Thi ca gieo vẻ đẹp nhân tính
NHỊP ĐIỆU MỚI TRONG NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ 21
Sau 20 năm tổ chức, Ngày Thơ Việt Nam giờ đây đã trở thành một lễ hội thi ca quen thuộc được đông đảo công chúng yêu thơ đón đợi. Sự kiện thi ca độc đáo này không chỉ diễn ra tại thủ đô Hà Nội, mà còn được tổ chức trên khắp các tỉnh thành, địa phương cả nước. Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề “Nhịp điệu mới” được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long - Di sản quốc gia đặc biệt được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới. Theo BTC: Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày Thơ ở Hoàng Thành Thăng Long không chỉ để lan tỏa tinh thần yêu thơ ca, mà còn để công chúng và nhân dân cả nước thêm yêu, thêm hiểu và tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam anh hùng: “trên lưng ngựa vung đao giết giặc. Nhưng khi giặc thưa rồi ta cầm bút viết thơ”.
|
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tặng hoa,
linh vật mèo cho đồng chi Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. |
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Ngay từ khi xuất hiện trong thế giới loài người, thi ca đã mang sứ mệnh cao cả: gieo vào trong tâm hồn mỗi con người vẻ đẹp nhân tính và những giấc mơ lớn. Mỗi người, mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng đều cần có một giấc mơ lớn để hành động vì giấc mơ đó. Thi ca luôn song hành cùng dân tộc ta làm nên những vẻ đẹp của đời sống. Thi ca như một con đường, như một chỉ dẫn, như một nương tựa, như một sự gợi mở cho một lẽ sống của con người Việt Nam. Và các nhà thơ cũng mang sứ mệnh lớn lao là mang lương tri và giọng nói của thời đại mình, của nhân dân mình. Tất cả những trăn trở, giày vò, khát vọng thì thơ ca phải được cất tiếng, thơ ca phải là người đại diện cho tâm hồn của dân tộc đó, thời đại đó và con người đó... Nhà thơ cũng bày tỏ trong diễn văn khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21: Sự vinh danh của UNESCO dành cho các nhà thơ, nhà văn hóa của Việt Nam như Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương... cho thấy sứ mệnh của những nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Việt Nam và sự đóng góp của họ cho sự tạo ra những giá trị tinh thần nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam và của nhân loại. Đó là sự vinh danh vẻ đẹp sáng tạo, vinh danh tư tưởng nhân văn, vinh danh tinh thần sống của người Việt Nam và vinh danh một nền văn hóa độc lập và khác biệt mà thơ ca chứa đựng và lan tỏa ngày ngày. Trong lịch sử lớn của dân tộc, có lịch sử của thi ca. Với quyền lực của ngôn ngữ, vẻ đẹp của tư tưởng nhân văn, với bản chất và bản lĩnh, thi ca đã đi qua mọi thách thức, mọi đe dọa, và đi qua cả cái chết trong các cuộc chiến tranh vệ quốc để mang vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh bước vào từng ngôi nhà trên xứ sở chúng ta, để nhóm lên ngọn lửa của tình thương yêu vô tận con người và những giấc mơ đẹp đẽ cho mảnh đất đầy kiêu hãnh thương yêu và tự hào của những người Việt Nam. Thơ ca hãy đứng về phía con người, hãy vinh danh con người và hãy bảo vệ con người.
|
Các sĩ tử đến với ngày thơ. Ảnh: Hữu Đố |
Tôi vui mừng khi nhận thấy thời gian qua, đa số các nhà thơ đã nhập cuộc với ý thức trách nhiệm cao trước hiện thực phát triển phong phú và sâu sắc của nước nhà. Tôi biết các nhà thơ đã có mặt ở Trường Sa, đã lên biên giới, đã lặn lội vào vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn để chứng kiến để trải nghiệm, phản ánh và chung tay cải thiện hiện thực. Tôi rất xúc động vì nhiều nhà thơ cùng với nhân dân trong đấu tranh giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng như sát cánh với cả nước chung tay khắc phục thiên tai, phòng chống đại dịch Covid -19. Không những thế, các nhà thơ còn mạnh dạn soi rọi, khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của các vấn đề xã hội và đã có những lý giải, những cắt nghĩa theo cách riêng. Hòa trong sự vận động và phát triển của thế giới hôm nay, xã hội chúng ta cũng đang có những bước chuyển lớn. Các hệ giá trị truyền thống dần thay đổi, xuất hiện nhiều hệ giá trị mới phát sinh từ thực tế, hoặc du nhập bên ngoài vào, trong đó có hệ giá trị tích cực, nhưng cũng có những hệ giá trị chưa thực sự phù hợp với bối cảnh đất nước. Thực trạng trên đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi những người có lương tri, có trách nhiệm phải suy nghĩ, đặc biệt trên hai lĩnh vực là đạo đức và văn hóa. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Bộ Chính trị khoá X đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Để chủ trương của Đảng được thực hiện tốt, có hiệu quả, không thể thiếu sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có các nhà thơ. Thực tiễn đòi hỏi nhà thơ cần tiếp tục tham gia tích cực vào đời sống xã hội, nhập cuộc sâu hơn, sát hơn, để nghe kỹ hơn, nhìn tinh tường hơn, cảm nhận và phản ánh chính xác hơn những vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội, cũng như trong tâm tư mỗi cá nhân…”
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng mong muốn, tác phẩm của các nhà thơ còn phải vươn ra khỏi địa giới quốc gia để sánh vai và hòa mình với văn học thế giới. Mỗi tác phẩm văn học phải là một “đại sứ” trên lĩnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam thời kỳ mới; phải là một tiếng nói xác lập tư cách, vị thế của dân tộc ta, đất nước ta trong con mắt bạn bè quốc tế. Các nhà thơ luôn ý thức thật tốt về quyền và trách nhiệm của văn nghệ sỹ đối với dân tộc mình, đất nước mình…
Nhà thơ Đoàn Văn Mật tại Nhà triển lãm Ký ức Thơ. Ảnh: A.C |
Cùng với thành công của đêm thơ Nguyên Tiêu Qúy Mão 2023, các hoạt động hưởng ứng và song hành cùng “Nhịp điệu mới” đã diễn ra sôi nổi và ấn tượng.
Ngay từ sáng ngày Rằm tháng Giêng (5/2/2023) các hoạt động trong khuôn khổ ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 đã diễn ra rất sôi nổi, mặc dù mưa lớn bất ngờ đã khiến Đường Thơ, Đường Sách, Nhà triển lãm Ký ức Thơ gặp nhiều khó khăn, lượng khách tham quan cũng hạn chế hơn.
Tại Đường Thơ, 100 câu thơ hay của các nhà thơ Việt Nam đã được in trang trọng và sắp xếp dọc con đường từ Cổng Thơ (một thiết kế cách điệu của họa sĩ Phạm Hà Hải để bước vào Cõi Thơ) đến sân Đoan Môn. Rất nhiều du khách đã chăm chú đọc và chia sẻ cảm nhận. Theo họ, những câu thơ được chọn trên Đường Thơ đều là những câu thơ hay, xứng đáng. Tuy nhiên, có một điều hơi tiếc nho nhỏ, là giá như Đường Thơ kéo dài thêm vài bước nữa với sự xuất hiện của một số gương mặt thơ trẻ hiện nay cùng tư tưởng, phong cách và góc nhìn mới lạ về cuộc sống đương đại. Họ cho rằng thơ đã hay rồi, cách bài trí đã đẹp rồi nhưng nếu nâng lên một chút, tránh mặt bằng thơ thì sẽ trọn vẹn hơn.
Các kỷ vật của các nhà văn ở triển lãm ký ức thơ của Bảo
tàng Văn học Việt Nam. |
Nhà thơ Lương Mạnh Hải, người có 7 lần vinh dự được đọc thơ tại Văn Miếu đã đến dự Ngày Thơ từ rất sớm. Ông sôi nổi bày tỏ sự thán phục về hình thức tổ chức của Ngày Thơ năm nay. Theo ông đây là một sự đổi mới táo bạo và thành công.
Về những nét mới của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21, nhà thơ Đoàn Văn Mật cũng cho biết: Tôi thấy cách tổ chức rất khác, rất chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp thứ nhất là tạo không gian rộng mở cho tất cả những người yêu thơ, các nhà thơ và du khách. Không gian ở đây rất phù hợp để tổ chức Ngày Thơ, sân khấu cho đêm thơ là một sân khấu rất mở. Hơn nữa, năm nay nét mới mà nhiều người cho rằng nó tạo ra sự đặc sắc cho thơ là không chia thành sân thơ “già” và sân thơ “trẻ”, mà chỉ một sân thơ duy nhất, điều này tạo được lợi thế là thơ ca không bị chia nhỏ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã làm cho Ngày Thơ mới hơn, sáng tạo và đa dạng hơn.
Là một phần quan trọng của Ngày Thơ năm nay, Đường Sách với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, công ty sách, nhà sách với nhiều sách hay, quý, đẹp, thu hút nhiều bạn đọc tham quan và mua sách làm quà tặng cho bản thân và bè bạn.
Cây Thơ với những câu thơ đố vui cũng thu hút nhiều người, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên tham gia sôi nổi. Những Quán Thơ nằm bên cạnh Đường Thơ là nơi các nhà thơ và công chúng gặp gỡ, chia sẻ về thơ ca và cuộc sống.
Và, một điểm đến thu hút nhiều sự quan tâm của chương trình Ngày Thơ năm nay là Nhà triển lãm Ký ức Thơ do Bảo tàng Văn học Việt Nam thực hiện. Để đưa hiện vật, hình ảnh và những câu chuyện của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam nổi tiếng các thời kỳ, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng đã phải làm việc hết sức vất vả và thận trọng. Theo nhà thơ Bùi Tuyết Mai, việc tổ chức triển lãm Ký ức Thơ là một việc làm tuyệt vời. Nhà ký ức là cách ngắn nhất để đưa các nhà thơ tên tuổi của Việt Nam, những nhà thơ, nhà văn có những dấu ấn quan trọng trong các thời kỳ sáng tạo của thi ca Việt Nam đến với công chúng. Bởi không chỉ có những nhà thơ, nhà văn tham dự Ngày Thơ, mà còn rất nhiều du khách và nhiều thế hệ người yêu thơ đã đến đây sau 3 năm ngày thơ gián đoạn, cho thấy sức sống mạnh mẽ của thi ca Việt Nam. Triển lãm Ký ức Thơ này làm sống dậy, nhắc nhở một lần nữa những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của tâm hồn con người trong những thời kỳ đã qua. Tại đây trưng bày những hiện vật vô cùng quý hiếm, có một không hai, “không thể tái tạo” như nhiều cuốn sách quý, ra đời cách đây gần một thế kỷ, những vật dụng cá nhân kể những câu chuyện độc đáo về sự ra đời của các danh tác và cách các nhà văn, nhà thơ lớn đã sống với đời và sống với nhau. Tuy nhiên, có thể nói việc này khá...mạo hiểm. Nhà thơ chia sẻ: Trong những lần tổ chức sau, Bảo tàng Văn học Việt Nam cùng Ban tổ chức có thể sử dụng cách thức khác, nhưng hiệu quả mang lại vẫn tốt như hiện nay, đó là ứng dụng công nghệ 5.0, điều mà các bảo tàng trên thế giới đều đã làm.
Nhà thơ Đoàn Văn Mật cũng chia sẻ những ấn tượng đẹp dành cho Nhà triển lãm Ký ức Thơ: Không gian trưng bày của bảo tàng văn học mang một chiều sâu và nét văn hóa đặc sắc cho ngày thơ Việt Nam.
Và, trong sự kiện này, cặp linh vật mèo Quý Mão do họa sĩ Lê Đình Nguyên thiết kế dành tặng Hội Nhà văn Việt Nam, nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21với chữ ký của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và các vị khách quý sẽ được đưa về địa chỉ lịch sử của Hội Nhà văn Việt Nam là số 65 Nguyễn Du, Hà Nội.
Hội Nhà văn Việt Nam cùng Di tích Hoàng Thành Thăng Long, Tập đoàn THACO Trường Hải, Báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Bảo tàng Văn học Việt Nam, cùng ê kíp sáng tạo: Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, họa sĩ Phạm Hà Hải, Lê Đình Nguyên đã tổ chức thành công Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 trên tinh thần đổi mới nội dung, hình thức và địa điểm với mong muốn mang đến cho mọi người một giá trị tinh thần giàu ý nghĩa.
13/2/2023
An Cư
Nguồn: Văn nghệ số 6/2023
Theo http://baovannghe.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét