Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo - Vị vua vùng đất Dã Năng

Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo
Vị vua vùng đất Dã Năng

Vương triều Tiền Lý khởi đầu từ Nhà nước Vạn Xuân tồn tại trong khoảng thời gian 60 năm (544-602), với 4 đời vua: Lý Nam Đế (544-548); Triệu Việt Vương (549-570); Đào Lang Vương (549-555) và Hậu Lý Nam Đế tức Lý Phật Tử (571-602). Đây là giai đoạn xưng vương lập nước, tự chủ khá dài của Đại Việt ta sau thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 2 với những dấu mốc lịch sử quan trọng.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, với ý thức dân tộc và tiềm lực đất nước như hiện nay, chúng ta cần phải quan tâm sâu sắc hơn nữa việc nghiên cứu và đánh giá lịch sử. Nước ta có độc lập và chủ quyền từ rất sớm. Cha ông ta luôn ý thức sâu sắc điều này. Có lẽ nào sau này chúng ta không cùng nhau làm sáng tỏ một cách toàn diện những võ công và nền văn hiến của cha ông. Rất mong các cấp lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cao nhất ý thức được việc nghiên cứu và tôn vinh các giá trị lịch sử chính là xây đắp nền móng vững chắc nhất để một quốc gia độc lập như Việt Nam mạnh mẽ vươn lên.
Ngày 12 tháng 10 Âm lịch năm Mậu Thìn (548), Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo ban sắc chỉ cho làng Giang Xá nghinh sắc “Quốc vương thiên tử tiền Lý Nam Đế thánh vị” về thờ, cũng từ đó nhân dân Giang Xá tôn tạo ngôi sinh từ thành ngôi đền để thờ Lý Nam Đế như hiện nay. (Trong ảnh: Lễ hội làng Giang Xá, huyện Hoài Đức. Ảnh: Đức Căn).
Trong loạt bài gần đây, chúng tôi đã viết khá kỹ về các nhân vật lịch sử trong vương triều Tiền Lý. Đó là Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, danh nho Tinh Thiều, lão tướng Triệu Túc, lão tướng Phạm Tu, danh tướng Phùng Thanh Hòa. Đây cũng là những trụ cột xây dựng nên Nhà nước Vạn Xuân buổi ban đầu. Họ đều là sự kết tinh của tinh hoa Đại Việt. Sự nghiệp đánh giặc lập nước của các danh nhân danh tướng mãi còn với non sông đất nước.
Trong vương triều Tiền Lý, có một nhân vật lịch sử tuy đã được nhắc đến nhưng vẫn còn khá mờ mịt, đó là Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo – người anh ruột của Lý Nam Đế. Lý Thiên Bảo sinh năm 499, hơn Lý Nam Đế ba tuổi, thuở nhỏ từng tu tập ở chùa mới có pháp danh Thiên Bảo. Ông từng làm tướng trong những ngày đầu Lý Bí khởi nghĩa đánh giặc Lương. Tiếp đó, ông tham gia cùng lão tướng Phạm Tu đánh giặc Lâm Ấp ở phía Nam. Chính địa bàn tác chiến quen thuộc của Lý Thiên Bảo là các vùng Cửu Đức, Hàm Hoan, Nam Năng, Dã Năng… tiếp giáp vùng biên giới Di Lạo đã cho ông sớm xác lập địa bàn ảnh hưởng để sau này dân chúng suy tôn ông là Đào Lang Vương – vị chúa đất quyền uy lập nước Dã Năng tự xây nền độc lập. Đây cũng là nét độc đáo trong lịch sử không chỉ của riêng vương triều Tiền Lý mà rất cần được các nhà khoa học lịch sử sớm minh định, làm rõ những đóng góp của Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo.
Lý Nam Đế khởi nghĩa giành độc lập khi ông đã 42 tuổi (544). Từng rất giỏi về quân sự và chính trị, với chức vụ Giám quân châu Cửu Đức, Lý Nam Đế rất được lòng các vị tù trưởng, tộc trưởng, hào trưởng mà điển hình là tù trưởng Chu Diên Triệu Túc và hào trưởng Phạm Tu, Phùng Thanh Hòa, Tinh Thiều. Chính giới tinh hoa thuần Việt này đã sớm làm rường cột triều đình vương triều Tiền Lý. Lý Thiên Bảo là anh ruột của Lý Nam Đế với chức trách làm tướng, cầm quân từng tham gia hợp vây thành Long Biên đánh đuổi Vũ Lâm hầu Tiêu Tư về phương Bắc.
Tiếp đó, ông được lệnh theo cùng lão tướng Phạm Tu bình ổn biên giới phía Nam, đánh bại quân Lâm Ấp, ổn định cục diện biên giới tiếp giáp Lâm Ấp và Di Lạo (Lào), và căn bản được giao trấn thủ giữ vững cương vực phía Nam. Khi Lương Vũ Đế không chịu được nhục thua trận sai danh tướng Trần Bá Tiên đem mười vạn binh thuyền ồ ạt tiến xuống Giao Châu phá thành Long Biên, các tướng của Lý Nam Đế lần lượt thua trận và chết trận. Danh nho Tinh Thiều, lão tướng Phạm Tu, lão tướng Triệu Túc đều tử trận ở cửa sông Tô Lịch. Binh tướng còn lại được Tả tướng quân Triệu Quang Phục, Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa đưa về hồ Điển Triệt huyết chiến với giặc Lương, tiếp đó rút về động Khuất Lão. Chính ở đây, Lý Nam Đế đã giao binh quyền cho Triệu Quang Phục và sai trở về vùng căn cứ Dạ Trạch để kháng chiến lâu dài đánh đuổi bọn Trần Bá Tiên. Triệu Quang Phục vâng mệnh mở đường máu về đầm Dạ Trạch thực hiện xuất sắc di nguyện của Lý Nam Đế.
Vậy khi đó binh tướng Lý Thiên Bảo ở đâu? Sử sách chép rất ít về đạo quân của ông thời điểm này. Do biết tình hình đại quân của Lý Nam Đế liên tiếp thua trận trước Trần Bá Tiên, Lý Thiên Bảo cùng tùy tướng là Lý Phật Tử đã không quản ngày đêm, trưng tập binh lương, voi ngựa từ vùng đất Dã Năng tiến ra phía Bắc. Dọc đường tiến quân, biết thành Long Biên đã thất thủ, các trụ cột triều đình nhiều người tử trận, Lý Thiên Bảo vẫn dẫn đầu binh tướng thẳng tiến xuống Long Biên.
Sau nhiều lần thắng trận, hạ lần lượt các thành Luy Lâu, Long Biên, Gia Ninh… đại quân của Trần Bá Tiên nhân trời mưa gió phá được thủy quân của Lý Nam Đế ở hồ Điển Triệt, truy bức Triệu Quang Phục phải rút vào bên trong đầm Dạ Trạch đã thừa thắng dàn trận quyết chiến với đội quân của đại tướng Lý Thiên Bảo và tùy tướng Lý Phật Tử. Thời cơ đã mất, quân của Lý Thiên Bảo hành quân từ xa đến không chiếm được thế thời đã hiện dần thất bại. Trước nguy cơ toàn quân bị tiêu diệt, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử đã vô cùng sáng suốt cho rút đại quân bảo toàn lực lượng theo đường thượng đạo trở về vùng rừng Dã Năng sát vùng biên giới Di Lạo để làm kế đánh giặc lâu dài. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để Triệu Quang Phục có thời gian và thời cơ củng cố lực lượng, trưng tập quân lương, tạo dựng thanh thế dẫn đến chiến thắng sau này.
Lý Thiên Bảo cùng các tướng trở về vùng đất Dã Năng, một mặt đắp lũy thủ hiểm, một mặt chinh phục các quận, huyện vùng đất Ái Châu, Đức Châu, Lợi Châu, Minh Châu, tạo thành một địa bàn rộng lớn. Vốn theo đạo phật, Lý Thiên Bảo rất biết cách giáo hóa lễ nghĩa dân chúng trong vùng. Bản thân ông vừa là tướng giỏi vừa có tầm nhìn chính trị sâu rộng đã mau chóng xác lập uy tín tuyệt đối và được dân chúng các bộ tộc thần phục suy tôn là Đào Lang Vương. Nhân thấy động Dã Năng ở đầu nguồn sông Đào Giang đất đai phẳng rộng hàng trăm dặm, dân cư các bộ tộc đều một lòng thờ chúa bèn cho xây thành đắp lũy trên đất ấy, sắp đặt hai quan văn võ, lấy tên quốc hiệu là nước Dã Năng. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Đại Việt rất cần được các nhà khoa học lịch sử làm sáng rõ hơn. Việc xưng vương lập nước của Lý Thiên Bảo có giá trị sâu rộng không chỉ với vương triều Tiền Lý mà còn đối với tiến trình phát triển lịch sử dân tộc Việt Nam. Nó cho thấy tính độc lập tự chủ, tự lực tự cường, sự mềm mại uyển chuyển trong quá trình chiến đấu với giặc phương Bắc.
Việc Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo giữ vững và mở rộng cương vực là hết sức đáng ghi nhận. Cả một vùng đất biên cương mênh mông phía Tây, phía Nam Đại Việt cổ được củng cố và mở rộng. Các tập tục, lễ nghĩa được bảo tồn, phát huy, phát triển. Trong 7 năm trị vì, Đào Lang Vương đã làm được rất nhiều việc cho dân chúng trong nước, tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa được củng cố và giữ vững, những thiết chế căn bản được xác lập. Chính từ nền tảng căn cốt này, khi Đào Lang Vương mất đi, do không có con nối dõi, các tướng đã chọn Lý Phật Tử lên làm vua khi ấy sức mạnh quân đội, sức mạnh chính trị đều rất lớn, sánh ngang với Triệu Việt Vương, hai bên đã vạch giới cắm mốc là hai quốc gia riêng biệt.
Điều này cho thấy quốc thổ của Đào Lang Vương, tiếp đó là Lý Phật Tử cai quản là rất lớn. Chỉ tiếc rằng, sau này Lý Phật Tử đã dùng tới bá thuật đánh lừa Triệu Quang Phục, dùng kế của Triệu Đà khi xưa, đưa con trai mình là Nhã Lang ở rể rồi đánh cắp bí mật quân sự bất thần tập kích đánh đổ họ Triệu. Cái đáng chê trách nhất là, cũng mang trong mình dòng máu họ Lý, thế mà Lý Phật Tử khi giặc phương Bắc lần nữa tràn sang đánh chiếm nước ta đã sợ hãi hàng giặc, dâng nước cho chúng, khiến bản thân phải bị bắt đóng cũi đưa về kinh đô phương Bắc. Đó là một nỗi nhục muôn đời không rửa được, cũng là bài học lịch sử đắt giá của kẻ cầm quyền không vì đất nước, nhân dân.
Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo cũng giống như Lý Nam Đế đều chí khí anh hùng, tấm lòng rộng mở, yêu dân yêu nước đến tận cùng, căm thù bọn giặc phương Bắc không đội trời chung, em trước anh sau cả hai đều xưng vương lập nước, để lại những bài học lịch sử quý giá với hậu nhân. Cũng hiếm có gia tộc nào hai anh em đều xưng vương, xưng đế làm rạng danh tổ tông nguồn cội. Những cột mốc Vạn Xuân, Trấn Quốc, Long Biên, Dã Năng… sẽ mãi còn với lịch sử.
Trong thời đại mới, chúng ta càng hiểu sâu sắc thêm những bài học lịch sử mà cha ông ta đã phải dùng máu mình để viết luôn còn nguyên giá trị để chúng ta ứng xử và hành động trong cuộc sống hôm nay.
Dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu với lân bang. Nhưng chúng ta chưa bao giờ khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Giặc phương Bắc đã nhiều lần đại bại nơi đất đai núi sông Đại Việt. Ngọn cờ chính nghĩa của nhân dân Việt Nam bao giờ cũng bay cao nơi sông biển của mình. Nhắc tới công lao của các bậc tiền nhân, những vị vua sáng tôi hiền, những dòng họ xưng vương lập nước, để chúng ta càng thấy thêm vẻ đẹp của người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
30/11/2019
Phong Sương
Nguồn: Tinh hoa Việt
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...