Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Kỷ niệm mùa gió chướng

Kỷ niệm mùa gió chướng

Biển chiều nay đột ngột dữ dội với muôn vàn con sóng rào rạt vỗ vào bờ. Ngày trước anh hay bảo con sóng bạc đầu nhớ thương gành đá nên mới đua nhau ào ào xô đẩy. Chị cười bảo anh sao đa cảm quá, đàn ông mà đa cảm thì không nên đâu. Sao lại không nên? Chị chặc lưỡi kết thúc câu chuyện vì không muốn nói rõ lý do.
Mẹ hay bảo đàn bà hơn nhau ở tấm chồng, yêu ai cũng nên biết lựa chọn cho sướng cái thân về sau. Đàn ông keo kiệt thì không nên lấy, mà đàn ông phóng khoáng quá lại cũng chả nên. Một bên thì quản lý tiền bạc kỹ hơn đàn bà, còn một bên lại chẳng đem được đồng nào về cho vợ. Đàn ông đa cảm nên tránh xa bởi kiểu người này hay “vác tù và lo hàng tổng”, tốt thì tốt thật đấy nhưng vợ phải thiệt thòi lo hết mọi việc trong nhà.
Nhà văn trẻ Ngân Kim ở Bình Thuận
Nghe mẹ lý giải chị chỉ cười trừ. Lúc ấy trong đầu óc còn rạo rực một màu xanh hy vọng thì những lời của mẹ chỉ là những lời giáo điều xưa cũ chẳng đáng nghe. Nên khi gặp anh, dẫu biết anh đa cảm, chị vẫn yêu và quyết định gắn bó suốt đời. Ngày chị dẫn anh về ra mắt, mẹ lẳng lặng bỏ vào phòng không tiếp. Đến khi anh về rồi mẹ mới thầm thì:
– Thằng đó mắt ướt đa sầu lắm, lại làm bộ đội ngoài đảo, không nên đâu.
– Nhưng anh ấy thiệt tính, lại chân thành.
Mẹ nhìn chị, đôi mắt rười rượi buồn. Sau tiếng thở dài não nề, mẹ bảo:
– Thì tùy cô đấy! Tôi chỉ muốn sau này cô đừng khổ như tôi thôi.
Ba ngày ấy cũng là bộ đội Trường Sơn, ra đi và vĩnh viễn nằm lại nơi miền đất đầy nắng gió, đến giờ vẫn chẳng tìm ra xương cốt, chỉ mỗi di ảnh trên bàn thờ để nhang khói hàng ngày. Mẹ một mình nuôi chị khôn lớn. Chị biết mẹ đã đau đớn và chịu nhiều vất vả. Người ta bảo “chòng chành như nón không quai, như thuyền không lái như ai không chồng”, đời người đàn bà góa chồng sao sung sướng cho được. Mẹ vượt qua bao tháng ngày bằng tình yêu và niềm tin vào cô con gái độc nhất mà chẳng chịu đi bước nữa. Mẹ bảo ba có muốn mẹ cô đơn thế đâu, chỉ tại số phận bắt phải thế. Đến bây giờ khi rơi vào hoàn cảnh của mẹ, chị mới hiểu được rằng chẳng có số phận nào bắt mẹ phải cô đơn, chỉ là tình yêu của mẹ dành cho ba quá lớn nên mẹ để cả phần đời còn lại để yêu mình ba. Tình yêu làm cho người ta đau khổ và cũng làm cho người ta cao cả.
Ngày cưới chị, trời đã sang đông, hơi gió rét luồn qua từng ngóc ngách của con phố nhỏ. Biển khi ấy cũng dữ dội như chiều nay, sóng cứ gầm thét mãi. Chị xuýt xoa vòng tay ôm eo anh thật chặt, cố kiếm tìm hơi ấm để xua đi giá rét đầu đông. Khi ấy chị thấy mình hạnh phúc xiết bao, đâu biết được giông gió cuộc đời chỉ mới bắt đầu chớm hình thành.
Anh đi công tác biền biệt ngoài đảo, một năm chỉ dăm lần về phép. Những lúc ôm chồng trong vòng tay sau tháng ngày xa cách, chị tủi phận khóc nức nở. Anh động viên:
– Ráng đi em, chỉ còn năm năm nữa. Rồi anh sẽ trồng một vườn hoa hồng thật đẹp cho mẹ con em ngắm.
Khi ấy chị đang hoài thai bé Ti được hơn hai tháng. Vì con và vì tình yêu dành cho anh quá lớn, chị chấp nhận chờ đợi, cũng chỉ năm năm nữa thôi, lúc ấy con bé mới lên lớp Lá. Khi trở về, mỗi sáng anh sẽ đèo hai mẹ con đi học, đi làm. Năm năm nữa thôi, anh hoàn thành trách nhiệm với xã hội, trở về đất liền, anh sẽ được hưởng biên chế dành cho bộ đội xuất ngũ, được bố trí công việc ổn định, có điều kiện kinh tế để lo cho vợ con. Nghĩ vậy nên chị có thêm động lực để chăm sóc con một mình và chờ đợi chồng.
Thời gian nhanh hơn bước chạy của con sóng bạc đầu, thoát cái con bé đã đến tuổi đi mẫu giáo. Bà ngoại hay đùa bảo:
– Về ở với ngoại chứ ở chi bên đó, ba bây sắp về mẹ lại có em bé cho mà xem, ai mà thương bây nữa.
Con bé chu đôi môi nhỏ xinh cãi lại:
– Ba thương con nhất, mốt ba về dẫn con đi vườn bông chơi, không cho ngoại theo đâu.
– Cha bây, ngoại không dẫn bây đi vườn bông chơi được hay sao mà phải đợi ba?
– Con thích đi với ba hà. Ba sắp về rồi phải không mẹ?
Chị gật đầu ừ hử cho qua câu chuyện. Nhiều lúc khi nói với con về ba, chị rất muốn giải thích cho con hiểu công việc của ba đáng quý thế nào. Nếu không có những người lính đảo như anh thì mỗi khi bão về hay thuyền bè gặp tai nạn trên biển, ai sẽ ứng cứu cho người dân. Nếu mẹ con chị cứ giữ anh khư khư ở nhà thì sẽ có nhiều đôi mắt người vợ chiều chiều ngóng ra biển khơi chờ chồng trong vô vọng. Thôi thì cứ để anh cống hiến tuổi xuân cho lý tưởng mà anh theo đuổi, rồi khi hoàn thành xong nhiệm vụ, anh sẽ trở về chăm lo cho mẹ con chị cũng chưa muộn. Chỉ thương con bé Ti, mỗi lần ba về hay hỏi cắc cớ:
– Ba đi đến khi nào ba không đi nữa?
Ban đầu anh lúng túng chẳng biết trả lời ra sao, sau  anh bảo:
– Thôi để ba trồng cây dừa ngoài sân cho Ti dễ biết nha, khi nào dừa có quầy thì ba về ở luôn với đi không đi nữa.
Thế là mỗi chiều đi học về, con bé lại ra sân thầm thì:
– Dừa ơi dừa, mau có quầy để ba về ở luôn với Ti nha!
Lần đầu nghe con nói, chị bật cười vì lời lẽ trẻ thơ ngây ngô, những lần sau nghe, chị lại thấy có chút xót xa rơi tọt vào lòng. Bà ngoại biết chuyện bảo:
– Ai bảo cô cãi làm chi rồi giờ chịu khổ một mình. Tội là tội cháu tôi còn nhỏ đã chịu khổ rồi.
Chị biết miệng mẹ nói thế thôi chứ trong lòng mẹ thương anh lắm bởi tính anh hiền lành, thương vợ thương con. Là mẹ xót con, xót cháu quá mới trách cứ như vậy. Nghe bé Ti “tâm sự” với cây dừa riết rồi chị cũng lẩn thẩn theo Ti, ngày ngày ngóng ra sân coi cây dừa đã trổ buồng chưa.
Bây giờ cây dừa đã trổ quầy chi chít trái nhưng anh thì mãi mãi chẳng bao giờ trở về nữa. Tất cả những gì còn lại của anh chỉ là tấm di ảnh trên bàn thờ mà mỗi lần thắp nhang nước mắt chị cứ tuôn hoài chẳng dứt. Cơn bão dữ tợn đã cướp anh xa khỏi vòng tay của chị và con. Trong lần cứu hộ tàu bị sóng đánh chìm, anh vì cứu người nên bị sóng đánh văng xa chẳng tìm được xác. Chị chôn nỗi đau vào đôi mắt mỗi chiều da diết nhìn biển. Nhiều đêm trong giấc ngủ, chị thấy anh đang vật lộn với con bão dữ, bàn tay anh giơ về phía chị gọi “Mình ơi!”. Có những khi ngồi ngắm biển một mình, chị vẳng nghe tiếng anh hát đâu đó từ ngoài xa vọng đến, bản tình ca anh hay hát thuở còn yêu nhau.
Mẹ chẳng còn trách chị chuyện cãi lời mẹ ngày trước. Bà an ủi rằng tất cả chỉ là số phận, chúng ta chẳng thể làm khác đi được, rằng anh đã làm được việc tốt cho đời, ít ra bé Ti lớn lên nó cũng tự hào về ba nó, vậy là được rồi. Chị chẳng chịu dọn về ở cùng mẹ bởi không muốn cây dừa anh trồng đơn lẻ một mình. Mỗi khi dừa vừa ăn, chị thường chặt vào đơm lên bàn thờ cho anh. Bé Ti đã nhổ giò cao gần bằng vai chị, nó chẳng còn ngây ngô hỏi bao giờ ba về nữa, thay vào đó nó luôn giục mẹ đơm đồ cho ba mỗi khi đến sinh nhật và ngày giỗ. Nó vẽ một bức tranh về ba rất đẹp để dự thi cuộc thi vẽ tranh ở trường. Chị đã bật khóc khi nghe con thuyết trình về bức tranh “Cha em”. Con bé không khóc khi kể về sự ra đi đột ngột của ba nó, chỉ bảo:
– Ba em đã hy sinh để cứu người, ba em là người vĩ đại nhất mà em từng gặp.
Cả sân trường vang dội tiếng vỗ tay. Chị giấu niềm đau chẳng đặng, nước mắt vỡ òa như cơn lũ, đành nói dối con rằng mẹ khóc vì tự hào về con…
Lại một mùa gió chướng nữa lại về, hơi rét luồn qua từng kẽ lá dừa trước sân. Chị mua một bó hồng nhung thả xuống biển, bó hoa dập dềnh theo con sóng trôi mãi ra xa. Ngày này năm ấy chị đã xiết vòng tay qua eo anh thật chặt. Chị tin nơi xa ấy, anh chắc hẳn cũng như chị chẳng bao giờ quên được ngày đặc biệt này: năm ấy, ngày này, anh cưới chị…
6/2/2023
Ngân Kim
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...