Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

Tia nắng cuối ngày

Tia nắng cuối ngày

Bốn giờ sáng. Những tiếng rao “đò ơi” của đám đò dọc liên tiếp gối lên nhau xé màn sương giá, khua rộn sự yên tĩnh của làng mạc ven sông. Tiếng rao kéo dài đánh thức lửa chài, lửa bếp bập bùng. Mùi thức dậy nhìn má Năm nhóm bếp. Anh lửa chập chờn soi gương mặt má mệt mỏi, bơ phờ. Thằng dần còn ngủ ngon lành, miệng há hốc. Con Dậu thỉnh thoảng lại rên ư ư mà hai con mắt nhắm nghiền. Mùi nhớ lại và thấy giận mấy thằng lính dân vệ. Má Năm mếu máo năn nỉ chúng khi con Dậu nhai vú da khóc tỉ tê:
– Mót từng đồng từng cắc mua hộp sữa đó mấy cậu  ơi. Còn cái quần “tốt tốt” tui giấu trong đống rơm đó. Cái quần nói tốt nhưng nó không còn mới má Năm giành để mặc đi đám tiệc coi cho được với bà con xóm làng. Trả hộp sữa lại cho tui đi. Con tui đau nhiều, tui lại mất sữa …
Má Năm tưởng cái quần lãnh Mỹ A còn “tốt tốt”, thật ra thì nó đã có đến vài ba lỗ mạng – ra thế cho hộp sữa. Nào dè má mất luôn cả hai, lại bị ăn mấy bạt tai. Nhìn bọn lính chuyền tay nút hộp sữa chùn chụt giữa tiếng khóc ra rả của con Dậu, lòng Mùi nóng như lửa đốt. Bọn lính chết thèm, chết khát đâu hồi nào, con giáp thư mười hai cũng không có thế!
Cái xóm nhỏ có vài ba nóc nhà hiu hắt này là nạn nhân thường xuyên của bọn lính. Gà vịt, heo cuối chẳng ai dám nuôi. Đồ đạc chẳng giá trị gì cũng phải giấu bờ, đút bụi.
Má Năm lê dép, tiêng lê nghe ròi rã làm sao. Má đã kém phần nhanh nhẹn. Lúc Má quay lại đã thấy Mùi ngồi tỉnh queo trên bộ ngựa.
– Ua, con dậy hồi nào? Ra vườn lượm cho tao cái mo cau để gói cơm. Chiều qua tao mượn đỡ hàng xóm được cân mắm sống để gởi cho ông ngoại.
– Còn con Dậu?
– Nước cơm pha muối cho mau cứng!
Má vẫn còn pha trò được. Mùi nhìn má Năm bắt gặp gương mặt má méo mó, gượng gạo.
– Mầy vô ở với ông ngoại vài bữa đi, tình hình khó khăn lắm rồi.
Nhà văn Ngô Khắc Tài
Mùi men theo chân núi quanh co. Mặt trời ửng hồng ngoài đồng xa vậy mà nơi Mùi đi vẫn còn tối mù. Sương giá đầy, buốt buốt, ven đường Mùi trông thấy lờ nhờ những quang gánh, mùng chiếu của dân nghèo tứ xứ bị lùa về đây làm phu để ngổn ngang… Tiếng quẹt lửa của ai đó kêu lạch xạch, tiếng nồi niêu khua lanh canh, tiếng càu nhàu của người nào vừa thức. Tất cả hoà trong tiếng chim  kêu chim chíp đón đầu ngày.
Mùi tiếp tục đi theo con đường sẻ vòng vòng bao quanh chân núi. Mùi qua những căn nhà nghỉ mát cho “xếp”, qua một cây cầu sắt bắt ngang miệng vực, rồi nhà thờ rồi giao thông hào, rồi ấp chiến lược… Tất cả những công trình này ở đây ai mà không hiểu rằng phải được hoàn thành trong vòng năm tháng  để tên tổng thống đương thời đến kinh lý? Thầy thợ, phu phen cơm nhà ao vợ vất vả nhưng chẳng ai tính cho một đồng một chữ. Chợ Ba Thê hiện lên trước mắt Mùi. Trên bờ quán xá, dưới sông thuyền bè, đèn cốc mờ cao giăng giăng như hội mùa đom đóm. Người Huế líu lo, líu lo. Giọng miên lờ lợ. Hàng hóa tứ xứ đổ về ối động, chất đống bán với giá rẻ mạt, rẻ thúi mà người ta vẫn không mua. Các con kinh Móp Giăng, Nam Thái, Chủ Kiều, Hai Trân cung cấp cho chợ những cá đồng, rùa, rắn, miệt Sóc Xoài mang qua những ghe khóm vun đầy. Lái Bảy Núi đem về món hàng đặc biệt: đường thốt lốt! Nhìn những tán đường tròn khơi gợi ngọt ngào, Mùi chợt nhớ ông ngoại có thú vui độc nhất là uống tà buổi sáng mai chấp chấp miệng với miếng đường. Mấy năm nay, Mùi chẳng hiểu sao ông ngoại lại bỏ thú vui này, ông ngoại bắt qua khà khà thứ trà đồng quê là lá tràm. Ở ông ngoại có điều gì lạ lùng quá. Người ta thèm cà phê sữa, hủ tiếu… tội nghiệp ông ngoại chỉ thèm đọt xoài non, bông điên điển… tháng bảy lũ cá linh non theo nước về, xoài trổ lá non mịn như tơ, điên điển trổ bông vàng rực, cá linh kho lạt dầm me, đọt xoài, bông điên điển chấm vào… Hằng năm ông ngoại đã háo hức đón đợi. Ai cho ông thịt gà không bằng cho ông rổ lá xoài non. Ông ngoại nhớ vườn xoài tưởng chừng đến héo người. Vườn xoài nhớ chủ buông tiếng chim kêu heo hút! Vườn xoài của ông ngoại nằm phía sau núi này, gần sát chân núi Cô Tô, nay là vùng cấm địa. Bọn lính dân vệ tệ hại ấy đã bắn bỏ, phá cụt đầu, gãy nhánh cả vườn xoài.
Tiếng còi tàu hụ lên từng hồi gấp rút. Chiếc tàu độc nhất chạy đường Ba Thê về cầu số Năm. Mùi bước nhanh xuống tàu và ngồi xuống bên người lái tàu độ bốn mươi tuổi, tóc hoa râm. Đông đảo người đi buôn bán, đi ruộng cũng lũ lượt xuống tàu  đem theo lủ khủ đồ rẫy và gia súc. Gà vịt, heo cứ kêu la ồn ào. Mấy tên lính từ đâu trên bờ kéo xuống  tàu cười nói ầm ĩ. Chúng thản nhiên bẹo má cô này, vuốt đít chị nọ. Thằng nhỏ bán bánh cam ru tréo:
– Trả tiền tui mấy chú ơi!
Tiếng nói của thằng nhỏ như tan loảng vào mặt sông. Đám lính chẳng buồn để ý, chúng tập trung vào việc lấy khóm đập bể ra còn cái  cùi để ăn, ăn gần chục trái chẳng thèm hỏi ai. Người chú tảng lờ chẳng dám hó hé một lời. Chừng như thoả mản, chúng mở ba lô để lấy cái khăn lau cái miệng thơm tho của mình. Mùi nhát thấy cái quần lãnh vá đít của má Năm lòi ra từ trong ba lô của một tên lính. Mùi thì thầm với người lái tàu:
– Đó, cái bọn hồi hôm tôi nói với chú đó!
Người lái tàu nhìn qua kính chiếu hậu thấy tên lính mặt rỗ, môi chì ngó lại chăm chăm.
– Mùi, đem cho lũ cô hồn này gói Ruby đi!
– Không, tôi không đem
Người lái tàu nhăn mặt bước đi:
– Hô… hô  hút thuốc thơm chơi mấy chú em!
Tên mặt rỗ cười hô hố:
– Cha này coi vậy mà điệu nghệ quá ta!
Mùi tức mình đứng dậy đi lại chỗ khác ngồi. Người lái tàu kêu:
– Mùi , Mùi!
Mùi giả vờ không nghe, ngó lãng sang chỗ khác, lặng thinh. Người lái tàu lại nói tiếp:
– Hê, dê con đừng háo thắng húc đầu vào rào. Tao chạy tàu đường này bao năm rồi  về hỏi ngoại bây thì biết ! Cho tao gởi gói trà…
Mùi gạt tay người lái tàu, không nhận gói trà. Người lái tàu quay trở lại tay lái, mặt có vẻ buồn. Tàu chạy được chừng ba cây số, hành khách đang lao xao chuyện trò  vụt nín lặng. Đám thanh niên ngồi trong tàu xanh mặt và vội kẹp tiền với thẻ căn cước. Bọn lính xét giấy chẳng chút ngại ngùng.
Người lái tàu phản đối:
– Ê, kỳ vậy Hổ?
– Kệ tía tao. Ai có hồn nấy!
Tên lính mặt rỗ nhận gói thuốc Ruby hồi nãy vừa nói vừa vỗ vỗ khẩu súng Ga-răng. Tàu sựng ghé tại. Đám lính nhảy lên đồn. Đồn này của tên cặp rằn Sê. Hắn dựa hơi điền chủ, tung tiền mộ lính để mua quan. Ai mộ được một đại đội sẽ được phong chức thiếu uý. Thiếu uý ngang hông!
Dưới tàu xôn xao trở lại. Vùng này ai nấy đều quen thuộc với cảnh tượng hồi nãy nên nó trở nên chuyện bình thường. Riết rồi ai khổ kệ ai, hết còn xót thương. Mùi thoáng nghe ai đó vừa nói:
– Trâu Già nói đúng. Đừng để dân không sợ chết. Hãy để nó ham sống. Họ nhắc tơí ông ngoại. Ông ngoại đang trơ trọi trong xóm nghèo giữa đồng. Mùi lại nhớ tiếng khóc của con Dậu, tiếng ru não dạ của má Năm:
À, à… ơ… mấy đời bánh đúc có xương
Mây đời quan lại  mà thương… nà … dân lành…
Mùi quay ra cửa tàu. Nắng lên. Trời sáng bạch, dãy Thất Sơn trông rất rõ. Mây đùn lên núi từng cụm. Sáng mây đùn, chiều có mưa đây. Mắt Mùi kéo về một điểm gần hơn. Triền núi Ba Thê một cây xoài trổ đọt lá mềm như mảnh lụa mỏng lất phất trong gió. Lá xoài, lá xoài! Mùi vô tình không hái cho ông ngoại một nắm rồi !
Mùi le lưỡi nhìn ông ngoại. Ông thò tay vào lòng, có hơn một chục con rắn hổ đen mun, miệng phun hơi phì phì trong đó. Một tay ông bóp miệng rắn, một tay ông dùng kẹp sắt bẻ cái răng nhọn hoắt của nó nghe cái rắc… Mùi phục ông ngoại sát đất:
– Chắc ông ngoại có bùa?
– Bậy nà. Rắn gặp diêm sinh, lưu huỳnh, hùng hoàng là sợ cong đầu chớ có bùa ngãi gì?
– Ghê quá. Rủi ông bị rắn cắn, chắc có ngãi?
– Ngãi cũng là vị thuốc cây cỏ, đâu có gì lạ con. À… rũi bị rắn cắn chết có mình tao, tre tàn măng mọc Mùi à!
Mùi có cảm tưởng ông ngoại nói điều gì đó rất cao xa, phập phồng. Cánh đồng mỏi cánh cò bay, chó chạy thè lưỡi, có sáu tháng khô rỏ phèn, sáu tháng hoá ra biển nước không bờ bến, hung tợn với từng cơn sóng vỗ. Trưa nắng ong ong, gió thổi rao rao, tiếng chim gù gù trong bụi lác. Lau sậy phơ phất bông trắng. Mấy cái chòi ruộng trông thật nhỏ nhoi, trơ trọi. Tiếng con phèn già chợt vang lên phía sau nhà. Mùi nghe sau cũng hiu hắt, tiêu điều. Tự dưng câu nói  của ai đó lúc Mùi  đi đò lại trở về. Mùi thấy buồn thật. Sao lại gọi ông ngoại là Trâu Già? Sao ngoài kinh Chủ Kỳ vui quá ông ngoại không ở? Chuyện ông ngoại nói nghe xót xa:
– Ngày trước, lúc ông mới lấy vợ, người ta ngày đêm lấn sông, trồng cây chặn giữ phù sa nơi mấy cái bãi lan bồi ở cù lao Ông Hổ. Đến chừng đất trồi lên làm ruộng rẫy được, tên chủ Bích đem giấy tờ đến nói là đất của nó, người lại bỏ ra đi, người ở lại. Ông thương đất quá, nhưng đời tá điền ở đây cơm ăn không đủ no, bốn mùa áo vá… Bởi thế lúc vùng lên đánh Tây, ông đâu có ngán. Nóp với giáo. Trâu Già đâu nệ dao phay. Phá lẫm lúa tên Trường Tiền, chặn đầu cặp rằn Hai Trân bảo cho nó bỏ thói dữ. Lăn đá, hạ dừa làm cảng chặn tàu Pháp… Ngoài kinh Chủ Kỳ vui lắm hả con? Lâu rồi, đất nào còn mang tên địa chủ ông đ… ở đi!
Chiều xuống êm. Gió hiu hiu. Đàn cá giờ này bắt đầu đi ăn. Mùi rê rê sợi dây có một con vịt con qua lại trên mặt ao, đợi lúc cá táp phập là thả cái cần câu giựt xuống. Câu lối này mười chỉ xê một. Chiều từng lúc chói lọi, sẫm lại sắc màu rồi tắt hẳn. Lũ ểnh ương bắt đầu rên rỉ. Mùi nghe tiêng ông ngoại gọi. Trong  nhà thắp ngọn đèn dầu cá  mù mù,  khói khét lẹt. Ông ngoại đang nhấp nháp nước la tràm, thứ nước chát sít. Mùi âm thầm nghĩ ngợi, giá ông ngoại không có tiền mua trà đã đành, đằng này Mùi thấy ông không hề xài tới tiền bán cá, bán rắn bao giờ. Giờ này, Mùi biết ông ngoại sẽ giảng Minh Tâm hoặc sẽ dạy cho Mùi ca. Ông ngoại ca lộn xộn không có sách vở bài bản gì cả. Ông ngoại nhớ, hứng đến đâu dạy đến đó.
– Mùi à! “Cái nhà là nhà của ta. Công khó ông cha lập ra. Cháu con ta gìn giữ lấy. Muôn năm với nước non nhà”.
– Mùi à! Sách có câu “Mẫu hề cúc ngã …”
Giọng ông ngoại khàn khàn đặc thuốc lá, ca không hay nhưng ông ngoại quá vui nên bài ca trở nên hay. Mùi cười, Mùi chẳng biết những bài ông ngoại ca có liên quan gì đến chuyện ông búng mình một cái văng tuốt lên nóc nhà như thiên hạ đồn không. Oai nghi của ông ngoại Mùi chưa từng thấy chớ bây giờ Mùi thấy rất rõ , bàn tay ông ngoại cầm chén nước run run.
Có tiếng nói lao xao ngoài ngõ, có tiếng gọi Trâu Già, Trâu Già. Một đám người từ ngoài vào, rối rít:
– Trâu Già, chủ Kỳ dựa vào chính phủ Ngô Đình Diệm lên như diều. Nó tuyên bố sẽ lấy lại ruộng đất của Việt Minh cấp cho hồi mùa thu. Nó thách đứa nào dám mọc ba đầu sáu tay không trả lại đất cho nó.
– Bác Tư à, cỡ này có cà rà theo con gái Năm Lâm, điệu này nó giở thói dê cũ …
– Trâu Già! Tính sao cái thằng Ba-Hội-Trưởng cầm cái roi đi khám từng nhà trong ngày ba mươi xem có ai ăn mặn hay không?
– Bác Tư, tên quận trưởng ra thông báo là vùng mình phải thu xếp trong hai tháng, phải dọn dìa ấp chiến lược của nó. Ai không đi là còn nhớ Việt Minh, là bắn bỏ. Tính sao đây bác Tư ? Cán bộ mình ở đâu?
Giọng ông ngoại run run, cảm động:
– Cám ơn anh em, con cháu còn nhớ đến lão … Từ ngày tên Diệm thanh toán được nội bộ của nó, nó ỷ lắm. Còn cán bộ mình nằm lại ai cho mình biết ? Nghe nói miệt đồng tràm Hà Tiên, miệt U Minh Hạ còn người mình đang sắp đặt lại công việc để hoạt động trở lại.
Mùi thấy ông ngoại vụt vững vàng trong câu nói chậm rãi.
– Anh em còn nhớ, còn tin chánh sách của Việt Minh đối với nông dân tá điền mùa thu không?
Mọi người chợt nghiêm trang, xa vắng … Gío chạy lao xao trên đồng tưởng như bây giờ ai cũng nghe rõ tiếng  gió. Tiếng gió bỗng dưng như khơi lại không khí chuẩn bị vùng lên ngày cũ …
– Anh em nghe tôi, người nghèo và nó, ai đông hơn? Mình phải bình tĩnh mà đối phó !
Ông ngoại nhăn mày suy nghĩ . Sự khôn của ông già bảy mươi vào giây phút quyết định như dồn lại trên nếp nhăn của vầng trán:
– Chưa có cán bộ thì mình chống xuồng rút lên đồng tìm cán bộ. Cái đồng mênh mông chó ngáp này, lúa trời, cá nước, hà hà … đâu sựo đói ! Số ở lại thì tuỳ thời cơ … cần vững lòng tin.
Đêm đó Mùi thức theo ông ngoại và nhớ má Năm, nhớ Dậu. Ông ngoại thở dài, uống nước sáng đêm, tay ông run run …
Tháng Tám, nước từ thượng nguồn tràn về. Gío đưa nước băng đồng vượt lấn xóm làng. Trên cao, trười lồng lộng. Dưới, sóng nước bập bùng. Nhà cửa ngập trông nhỏ nhoi như dề lục bình phập phồng trên sóng. Giờ là mùa len trâu. Người từ vùng thấp các nơi đổ xô lùa trâu bò về quanh núi Ba Thê chăn giữ. Ba-Hội-Trưởng đang chống xuồng chợt dừng lại, nghênh ngang:
– Hê, anh Tư có nhà không? Cho anh lượng trà-con- khi uống chơi!
– Của không thảo ông lão không thèm đâu! Hà, hà….Hội, mầy dám nhận là hồi đó có tiếp tế cho Việt Minh không ? Có chánh sách tố cộng rồi đó !
– Thôi mà anh, chuyện hồi nẵm!
– Có nẵm mới nó nay chờ!
Ba-Hội-Trưởng nín thinh nhưng dường như hắn ta đánh hơi được điều gì, mắt cứ hau háu. Trâu già từ trong bếp bưng ra một nồi cháo rắn. Rắn hổ nấu cháo đậu xanh ăn  mát lòng mát dạ. Chợt nghe tiếng phun phì phì trên nóc nhà, gắn giựt mình nhìn lên…Ở xứ này, rắn hổ ngộp nước chun vào mùng, vào ổ gà, vào lu gạo cắn chết người là thường, nhưng những con rắn ở đây được nuôi nấng…Hừ, tên Trâu già nầy bùa ngãi ghê thiệt !
– Ăn cháo chơi em!
– Anh ăn trước đi!
Trâu già cười hì hì:
– Đồ nhát như thỏ đế!
Ba-Hội-Trưởng tằng hắng
– Anh Tư à, thời thế đảo lộn, chẳng ai còn nhớ đến tu hành chay, lạt…
Trâu già điềm đạm.
– Hội à, phật tại tâm, đạo dụng lòng. Chẳng ép buộc ai mà cảm hoá mới tốt. Em lên rừng bị cọp ăn, sơ hở thì rắn cắn, đến con muỗi lúc nào cũng lăm le hút máu người….Tại ông trời biểu vậy. Và ăn chay là khẩu phật mà cái tâm lại là xà, thì…Qua khuyên em, chuyện ngay rằm đi xét nhà người ta coi có ai ăn mặn không là chuyện không phải đó!
Ba-Hội-Trưởng như bị ai giáng trúng “sao chổi chà” hắn đổi giọng, nhỏ nhẹ:
– À, anh cô nghe người ta nói vô đạo Thiên Chúa có lúa ăn hoài không anh ? Ở ngoài Ba Thê…
– Rời Hội à ! Qua thấy người ta lấy đạo tạo đời đó Hội à!…Thôi, ăn cháo đi ! Qua ngâm Vân Tiên cho mà nghe. Nói xong Trâu Già cất giọng liền.
Quán…a…rằng ghét việc tầm phào.
Ghét cay ghét đắng….á….ghét vào tới tâm!
Bất giác, Ba-Hội-Trưởng thấy ớn xương sống. Trâu Già ngồi thẳng người, kế bên có cây mác nhọn hoắc, lưỡi sáng ngời. Ông lão trông còn phong độ quá!
Chiếc ca-nô băng đồng ào ạt lướt tới. Nước tung toé, sóng đập ầm ầm vào nhà cửa. Tên Chủ Kỳ xách ba-ton hách dịch đi cùng bốn tên lính bảo an bước lên sàn nhà được kết tạm bằng tràm:
– Ê, Trâu Già ! Mầy có bầy vịt tốt quá!
Trâu Già thót người. Chủ Kỳ muốn kiếm chuyện với sáu con vịt mới trông được mắt đây.
– Bắt ba con nghe Trâu Già?
– Quyền gì chú em. Tao đâu phải tá điền chú em?
– Luật lệ xưa nay, cái gì nuôi trên đất tui là phải chia hai. Cái xóm chó ỉa nầy tui chưa làm ruộng tới nhưng trên giấy tờ là của tui.
Ba tên lính nhảy xuống nước quần bầy vịt. Bầy vịt hốt hoảng đập cánh chạy nháo nhào và cất tiếng kêu thảm thiết. Trâu Già xách mác đứng dậy, hét lớn:
– Mấy người dừng lại!
Ba tên lính không đuổi vịt nữa nhưng lại đưa súng ngắm vào Trâu Già. Trâu Già bỏ mác, trầm giọng.
– Các chú nghe qua nói lời phải quấy. Tây tà, Ba Cụt qua có sợ không? Hà huống chi mấy cây súng của mấy chú ? Bỏ súng xuống, từng người ra đấu với qua!
Trong căn nhà chật hẹp, Trâu Già thủ tiếng “Bình sa lạc nhạn” kín, gọn, uy nghi, mắt ngời thần, râu tóc trắng phêu đẹp như bức tường. Bọn lính lùi lại. Bất ngờ ba tên, hai trước một sau lén tấn công ông lão một lượt. Trâu Già vươn tay đỡ đòn. Tay chạm vào tay, bọn chúng cảm thấy tay mình đau đau buốt. Trâu Già quỵ xuống, một dòng máu từ bên trong trào ra ở khoé miệng, song đôi mắt ông vẫn không lạc thần cứ trừng trừng nhin ba tên lính:
– Đời không tha tội tụi bây, tội ba đứa thanh niên hiếp một lão già!
Chủ kỳ ngạc nhiên, sao tên Trâu Già bùa ngãi ghê gớm nầy lại thua quá dễ dàng. Hắn cười nham hiểm:
– Đừng cho lão chết, để lão sống làm gương cho đứa khác!
Chiếc ca-nô lại rẽ sóng chạy băng băng. Trâu Già nghe lói nơi ngực. Ông già thật rồi sao? Mùi. Mùi ơi !.. Tre tàn măng mọc, ông nuôi con chẳng lẽ… Ông khẽ kêu tên đứa cháu. Mùi đã đi lên trâu hồi sớm. Ngoài trời nắng như mê. Tiếng chim kêu khắc khoải. Gió như điên tung sóng, bọt ngầu trắng cánh đồng. Lúa sạ lắc lư, xạc xào…
Còn một tuần lễ nữa lên tổng thống sẽ xuống kinh lý. Các công trình gần hoàn thành. Đồng nước ngập trắng xoá nhưng nơi đây những con đường lại nổi lên trông như một tiểu vạn lý trường thành. Dân phu suốt mấy tháng xẻ mùi, xeo đá, gánh đất áo quần tơi tả vẫn chưa được về. Chính trong những người này có người ban ngày đi rào kẽm gai, đắp lộ, tối đến lại phá cắt ra khiến công việc kéo dài…Bọn lính tuần canh tức lối nhưng chẳng làm gì được, vì chúng chưa hề bắt được một ai hay phát hiện một dấu vết nào của người làm việc nầy. Lại một việc quan trọng khác phải làm, làm tất bật ngày đêm: Trồng cây vòng quanh dinh điền, nơi tên tổng thống dạo qua. Nhiều mẫu vườn chung quanh bị triệt vì một lý do hết sức đơn giản là tên tỉnh trưởng muốn lập công. Chỉ mới bốn tháng mà dinh điền trù mật do hắn trông coi cây trái đã sum suê ! Vú sữa, xoài tơ, dừa được bứng lên, cưa ngang gốc…Cứ trồng đại xuống, ra sao thì ra…Trong ấp chiến lược, những ngôi nhà cất sẵn, mái ton, hàng rào sơn trắng.. Với những sắp xếp ấy, chúng lùa người đến đây, giả vai, dàn cảnh là chủ nhà ! Chúng bắt gà vịt, quơ bàn ghế từ khắp nơi để trang hoàng cho ra vẻ. Suy ra, con đường vòng vòng chân núi dẫn đến mấy ngôi nhà nghỉ mát, cầu sắt trên đỉnh vực đều là chuyện phô trương. Còn chuyện thật, hàng trăm bụi tre của dân chúng bị chúng đốt sạch không trả một đồng. Tre cắm đầy trong giao thông hao cao mút đầu người…Hàng chục tiểu đoàn, hàng vạn lính được huy động để lùa dân. Xóm làng xơ xác. Bọn lính lợi dụng, hãm hiếp, cướp bóc, vu khống. Chiến dịch tố Cộng độc ác như một quả bom!
Má Năm, Mùi rối bời, thấp thỏm ruột gan. Nhìn dòng người lên xuống hổn độn, không biết Trâu Già đã đi đâu. Tên tổng thống trưa mới đến đây, nhưng dân chúng, vì là dân chúng nên được bọn lính huy động từ lúc nửa khuya ! Bọn lính đã hăng hái cài then, khoá ngõ, chặn mọi ngã đường buộc dân chúng phải mặc đồ mới để đi chào mừng lễ đón tổng thống. Người bưng biền, đồng sâu, mấy năm nay nhiều vất vả, họ chẳng buồn mua sắm quần áo nên xảy ra chuyện mượn áo quần của nhau. Kẻ thì mặc dài luộm thuộm, người lại ngắn ngủn!
Đã hơn 12 giờ rồi mà chưa được phép rời khỏi vị trí. Có người yếu sức té xĩu. Ba giờ, đám quân nhạc ra uy thế, rầm rộ thổi lên điếc tai. Tên tổng thống từ Sài Gòn tới, người hắn lùn mà lại mập, đôi má phúng phính, tay trắng như tay con gái..Mấy tay tỉnh, quận, đám điền chủ chấp tay xá xá, khúm núm. Tên tổng thống đến bắt tay đám bô lão đang nhăn nhó vì cái bụng trống không từ sớm mai đến giờ. Sau đó, hắn hớn hở chống ba-ton đi xem các công trình phải làm đổ mồ hôi xót con mắt của đám dân phu. Chợt một cụ già vẹt đám đông tiến lên trước mặt tên tổng thống. Mấy tay bảo vệ sừng sộ. Cụ già nói giọng to khoẻ:
– Chào tổng thống!
Ngô Đình Diệm sựng lại, cười gượng. Cụ già chất phác xỏ ngọt:
– Tui dâng lên tổng thống, tổng thống coi nè…Tay chân già này chai rộp vì trồng cây cho tổng thống coi vui mắt. Tổng thống coi nè…
Nói xong, cụ già một tay nhổ lên gốc xoài, một tay dở lên một cây khoai mì. Tất cả được bứng hoặc cắt trồng bất kể có rể gốc hay không, do đó việc nhổ cây của cụ già thật dễ ợt! Tên tổng thống nhìn mày sượng sừng rảo bước thật nhanh. Chợt một giọng kêu thất thanh:
– Coi chừng lựu đạn!
đám đông nhốn nháo, xô bồ lên. Có tiếng chủ ký la:
– Chết, tên Trâu Già! Việt minh sao lọt tới đây?
Trâu Già cố rẻ đám đông tiến về phía tên tổng thống. Thình lình, ông bị hai cánh tay rắn chắc kéo giật ông lại. Trâu Già chồm người tới. Tên tổng thống đã đi cách xa khoảng 40 mét. Hai cánh tay bên nảy thò vô mình Trâu Già lục soát. Chúng lấy ra từ thắt lưng của Trâu Già một lưỡi dao sáng bén. Cây dùi cui vứt xuống ! Trâu Già lảo đảo. Đám người thêm hổn độn, lao xao. Nhiều tiếng hô to, phần đông là phụ nữ:
– Trời, ba … Trời, Trâu Già … Bác Tư … bỏ dùi cui xuống, đánh ông già không biết mắc cỡ. Chánh nghĩa là ở chỗ đó hả? Đả đảo ấp chiến lược! Đả đảo lu hủ ! (+). (Diệm tiếng đồng âm với cái vịm dùng để đựng nước lu hủ cũng đựng nước nên Hòa Hảo gọi Ngô Đình Diệm ra Ngô Đình Hủ)
Chợt giọng Chủ Kỳ ú ớ:
– Ủa, ai in con Hoa?
– Má năm cười sằng sặc:
– Ừ, tao đây. Bộ mày tưởng hảm hiếp con gái tao cho có chửa rồi đốt nhà phi tang được hả Kỳ ! Đồ việt gian, đồ điềm chỉ khốn nạn !
Đám đông càng nhốn nháo hơn lên. Có tiếng kêu lớn:
– Cháy ! Cháy ở nhà điền Chủ Kỳ!
Chủ Kỳ quay lại nhìn về hướng nhà của mình. Nhà nó ở cách đây ba cây số mà vẫn thấy tàn lửa bay. Chủ Kỳ thấy mình quá ỷ vì đã đem hết lính lên đây. Hắn cùng mấy tên lính bước nhanh … Bất ngờ, trong đám lính do y mộ để thành lập một tiểu đoàn giáo phái mà y ngỡ rất trung thành đó, một lưỡi lê lạnh lùng giương ra, đâm thủng lưng hắn. Chủ Kỳ ngã xuống đất, mắt trợn trừng cố nhìn  cho rõ ai đâm hắn nhưng nào biết ai, hình như ai cũng là kẻ thù của hắn bởi tội ác của hắn gây ra hầu như không chừa một ngwoif nào!
Mùi lão đão, quay cuồng trong dòng người. Chợt một cánh tay kéo Mùi ghì lại. Mùi thoắt thấy người lái tàu. Ông nói lớn:
– Tao đã lôi được thằng Dần về  … Đi mau!
Người lái tàu lôi hai chị em Mùi đi, vội vã. Trên hai chục người  bị đám lính trói gô lại. Máu lấm tấm trên nền đất. Đó là kết quả buổi khánh thành khu trù mật Ba Thê, mở màn cho chính sách tố Cộng tình nghi!
Tên mặt rỗ đang ngữa cổ tu la-ve. Aó hắn để hở ngực, cái bụng phệ to phồng. Người lái tàu bước tới dúi vào tay hắn 5 gói Ruby và hai ngàn bạc:
– Hổ, cho thăm một chút thôi!
Tên mặt rỗ lấm lét nhìn quanh. Sau cùng hắn nói nhỏ:
– Một phút thôi nghe!
Dần khóc thút thít. Mùi bề ngoài tỉnh táo nhưng rong dạ chết điếng. Ông ngoại đưa tay chỉ về hướng rừng tràm, núi Cô Tô:
– Mùi con, hướng này là hướng có người anh em . Ông lại chỉ về hướng nhà Chủ Kỳ:
– Hướng này là hướng…
Mùi ngơ ngơ không hiểu gì.
– Mầy đi hướng nào? Tao không phải là ông ngoại ruột của mày!
Chuyện này Mùi đã mơ hồ từ lâu, nhưng Mùi nghĩ ông ngoại vẫn là ông ngoại.
– Chủ Kỳ, tía mày nó giàu sang lắm!
Mùi thôn người, bậm môi, tưởng như mình từ trên trời rớt xuống :
– Không, không. Con, con của ai cũng được, nhưng không là con của Chủ Kỳ đâu!
Trâu Già tuy đau đớn nhưng vẫn nở được nụ cười, Mùi không hiểu sao mình chẳng khóc được.
– Năm nay, con khôn lớn rồi. Con sợ không?
– Không !
– Chú hai cho tui gởi… Trăm sự nhờ chú. Dìa nhà, tìm trong hốc đá kế bên bụi chuối đó… Nhắn với anh  em rán tằn tiện…  Đi đi … Hè hè … Tre tàn măng mọc, lại có người… Đi đi, chú Hai!…
Người lái tàu nước mắt lung lanh kéo Mùi và Dần đi như lê. Bên hốc đá, Mùi sửng sốt. Mùi không ngờ ông ngoại mình giàu như vậy. Từng xấp vải bánh ú, khăn rằn, tiền được xếp phẳng phiu. Một bức hình cụ Hồ. Người lái tàu vụt kêu lên:
– Anh tư ơi!
Một chiếc lá xoài ở cây cách đó không xa bay tới là là trước mặt. Mùi nhìn cây xoài. Cây xoài đang mùa trổ lá non mịn màng. Bất giác không cầm được nước mắt. Mùi mếu máo:
– Ông ngoại ơi, ông ngoại ơi!
Lá xoài. Lá xoài non. Mùa này Trâu Già vẫn chưa ăn được lá xoài chấm cá linh non dầm me… Ba người bước xuống ruộng, rẻ lau hướng về rừng tràm.
28/10/2020
Ngô Khắc Tài
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...