Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Khiêng võng à la

Khiêng võng à la

Đã xuất bản 13 trường ca, không lạ khi mấy năm trước, nhà lý luận phê bình Chu Văn Sơn khi còn sống đã từng “phong” Thanh Thảo là “vua trường ca”. Vấn đề không phải số lượng. Mà là, ở mỗi trường ca, nhà thơ vừa vẫn giữ được năng lượng cần, vừa tiếp tục có những tìm tòi, bứt phá. Ví dụ “Metro”, “Chân đất”… Đến “Tôi là Sáu Dân”, “Người khiêng võng” lại khác. Cả 2 trường ca này đều viết cụ thể một con người, đó là nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt và một vị đại thần 3 đời vua triều Nguyễn- Lê Đại Cang. Cả 2 đều giống nhau phương thức diễn đạt: mộc mạc, giản dị ngôn từ, và cùng để nhân vật tự biểu đạt về mình. Có thể mộc mạc dung dị làm ai thích những độc đáo, chữ nghĩa hình ảnh thơ không thích. Nhưng để cho nhân vật bộc bạch, khó có hình thức nào hợp lý hơn. Cũng như, luôn là Thanh Thảo, dù “hóa thân”, ông cũng bộc lộ cái tôi cố hữu với những suy nghiệm về nhân sinh, về nỗi đau đáu đất nước mình, dân tộc mình.
“Người khiêng võng” viết về vị đại thần công tích lẫy lừng về trị chánh, đê điều trị thủy, cầm quân đánh giặc, đặc trách tiếp sứ Tàu, tài thơ… Độc đáo ở chỗ, “bậc quốc sĩ” (chữ của nhà văn Hoàng Quốc Hải) văn võ toàn tài người Tuy Phước, Bình Định này, lại nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” vì chức phận của mình. Bao lần thăng, bấy lần giáng, thậm chí từ một đại tướng cầm quân 2 lần giáng xuống làm lính khiêng võng, thậm chí có quyết định vua “trảm giam hậu”. Ấy vậy mà tới 70 tuổi, cáo lão hồi hưu vua Minh Mạng không cho, phê “lão đương ích tráng”. Mãi tới năm 72, vua Thiệu Trị mới chuẩn y. Ngày về lại quê nhà, Lê Đại Cang chỉ mang theo cái đòn khiêng võng. Bây giờ sự nghiệp lẫy lừng của ông hậu thế chỉ còn lưu giữ được cái đòn khiêng và tập “Lê thị gia phả”, tập để lại cho con cháu rất sâu sắc đạo đức, khí tiết làm người, “vì họ tộc không có gia phả như nước không có sử!”
Tham dự hội thảo tầm quốc gia về Lê Đại Cang 2 lần, một ở Bình Định, một ở An Giang, nhà thơ Thanh Thảo đều có những tham luận hay. Nhưng cuộc Châu Đốc – An Giang về sau, ông mới bắt được cái mạch. Mạch 5 năm sống, chiến đấu ở chiến trường Nam bộ (1970-1975). Và nhà thơ chấp bút rất nhanh, viết xong vài trang đã gửi cho bạn, chừng 2 tuần là hoàn thiện trường ca theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa.
Như nói trên, cái tôi nhân vật đã hòa cùng cái tôi tác giả. Nhân vật lịch sử hay nhà thơ, cuối cùng rồi cũng gắn với nhân dân, tổ quốc, một ý thức trách nhiệm của người cầm bút mọi thời. Có một sáng tạo độc đáo trong trường ca, đó là câu mở đầu và lặp lại nhiều lần như điệp khúc: “Khiêng võng cho quan, à la, khiêng võng cho quan”, câu in nghiêng, trong ngoặc, như tiếng bật thốt, reo vui, có chút “hí hửng” của nhân vật. Chữ “à la” là sáng tạo của nhà thơ. Nó gây hiệu ứng đã đành nhưng cái chính là Thanh Thảo đã thấu một Lê Đại Cang, thắng không kiêu bại không nản, hết lòng vì chức trách, không ấm ức, không oán giận. Đại tướng hay khiêng võng, Lê đại thần vẫn một mực trung trinh, bề ngoài là với vua, nhưng chính là trung với dân mình, đất nước mình. Không oán trách nhưng đâu phải không cay đắng: “những bước chân không lấn bấn/ đòn khiêng nghiến trên vai/ những giọt mồ hôi lắng/ rơi thấm con đường dài// tôi sinh ra làm người khiêng/ trách nhiệm/ làm người khiêng/ số phận/ làm người khiêng/ lo lắng/ làm người khiêng/ cay đắng// sông Hậu tràn nỗi buồn mênh mông”. Và: “có sao đâu, ừ thì khiêng võng/ suốt đời mình ngược xuôi ba động/ việc này đáng sá gì!/ chiếc đòn khiêng đã thành gia bảo/ tôi mang về tôi lại mang đi// phải trải thấu chuyện đời nhẹ nặng/ mới biết làm người là ghé lưng/ không thóai thác không hèn nhát/ dẫu trên vai đòn cứa thấu xương”.
Có một vượt thoát thời gian: nhà thơ tin rằng tinh anh, hồn phách Lê Đại Cang vẫn còn đó với dân với nước: “tháng bảy mưa dầm một nỗi đa mang/ tháng bảy heo may giờ Cang ngồi đọc lại/ một bài thơ xót xa về biên ải/ của một nhà thơ hậu sinh”. Đó là bài thơ của nhà thơ viết sau khi Lê Đại Cang qua đời ngót 170 năm. Cũng nỗi niềm biên ải bây giờ, nỗi niềm nhân vật hết bắc rồi nam, chống thanh đại đao giữ yên bờ cõi. Người hết lòng vì dân vì nước chết nhưng không mất.
Có tất cả những vùng đất Lê Đại Cang đi làm nhiệm vụ: Bình Định, Quảng Nam, Huế, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội, Sơn Tây, Tuyên Quang, Gia Định, An Giang, Hà Tiên, cả xứ Chân Lạp… Người viết bài này nghĩ vui, giá như sách kỷ lục thời nhiều kỷ lục giờ, tính toán hết chặng đường đi xe, đi bộ, đi ngựa của ông đại thần họ Lê nhậm chức và công cán, phục dịch, hẳn ông đứng đầu quan lại Việt Nam về chuỗi dài hành trình!
Có quê nhà ngày trở về với cái đòn khiêng “gia bảo”, lập am tu tập, lập văn chỉ cùng các bậc túc nho ngâm vịnh. Đó là quê nhà của một Lê Đại Cang dân, con em của nhân dân: “bìm bịp ơi xin nhận ta là bạn/ cả đời khắc khoải với dân quê/ ta xa xứ lòng luôn cố xứ/ trong giấc mơ thường thấy ngày về// bìm bịp kêu nhịp đôi/ dân Việt mình cơ khổ/ mấy trăm năm đều đặn tha hương/ nay xe đò còn xưa đi bộ/…/ “như tại” là điều cha tôi dạy/ qua bao quăng quật phù vân/ “mình thế nào cứ là thế ấy”/ thu xếp thuận hòa thân với tâm”.
Trường ca Người khiêng võng mở đầu và khép lại cùng chi tiết khiêng võng. Nhưng đoạn kết là những gẫm suy sau chuỗi dài thăng trầm với bao nỗi niềm. Cái gẫm suy làm người, vượt thoát và chính trực: “nếu bạn hỏi tôi có bí quyết gì/ ngay trong giờ đen tối nhất/ vì sao không ngã gục/ bạn hãy nhìn cái đòn khiêng// nó như tại và tôi như tại/ cùng người khiêng thứ hai, ba số phận gắn liền/ chúng tôi ghé vai nâng vật nặng/ chính khi bị đè là khi ta vụt lên”.
Nên không có “à la” như đoạn mở đầu. À la “như tại” khiêng võng chứ không phải để khoái hoạt, vui vẻ gì. Tôi nghĩ khi tìm ra cái từ mới độc đáo này, nhà thơ hẳn sướng lắm!
Nhà thơ Thanh Thảo là một trong số ít nhà thơ thành danh cùng thời vẫn còn giữ được phong độ sáng tạo. Ông không tìm kiếm sự cách tân về hình thức, thậm chí thơ càng lúc càng như lặn ẩn, chân mộc, viết như không, có vẻ lại là tìm tòi mới của ông. Nó kín và sâu những ký gửi, những tư duy nghệ thuật. Đó là cái u ơ của một tầm cao. Tin rằng ông còn viết nhiều và hay. 
30/6/2019
Lê Hoài Lương
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...