Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Chơi giữa thường hằng - Phạm Ngọc Dũ và tôi

Chơi giữa thường hằng
Phạm Ngọc Dũ và tôi

Tôi đến với Ngã Du Tử khá muộn. Đúng thôi, tôi thì bé tí còn anh thì đã qua cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” từ lâu. Chính vì thế mà anh đã đạt đến mức độ gần như hoàn-hảo về mặt tri-hành, kiến-văn và kinh-nghiệm về cuộc sống. Cũng nhờ đó mà khi nhìn hay nghe thấy điều gì, anh không những không cảm thấy chướng-ngại mà còn hiểu thấu được mọi lẽ. Không phải tự-nhiên mà ta đạt được trình-độ “nhi nhĩ thuận” Muốn đạt được trình-độ này, con người cũng phải có căn-bản giáo-dục, đạo-đức, kiến-văn và kinh-nghiệm từng-trải về sự đời.
Tập thơ Chơi giữa thường hằng của Ngã Du Tử
Ngã Du Tử tên thật là Phạm Ngọc Dũ, sinh năm 1956 tại Nghĩa Hành – Quảng Ngãi. Anh bôn ba trong cuộc đời để bây giờ anh định cư tại Sài Gòn đô hội và rong chơi từ ấy đến quê cùng những miền hoa thơm cỏ lạ.
Làm nhiều thơ, yêu nhiều chữ để bây giờ giữa cuộc bon chen, anh vừa ra mắt thi phẩm Chơi giữa thường hằng, một tập thơ mang hơi hướng thiền thi và 17 bài thơ lẻ khác.
Tập thơ được chia làm hai phần. Phần đầu là Trường thi Chơi giữa thường hằng được anh viết bằng thể thơ lục bát mà nói như Luân Hoán là “một hồn vía tinh túy từ một dân tộc lạc quan yêu thích thanh bình” và phần sau là những bài thơ tình được viết bằng sự đa dạng thể loại và hình ảnh. Cũng không quên nói rằng, đan xen với anh là đôi câu cảm nhận của người chị thơ Ninh Giang Thu Cúc và của Đông Nguyên.
Bài trường thi Chơi giữa thường hằng được anh tách thành 10 chương, mỗi chương là một sự dẫn dắt  từ “Vương vấn”, “Quán chiếu” đến đoạn cuối cùng là “Chuyển hóa” và “Thắp đuốc Chơn tâm”. Nói theo tinh thần Phật gia, thì đó là sự giác ngộ, sự tìm kiếm “bản lai diện mục” của một đời người.
Cuộc đời thi sĩ là một cuộc chạy vòng quanh xuôi ngược kiếm tìm một chứng nghiệm. Sự chứng nghiệm dày dặn của một đời làm người trước dâu bể cuộc đời để khi về với cõi tâm linh, tìm cho mình một chốn an bình trong tâm thể và tâm thức khi mọi đối đãi bằng vòng tay yêu thương và tha thứ.
Nếu Bùi thi sĩ đã từng nói:
“Trăm năm tắm gội dưới trời
Ngày thì tắm nắng tối rồi tắm trăng
Nhớ em, tắm với chị Hằng
Tận cùng tắm với ngọn đèn cô đơn”
Thì với Phạm Ngọc Dũ:
“Ngày thơm hương phúc an lành
Hoa thanh lương nở trên nhành ruổi rong
Ta về thắp lửa, đèn chong
Soi vào tục lụy trước vòng bể dâu”.
(Trước Minh kính đài)
Rốt ráo của cuộc đời, cuộc thơ, chỉ còn ngọn đèn tri âm cùng thi sĩ và xa xa trên bầu trời xanh kia, giữa muôn ngàn tinh tú, một vầng thơ lẻ loi đang cùng anh:
“Mở lòng ra, rộng đôi tay
Nhân gian còn biết tỏ bày làm tin
Là đi là đến phận mình
Hành trình còn những thình lình đục trong”
Giữa cuộc “Chơi giữa thường hằng”, anh đã đối mình “trước minh kính đài” để thấy rằng
“Dễ chi hạt ngọc mà mong
Đôi khi đắng chát cũng trong cõi này”
Vâng, đôi khi đắng chát. Và cái thật sự khi đứng trước gương soi mình, tìm lại chính mình anh đã trực ngộ ra rằng:
“Nào thương, nào ghét được gì
Việc đời lắm mộng đôi khi mệt mình”
(Chương 8: Nghi tâm)
Vậy đó, đời là vô thường, thay đổi theo luật nhân quả,
Vũ trụ thay đổi, đó là vô thường và luật nhân quả là thường hằng. Tất cả mọi triết lý đều có một nền vĩnh cữu và trên đó là một dòng chảy thay đổi liên tục. Đó là thế giới tương đối biến hóa trên cái nền tuyệt đối. Đó là sóng nước thay đổi muôn trùng trên mặt đại dương vĩnh cữu gọi là Không. Đó là vũ trụ sống mỗi ngày trong tình yêu Đạo pháp tràn ngập từng tế bào của vũ trụ.
Chính vì vậy, khi viết “Còn lại dấu ngày”  Ngã Du Tử đã an nhiên:
“Tôi ngửa mặt hứng nụ cười rất nhẹ
Lững mùa vui trong đáy mắt luân hồi”
và để rồi khi
“Tôi thơ thẩn soi từng vùng tâm thể
Con đường quen còn lại một dấu ngày”
nhà thơ đã thấy “Phía bên kia trăng nước ngập thuyền đầy” .
Một bài thơ tình ẩn sau những kiếm tìm giữa cuộc rong chơi vật vã với áo cơm giữa nhân sinh đầy hệ lụy khi anh đã tìm thấy an lạc tâm.
Đi dọc cái trầm luân cuộc đời, lang thang trong cõi vô thường với hệ lụy nhân sinh của “sinh lão bệnh tử” và bon chen cùng thời cuộc vì “cơm áo không đùa với khách thơ” đôi khi ai đó trong chúng ta cũng “nhầm lẫn cọng trừ” để thấy rằng cuộc đời không chỉ hoa hồng và chocolate. Những gai góc từ từng ngóc ngách, từ những thăng trầm đã khiến Ngã Du Tử ngộ ra rằng
“Người đả đảo, kẻ hoan hô
Thì ra thế sự cả bồ liêu trai”.
Tuy ray rứt, đau đáu vậy, nhưng cái cốt lõi để chàng gửi hồn vào thơ, mặc nhân thế lắm lời, nhân sinh lắm lẽ. Khép phòng văn lại, ủ lòng mình lại, chàng đã đạt đến sự an nhiên, tự “xếp”, tự “xây” cuộc đời mình trong chính “nát bàn thơ” của con tim yêu đời và đau đời và… vui sống:
“Góc đời đọc sách xem tranh
Xếp ngôn ngữ lại xây thành quách thơ”
và để rồi buông thỏng hai câu
“Xanh như lá thắm cau trầu
Đừng như vôi bạc tình đau đáu lòng”
Cái đau đáu của Ngã Du tử được anh viết bằng thể lục bát chân phương mộc mạc với bài thơ “Ngẫu hứng ngày lên”.
Trong mỗi chúng ta, có ai đã từng hỏi “Cớ gì mà Phạm Ngọc Dũ lại chọn cho mình cái bút danh Ngã Du Tử”. Và có ai đã thử biện mình rằng, trong cuộc yêu thơ, mấy ai đã tịnh tâm sám hối trước một thánh thể là hương sắc khi đêm buông về phía ngã.
Sẽ là sáo rỗng nếu chúng ta chưa nhận thấy đời vị đắng, nếm môi xuống đời, thấy đời ngọt lịm, cho nên chàng đã “ngộ” được lẽ đời, lẽ sống, lẽ tình yêu để đủ sức đề kháng và thản nhiên đắm mình.
“Ngày yêu mến đêm ngược nguồn bất tận
Vươn cánh dài theo sóng nước hoàng hôn”
Vâng, cái ý vị của anh là hương sắc. Cái nên thơ của anh là thánh thể và cái chân tình của anh  là
“Rồi từ đó ta thức cùng mộng mị
Vùng say mê rộn rã một tâm hồn”.
(Đời gọi em là hương sắc)
Nếu nói Chơi giữa thường hằng là một thiên trường thi đậm thiền vị quả không ngoa khi xuyên suốt tập thơ là những tư tưởng mang triết lý Phật gia, những giải thoát mang tính tự thân.
Thấu triệt cái tư tưởng: “Khi các con sông dòng suối trôi về biển, nó bỏ lại sau lưng tất cả tên gọi và thuộc tính, chỉ còn mang một vị mặn”, anh đã ngược ngạo đời “vác thuyền về phố” và vác tình ta đi dạo khắp nước non.
Phải chăng cái dạo chơi này đã là một sự giải thoát? Chí ít là của chính anh – Ngã Du Tử – như cái mỹ danh anh chọn cho mình.
Bằng bút pháp chân chất với phong cách “nhà quê”, lục bát “vác thuyền về phố” sẽ cùng chúng ta “tít mắt cười” và “tìm ra đáp số”:
“Dòng sông nào cũng mang nước về biển mặn
Đời con người bao nhiêu lần giọt đắng
Ừ thì ta vác thuyền về phố
Và vác tình ta đi dạo khắp nước non”
Dẫu không nằm trong phần đầu của tập thơ, những bài thơ lẻ đã không lẻ. Có lẽ là nó chạy theo một mạch luân hồi mà đời người rồi ai cũng qua.
Sinh ra, lớn lên, yêu và mang những ngọc ngà đi cùng những bước chân tâm về quỳ gối bên Phật đài để tự soi rọi lại chính mình, anh đã nói:
“Còn chăng chỉ một chữ tình
Thì thôi hãy sống chân tình trước sau
Một đời thấm đẫm bể dâu
Gọi người an trú qua cầu nhân gian”
Ừ, thì thôi. Ừ thì gọi nhau mà an trú trong nhau giữa phù trầm nhân thế.
Vậy đó, Ngã Du Tử đã Chơi giữa thường hằng”
Tập thơ nhỏ nhắn, xinh xinh nằm lặng lẽ trên kệ sách với lối hành văn mộc mạc bằng những ngôn ngữ đời thường pha lẫn những câu từ của triết lý Phật giáo. Đôi lúc anh đã dùng một vài từ “cổ kính” như “vầng trăng cổ độ”, “chốn giang đầu”, “bể dâu”. Tuy nhiên, nó không lệch lạc hay quá cầu kỳ bởi anh rong chơi bằng một thể thơ lục bát mang đậm cái hồn quê.
Gặp anh vội vã, đọc anh vội vã, tôi chỉ biết nói rằng đây là một tập thơ mà tôi yêu mến. Nó không quá hoành tráng và “nặng ký” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nó nhẹ nhàng như anh đã “Chuyển hóa” và “vác thuyền về phố”.
Cám ơn anh, cám ơn Ngã Du Tử đã cho tôi Chơi giữa thường hằng.
1/9/2019
Lê Nghị
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...