Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Thơ có ích và vô ích: tại sao

Thơ có ích và vô ích: tại sao?*

… Thơ trước khi là một thể loại nghệ thuật, nó là một hiện tượng xã hội, văn hóa. Chính vì thế, thơ cần được nhìn nhận trong nghĩa lý tồn tại của nó, với tư cách là động thái nhằm kiến tạo một hình thức biểu đạt sự sống của con người. Điều đó chất vấn lại thái độ phủ nhận ích dụng của thơ.

Nếu không cần thiết, vô nghĩa, thì việc gì con người trên khắp thế giới, từ xa xưa đến giờ, vẫn sáng tạo nên thơ như một phần của văn hóa – xã hội? Đối với người Việt Nam, nhìn vào truyền thống mĩ học thơ ca, ở dòng chảy rộng lớn nhất, chúng ta nhận ra nhu cầu biểu đạt tinh thần một cách kín đáo, tinh tế, giàu hình ảnh, nhịp điệu, nhạc tính (cả trong văn học truyền miệng và văn học viết). Như thế, thơ là sự hiện ra của tâm tính con người với nhu cầu được vỗ về, an ủi, nâng đỡ một cách nhịp nhàng, hài hòa. Một câu ca dao, đôi dòng lục bát, một bài thơ nho nhỏ hay một tác phẩm trữ tình dài hơi, đều là sự hiện hình của nhu cầu biểu đạt trạng thái tinh thần, tình cảm, suy tư của con người trong hành trình sống của mình.


Đường thơ thu hút đông đảo công chúng yêu thơ với 100 câu thơ hay của 100 tác giả thơ Việt Nam. Ảnh: Hữu Đố

Đối với người đọc, ích dụng của thơ có lẽ được biểu đạt rõ nhất trong việc đem đến cơ hội thưởng thức những khoái cảm/ mĩ cảm thuộc về tinh thần. Đọc một bài thơ là sống trong thế giới của nhịp điệu cảm xúc, suy tư, thông qua ngôn từ, hình ảnh, thanh âm, giai điệu. Việc đọc thơ gắn với trải nghiệm cá nhân, là quá trình thấm thía chính thế giới bên trong của người đọc, gợi dẫn từ thi phẩm. Không chỉ thế, đọc là cuộc gặp gỡ, đối thoại của con người. Tại thời điểm đó, những giao tiếp diễn ra, giúp chúng ta nhận ra sự hiện hữu của chính mình và người khác. Những ấn tượng, vang hưởng từ bài thơ sẽ đi đến tận cùng tâm hồn, neo đậu lại, tưới tẩm, vun đắp hay bồi dưỡng trí cảm con người. Lúc này, thơ cũng trở thành nguồn năng lượng đồng hành cùng sự sống. Ở một cấp độ khác, những người đọc nghiên cứu, phê bình sẽ có thêm những hướng triển khai khác, khám phá đời sống, văn hóa, xã hội, mĩ học, từ đó nhận ra những chiều kích khác thuộc về ích dụng của thơ. Thơ lúc này được xem như một dữ kiện văn hóa – xã hội – lịch sử, một đối tượng của khoa học.
Xét từ góc độ mĩ học, thơ không phải là khái niệm bất biến. Cách tân chính là động thái thường trực, nhằm đem đến mĩ cảm mới, mĩ học mới cho thơ. Chính vì vậy, ở mỗi không gian văn hóa xã hội, mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, khái niệm thơ sẽ được bổ sung nội hàm, dựa trên nỗ lực làm mới của thi sĩ. Sự bảo thủ, cứng nhắc trong quan niệm về thơ chính là lực cản khiến cho thơ kéo dài mãi một hệ hình mĩ học. Như thế, vô hình trung, chúng ta đang dần triệt tiêu ích dụng của thơ. Đó là một trong những nguyên do khiến công chúng hoài nghi, phân vân, khi họ không tìm thấy ở thơ nguồn sống mới, điệu sống mới, mĩ cảm mới.
Trở lên, những lập luận dường như chiêu tuyết cho thơ. Nhưng, không thể che giấu được rằng, cộng đồng đang có những hoài nghi, băn khoăn, thậm chí là bày tỏ quan điểm về sự vô ích của thơ. Người người làm thơ, nơi nơi đăng thơ, mà thiếu thơ hay, thiếu những thi phẩm thực sự neo bám một cách ám ảnh, bền bỉ trong tâm trí bạn đọc. Từ quan sát và suy tư của bản thân, tôi nghĩ rằng, thơ Việt Nam đang lâm vào một số tình thế sau đây, là căn nguyên của hiện trạng vừa nêu:
Thứ nhất, thơ bị suy về tư tưởng. Tại sao có thể đưa ra nhận định này? Theo dõi nhiều diễn đàn thơ, đọc thơ của nhiều tác giả, điều mà người viết nhận ra chính là sự thiếu vắng tư tưởng nghệ thuật như là yếu tố cốt lõi để tổ chức văn bản nghệ thuật – thi phẩm như một chỉnh thể. Thơ nông cạn và hời hợt (ngay trong dáng vẻ tỏ ra cầu kỳ bí hiểm của nó). Tư tưởng nghệ thuật không phải là thứ dễ dàng có được, lại càng không phải dễ dàng thể hiện thành công dưới một hình thức thể loại nghệ thuật nào đó. Những miêu tả, kể lể rườm rà, những vặn vẹo tháo lắp chữ nghĩa câu cú, nhiều lúc làm tổn hại đến vẻ đẹp sang trọng của tư tưởng nghệ thuật. Một bài thơ, một tập thơ có tư tưởng là khi mọi biểu hiện của nó đều tập trung vào cái lõi duy nhất khiến thi nhân khắc khoải, dằn vặt triền miên và không thể không thốt nên lời. Nó nhanh chóng rời xa những xúc cảm chợt đến, những xôn xao thoáng qua, những suy tư vừa mới nhen lên, những băn khoăn nhức nhói chưa đọng lại thành lệ ngọc. Tôi không hoàn toàn tán thành với quan điểm tư tưởng nghệ thuật là trái quả hái lúc về già, nhưng rõ ràng, đó là sản phẩm của một quá trình cảm – niệm bền bỉ, sâu sắc đến mức khổ ải. Thơ ca đang thiếu đi sự nhẫn nại cần thiết để lắng mình vào trong sự tĩnh lặng của ưu tư. Chính vì thế, việc người ta xem thường thơ cũng không có gì đáng phải biện hộ nữa.
Thứ hai, nhiều người làm thơ nhưng dường như không ai đọc ai, hoặc đọc hời hợt, dễ bỏ qua, thậm chí là dễ dàng phê phán, phủ nhận, xem thường thơ và xem thường lẫn nhau. Căn nguyên này lại có động cơ từ một bối cảnh suy văn hóa thơ. Thế nào là văn hóa thơ? Đó là trạng thái tinh thần của con người và xã hội trong việc ứng xử với quá trình sáng tạo và tiếp nhận giá trị mĩ học của thi ca. Văn hóa thì không có cao thấp, chỉ có khác biệt. Tuy nhiên, sự khác biệt lại có nền tảng từ nhu cầu, thị hiếu và quan niệm giá trị. Xem ra, trong cái khác đã hàm chứa cái cao thấp mà để giữ lấy hòa khí người ta không tiện nói ra. Đến giờ, những ai còn say sưa đắm đuối với những vỗ về, chải chuốt của tinh thần lãng mạn trong Thơ Mới, rất có thể bị xem là đang vận hoạt trong một trường văn hóa thơ tương đối thấp. Người có nền tảng văn hóa thơ cao là người bước ra khỏi vòng tỏa bóng của Thơ Mới, xác lập một dạng thức mĩ cảm khác, phù hợp hơn với tinh thần đương đại. Ở tầm mức rộng hơn, văn hóa thơ đòi hỏi một tinh thần thi sĩ như là kẻ đồng hành sánh ngang với triết gia trong việc canh giữ ngôi đền ngôn ngữ - hiện thân của thế giới, nhân loại. Tương tự như vậy, ở phía người đọc và các thiết chế, lựa chọn, cổ súy hay bài bác phủ nhận một loại hình thơ ca nào đó cũng cần một thái độ văn hóa xứng đáng với vị trí tượng trưng rất cao của thơ. Vậy thì, làm sao có thể tùy tiện, dễ dãi hoặc xem thường thi ca được?
Thứ ba, nhiều người làm thơ, mượn thơ như một hình thức bày tỏ cái tôi cá nhân riêng biệt của mình, bất kể nó có chạm gặp hay giao tiếp được với cộng đồng hay không, điều đó nói lên sự suy thoái của tính cộng đồng và các giá trị phổ quát trong lòng xã hội đương đại. Nói cách khác, thi nhân của chúng ta ít có những mối bận tâm lớn, những khắc khoải triền miên về các vấn đề cốt lõi của tồn tại người. Những biện hộ dựa trên nhu cầu biểu tỏ cái tôi riêng biệt, sâu kín không làm thỏa mãn chúng ta về một hệ giá trị có thể đánh động con người nói chung trước vận mệnh của chính mình. Điều đó làm cho thơ trở nên xa lạ, trong khi lẽ ra nó phải khiến con người nhận ra non cao vực thẳm của lòng mình trong nhịp điệu tâm hồn kẻ khác. Chẳng phải như vậy là thơ đã tự rời bỏ mảnh đất mà mình sinh ra cùng khát vọng nhân văn vĩnh hằng mà loài người luôn ước mơ, tìm kiếm hay sao?
Thứ tư, sự lên ngôi của các hệ giá trị đại chúng đã lôi cuốn, cho phép hoặc vô tình dung dưỡng những thực hành thơ có phần dễ dãi, thậm chí tùy tiện với lý do lắm khi là “ngụy biện” về tinh thần dân chủ trong sáng tạo nghệ thuật. Trong một tiểu luận trước đây, tôi đã nhấn mạnh đến ba trụ cột để hình thành nên bản sắc chủ thể thi sĩ trong sáng tạo thi ca. Đó là: luân lý tự thân – luân lý xã hội – luân lý mĩ học. Nghĩa là, một thi sĩ, khi sáng tác, cần ý thức trách nhiệm của mình trong việc kiến tạo chính mình, kiến tạo giá trị mĩ học và đóng góp vào giá trị văn hóa – lịch sử - xã hội bằng chính giá trị nghệ thuật mà mình tạo ra. Nó không chỉ là cuộc chơi, cũng không đơn thuần là cá nhân – bản thể, cũng không dừng lại ở việc cảm xúc thăng hoa hay suy tư chợt đến. Sự chiều chuộng theo thị hiếu dễ dãi của đại chúng thực sự là “kẻ thù” của thơ. Và như thế, chúng ta đang phản bội lại thơ trong khi vẫn mơ về một thứ thơ đáng để thờ tự… Phản ứng của cộng đồng, nhất là cộng đồng tinh hoa có khả năng nhận ra giá trị của thơ là chán nản, thậm chí hoang mang, không ít người tỏ ra bất lực trước tình trạng lạm phát thơ như hiện nay.
Câu hỏi về sự có ích hay vô ích của thơ vừa có thể được đặt ra một cách khắt khe, nhưng lại cũng có thể được nêu lên một cách độ lượng. Bởi lẽ, suy tới cùng, tính tương đối của một mối tương quan nào đó tạo nên tình thế lưỡng lự, cân nhắc cho các nhận định, rất hữu ích trước sự không trùng khít giữa các cá nhân và giữa các cá nhân – cộng đồng – thời đại, giữa các hệ giá trị… Dẫu như thế, thi ca vẫn cần có những điểm gặp gỡ để đối thoại về nền móng của một thực tại mĩ học – văn hóa – xã hội nếu không muốn tự biến mình thành một thế giới biệt lập hoặc một sản phẩm có rất ít giá trị đối với con người. Điểm gặp gỡ thuộc về căn nguyên, nền tảng ấy là chú trọng đến tư tưởng nghệ thuật, văn hóa thơ, tính phổ quát và hướng đến các giá trị tinh hoa. Và hẳn nhiên, nền tảng này đặt ra đòi hỏi đối với không chỉ người sáng tác mà cả với người đọc cùng các thiết chế có liên quan.
Chú thích:
* Trích tham luận Hội thảo về Thơ nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21.
12/2/2023
Nguyễn Thanh Tâm
Nguồn: Văn nghệ số 6/2023
Theo http://baovannghe.com.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...