Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Cách nhìn đa chiều về con người và lịch sử "Trong cơn lốc xoáy" của Trầm Hương

Cách nhìn đa chiều về con người và lịch sử
"Trong cơn lốc xoáy" của Trầm Hương

Với một đất nước trải qua nhiều biến cố, nhiều cuộc “gió xoay chiều” như Việt Nam, có biết bao con người trở thành nhân chứng của lịch sử, thậm chí là một phần lịch sử. Bạn đọc từng biết loại nhân vật như thế qua nhiều tiểu thuyết lịch sử mà phần lớn họ là những tên tuổi từng được ghi “bảng vàng” với các danh hiệu cao sang.
Tiểu thuyết Trong cơn lóc xoáy của nhà văn Trầm Hương
 “Trong cơn lốc xoáy” (TCLX) thì khác, vì nhân vật chính là một phụ nữ hầu như chưa ai biết đến, trước khi TCLX ra đời – bà Jeanne Anna Villarialle (JAV). Thậm chí, nếu “xếp hạng” theo quan niệm thông thường thì bà còn ở dưới mức “phó thường dân” – một người Việt lai Philippine, mang quốc tịch Pháp, rồi sau là Mỹ (cả hai, một thời đều bị xem là kẻ thù của Việt Nam), trừ giai đoạn bà hoạt động trong “Chi đội Tình báo số 12”, còn thì bà bị cả những người thân gọi là “con đĩ” hoặc là các “danh hiệu” thuộc loại bị khinh rẻ và ghê tởm. Vậy thì vì sao bà lại có thể trở thành nhân vật chính của một bộ tiểu thuyết trường thiên dày gần ngàn trang khổ lớn và đặc biệt hơn, tác phẩm này đã đạt giải A trong cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết về đề tài Cách mạng và Kháng chiến (giai đoạn 1930-1975) do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng năm 2015?
Chúng ta đều biết, không phải tác phẩm nào đạt giải cao trong các cuộc thi cũng đều có giá trị hạng nhất, nhưng với TCLX, trả lời câu hỏi trên có thể dẫn đến một số “hệ quả” đáng suy ngẫm…
Có người bảo nhà văn Trầm Hương gặp may hoặc là có “duyên” nên mới được bà JAV mấy lần vượt đại dương, khẩn thiết trao gửi tất cả bí mật cuộc đời trải qua gần một thế kỷ thăng trầm của mình vì không đành chôn vui tất cả “dưới những nấm mồ, tan vào cát bụi…” Trong nghiệp viết, có thể nói nhà văn Trầm Hương đã có một cơ hội tuyệt vời, như người khai thác gặp một mỏ quý lộ thiên. Tuy vậy, nói vui một chút theo thành ngữ Việt Nam thì đây không phải là chuyện “chuột sa chĩnh gạo”. Thử hỏi, vì sao nhà văn Việt Nam có cả ngàn người, riêng ở Nam Bộ cũng có hàng trăm cây bút thạo nghề mà Trầm Hương lại được bà JAV tin cậy trao gửi? Nếu như tôi không nhầm thì Trầm Hương được chọn vì “thiên hạ” biết cô đã nhiều năm dành tất cả tâm huyết “thâm canh” trên mảng đề tài gắn với lịch sử dân tộc và đã có không ít thành tựu; đặc biệt hơn, các tác phẩm của cô thường dựa vào các nhân vật nổi tiếng, thậm chí là các “tên tuổi” có nhiều huyền thoại như các tiểu thuyết “Đêm trắng của Đức Giáo Tông” (tiểu thuyết – 2002), “Đêm Sài Gòn không ngủ” (tiểu thuyết – 2008) “Người đẹp Tây Đô” (phim truyện 16 tập)… Nói theo ngôn ngữ nhà Phật “nhân nào, quả ấy” thì với quá trình và kinh nghiệm “thâm canh” như trên, Trầm Hương được đón mùa “quả” ngọt là tất yếu. Đây mới chỉ nói đến phương diện tư liệu, để làm nên tác phẩm, còn phải “lao tâm khổ tứ” rất nhiều. Trầm Hương đã tâm sự: “… Tôi dùng tim óc của mình cho công việc, nghe bà kể chuyện, ghi chép, tìm đến những nhân mối nhân vật, đọc lại hàng ngàn trang lịch sử đôi khi chỉ để lý giải một vài ẩn số câu chuyện. Gần mười năm ròng rã… Có lúc tôi nản lòng vì thấy mình đang bơi trong biển khơi của ngồn ngồn tư liệu… Nhưng vì sự tin cậy, kỳ vọng của bà, tôi đành phải như con ong hút mật, ngày từng chút một…”  
Với trường hợp Trầm Hương, thêm một minh chứng là nhà văn cắm sâu vào một  vùng đất, biết cách khai thác mọi chiều kích của vùng đất ấy thì chắc hẳn có điều kiện để làm nên tác phẩm có giá trị hơn là “đi thực tế” kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Gần với Trầm Hương, có nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thành danh chỉ với những “cánh đồng” cùng những người dân lam lũ trên kênh rạch Nam Bộ; xa hơn và nổi tiếng hơn là nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc), từ làng quê Cao Mật khô cằn đã viết nên những tiểu thuyết đoạt giải Nobel…
Thành công của Trầm Hương còn chứng tỏ đề tài “Cách mạng và Kháng chiến” đâu  phải khô cứng, chỉ ùng oàng bom đạn như một số người nghĩ mà còn nhiều “dư địa” cho những cây bút có tài, có tâm đi sâu khai thác và thỏa sức tung hoành trên trang viết, chuyển tải được những ý tưởng lớn và đậm tính nhân văn. Thú thật, tôi chưa có điều kiện đọc tất cả tác phẩm của Trầm Hương, nhưng với tiểu thuyết TCLX, vấn đề này đã được thể hiện một cách đậm nét.
Đạt được thành quả này, theo tôi, trước hết, nhờ tác giả không tự “đóng khung” tác phẩm vào một chiến dịch, một binh chủng hay một sự kiện nào trong thời đoạn ngắn như không ít tiểu thuyết trước đây, cũng không lấy nguyên mẫu là cuộc đời một anh hùng hay nhân vật tên tuổi nào mà “thiên hạ” đã quen và ngưỡng mộ chọn làm nhân vật chính, để rồi khó phóng bút theo trí tưởng tượng của mình.
 Như trên đã viết, tác giả có… duyên, nên đã có một nguyên mẫu với cuộc đời trải qua những khúc ngoặt éo le “ba chìm bẩy nổi chín lênh đênh”, số phận truân chuyên còn hơn cả nàng Kiều! “Tiểu thuyết xoay quanh chuyện tình của con gái nuôi của ngài Giám đốc Tổng thuế ba miền Đông Dương và một người Cộng sản – sinh viên y khoa năm cuối, nghe tiếng gọi non sông, về Nam, xếp bút nghiên lên đường tranh đấu…”
“Lời tác giả” đầu tác phẩm đã viết như thế. Tất nhiên, đây chỉ là cách nói không thể vắn tắt hơn nữa về bộ tiểu thuyết hơn ngàn trang, nhưng nếu từ “trích yếu” nội dung này mà nghĩ rằng TCLX miêu tả cuộc đấu tranh vượt lên định kiến giai cấp và ý thức hệ để bảo vệ tình yêu giữa hai con người thuộc hai bên chiến tuyến, cho dù đó là sự giằng xé đau đớn, thì như thế đã làm giảm tầm mức của tác phẩm. Có thể là nhờ nhân vật chính (bà JAV) có mối quan hệ vô cùng đa dạng, hoặc tác giả TCLX có ý thức tránh xây dựng cốt truyện theo “mô-típ” hai tuyến nhân vật địch-ta – mặc dù đây là bản chất, nói đúng hơn là mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam trong nhiều thập kỷ đã qua – nên bạn đọc có lẽ là lần đầu, thông qua tác phẩm văn học, đã được tiếp cận với một cuộc sống đa dạng, phong phú và phức tạp đến mức vượt quá sức tưởng tượng của nhà văn. Chính nhà văn Trầm Hương đã tâm sự với tôi như thế! Như thế, cũng có thể nói, hiện thực cuộc sống trong tác phẩm rối ren và “hỗn độn” như là nó vốn có; vậy mà tưởng như tác giả đã viết theo trường phái “hậu hiện đại”!
Xin dẫn một đoạn đời của bà JAV: Vào thời điểm “tranh tối tranh sáng” khi đội quân Nhật tiến vào Đông Dương và ở Nam Bộ xuất hiện nhiều “nhóm vũ trang”, đội quân Cao Đài của Hoàng Huy xông đến chiếm nhà của JAV, bắt cả gia đình cô và ép cô làm vợ. Để cứu gia đình và bản thân, cô phải chấp nhận lấy Nagamoto – một tình báo cỡ bự của Nhật Bản với vỏ bọc là một doanh nhân. Giữa phút JAV lâm nguy, Nagamoto buộc phải trút “vỏ bọc”, xuất trình thẻ có in hình Tổng tư lệnh Nhật ở Nam Thái Bình Dương, nên Hoàng Huy lâu nay nương bóng quân Nhật đành “xếp vó” buông tha cô. Nhưng rồi đến lượt Nagamoto bị quân Pháp bắt, đúng vào lúc cô sinh nở. Vạn – chàng sinh viên y khoa Việt Minh, không cứu được con cô, nhưng đã thành bờ vai vững chắc cho JAV nương tựa, và tình yêu giữa hai người ngày một sâu đậm. Lúc này, Vạn mang “vỏ bọc” thân Nhật thâm nhập vào đội quân Cao Đài có cả ngàn tay súng của bà Năm Sương Thu, dạy con bà, để chuyển hóa lực lượng vốn chủ trương chống Pháp, thân Nhật, nhưng không chịu sự lãnh đạo của Việt Minh… Sự đời trớ trêu đến mức đến lượt cả JAV và Vạn cùng bị cảnh sát Pháp bắt khi JAV tham gia hoạt động trong “Chi đội 12” biệt động Sài Gòn. Chỉ trong 48 giờ tạm giam, JAV đã bị hai tên lính lai hiếp… Số phận JAV quả thật là bi đát nhưng hành vi bỉ ổi của hai tên lính đánh thuê thực dân – nếu không phải là bản chất thì cũng không hiếm và đã được miêu tả trong không ít tác phẩm. Nhưng hành vi của ông dược sĩ Cao thì quá lạ thường đến “khó hiểu”. Là chủ một nhà thuốc hạng nhất của thành phố, quen biết với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ông mang thuốc vào “cứ” tiếp viện cho đội quân kháng chiến rồi “giả vờ” là bị Việt Minh bắt. Được một người quen cho biết hoàn cảnh của Vạn và JAV, ông đã đưa cho JAV một khoản tiền lớn để có thể cứu Vạn khỏi nhà tù. Thoạt đầu, hình như ông không có ý định lợi dụng nhan sắc của JAV, vậy mà ông đã chiếm đoạt cô, nhưng vẫn mong muốn cứu Vạn, muốn vun vén cho hạnh phúc hai người, ngay cả khi ông biết JAV đã mang thai với ông. Ông từ chối cưới JAV không chỉ vì hai người chị không bao giờ chấp nhận cho ông lấy một cô gái nghèo đầy tai tiếng, mà ông nói: “… Điều quan trọng là tôi đang suy tính con đường tốt nhất cho em. Em không nghĩ đến một ngày cậu Sáu Vạn trở về sao?! Người đó mới xứng với em, mới thực sự mang lại hạnh phúc cho em…”
“Nữ tướng” Năm Sương Thu cũng là một nhân vật “lạ thường”. Khi biết Vạn là Việt Minh “thứ thiệt”, bà chấp nhận yêu cầu “giải giáp”, ngoài món tiền “đền bù” là 50 hạt hột xoàn 4 ly trở lên, còn một điều kiện đặc biệt: “Thầy giáo phải rời xa con đầm lai JAV” với lý do “con đầm lai JAV là vợ của Nagamoto, ân nhân của tôi. Dù thời cuộc thay đổi, tôi vẫn không quên những người đã chia sẻ cùng tôi những ngày khởi đầu khó khăn… Tôi không thể cúi đầu khuất phục một người vô đạo.” Khi nghe Vạn “bào chữa” rằng “yêu thương một người phụ nữ sao lại là vô đạo”, bà Năm quắc mắt nhìn Vạn và nói:
– “Cướp vợ một người đàn ông đang thất thế , bị tống giam trong tù không phải là vô đạo sao?!… Tôi đã đau khổ vì sự thất bại của mình thì thầy giáo cũng phải trả giá cho sự chiến thắng!”
– “Bà lầm rồi! Xét cho cùng thì không ai chiến thắng cả. chúng ta chỉ có một lựa chọn duy nhất: Con đường tốt nhất cho cả một dân tộc.”
Một đoạn đối thoại không chỉ đầy kịch tính, mà cũng như dược sĩ Cao, bà Năm còn cho chúng ta biết thêm một mẫu nhân vật khá đặc biệt tham gia chống thực dân Pháp trong buổi đầu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đồng thời thể hiện sự phức tạp vô cùng của con người, chứ không chỉ đơn giản có “địch-ta”, “xấu-tốt” như không ít cây bút đã miêu tả một thời chưa xa.
Trên đây chỉ là “trích yếu” một đoạn đời ngắn của JAV và Vạn. Dung lượng có hạn của một bài viết không cho phép, mà có lẽ chẳng nên “kể” tiếp cuộc đời vô vàn khúc ngoặt đến “lạ lùng” của 2 nhân vật này, để các bạn… còn tìm sách đọc. Tất nhiên là không phải 152 chương sách đều hay; có những đoạn và một số nhân vật nên lược bớt hoặc rút gọn lại… Nhưng biết đâu tác giả muốn tái hiện cả một “tấn trò đời”?
Xin trích một đoạn thư Vạn gửi cho JAV lúc sắp giã từ trần thế ngổn ngang sau năm 1975, để biết hai nhân vật chính của TCLX đã kết thúc “tấn trò” ra sao:
“…Anh không biết sẽ ra đi vào lúc nào. Nhưng còn sống, còn thở là anh vẫn yêu em, nhớ đến em… Anh yêu em mãi mãi, yêu cả khi không còn được sống ở trên đời… Anh ước nguyện trước khi chết được gặp em, được nghe em nói lời tha thứ…”
Với những tình cảm nồng cháy ngay khi viết những dòng như lời trăng trối ấy, từ Paris, JAV đã kịp về bên Vạn trong căn nhà ở Thủ Đức, cũng để nói những lời cuối cùng bên người yêu: “Vạn ơi, em xin lỗi anh! Em đã không chờ được anh suốt mười lăm năm xuân sắc … Xin hãy tha thứ cho em!…”
Một mối tình chung thủy đến lạ kỳ! Vì JAV, sau khi có con với dược sĩ Cao, đã lấy chồng, sinh thêm 5 người con nữa và có lúc làm giàu nhờ kinh doanh hàng viện trợ Mỹ; còn Vạn, sau những năm tháng tù đày ở Côn Đảo, dù thân hình tàn tạ, lại bước vào cuộc chiến thứ hai, tham gia đánh chìm nhiều ca nô Mỹ chở quân cụ, nhưng lại lấy một cô gái “bán hoa” từng có con với lính Mỹ! Vậy nên đã có biết bao ngôn từ viết về tình yêu, nhưng mãi mãi, đây vẫn là điều không thể lý giải!…
6/7/2019
Nguyễn Khắc Phê
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...