Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Trang phục cải lương - "Nàng dâu không vị thế"

Trang phục cải lương
"Nàng dâu không vị thế"

Nỗi oan của “nàng dâu”

Cũng như tình hình chung của các loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương, cải lương tuồng cổ, hát bội, nghề làm trang phục cải lương đang đứng trước những thách thức lớn. Nghệ sỹ Công Minh - người có thâm niên kỳ cựu trong giới làm trang phục, cho rằng người làm trang phục chưa được tôn trọng, nhất là không có tiếng nói, không có cơ hội được nêu lên chính kiến của mình trong quá trình làm nghề. Đoàn diễn yêu cầu phục trang ra sao, dù đúng dù sai so với vai diễn thì đơn vị cung cấp trang phục cũng chỉ biết y theo vậy mà làm. Thậm chí, nhiều diễn viên mắc bệnh ngôi sao, không hề quan tâm vai diễn của mình là nhân vật gì mà chỉ muốn trang phục của mình thật lộng lẫy, tạo hình của mình thật sặc sỡ, luôn đòi hỏi phục trang phải thế này, hóa trang phải thế kia. Để rồi, khi vở diễn được sáng đèn, khán giả mộ điệu lẫn nhà nghiên cứu gần xa lên tiếng phàn nàn về trang phục, về tạo hình nhân vật thì chỉ biết trút lên những người làm trang phục. Thật là làm dâu trăm họ.


Nghệ sĩ Công Minh phát biểu tại hội thảo.

Chia sẻ tâm trạng của Nghệ sĩ Công Minh, NSƯT. Lê Thiện cho rằng, khi chính những người trong cuộc chưa thật sự có cái nhìn trân trọng đối với giới làm trang phục thì rất khó để xã hội của thể hiểu hết những khó khăn mà những nghệ nhân trang phục đang gặp phải. TS. Mai Mỹ Duyên (Trường Đại học Trà Vinh) cũng tán đồng ý kiến, bà cho rằng một thời gian dài, trang phục sân khấu đang bị can thiệp bởi những hành xử kém duyên, rất đáng báo động. Nói về việc chấn hưng nghề làm trang phục, có mặt tại buổi hội thảo, Nghệ sỹ Kim Phượng cũng cho rằng, những người làm phục trang lâu năm như chị, nghệ sỹ Công Minh, Bảo Ly, Yến Phương, Bo Bo Hoàng, Bạch Nga, Kim Duyên, Thành Châu… thực sự chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các đơn vị quản lý văn hóa. Những nghệ nhân làm nghề rất muốn có một xưởng may quy củ, có người chuyên môn thiết kế, nắm vững các cứ liệu lịch sử về trang phục các thời đại.
Câu chuyện bảo tồn còn bỏ ngỏ
NSƯT. Ngọc Giàu từng chia sẻ: “Nghiệp hát như con tằm, còn nghiệp may phục trang là dệt những sợi tơ óng ánh. Nghề này làm đẹp cho nghệ sĩ đồng thời cũng làm đẹp cho bản thân với tâm đức cao quý”. Thế nhưng, trên thực tế, công tác phục trang, hóa trang cho các vở diễn chưa được đánh giá và công nhận đúng tầm. Bàn về vị thế quan trọng của công tác hóa trang, thực hiện trang phục khi biểu diễn, nhà nghiên cứu trẻ Vương Hoài Lâm (Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh) đề xuất áp dụng lý thuyết nghiên cứu ký hiệu học của IU. Lotman để nâng cao việc giải mã tín hiệu thẩm mỹ trong quá trình khán giả tiếp nhận các vở diễn.


NSƯT. Lê Thiện phát biểu tại hội thảo.

Trong tham luận “Một cách nhìn nghiêng về “ký hiệu quyển” trong ngôn ngữ hóa trang sân khấu hát bội và cải lương tuồng cổ”, nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm cho rằng, chỉ khi nhìn nhận những yếu tố hóa trang, trang phục như những ký hiệu nhận diện của phương thức biểu diễn thì các yếu tố liên quan đến việc làm trang phục mới được những người trong cuộc và khán giả chú ý. Một nhân vật thiện không thể hóa trang và có trang phục giống như nhân vật ác. Đó là những mã văn hóa được quy định bởi những quan niệm nghệ thuật. Và như thế, hóa trang và trang phục đóng một vai trò vô cùng to lớn tạo nên thành công của một vở diễn, bên cạnh những thành tố khác như kịch bản, đạo diễn, nghệ sỹ…
Hướng đề xuất từ góc nhìn nghiên cứu của nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm được đông đảo nghệ sỹ, nhà nghiên cứu trong hội thảo tán đồng: Đó là về công tác nghiên cứu nhằm khẳng định chỗ đứng của nghề làm trang phục trong quá trình tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu. Còn về mặt thực tiễn, ThS. Nguyễn Thị Tâm Anh (Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) hy vọng hội thảo là dịp để các nhà quản lý văn hóa lắng nghe những tâm tư tình cảm của những người làm trang phục. Và hơn hết là sớm có kế hoạch để công nhận nghệ nhân nhằm vinh danh những đóng góp lâu năm của những người làm trang phục.
21/10/2016
Văn Tần
Nguồn: Tạp chí Làng Việt
Theo http://vanchuong.com.vn/
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...