Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Muội tro - Điểm mới trong truyện trinh thám Võ Chí Nhất

Muội tro - Điểm mới trong
truyện trinh thám Võ Chí Nhất

Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất vừa đóng góp tác phẩm “Muội tro” vào dòng văn học trinh thám. Một cuốn sách trinh thám được viết với phong cách nhẹ nhàng, dí dỏm có nhân vật chính là một cô cảnh sát điều tra tên gọi là Hà “Ớt”.
Sáng tạo nên một nhân vật chính xuyên suốt những tác phẩm của mình chính là điểm mới đáng khích lệ người viết trẻ như Võ Chí Nhất.
Nhà thơ Phan Hoàng với tác phẩm “Muội tro” của nhà văn trẻ Võ Chí Nhất
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất là hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Võ Chí Nhất từng được công chúng biết đến qua các tác phẩm “Hoàng cung” in năm 2016, “Khiếu ăn mày” in năm 2018, “Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình” in năm 2020.
Cốt truyện được xây dựng từ những vụ án có thật được sưu tầm từ nhiều nguồn tư liệu, hấp dẫn và đáng tin, các nhân vật không rập khuôn, giọng văn cuốn hút và sinh động, với cố gắng đem ngôn ngữ dân dã đời thường vào truyện thay cho lối kể tường thuật dông dài phổ biến, bố cục hài hòa, xây dựng tính cách nhân vật điển hình, nêu bật chủ đề của câu truyện.
Đam mê truyện trinh thám từ nhỏ, nhà văn trẻ Võ Chí Nhất quyết định theo đuổi dòng văn học trinh thám bằng tác phẩm “Muội tro” vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành. Tác phẩm “Muội tro” gồm 10 truyện ngắn, với nhân vật xuyên suốt là nữ cảnh sát hình sự Hà “Ớt” mong muốn tạo ra một thám tử Sherlock Holmes hoặc một thanh tra Maigret thuần Việt cho mình.
Nhân vật Hà “Ớt” được xây dựng thành nhân vật chính xuyên suốt tập sách, và được biết nhà văn xây dựng nhân vật này cho cả xê ri “Ông cò và Tội phạm” của mình. Nhân vật Hà “Ớt” được xây dựng từ những nét tính cách của một đồng nghiệp với “nước da ngăm đen”, “giọng nói như cái muỗng nạo đít chén” nhưng lại nhiệt tình với công việc điều tra tội phạm vốn khô khan và thường không dành cho phụ nữ. Võ Chí Nhất kể chuyện để xây dựng cho người đọc một nhận thức thực tế: Biện pháp tấn công tội ác hữu hiệu nhất chính là ý thức ngăn ngừa phòng chống của mỗi người dân.
Khi đọc truyện trinh thám của Võ Chí Nhất, người đọc đừng bao giờ bỏ qua bất cứ một chi tiết nào, dù là nhỏ nhất. Vì không có gì là ngẫu nhiên cả, đơn cử như: khí sắc nhân vật, một khu vườn hoa hồng rộng lớn nhưng lại chẳng có con ong nào hút mật (Đóa hồng đẫm sương), một chiếc khăn choàng được choàng lên cổ vào mùa hè chẳng hạn… (Chuyện ở vườn nho). Bởi rất có thể, từ những chi tiết rất nhỏ, bình thường, tưởng chừng như vô hại có thể sẽ trở thành điểm mấu chốt của một vấn đề nào đó mà nhân vật chính đang truy tìm (Muội tro).
Võ Chí Nhất cho biết: “Kết cấu truyện trinh thám cũng như một cái hình tam giác có 3 cạnh, bởi những tình tiết đưa vào truyện đều phục vụ cho một mục đíchhay vai trò nào đó và không có tình tiết thừa thãi. Truyện ngắn trinh thám luôn có một cái kết giải thích vì thế những cái kết truyện luôn đồ sộ, như cạnh dưới của hình tam giác. Kiểu kết này được các bậc tiền bối trong làng trinh thám (như Agatha Christie) sử dụng từ rất lâu, và hiện tôi cũng đã tìm tòi cách thức để làm cái kết ấy bớt đồ sộ nhưng thật không đơn giản”.
Tác phẩm “Muội tro” của nhà văn trẻ Võ Chí Nhất
Một điểm mới nữa trong truyện trinh thám Võ Chí Nhất là nhà văn không đánh đố người đọc bằng những câu thoại kiểu “ăn nói nửa chừng”, cũng không gây sự hấp dẫn cho truyện của mình bằng những tình tiết ly kỳ với súng, dao, thuốc độc mà Võ Chí Nhất chọn cách thể hiện tự nhiên thành thực của một ông cò để dẫn dắt những sắc thái cảm xúc khác nhau đến cho người đọc: bật cười sảng khoái, xót xa cay đắng hay buồn rầu tự vấn hoặc cười ra nước mắt. Truyện trinh thám Võ Chí Nhất thiên về suy luận tư duy logic – khoa học, nói không với kinh dị, máu me. Thế nên các học sinh đều có thể tìm đọc. Giọng kể chuyện nhẹ nhàng, hóm hỉnh, tự nhiên và thành thật đến mức… ảo chính là nét độc đáo mà Võ Chí Nhất sử dụng.
Đơn cử như truyện “Đừng xem đó là bẫy”, người đọc sẽ thấy một câu chuyện nhẹ nhàng được viết thật chậm rãi về những bà già yêu đời và câu chuyện rắc rối của họ khi phải cần đến một cái bẫy bằng kẹo mạch nha thơm lừng, và một chiếc mặt nạ hóa trang được làm từ bánh tráng cùng sự góp mặt của cô cảnh sát hình sự Hà “ớt” trong bộ trang phục xanh lá mạ…
Truyện “Chuyện ở vườn nho” với motif án trong căn phòng đóng kín. Tác giả đã không theo lối mòn của các nhà văn trinh thám cổ điển luôn trung thành với “hung thủ” gây án là động vật (đười ươi, rắn…) thì tác giả đã linh động sử dụng “công nghệ” để tìm ra chiếc nhẫn kỷ vật bị đánh cắp… Hay truyện “Dịch ruồi” có tình tiết phá án bằng côn trùng mới lạ.
Trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái, một thùng phiếu bỗng biến mất không để lại dấu vết. Một chiếc điện thoại Nokia với file ghi âm của một người mang bí số 82 để lại dưới chân bàn. Trong phòng lúc này có 6 người và một công nhân lao công bịt kín mặt mũi như một “Ninja”, vậy ai là thủ phạm đã lấy mất thùng phiếu đó?
Từ một dấu vết khám nghiệm tử thi trong một vụ tai nạn xe, xe cháy, xác người cũng biến dạng, Hà “Ớt” đã bất ngờ tìm ra hung thủ. Trong cổ họng xác chết không có muội tro, nạn nhân được xác nhận danh tính trong vụ án vẫn còn sống và lại chính là kẻ mượn xác dưới mộ mang lên dàn cảnh để lãnh tiền bảo hiểm vì nợ nần.
Tác phẩm “Muội tro” của nhà văn trẻ Võ Chí Nhất nhanh chóng nhận được sự đồng cảm từ những tác giả tiền bối. Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Anh Đào đánh giá: “Những câu chuyện trong cuốn sách này như một chuỗi hình sin cứ lên tới cao trào rồi lại xuống, đó cũng là đặc điểm của truyện trinh thám”.
Nhà văn Lâm Hà cho rằng: “Vẫn kiểu kể chuyện hóm hỉnh nhẹ nhàng, nhưng chú trọng về các chi tiết nghiệp vụ mang tính kiến thức khoa học hơn là trực giác thám tử, “Muội tro” của Võ Chí Nhất đưa người đọc tiếp cận nhận thức muôn thuở ‘Thiên bẩm chỉ là lẻ loi, lao động mới là phổ quát để đạt được kết quả tốt đẹp’, đặc biệt với công tác điều tra tội phạm”.
Tác phẩm “Muội tro” của nhà văn trẻ Võ Chí Nhất có thể xem như một tín hiệu mới trong dòng văn học trinh thám. Sự góp mặt của nhà văn trẻ Võ Chí Nhất cũng như vài tác giả trẻ khác đang mở ra nhiều hy vọng cho dòng văn học trinh thám Việt Nam. Khi được hỏi về dự án sắp tới, Nhất bật mí, anh đang hoàn thiện tiểu thuyết trinh thám “Pho tượng cổ” dày hơn 300 trang và sẽ trình làng trong thời gian tới. Chúng ta cùng chờ đợi vậy.
Làm sao để có nhiều nhà văn trẻ dự phần sáng tác văn học trinh thám? Tại buổi tọa đàm “Văn học trinh thám hiện đại: Giao lưu Đông và Tây”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, người Việt Nam hầu hết đều thích những câu truyện trinh thám. Tôi nhớ khi xưa còn nhỏ, tôi rất thích nghe chương trình “Kể chuyện cảnh giác” chứa đựng trong đó tinh thần của truyện trinh thám. Ở Việt Nam, số lượng sách văn học trinh thám quá ít ỏi, lực lượng người viết cũng còn rất ít. Tới đây, có thể Hội Nhà văn Việt Nam sẽ kết hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức một cuộc thi văn học trinh thám”.
1/11/2022
Hoàng Yên
Theo https://vanhocsaigon.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những cơn bão - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Những cơn bão - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương Mẹ Bình tối ngày mò mẫm ngoài đồng với vài sào ruộng khoán. Cha lụi hụi đạp xe đi đư...