Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Sự thống trị của nam giới

Sự thống trị của nam giới

Vài nét chung về tác giả
Pierre Bourdieu (1930-2002) là một trong những trí thức lớn nhất của nước Pháp  nửa sau thế kỷ XX.
Xã hội học đứng ở giao điểm của lý thuyết và kinh nghiệm, của việc tạo dựng lý thuyết và điều tra, song không phải nhà xã hội học nào cũng thực hiện được yêu cầu lý tưởng này. Ở Pierre Bourdieu, ta thấy sự kết hợp giữa một kỳ vọng lớn về lý thuyết với việc sử dụng nhiều công cụ điều tra khác nhau (thống kê, trò chuyện trao đổi, quan sát dân tộc học, tư liệu lịch sử v.v.).
Mỗi trào lưu xã hội học mới đều được xây dựng qua một sự suy nghĩ phê phán đối với ngay cả những bậc tiền bối được thừa nhận nhiều nhất. Tuy nhiên, cũng không lý thuyết nào được xây dựng mà không dựa vào một suy nghĩ rộng lớn về quá khứ trí tuệ. Có thể nói lý thuyết của Pierre Bourdieu đã tiếp nhận thành tựu của nhiều lý thuyết xã hội học kinh điển, đồng thời tự làm phong phú bằng việc suy nghĩ lại và áp dụng một cách có phê phán những nguyên lý hoặc những yếu tố của các thuyết đó.
Pierre Bourdieu là một trí thức“dấn thân” tiêu biểu (năm 1995, cùng với nhiều nhà hoạt động cực tả, ông ra lời “kêu gọi các trí thức ủng hộ những người đình công”, năm 1996-1997, song song với việc bảo vệ nhà văn Salman Rushdie bị những người Hồi giáo Iran kết tội chết, ông ủng hộ các nhà trí thức Algérie trong cuộc nội chiến Algérie, năm 1997-1998, ông ủng hộ phong trào của những người thất nghiệp Pháp v.v...)
Ảnh hưởng của Pierre Bourdieu rộng lớn và đa dạng. Nhiều khái niệm do ông khởi xướng được các nhà nghiên cứu ở nhiều nước ứng dụng.
Một số khái niệm chủ chốt
Champ (Trường)
Pierre Bourdieu xác định xã hội như một sự đan cài các trường (champ): kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, v.v... Ông dùng thuật ngữ trường để chỉ chung tất cả những tập hợp rộng lớn và phức hợp, thí dụ như trường chính trị, trường văn hóa. Không nên hiểu đó là một tập hợp cộng những cá nhân chuyên hoạt động chính trị hay sản xuất văn hóa lại, mà là một hệ thống những vị thế (position) của các tác nhân chính trị hay văn hóa, một mạng lưới những liên hệ khách quan giữa các tác nhân. Mỗi trường có những quy luật riêng nhưng cũng có thể thấy một số quy luật chung: sự phân chia thứ bậc (thống trị, bị trị, đồng đẳng), sự đấu tranh giữa các tác nhân để giành vị thế đồng đẳng hay thống trị. Việc nhấn mạnh đến xung đột và đấu tranh cho thấy sự gần gụi với tư tưởng mác xít, nhưng Pierre Bourdieu không giới hạn xung đột ở xung đột giữa các giai cấp và ông chú trọng đến những xung đột trong lĩnh vực tượng trưng.
Capital (vốn hay tư bản)
Vị thế của mỗi tác nhân trong không gian xã hội không tồn tại tự nó, mà tồn tại trong sự so sánh với số lượng tư bản do các tác nhân khác sở hữu. Thuật ngữ tư bản, khác với định nghĩa truyền thống trước hết chỉ tư bản kinh tế, theo quan niệm của Pierre Bourdieu, chỉ mọi năng lượng xã hội mà sự tích lũy và sử dụng với tư cách cạnh tranh xã hội có thể khiến các cá nhân đạt được lợi thế. Ông phân biệt bốn loại tư bản chính: tư bản kinh tế (gia sản, các nguồn lợi); tư bản văn hóa với ba dạng: hội nhập vào cơ thể (kiến thức, kỹ năng v.v.), khách quan hóa (sở hữu các vật thể văn hóa) và thể chế hóa (bằng cấp, danh vị v.v...); tư bản xã hội được xác định chủ yếu bằng toàn bộ những liên hệ xã hội có thể nắm giữ nhờ nguồn gốc xã hội và sử dụng như một tư bản; cuối cùng là tư bản tượng trưng chỉ mọi dạng tư bản (văn hóa, xã hội, kinh tế) có được một sự thừa nhận đặc biệt trong lòng xã hội.
Habitus (nếp cảm nhận và ứng xử)
Theo Pierre Bourdieu, habitus là một tổng thể các khuynh hướng, các sơ đồ cảm nhận, đánh giá và hành động mà cá nhân lĩnh hội được qua trải nghiệm xã hội của mình. Những khuynh hướng cấu thành habitus có đặc tính là bền vững (để tư duy tính bền vững này, ông đưa ra khái niệm hystérésis (tồn lưu) chỉ sự tồn tại ở một tác nhân những khuynh hướng vào một thời kỳ mà chúng đã mất ý nghĩa, đã không còn thích hợp). Như vậy không có nghĩa là các khuynh hướng bất biến, vì hành trình xã hội của các cá nhân có thể dẫn tới chỗ habitus ở họ thay đổi từng phần. Pierre Bourdieu định nghĩa habitus như “những cấu trúc được cấu trúc, chuẩn bị để tạo ra cấu trúc”. Habitus là cấu trúc được cấu trúc vì nó do sự xã hội hóa sản sinh ra; habitus đồng thời là cấu trúc tạo ra cấu trúc vì nó sản sinh ra vô vàn tập quán mới, vô vàn sự thực hành mới.
Được khởi xướng vào cuối những năm 60, được bổ sung vào những năm 70 của thế kỷ XX, khái niệm habitus của Pierre Bourdieu nhằm vượt qua hai quan niệm về chủ thể và hành động chi phối không gian trí tuệ Pháp thời ấy: hiện tượng luận, đặc biệt là chủ nghĩa hiện sinh, đặt tự do tuyệt đối của chủ thể vào trung tâm của hành động; còn cấu trúc luận, đối lập lại, coi hành động của chủ thể hoàn toàn do các cấu trúc khách quan quy định.
Tái sản xuất các thứ bậc xã hội và bạo lực tượng trưng
Sự phân tích theo chủ nghĩa Marx, trong khi giải đáp vấn đề tái sản xuất hệ thống liên hệ của các giai cấp, nhấn mạnh quan hệ kinh tế, đặc biệt là quan hệ chiếm hữu tư bản. Còn Pierre Bourdieu chú trọng đến các quan hệ và sự thống trị có tính tượng trưng. Theo ông, sự tái sản xuất trật tự xã hội tiến hành thông qua việc tái sản xuất các thứ bậc xã hội đồng thời thông qua việc hợp thức hóa sự tái sản xuất này. Trong quá trình đó, hệ thống giáo dục đóng một vai trò quan trọng. Qua một loạt điều tra về trường học, về văn hóa và nghệ thuật, ông phân tích những cơ chế - mà các tác nhân của cơ chế thường không hay biết – khiến cho các giá trị, các chuẩn tắc bảo đảm việc vĩnh cửu hóa trật tự thống trị được chấp nhận, thậm chí được mong muốn. Sự chấp nhận này không chỉ do tác động của sự tha hóa, của mê tâm (fausse conscience), mà là kết quả của bạo lực tượng trưng. Đối lập với bạo lực thô mộc, thực tế, bạo lực tượng trưng không vì thế mà không có hiệu quả thực sự.
Sự thống trị của nam giới
Những khái niệm nêu ở trên sẽ được sử dụng trong công trình Sự thống trị của nam giới.
Tác giả xuất phát từ định đề là xã hội được sắp xếp theo một cách nào đó, và sự sắp xếp này trường cửu, tái sản xuất dễ dàng hơn là đảo lộn, đổi thay “Quả thực, tôi chưa bao giờ thôi ngạc nhiên […] trước việc trật tự thế giới như nó hiện hữu […] về đại thể được tôn trọng, trước việc không có nhiều hơn nữa những sự không tuân thủ hoặc những sự phá hoại, những sự vi phạm và những điều “điên rồ” […] hoặc, đáng kinh ngạc hơn nữa, là trật tự được thiết lập với những quan hệ thống trị của nó, những luật pháp và những điều phi pháp của nó, những đặc quyền và những sự bất công của nó, rốt cuộc cứ vĩnh tồn một cách dễ dàng đến thế”.
Sự thống trị của nam giới neo chắc vào vô thức của chúng ta đến mức ta không nhận thấy nó nữa và phù hợp với những trông đợi của chúng ta đến mức ta khó mà xét lại nó. Ở sự thống trị này, Pierre Bourdieu nhìn thấy thí dụ rõ nhất về sự phục tùng đầy nghịch lý, kết quả của bạo lực tượng trưng, “bạo lực êm ái, khó cảm nhận, không nhìn thấy được ngay với các nạn nhân của nó, thứ bạo lực thi hành chủ yếu bằng những con đường thuần túy tượng trưng của sự giao tiếp và sự hiểu biết hoặc chính xác hơn là sự không hiểu biết, của sự thừa nhận hoặc, ở giả thuyết tột cùng, của tình cảm”.
Chương I, với nhan đề Một hình ảnh phóng đại, phân tích nền văn hóa của dân tộc Berbère xứ Kabylie, nhằm làm sáng tỏ những cấu trúc tượng trưng của vô thức lấy nam giới làm trung tâm của xã hội này. Sự miêu tả dân tộc học về xã hội ấy cung cấp cho người đọc phương Tây một phương tiện hiệu nghiệm để khách quan hóa những đặc điểm của một cấu trúc vốn chỉ là tấm gương phóng to cấu trúc chung cho mọi xã hội miền Địa Trung Hải (thái độ phục tòng được áp đặt cho phụ nữ kabyle là cực hạn của thái độ ngày nay còn áp đặt cho phụ nữ châu Âu và nằm trong một số điều có tính mệnh lệnh như nhìn xuống, chấp nhận để mình bị ngắt lời v.v.).
Tác giả cho thấy ở xã hội kabyle, sự đối lập giữa nam tính/nữ tính phân biệt các sự vật và hành động gắn bó khăng khít với một hệ thống rộng lớn hơn, hệ thống “lễ nghi-huyền thoại”, tại đó, những sự đối lập giới tính gia nhập một tổng thể những đối lập mang tính nhân loại học và vũ trụ luận (cao/thấp, trên/dưới, trước/sau, sáng/tối, bên ngoài/bên trong v.v.) khiến cho sự khác biệt sinh học có vẻ như biện minh cho sự khác biệt do xã hội kiến tạo giữa các giới. Trật tự xã hội vận hành như một cỗ máy tượng trưng vô cùng lớn lao nhằm phê chuẩn sự thống trị của nam giới vốn là cơ sở trên đó trật tự này được thiết lập: phân chia lao động theo giới, cấu trúc không gian, cấu trúc thời gian v.v.
Tác giả cố gắng tháo gỡ cái cơ chế đã đảo ngược quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả, đã tự nhiên hóa sự kiến tạo xã hội, khiến cho một sự kiến tạo võ đoán về cái sinh học lại cung cấp một nền tảng bề ngoài có vẻ như tự nhiên cho cách nhìn coi nam giới là trung tâm. Ông cho thấy thuyết biện giải xã hội (sociodicée) dựa vào nam giới đã kiêm nhiệm và cô đúc như thế nào hai thao tác: hợp thức hóa một mối quan hệ thống trị bằng cách đưa mối quan hệ này vào một tự nhiên mang tính sinh học, bản thân tự nhiên sinh học ấy lại là một sự kiến tạo xã hội được tự nhiên hóa.  
Công việc kiến tạo tượng trưng biến các quan hệ thống trị mang tính xã hội thành mang tính cơ thể, khiến những bản sắc đặc dị do sự võ đoán văn hóa thiết lập hóa thân vào những habitus được khu biệt rõ ràng. Nằm trong sự vật, trật tự nam giới cũng nằm trong các thân thể thông qua những mệnh lệnh ngầm bao hàm trong những đường mòn lối cũ của sự phân chia lao động hoặc của những nghi thức tập thể hay riêng tư. Những điều mà huyền thoại dạy dỗ một cách khá ngây thơ được các nghi lễ thực hiện theo cách thâm hiểm hơn và hiệu nghiệm hơn (nghi lễ xác lập nam tính, nghi lễ phân cách đứa con trai với mẹ v.v...).
Tác giả xác định các cấu trúc thống trị là sản phẩm của một công việc tái sản xuất không ngừng có sự góp phần của những tác nhân đặc thù (trong đó có đàn ông với những vũ khí như bạo lực cụ thể hữu hình và bạo lực tượng trưng) cùng các thể chế, gia đình, Nhà thờ, Nhà trường, Nhà nước.
Bạo lực tượng trưng tự thiết lập qua trung gian của sự tán đồng mà kẻ bị trị không thể không chấp thuận cho kẻ thống trị (vậy là cho sự thống trị) khi mà kẻ bị trị, để tư duy về mình và về kẻ thống trị, chỉ có để sử dụng những công cụ nhận thức chung với kẻ kia, và bởi các công cụ này chỉ là hình thức đã được hội nhập vào cơ thể của mối quan hệ thống trị nên chúng làm cho quan hệ đó như thể tự nhiên. Hiệu lực của sự thống trị tượng trưng (dù thống trị về dân tộc, về giới, về văn hóa, về ngôn ngữ v.v.) thực hiện không phải trong lô gích thuần túy của những ý thức thông hiểu, mà qua những dạng thức cảm nhận, đánh giá và hành động cấu thành các habitus và, vượt ra ngoài những quyết định của ý thức và những sự kiểm soát của ý chí, tạo lập một quan hệ nhận thức hết sức mù mờ khó hiểu với chính nó.
Sức mạnh tượng trưng là một hình thức quyền lực thực thi trên các thân thể, một cách trực tiếp, và như bởi ma thuật, ở bên ngoài mọi cưỡng bức thể chất; nhưng ma thuật này chỉ có công hiệu khi dựa vào những ý hướng được đặt, giống như những chiếc lò xo, ở nơi sâu thẳm nhất của các thân thể. Nếu nó có thể tác động như một cái bật chốt hãm, nghĩa là với sự tiêu phí năng lượng cực kỳ ít, đó là vì nó chỉ làm cái việc khởi động những ý hướng mà công việc giáo hóa và hội nhập vào cơ thể đã đặt vào những người đàn ông hay đàn bà, những ý hướng này, do hiện tượng trên, tạo cơ hội cho nó.
Bạo lực tượng trưng khó có thể bị đánh bại chỉ bằng vũ khí của ý thức và ý chí, bởi vì tác dụng và điều kiện của tính hiệu quả của bạo lực này được khắc ghi bền vững tại nơi sâu kín trong các thân thể dưới hình thái ý hướng (người ta nhận thấy rằng khi những bó buộc bên ngoài mất đi và những quyền tự do đã rõ ràng - quyền bầu cử, quyền được giáo dục, được làm mọi nghề, kể cả nghề chính trị - thì việc tự bài trừ và “thiên chức” đến thay thế cho sự bài trừ rõ rành, thí dụ như việc đuổi phụ nữ kabyle khỏi những nơi chốn công cộng có thể thực hiện ở nơi khác, cũng gần hiệu nghiệm như thế, thông qua loại bệnh agoraphobie (sợ quảng trường) do xã hội áp đặt, chứng bệnh có thể tồn tại lâu dài sau khi những cấm đoán đã bị phế bỏ).
Chương II, với nhan đề Hồi tưởng những hằng số ẩn giấu miêu tả một cách tinh tế các dạng thức thống trị.
Theo tác giả, việc miêu tả dân tộc học về xã hội kabyle xa xôi, ở chương I, hoạt động như một kiểu “máy dò tìm” những dấu vết cực nhỏ cùng những mảnh vụn rải rác của thế giới quan coi nam giới là trung tâm, như công cụ khảo cổ học lịch sử về cái vô thức, được kiến tạo ở một trạng thái cổ xưa và còn tồn tại trong mỗi người đàn ông và đàn bà ngày nay. Mặc dù những điều kiện lý tưởng mà xã hội kabyle tặng cho các xung năng của vô thức coi nam giới là trung tâm phần lớn đã bị triệt tiêu và sự thống trị của nam giới đã mất đi cái gì đó của tính hiển nhiên trực tiếp, song một số cơ chế tạo lập nên sự thống trị này vẫn tiếp tục hoạt động, thí dụ như mối quan hệ nhân quả vòng tròn giữa các cấu trúc khách quan của không gian xã hội và các ý hướng do chúng sản sinh ở những người đàn ông cũng như ở những người đàn bà. Những sự truyền dạy liên tục, lặng lẽ và vô hình do xã hội phân biệt thứ bậc theo giới, phán bảo với phụ nữ, chuẩn bị cho phụ nữ, ngang với những sự nhắc nhở rõ ràng, hãy chấp nhận như là hiển nhiên, tự nhiên và tất nhiên, những quy định và những sự bài trừ võ đoán được khắc ghi trong trật tự của sự vật và in hằn một cách từ từ khó nhận biết vào trật tự của các cơ thể.
Mọi sự nhắc nhở trật tự được khắc ghi trong trật tự của sự vật, mọi sự truyền dạy lặng lẽ hoặc đe dọa âm thầm gắn liền với tiến trình bình thường của thế giới, đều mang đặc trưng riêng, tùy theo các trường (champs), và sự khác biệt giữa các giới xuất hiện trước phụ nữ, ở mỗi trường, dưới những hình thức đặc thù, thí dụ qua định nghĩa chủ đạo về thực tiễn thông dụng tại đó và chẳng ai nghĩ đến việc hiểu thực tiễn đó như là có giới tính, vậy là nghĩ đến việc đem nó ra bàn cãi. Đặc tính của những kẻ thống trị là có thể làm người ta thừa nhận cách hiện hữu riêng biệt của họ như là phổ quát.
Định nghĩa về sự ưu tú, ở mọi vấn đề, đều chất chứa hàm ý nam tính. Định nghĩa về một chức vị, nhất là một chức vụ quyền uy, bao hàm mọi loại năng lực và thiên tư có hàm nghĩa giới tính: nếu như nhiều địa vị rất khó chiếm giữ đối với phụ nữ, thì đó là vì chúng được đo vừa kích thước cho đàn ông, mà khí lực nam nhi đã tự kiến tạo trong sự đối lập với phụ nữ.Không phải là cường điệu khi so sánh nam tính với một sự cao quý. Để tự thuyết phục về điều này, chỉ cần quan sát lô gích của double standard thiết lập một sự bất đối xứng triệt để trong việc đánh giá các hoạt động của nam và nữ. Ngoài chuyện người đàn ông không thể không mất tư cách khi hạ mình làm một số nghiệp vụ bị xã hội coi là thấp kém, thì cùng những nghiệp vụ như nhau có thể là cao quý hay khó khăn khi chúng do đàn ông thực hiện, hoặc là tầm thường, dễ dàng và phù phiếm khi chúng do đàn bà hoàn thành. Chỉ cần đàn ông chiếm lấy những nghiệp vụ vốn có tiếng là của phụ nữ và thực hiện các nghiệp vụ ấy bên ngoài lĩnh vực riêng tư là những nghiệp vụ này nhờ chính việc đó mà thành cao quý và thay hình đổi dạng. Và sau những cuộc đấu tranh lâu dài của phụ nữ để được thừa nhận phẩm chất chuyên môn, những nghiệp vụ mà sự thay dổi công nghệ đã tái phân phối giữa nam và nữ sẽ được sắp xếp lại sao cho công việc của phụ nữ nghèo nàn đi trong khi vẫn duy trì một cách quyết đoán giá trị cao hơn của công việc thuộc nam giới. Nguyên tắc kabyle muốn cho công việc của người đàn bà phải vô hình không ai thấy vẫn tiếp tục ứng dụng trong một bối cảnh đã thay đổi triệt để bề ngoài, điều này cũng được xác nhận bởi hiện tượng phụ nữ vẫn còn hay bị tước đoạt danh vị có cấp bậc tương ứng với chức trách thực sự của họ.
Sự thống trị của nam giới tạo lập phụ nữ thành đối tượng tượng trưng mà thực thể là một thực thể được tri giác, tồn tại trước hết nhờ vào và để cho cái nhìn của kẻ khác. Tính chất tùy thuộc bên ngoài này là căn nguyên của những ý hướng như mong muốn thu hút sự chú ý và khiến người ta ưa mình. Do cần đến cái nhìn của kẻ khác để tự tạo lập, nên trong hành xử, phụ nữ bị định hướng liên tục bởi sự ước tính trước cái giá mà vẻ ngoài thân thể, cách giữ tư thái thân thể và trình bày thân thể có thể sẽ nhận được.
Phần cuối của chương II tập trung phân tích, một cách rất tinh tế, cách nhìn của phụ nữ về cách nhìn của nam giới, dựa trên cuốn tiểu thuyết Đến chơi tháp hải đăng[1] của Virginia Woolf. Pierre Bourdieu cho thấy ở hậu cảnh của truyện kể, một sự khơi gợi sáng suốt vô song về cái nhìn của người phụ nữ (bà Ramsay) đối với cách nhìn của nam giới. Nhờ thân phận phụ nữ của mình, bà Ramsay có được sự minh mẫn khác thường trước hành vi của ông Ramsay, sự minh mẫn mà bà cẩn thận che giấu để bảo vệ phẩm chất đàng hoàng của chồng, sự minh mẫn khiến cho bà, khi nghe một trong những cuộc tranh luận giữa đàn ông về những đề tài nghiêm túc một cách vớ vẩn như là các căn bậc ba hay bậc hai, Voltaire và bà de Stael, tính cách của Napoléon hay chế độ sở hữu nông nghiệp ở Pháp, có thể “lột tấm màn che của mỗi kẻ trong những sinh thể nọ”. Xa lạ với những trò chơi của nam giới, với sự tán dương mang tính ám ảnh về cái tôi cũng như những xung năng xã hội do các trò chơi này áp đặt, bà nhìn thấy một cách hết sức tự nhiên rằng những lập trường bề ngoài có vẻ trong sáng nhất và say mê nhất ủng hộ hay chống lại Walter Scott nhiều khi căn nguyên chỉ là mong muốn “tự phô mình”.  
Chương III, Những điều vĩnh cửu và sự đổi thay, đặt vấn đề về quan hệ giữa cấu trúc và lịch sử, nhằm nhận dạng các yếu tố chính của sự thay đổi trong các xã hội phương Tây hiện nay, đồng thời nhấn mạnh “sức mạnh của cấu trúc” và các hiện tượng của sự tái sản xuất.
Tác giả nêu lên những thay đổi quan trọng, mà điều lớn nhất có lẽ là sự thống trị của nam giới không còn tự áp đặt như một điều dĩ nhiên. Nhờ công việc phê phán của phong trào nữ quyền, từ nay sự thống trị của nam giới, ở rất nhiều trường hợp, xuất hiện như điều gì đó cần tự bảo vệ và tự biện minh. Việc gia tăng số phụ nữ đến được với học vấn và từ đó đến được với tình trạng độc lập về kinh tế, sự gia tăng số phụ nữ làm việc không thể không ảnh hưởng đến sự phân chia các nhiệm vụ gia đình đồng thời ảnh hưởng đến các mô hình truyền thống về nam giới và nữ giới.
Ông cũng cho thấy sự thay đổi của các điều kiện che giấu sự vĩnh cửu trong các vị trí tương quan. Tính ngang bằng của các cơ hội tiếp cận che đậy những bất bình đẳng vẫn tồn tại trong sự phân bố giữa các hệ trường học khác nhau và giữa các sự nghiệp có thể. Cấu trúc được vĩnh truyền trong các cặp đối lập tương đương với những phân chia truyền thống, phân định cho nam giới điều cao quý hơn, tổng hợp hơn, lý thuyết hơn, còn cho nữ giới, điều gì mang tính phân tích hơn, thực tiễn hơn, kém uy tín hơn. Ở mỗi cấp độ, sự bình đẳng hình thức giữa nam và nữ có xu hướng che giấu rằng, trong khi về mặt khác mọi điều là ngang bằng, thì phụ nữ vẫn giữ những vị trí kém ưu đãi. 
Bản thân những thay đổi của thân phận phụ nữ luôn tuân theo lô gích của mô hình truyền thống về sự phân chia giữa nam và nữ. Đàn ông tiếp tục thống trị không gian xã hội và trường quyền lực (đặc biệt là quyền lực kinh tế) trong khi phụ nữ chủ yếu vẫn bị dành cho không gian riêng tư (gia đình) hoặc dành cho các kiểu mở rộng của không gian này, đó là các cơ quan xã hội (nhất là bệnh viện) hoặc còn dành cho các thế giới sản xuất tượng trưng (lĩnh vực văn chương, nghệ thuật hoặc báo chí, v.v...).
Công việc tái sản xuất sự thống trị và cách nhìn của nam giới được đảm bảo do ba cấp chính: gia đình, Nhà thờ và Nhà trường, có điểm chung giống nhau là tác động đến các cấu trúc vô thức. Chính trong gia đình, con người buộc phải sớm có trải nghiệm về sự phân chia lao động theo giới và về sự thể hiện hợp thức cách phân chia này. Nhà thờ, mang trong mình một thái độ phản nữ quyền sâu xa, là giới tái sản xuất có chức vị cách nhìn bi quan về nữ giới và nữ tính, khắc sâu vào trí não một đạo đức gia đình luận, hoàn toàn do các giá trị gia trưởng chi phối. Nhà trường, ngay cả khi được giải phóng khỏi sự chi phối của Nhà thờ, vẫn tiếp tục truyền đạt các tiền giả định của sự hình dung gia trưởng, đặc biệt là những tiền giả định nằm trong chính những cấu trúc đẳng cấp trên dưới của nhà trường, tất cả đều có hàm nghĩa giới tính, giữa các trường khác nhau hay các khoa khác nhau, giữa các bộ môn, các chuyên ngành. Tác giả cũng lưu ý đến vai trò của Nhà nước, phê chuẩn và gia tăng những quy định và những sự bài trừ của nền gia trưởng riêng tư bằng những quy định và bài trừ của một nền gia trưởng công, nằm trong mọi thiết chế có trách nhiệm quản lý và điều chỉnh cuộc sống hàng ngày của đơn vị gia đình.
Kết thúc chương III, đoạn Viết thêm về sự thống trị và tình yêu đặt ra câu hỏi: tình yêu có phải là một ngoại lệ, duy nhất nhưng quan trọng bậc nhất, đối với luật lệ của sự thống trị của nam giới, một sự đình chỉ bạo lực tượng trưng, hay là hình thái cực điểm của bạo lực ấy, cực điểm vì tinh tế nhất, khó nhìn thấy nhất?
Ngoài ra, tác phẩm có phần Phụ lục, nêu lên một số vấn đề về phong trào tình dục đồng giới nam và tình dục đồng giới nữ, và sự nổi loạn chống lại một hình thái đặc biệt của bạo lực tượng trưng mà nạn nhân là những người tình dục đồng giới.
Chú thích:           
[1] Cuốn sách được dịch ra tiếng Việt với tựa đề Tới ngọn hải đăng, Nguyễn Thành Nhân, NXB Hội Nhà văn. Các phần trích dẫn trong bài này được trích dẫn từ bản tiếng Anh.
21/10/2016
Lê Hồng Sâm
Theo http://vanchuong.com.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...