Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

Đôi dòng cảm nhận Cánh cửa hiện sinh

Đôi dòng cảm nhận
Cánh cửa hiện sinh

Không gian thơ của Cánh cửa hiện sinh là một nguyên khối quyện hòa đậm chất suy tưởng. Nguyễn Thụy Sơn không đặc tả đậm nhạt cái thế giới đang tồn tại để làm khúc dạo đầu, ở đây nhà thơ quán niệm thẳm sâu về quá khứ và hiện tại.
Tôi quả bạo gan khi nhắm mắt nhảy xuống cái vực sâu thăm thẳm mà Nguyễn Thụy Sơn vừa dắt độc giả đến bên bờ hoang liêu của Cánh cửa hiện sinh. Đánh liều vì thơ Nguyễn Thụy Sơn đã được một số cây bút chuyên nghiệp đánh giá, phê bình với khá nhiều giấy mực. Tôi cũng chưa có dịp đọc Trầm tích, tác phẩm của Nguyễn Thụy Sơn vừa trình làng trong thời gian gần đây. Nhưng có gì ngăn cấm tôi viết ra cảm xúc của mình trước một bài thơ mà tôi yêu thích, khiến hồn tôi rung động? Puskin gọi nhà thơ là “ca sỹ kiêu hãnh của tự do”, còn tôi, tôi không được tự do thả đôi cánh diều thăng hoa khi lắng nghe ca sĩ kiêu hãnh của tự do cất tiếng hát từ bên trong cánh cửa thiền chăng?
Không gian thơ của Cánh cửa hiện sinh là một nguyên khối quyện hòa đậm chất suy tưởng. Nguyễn Thụy Sơn không đặc tả đậm nhạt cái thế giới đang tồn tại để làm khúc dạo đầu, ở đây nhà thơ quán niệm thẳm sâu về quá khứ và hiện tại:
Mượn bóng chiều vàng thỏa hiệp đêm
Mây Tần qua Sở phủ non thiêng
Rêu phong khóa kín hồn bia đá
Bia miệng ngàn năm ngậm tuổi tên
Tôi cảm nhận được thời khắc pha trộn huyễn hoặc của ngày và đêm, của thực tại và tâm linh, của quá khứ bị bào mòn và vị lai chưa định hình, của xét nét nhân gian bia miệng mà tác giả chứng ngộ qua những thăng trầm biến thiên chuyển dịch. “Mây Tần qua Sở phủ non thiêng”, phải chăng thi nhân bày tỏ nỗi đau trước những khát khao danh vọng thấp hèn đã ngập tràn bao phủ lấy non cao của lòng tự trọng, hồn bia đá ngàn năm đã bị khóa kín bởi rêu phong thời gian vô vị, âm thầm bào mòn, gặm nhấm cho năm tháng tàn phai, và bia miệng ngàn năm không còn lên tiếng?
Vác nỗi buồn lên gõ cửa trời
Dọc hàng mây trắng nắng ai phơi
Thiền am bóng bụt vừa đi vắng
Sương tuyết hồn ta hóa thạch ngồi
Nguyễn Thụy Sơn sau khi ngẫm ngợi chuyện đời xưa nay đắn đót, dè dặt ôm giấc mơ nhân gian bay vào cõi tịnh. Thi nhân vác cả nỗi buồn ngàn năm ấy đi gõ cửa thiên đình. Tôi đoan chắc rằng, nỗi buồn này không là đớn đau cá thể, không là hụt hẫng chơi vơi tình sầu tầm thường, mà chính là bi kịch nhân gian, mãi mê ngụp lặn hoang đàng với nhân sinh quan hẹp hòi đua chen hơn thiệt. Tác giả muốn cầm cố căn bệnh di căn của con người hôm nay cho trời đất, cho vũ trụ vĩnh hằng, như một sứ mệnh cứu rỗi tự thân gánh lấy.
Thế mà, trên đường viễn phương nhọc nhằn đó, thi nhân vẫn kịp ngắm nhìn “dọc hàng mây trắng nắng ai phơi”, lững lờ, bềnh bồng phù du, như cánh hạc từ cao tít từng không chiêm ngưỡng nét đẹp muôn đời của thiên nhiên lộng lẫy dưới đôi cánh lả bay, rồi lần ghé vào “thiền am bóng bụt vừa đi vắng”. Ngay cả ông Bụt, chủ nhân thiền am mà nhà thơ cũng cho “đi vắng”, để làm gì ư? Tôi chợt khám phá ra rằng, Nguyễn Thụy Sơn thiết tha sở hữu một giấc mơ tự do tuyệt đối. Bởi, chắc hẳn vào giây phút thăng hoa, tâm hồn thi nhân tinh khiết, không còn gờn gợn chút gì, trong như suối, lành như sương, vẹn nguyên như chân như diệu pháp thường hằng. Phải chăng chỉ còn Tôi, còn Ta, mà hồn ta là tuyết sương ngàn năm hóa thạch, một mình một bóng chễm chệ ngự cõi hoang nhiên. Phút giây ấy xuất thần vi diệu biết bao. Hình như Hegel từng nói: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài; thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc.” Tôi nghĩ, lúc vén tay phóng bút, Nguyễn Thụy Sơn đã bay lên vi vút cùng cảm xúc, quên mình là ai.
Vậy mà, bay chưa qua hết chín từng mây, không biết đã kịp gõ cửa nhà trời hay chưa, nhà thơ chừng như lại va vấp nỗi đời, âu cũng là thân phận con người, nào có ai đã vượt qua bên kia sông để đến với bờ giác như câu chú bát nhã ba la mật. Thật đau lòng, tôi thắt cả ruột gan:
Dúi ngày sau cánh cửa hiện sinh
Ếch trước gương soi thẹn bóng mình
Đục nước ao nhà trăng lõa thể
Bên hồ chết cạn giọt nguyên sương
Đêm hoang vu và ngày mỏi mệt. “Dúi ngày”, ôi thi ngôn hàm chứa trọn vẹn thực tại đầy mai mỉa làm nhức nhối tim gan. Cánh cửa hiện sinh toang hoác, nuốt chửng cái còm cỏi thân phận con người đang bị đọa đày, dày vò đến mỏi mòn khát vọng. Nhìn thấy cái hạn hữu của nhận thức, thẹn với mình như con ếch tự soi gương trong đáy giếng lạnh, thấy cuộc đời đen trắng lõa lồ, “đục nước ao nhà trăng lõa thể”. Ngoảnh lại chạm mặt nhân gian, vầng trăng thanh cao rơi xuống ao bùn, tung hê nhan sắc xiêm áo diêm dúa, và than ôi, “giọt nguyên sương” chết cạn mất rồi. Cánh cửa hiện sinh đêm ngày mở khép trong tối tăm và ảm đạm cùng thân phận người, thân phận thi nhân.
Thi nhân đành lòng gõ nốt trầm lên khung nhạc của lòng kiêu hãnh thi ca, mà đớn đau, mà mù lòa, có chăng là khát vọng hé mở cánh cửa thiền thay cho cánh cửa hiện sinh u trầm:
Gõ xuống hợp âm một nốt trầm
Dội vào vách đá lặng thinh âm
Chúa trên thập giá chùi vệt máu
Phật ngự đài sen bước xuống… THIỀN.
Nhưng, nốt trầm của nỗi buồn hiện sinh chừng như cũng chỉ dội vào vách đá, hắt thanh âm trở lại cắt cứa lòng người, đau như nỗi đau tận cùng của Chúa trên thập giá, và, “Phật ngự đài sen bước xuống… THIỀN”, phải chăng là để cứu độ hành giả mắc nạn giữa cõi đời ô trọc…
Tác giả không dụng ngôn nhiều trong suốt bài thơ, mà thi ý lồng lộng muôn phương, mà cảnh giới thiền tâm trong mơ ước tuy mong manh sương khói nhưng có lẽ đã chạm lòng người đọc. Cánh cửa hiện sinh đã cho tôi khóc cười cùng tác giả, khóc cười cùng bao khát khao mà thi nhân thời đại chúng ta ít người vươn tới được.
31/8/2019
Nguyên Bình 
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...