúc lâm nguy thường rất có ý nghĩa. Ví dụ, chúng tôi sẽ nhớ đến lực lượng quân đội, thiên thần áo trắng, người thổi còi, những tình nguyện viên bình dị nhưng vĩ đại…, cuốn sách của bà được mọi người đem ra bàn tán là điều rất đáng mừng”. Tôi trả lời rằng năm ấy Hội Nhà văn Trung Quốc cử tôi đi thực tế ở tuyến đầu, đó chỉ là việc làm để không phụ lòng mong mỏi của cấp trên mà thôi. Nghe nói ở các chợ sách cũ, cuốn sách xuất bản 8 năm trước đang hét giá mấy trăm tệ. Gần đây, có nhà xuất bản đang gấp rút tái bản Virus Tràng hoa.
Nghe nói trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần này, thuốc đông y đã phát huy không ít tác dụng, trong tiểu thuyết bà đã nhiều lần nhắc đến hiệu quả tích cực của thuốc đông y khi chống virus. Trong trận dịch COVID-19 lần này, bà đánh giá tác dụng và giá trị thuốc đông y như thế nào?
- Đông y từng giúp người dân Trung Quốc trải qua quá trình lịch sử phát triển gian nan dài đằng đẵng, giá trị quý báu của nó là điều ai cũng rõ. Tôi luôn tôn trọng, tin tưởng và kỳ vọng rất nhiều vào đông y. Tây y khi phát hiện căn bệnh mới sẽ bắt tay ngay từ vi mô, ví dụ như giải mã trình tự bộ gen của virus, vội nghiên cứu sản xuất thuốc chống lại chúng như văcxin. Đông y thì chữa trị trên quan niệm con người là một tổng thể, chú trọng điều chỉnh khả năng phòng chống bệnh của toàn thân. Tư duy và cách chữa trị khác nhau của hai nền y học đều đáng để kỳ vọng.
Virus Tràng hoa được xem là tiểu thuyết năng lượng tâm lý đầu tiên của Trung Quốc. Bà từng là bác sĩ tâm lý, trong lời tựa bà viết: “Khi thân thể và tâm hồn có sự đột biến cũng như tình huống khốn cùng cực độ xuất hiện, cuối cùng chỉ có thể dựa vào năng lượng tâm lý của chính bạn”. Xin hỏi trong giai đoạn này, người dân thường ngoài việc giữ tâm trạng tốt, không hoang mang, họ còn có thể làm gì?
- Trong thời kỳ dịch bệnh, nhất định phải giữ niềm tin và tâm trạng tốt, suy nghĩ tích cực, để năng lượng tâm lý ấm áp tràn trề, tâm lý và phương pháp chữa trị bằng thuốc men đều quan trọng như nhau, thậm chí có khi còn quan trọng hơn, phải luôn luôn có niềm tin quyết không bỏ cuộc.
Giờ thông tin đầy rẫy trên điện thoại di động, thật giả khó lường. Rất nhiều thông tin giả nhưng do có nhiều người chuyển tiếp, mọi người sẽ tin tưởng một cách vô thức, từ đó nảy sinh khủng hoảng, tâm trạng căng thẳng. Cách đối phó với nó là hãy bình tĩnh, phải biết nhìn nhận, có ý thức lựa chọn khi đọc, không tiếp nhận những thông tin không rõ nguồn gốc. Nếu không có cách phân biệt thông tin thật hay giả, có thể kiên quyết xóa nó đi.
Mỗi ngày nên xem tivi, tịnh tâm đọc sách nhiều hơn, tôi muốn nói là sách giấy xuất bản chính thống. Những hình thức truyền thống này sẽ giúp bạn bình tâm, mà còn mở mang tầm mắt.
Ông Bill Gates từng nói: “Trong tương lai, bệnh truyền nhiễm là mối đe dọa còn nguy hiểm hơn cả chiến tranh hạt nhân”. Bà cảm thấy loài người nên làm gì trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình này?
- Virus xuất hiện sớm hơn nhiều so với loài người. Nếu như nhất định phải nói ai là chủ nhân của hành tinh, virus có tư cách hơn chúng ta nhiều. Virus xâm nhập lây lan, nó đã biến chủng như thế nào? Tại sao nó xông ra khỏi hang ổ, lây nhiễm vô tội vạ cho loài người? Chúng ta làm sao sống hòa bình với các loài sinh vật trong tự nhiên trên hành tinh xanh này? Đó đều là những điều chúng ta đáng phải suy ngẫm. Nếu không, khi tai họa ập đến, chúng ta không biết nó đến từ đâu? Khi tai họa kết thúc, chúng ta cũng không biết tại sao nó rời đi. Chúng ta không biết được lần sau nó có quay lại nữa không. Loài người đang sống trong sự bất an với nhiều yếu tố bất ổn.
Đã có nhiều người cho rằng virus là kẻ thù cuối cùng trên hành tinh. Rủi ro lớn nhất mà loài người phải đối diện không phải là vũ khí hạt nhân (có thể được khống chế không phát nổ), không phải đói nghèo (có thể thông qua nỗ lực để cải thiện và xóa bỏ), mà là làm thế nào sống chung với virus (hiện loài người hầu như đang trong thế hoàn toàn bị động). Không có ai có thể đứng ngoài cuộc, không ai có thể chỉ lo bản thân mình. Loài người là một cộng đồng cùng chung vận mệnh, bạn không thể trốn chạy.
Biện pháp tốt nhất có khả năng chiến thắng virus chính là sự cân bằng. Căn cứ số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên thế giới đã phân ra 310.000 loại thực vật, cộng thêm động vật và nấm, hơn 1.900.000 loại. Dự kiến số thống kê đầy đủ sẽ trên 10.000.000 loại. Với số lượng lớn như vậy, loài người nhất định phải chung sống hòa thuận với chúng. Không chỉ vì quyền lợi sinh sản của các loài vật đó, mà còn vì sự ổn định lâu dài của loài người và tự nhiên.
Loài người ngự trị trên ngai vàng động vật cao cấp nhất trong quá trình tiến hóa, do đó càng phải có trách nhiệm hơn. Bạn không thể lợi dụng địa vị của mình đi tàn sát, đó là chủ nghĩa cực đoan của loài người, sẽ chịu sự trừng trị nghiêm khắc của tự nhiên.
Trong lời tựa Virus Tràng hoa, bà có viết “Loài người và virus sẽ còn một cuộc chiến”, đằng sau câu nói này có hàm ý sâu xa gì? Bà nhìn nhận thế nào về việc loài người và virus chung sống lâu dài?
- Bắt đầu từ virus ung thư đến dịch SARS, virus Nipah và Hội chứng hô hấp Trung Đông, virus corona… những căn bệnh truyền nhiễm mới đều có nguồn lây nhiễm từ động vật hoang dã. Thực ra, một số virus vốn không hề gần gũi với loài người, chúng chạy trốn khỏi nơi ẩn náu, sinh sống vốn có của chúng, xâm nhập cơ thể con người bằng nhiều cách. Khi thích ứng môi trường loài người, chúng trở thành sát thủ siêu cấp trực tiếp lây nhiễm trong dân gian.
Virus corona cơ bản có thể khẳng định bắt nguồn từ virus của động vật hoang dã. Nhìn thấy hình ảnh chợ hải sản Hoa Nam ngang nhiên buôn bán động vật hoang dã khiến người ta phát khiếp.
Tôi đang nghĩ ngoài Vũ Hán, Trung Quốc còn có bao nhiêu thành phố có những chợ như vậy? Chưa thấy có sự hối cải, kiểm điểm của các bên liên quan, nhưng tôi tin nhất định sẽ có. Có lẽ chợ hải sản Hoa Nam không phải là nguồn gốc đầu tiên của virus corona nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, nó đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán virus. Loài người và động vật chung sống lâu dài, đương nhiên cũng phải chung sống lâu dài với virus trên cơ thể họ. Đó là điều không nói cũng đủ hiểu.
Về mối quan hệ giữa loài người và các loại sinh vật khác, chúng ta nên nắm bắt chúng như thế nào?
- Mối quan hệ giữa loài người và động vật hoang dã đã có cả một quá trình tiến hóa của lịch sử. Xã hội hiện đại đã khác, một số loài động vật hoang dã, do sự săn bắt của loài người và sự biến đổi của khí hậu, số lượng đang giảm mạnh, rất nhiều loài trở thành đối tượng dễ tổn thương nhất, đã không còn đủ sức uy hiếp đến sự sinh tồn của loài người. Tuy nhiên, cơ thể họ vẫn tồn tại virus, vi khuẩn hàng trăm ngàn năm nay; do thay đổi của điều kiện sinh sống và nơi cư trú, virus bắt đầu phát tán lây lan ra khắp nơi, có xu hướng biến loài người thành một chủ thể lưu trú của chúng.
17 năm qua, từ dịch SARS đến COVID-19, khoa học đã có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, cũng có những thứ chưa hề thay đổi, đó chính là tính mệnh con người vẫn mong manh, những mảng tối trong bản tính con người vẫn còn tồn tại. Đương nhiên vẫn còn đó tinh thần dũng cảm, hi sinh quên mình đáng khâm phục. Chỉ trong vòng 17 năm, chưa đủ để cơ thể loài người tiến hóa sản sinh sức đề kháng với virus mới. Do đó, cuộc chiến vẫn chưa đến hồi kết.
Loài người và vạn vật trên Trái đất nhất định phải sống hòa thuận với nhau. Nếu không, bị giết sạch không chỉ là vạn vật, con dao đồ tể sẽ giống như vũ khí bumerang của thổ dân, lưỡi dao sắc bén sau khi bị ném đi sẽ quay ngược lại cắm vào cổ của loài người.
Chúng ta phải biết sám hối, giờ mất bò rồi phải biết lo làm chuồng. Đại dịch lần này, chúng ta phải tìm mọi cách phòng chống, cắn răng để vượt qua khó khăn, phải có niềm tin về cuộc chiến với COVID-19.

Nhà văn nữ Tất Thục Mẫn sinh năm 1952 tại Tân Cương, là nhà văn cấp quốc gia của Trung Quốc, là bác sĩ khoa nội, phó chủ tịch Hội Nhà văn Bắc Kinh, thạc sĩ văn học Đại học Sư phạm Bắc Kinh, tiến sĩ tâm lý, bác sĩ tâm lý. Bà nhập ngũ năm 1969, 11 năm công tác trong quân đội ở Tây Tạng, trải qua các chức vụ như nhân viên y tế, trợ lý quân y, quân y… Sau 20 năm làm việc trong ngành quân y, bà bắt đầu viết văn, năm 1989 gia nhập Hội Nhà văn Trung Quốc. Năm 2007, bà có thu nhập từ bản quyền sách lên đến 3.650.000 tệ, đứng thứ 14 trong danh sách nhà văn giàu nhất Trung Quốc.

Các tác phẩm tiêu biểu: Tuyển tập văn Tất Thục Mẫn (12 cuốn); tiểu thuyết Bài thuốc đỏ, Huyết Linh Long, Cứu lấy bầu vú, Nữ bác sĩ tâm lý, Phẫu thuật hoa tươi… Tản văn Học cách khám bệnh của bà được đưa vào sách giáo khoa môn ngữ văn lớp 5 tại Trung Quốc.

Bà từng đoạt nhiều giải thưởng văn học: Giải thưởng văn học Trùng Khánh, Giải Bách hoa, Giải Văn học đương đại, Giải văn học Trần Bá Xuy, Giải thưởng văn học Bắc Kinh, Giải thưởng văn học Thanh niên, Giải thưởng văn nghệ Quân giải phóng…

24/3/2020
Tất Thục Mẫn
Cảnh Chánh dịch
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 22.3.2020
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...