Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Văn chương và sự vật

Văn chương và sự vật

Bản in Stopping by Woods on a Snowy Evening
Robert Frost - Nxb Scholastic (1978)
Vào một buổi sáng mùa hè năm 1922, sau một đêm thức trắng làm thơ, Robert Frost bước ra trước hiên nhà, ngước nhìn cảnh mặt trời mọc trên bầu trời vùng đồng quê Shaftsbury phía đông bắc nước Mỹ. Chính trong thời khắc ấy, theo lời Frost kể lại, chẳng hiểu vì đâu những ảo ảnh về một vị khách lãng du trên lưng ngựa trong buổi chiều u ám tuyết trắng lại đột ngột tràn về, và một bài thơ bốn khổ bật lên, vang đi trong tâm trí ông. Tên bài thơ là Dừng bước bên rừng chiều tuyết dày (Stopping by Woods on a Snowy Evening). Bốn dòng mở đầu bài thơ Là của ai đây, cánh rừng này, tôi biết/ Nhưng nhà anh nằm khuất ở trong làng/ Anh hẳn sẽ không thấy tôi dừng lại/ Ngắm cảnh rừng tràn tuyết trắng bay giản dị, nhẹ, nhưng mở ra một không gian sâu thẳm, trầm lắng và u uất: một lữ khách có công việc cần đi gấp, chợt dừng lại giữa đường, say sưa ngắm cảnh rừng chiều chìm trong gió lạnh, tuyết trắng và bóng tối.
Với nhiều người, có thể vị lữ khách trong bài thơ của Frost mộng mơ, viển vông và kì lạ quá. Công việc đang cần kíp, đêm đang sập xuống, lạnh giá và cô độc, vậy mà anh dừng lại, giữa đường, chỉ để nhìn một rừng tuyết khô gầy, chẳng có gì đặc biệt ngoài cái mênh mông ảm đạm. Nhưng chẳng phải chỉ những độc giả ấy mới thấy chuyện này lạ lùng, mà mỉa mai thay, chính người lãng du kia cũng tự nhận rằng lựa chọn của mình phi lí và kì lạ. Bằng chứng là thay vì tập trung chiêm ngưỡng cái bao la bí ẩn của rừng, anh cứ thấy lòng mình cuộn lên những ưu tư: nào là lo sợ bị người chủ khu rừng bắt gặp, nào là băn khoăn không biết con ngựa nhỏ có khó chịu bất tuân trước quyết định kì quặc của mình. Để rồi, rất nhanh, những lời hẹn giục anh phải lên đường, còn cánh rừng tuyết thì hình như cũng dần khép lại, lùi mãi vào trong một cõi lãng quên thăm thẳm.
Câu chuyện về người lữ khách trong bài thơ của Frost, ẩn đằng sau dáng vẻ khói sương mơ hồ của nó, theo tôi, có khả năng gợi nên nhiều suy tư nhức nhối và ám ảnh. Vì lí do gì và từ khi nào mà nhiều người trong số chúng ta, cũng như anh chàng trong bài thơ ấy, bắt đầu cảm thấy việc ngừng lại bên rừng một mình, nhìn ngắm những cành lá úa khô ngập trong tuyết trắng là kì lạ? Từ khi nào chúng ta bắt đầu quen với việc quay lưng lại với những sự vật quanh mình, những rừng đồi, cỏ cây, những hạt bụi, cái bàn, giọt sương, căn nhà, hòn sỏi? Từ lúc nào khi đứng trước một rừng tuyết trắng xóa, người ta không còn có thể hồn nhiên, say sưa nhìn ngắm, dù là trong vài phút ngắn ngủi, cái cảnh tượng huyền diệu huy hoàng của nó như một đứa trẻ, mà trong tâm trí chỉ còn mù mịt những dùng dằng bất quyết, những trăn trở, những ưu tư vị kỉ đến nỗi đôi khi lãng quên một vũ trụ vĩnh hằng, bí ẩn và thẳm sâu của các sự vật?
Có một điều không khó để nhận ra, rằng xuất hiện thường trực trong di sản văn chương nhân loại suốt hàng thế kỉ qua phần lớn là những điều gắn bó thiết thân với con người, những trăn trở bận lòng về thân phận con người và định mệnh của sự làm người: những yêu đương, nhục cảm, dục vọng, những mất mát, đau thương, cô độc, những hoang mang, sợ hãi và tuyệt vọng, những trái khoáy, phi lí, ngộ nhận, những cuộc cách mạng, chiến tranh, chém giết và chết chóc… Trong không gian ấy, con người đông đúc và áp đảo, ở đâu bóng dáng con người cũng xuất hiện, dù là hiển lộ hay tàng ẩn, dù bé nhỏ, hèn mạt, kiêu hãnh hay khổng lồ, đến nỗi hình như những gì mang tính phi-nhân, nằm bên ngoài con người, xa lạ và bí ẩn với con người, lại rất nhanh chóng bị lãng quên đi, trở thành những thứ bên lề, thừa thãi, thứ yếu, hoặc đôi khi chỉ xuất hiện như những trang sức. Vai trò dựng cảnh, vì thế, rất thường xuyên, đi liền với các sự vật khi chúng xuất hiện trong văn chương của chúng ta: người ta hầu như không cho vật có cơ hội xuất hiện như là chính chúng, thậm chí không quan tâm, không cần biết đến sự tồn tại nhiều chiều, phức tạp và những yếu tính bề sâu của chúng, mà gần như chỉ xem chúng như những yếu tố kiến tạo không gian, những cột mốc định vị cho sự hiện hữu của người.
Cũng có lúc cỏ cây, đồ đạc, cầm thú trở thành những phương tiện chuyên chở: người ta muốn viết về mình, muốn kể về mình, muốn nói lên những suy cảm của mình, nhưng vì một lí do nào đấy lại gán tất tật cho các sự vật, cố nhồi nhét vào trong cái vỏ vật chất hiển lộ của chúng một ý nghĩa, một tâm tưởng. Ở lối viết này, có lẽ Marcel Proust đã đạt đến tầm kinh điển. Trong lời nói đầu cho quyển Chống Sainte-Beuve, ông viết: “Thật ra, cũng giống như linh hồn của những người đã mất trong nhiều truyền thuyết, mỗi giây phút trong đời ta một khi đã trôi qua, nghĩa là đã chết, lại hóa ẩn vào một vật nào đó. Thời gian sẽ bị vật cầm tù mãi mãi, ít ra là cho đến khi chúng ta gặp lại vật đó. Nhờ có vật đó mà chúng ta nhận ra quá khứ, chúng ta gọi tên nó lên, và thế là quá khứ được giải phóng”(1). Cái bánh madelaine, tách trà, khu biệt thự cổ hay một chiếc ô ngày mưa dầm, vì thế, khi xuất hiện trong những tiểu thuyết của Proust, đều chỉ còn là cái vỏ đóng vai trò của những dẫn chất. Proust gần như không quan tâm đến sự tồn hiện thực sự của chúng. Cái ông quan tâm là khi các giác quan của người ta phóng ra ngoại giới, tiếp xúc với các vật, thì điều diễn ra trong tâm trí họ là sự trỗi dậy của những hoài niệm ẩn ức gì, những xao động nội tại nào.
Khác với Marcel Proust, Jean-Paul Sartre chú ý nhiều hơn đến hiện hữu của các vật. Trong những trang viết của ông, sự vật thường xuyên trở thành tiêu điểm, từ cái rễ cây xoan tây, những chiếc thắt lưng cho đến cái tay cầm cửa hay những hòn cuội trên bờ biển. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, Sartre nói nhiều đến các sự vật là để trình hiện nỗi “buồn nôn” của mình trước chúng. Với ông, những sự vật, đồ đạc, cỏ cây chỉ là những hữu thể tự thân (l’être en soi), những tồn tại nhàm chán, trơ lì, vô nghĩa, tồn tại không dự phóng, không có ý hướng tự quy, vươn lên hay tiến triển. Hãy xem cách ông nghĩ về những cái dây treo trên áo anh chàng Adolphe trong Buồn nôn: “Những chiếc dây treo hơi khó nhận ra trên nền áo sơmi xanh da trời, chúng hoàn toàn bị xóa nhòa, bị che lấp trong màu xanh (…). Người ta muốn bảo chúng: Đi đi, hãy trở thành màu tím, và rồi tao sẽ không quan tâm đến mày nữa! Nhưng không, chúng vẫn lửng lơ, vẫn bị gắn chặt vào trong nỗi cố gắng bất thành của mình”(2). Sartre vì thế mà chán ngán, muốn nôn mửa trước vẻ tù đọng, mãi không chút đổi thay nào của sợi dây treo. Ông như cất lên tiếng thán oán, rằng cuộc đời này phi lí biết bao nhiêu khi cho phép những thứ trơ khấc, tẻ nhạt ấy tồn tại! Nhưng khi đưa ra một vũ trụ quan phần nhiều tuyệt vọng như thế, rõ ràng Sartre đang bắt đầu dựng tạo nên một khoảng cách giữa ông với thế giới u huyền của các sự vật: ông khăng khăng quả quyết về sự lầm lì, vô tri, bất tất của sợi dây treo màu hoa đậu biếc, và từ đó dè bỉu nó, khinh khi nó, buồn nôn trước nó mà gần như không hề lưu tâm rằng đấy rất có thể chỉ là một khía cạnh, một trắc diện đơn lẻ bé nhỏ trong sự tồn tại của nó vốn đa phức và khổng lồ mà rõ ràng, những giới hạn của tri giác khiến chúng ta, dù có là những bộ óc vĩ đại nhất cũng khó mà thấu suốt được.
Thực vậy, khi nhìn thấy một bụi cây dại bên đường hay một ngọn đèn vàng vọt trên đại lộ, làm sao ta biết chúng đang làm gì, nghĩ suy gì hay cảm thấy thế nào. Lí do đơn giản nằm ở chỗ, rằng ta là con người chứ không phải là ngọn đèn hay bụi cây kia, và việc ta nhìn thấy chúng “vô tri”, “bất động” hay “ù lì” thực ra cũng chỉ là những giá trị do ta tự kiến tạo, tự hình dung ra dưới cặp mắt chủ kiến của mình và rồi gán áp lên các vật, chứ những sự vật ấy có lẽ cũng đang bận rộn với những “đời sống”, những “thế giới” của riêng chúng, chẳng quan tâm gì đến những bình phẩm hay quan niệm của ta đâu. Trong thế giới ấy, nhiều khi công cụ giao tiếp không phải là ngôn từ, cử chỉ hay bất cứ điều gì mà ta biết, và các động thái như suy nghĩ hay cảm giác của loài người là hoàn toàn xa lạ với chúng. Chúng có lẽ cũng không quan tâm đến những xúc cảm vui, buồn, đau thương hay hạnh phúc của người đời. Chúng có những “lẽ sống” của riêng mình, những lẽ sống khó hiểu và sâu xa đến nỗi theo tôi, nhân loại chúng ta, dù có phát triển đến đâu chăng nữa, cũng khó mà tìm biết được.
Điều này, từ hơn hai ngàn năm trước, Trang Tử đã ít nhiều đề cập đến, trong những dòng huyền nhiệm của Nam Hoa Kinh, nhất là trong những thiên “Tiêu dao du” và “Tề vật luận”. Nhiều bài thơ haiku Nhật cũng có cách tiếp cận tương tự đối với thế giới của các sự vật. Yêu cầu khắt khe của thể thơ này trong việc tinh giản số lượng câu chữ đến mức tuyệt đối khiến những tính từ, cảm thán từ… gần như không còn “đất” xuất hiện. Toàn bài haiku, vì thế, nhiều khi chỉ còn là một cuộc gọi tên những sự vật, ví như bài thơ kinh điển sau đây của Basho: Cành khô/ quạ đậu/ chiều thu. Nhưng có lẽ đó mới chính là lúc con người ta bắt đầu thực sự chạm được đến chúng, giao tiếp được cùng chúng chứ không còn bị những ảo tượng chủ quan, những đôi mắt thiên kiến bao lấy, ám ảnh. Trong những thời khắc ấy, mỗi lần một tên gọi vang lên là một cuộc tương giao linh thánh giữa ta và vật xuất hiện, và chúng trôi chảy bình lặng trong nguyên lí của không.
Từ khoảng những năm 50 của thế kỉ trước, khi đi vào xây dựng một lối tiểu thuyết “đồ vật chủ nghĩa”, các nhà văn thuộc phong trào Tân tiểu thuyết có lẽ cũng chia sẻ một phần nào đó những quan niệm trên đây về sự vật. Trong nhiều tiểu thuyết của Alain Robbe-Grillet, xuất hiện một cách liên tiếp và trội bật là những dòng mô tả thuần túy các sự vật, đến nỗi nhiều độc giả, sau khi đọc xong một mạch cũng không biết thực sự tác giả đang kể câu chuyện gì hay muốn đưa đến cho người đọc những sự thật nào, những tư tưởng, suy niệm gì. Nhưng có lẽ đó mới chính là ý đồ của Robbe-Grillet. Ông hình như muốn tiến đến một lối giảm trừ (reduktion) theo tinh thần của triết học hiện tượng luận, trong đó chủ thể tri giác không đưa ra những diễn giải hay suy luận của mình về đối tượng, mà chỉ mô tả chúng theo đúng những gì mình truy nhận được từ ngoại giới. Lựa chọn này một mặt giúp các nhà Tân tiểu thuyết tạo nên một cuộc chơi của nghĩa, trong đó người đọc phải tham gia vào truy tìm xem cái thế giới đồ vật hiển hiện lên mặt chữ ấy đã được nhìn ngắm bởi ai, những ánh mắt nào, những hồi tưởng kí ức gì. Nhưng mặt khác, cách tiếp cận ngoại giới theo kiểu này cũng nhấn mạnh cho ta một sự thực khó phủ nhận, rằng thế giới của các vật thì phong nhiêu, sâu thẳm, trong đó những điều được mô tả chỉ là những hiện tượng trong đối sánh với cái siêu việt tính của chúng vốn khó hiểu và mờ đục. Chính từ đây, các nhà Tân tiểu thuyết, nói như Roland Barthes, tiến đến “tẩy sạch đồ vật khỏi những ý nghĩa vô cớ mà con người áp đặt cho chúng” (3).
Tuy vậy, trên thực tế, không phải lúc nào, ở đâu và không phải ai cũng ý thức thật rõ về những điều này. Nhiều người viết hôm nay, cũng như vị lữ khách trong bài Dừng bước bên rừng chiều tuyết dày của Robert Frost, đã đôi lần nhận ra cái vẻ đẹp huyền nhiệm của rừng - một ẩn dụ cho sự chằng chéo, phức tạp và bí ẩn của thế giới, và họ muốn bước vào, muốn hòa nhập, muốn thực hiện những tương giao, nhưng rồi điều này điều nọ giữ họ lại mãi ở phía bìa rừng, thậm chí cuốn kéo họ đi, rất nhanh, về phía những suy niệm được cho là nhân bản hơn - và vì thế, có “giá trị” hơn. Nghĩ về con người, về chính chúng ta quả tình không có gì đáng phàn nàn. Nhưng điều đó, theo tôi, có lẽ mãi mãi là chưa đủ.
Chú thích:
1. Marcel Proust, “Lời nói đầu Chống Sainte-Beuve”, Phương Ngọc dịch, in trong Quan niệm văn chương Pháp thế kỷ XX, Lộc Phương Thủy (chủ biên), Nxb Văn học, 2005, tr.39-40.
2. Jean-Paul Sartre, Buồn nôn, Phùng Thăng dịch, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr.53.
3. Roland Barthes, “Tựa” Những tiểu thuyết của Robbe-Grillet của Bruce Morrissette, Từ Huy dịch, Nxb Đại học Sư phạm, 2018, tr.9.
7/4/2020
Nguyễn Đình Minh Khuê
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 3.4.2020
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...