Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Quê ngoại - Truyện ngắn Trần Quang Lộc

Quê ngoại - Truyện ngắn
Trần Quang Lộc

Nhà văn Trần Quang Lộc sinh ra và lớn lên tại An Nhơn – Bình Định. Ông hiện đang sống và làm việc tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Văn Chương Phương Nam trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc, bạn viết truyện ngắn “Quê ngoại” của nhà văn, nhà báo Trần Quang Lộc!
BBT Văn Chương Phương Nam
Gần mười lăm năm, tôi chưa có dịp nào về thăm quê ngoại. Nhiều lý do lắm, nhưng có hai nguyên nhân chính: thứ nhất, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi bị cuốn vào vòng xoáy của nền kinh tế thị trường lắm gian truân nhưng cũng đầy hấp dẫn; lý do thứ hai, quê ngoại tôi không còn ai là họ hàng thân thích. Bà ngoại đã qua đời, cậu Út và dì Tư đang sinh sống nước ngoài. Mãn tang ngoại, mẹ con tôi đưa nhau lên thành phố thừa hưởng gia tài bên nội để lại, bao gồm một ngôi nhà hai tầng nằm ngay trên đường phố chính và một cơ sở chế biến gỗ mỹ nghệ xuất khẩu. Ngôi nhà lá mái năm gian với vườn cây ăn quả gần ngàn mét vuông của ngoại để lại mẹ đã nhờ bác Mão, một người quen cũ đến ở và chăm nom hộ. Vì vậy, cái làng quê nằm dọc theo dòng sông cái của một huyện miền trung du, nơi tôi đã trải qua thời trong sáng hồn nhiên như cây cỏ cứ xa dần theo năm tháng, nhạt dần trong ký ức của tôi.
Rồi hôm nay, tôi quay về quê ngoại vì một lý do hết sức đơn giản: Bán nhà!
Đến sân ga rất sớm để kịp mua vé tàu về nơi mà cách đây mười lăm năm mình đã ra đi. Trên đường ra ga, một vài người bạn gặp tôi chào hỏi. Câu trả lời “về quê” của tôi làm cho họ rất ngạc nhiên. Cũng phải thôi! Mười lăm năm ở phố, chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng, mình cũng có một miền quê êm đềm, đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ. Vài năm đổ lại đây, dân thành phố có xu hướng đưa vợ con về quê: về quê ăn tết, về quê dự ngày giỗ chạp, về quê nghỉ hè… Ai cũng rất tự hào về quê hương của mình và xem đó là nơi trú ngụ bình yên, thanh thản sau những năm tháng bon chen trong cuộc mưu sinh đầy căng thẳng và phức tạp giữa chốn phố phường bụi bặm. Còn tôi, suốt mười lăm năm lo miệt mài đèn sách rồi lao vào thương trường, đầu óc đặc sệt ý tưởng làm giàu.
Những năm đầu của nền kinh tế mở, tôi hăng hái lao vào việc sản xuất kinh doanh bằng sức trẻ dám nghĩ, dám làm của mình, bằng kiến thức tích lũy được trong bốn năm trên giảng đường đại học kinh tế và nhất là dựa vào vốn liếng ba tôi để lại.
Việc đầu tiên, tôi thay mẹ điều hành công ty sản xuất mặt hàng gỗ mỹ nghệ lớn nhất thành phố, đồng thời cho nâng cấp ngôi nhà mặt tiền thành khách sạn cho người nước ngoài thuê. Việc kinh doanh buôn bán rất phát đạt. Sản phẩm công ty làm ra không những được khách hàng trong nước tin dùng mà còn xuất hiện trên các thị trường Châu Á, Châu Âu, ngay cả Châu Mỹ xa xôi. Vì vậy, công ty không ngừng cải tiến thiết bị công nghệ, tăng cường lực lượng chuyên viên kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hệ thống maketing hoạt động rộng khắp. Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước xem tôi như một nhà doanh nghiệp trẻ năng động. Phương tiện thông tin đại chúng không ngừng nâng tên tuổi của tôi lên ngang tầm với những đại gia chuyên sản xuất mặt hàng gỗ cao cấp trong cả nước.
Tôi chưa thỏa mãn những gì đã đạt được bằng năng lực, bằng sự nhạy cảm của chính mình. Đầu óc tôi lúc nào cũng quay cuồng với việc xoay nhanh đồng vốn, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đầu tư dịch vụ… Tôi không ngần ngại vay những khoản tiền lớn trong các ngân hàng nhằm biến những ước mơ của tôi trở thành hiện thực. Mẹ thường khuyên tôi lấy vợ để có người giúp tôi trong công việc làm ăn. Tôi một mực từ chối, viện lý do chưa thành đạt.
Rồi những năm gần đây, chính sách phát triển kinh tế có phần thông thoáng hơn, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn xuất vốn đầu tư, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, nhiều tay giàu sụ khi nay im hơi lặng tiếng bỗng nhảy ra khuấy động thương trường. Người Việt nước ngoài sẵn sàng đưa vào những khoản tiền khổng lồ để liên doanh, liên kết trong lãnh vực đầu tư kinh doanh.
Thế là thương trường thành chiến trường sôi động. Ai có nhiều lợi thế hơn sẽ phất lên như diều gặp gió và trở thành những ông chủ lớn, và tất nhiên cũng không ít chủ doanh nghiệp bị phá sản, bị sập tiệm, có người phải vào tù ngồi bóc lịch vì đi chệch đường hướng, vì thiếu vốn, nhất là thiếu kinh nghiệm cạnh tranh. Tôi thuộc thành phần thứ hai nhưng chưa đến nỗi phải bị truy tố ra tòa.
Công ty chuyên chế biến mặt hàng gỗ cao cấp vang bóng một thời dần dần suy sụp. Chỉ trong vòng gần hai năm, nó đã teo lại thành quầy bán lẻ bàn ghế dân dụng. Để tăng thêm nguồn thu nhập, mẹ tôi phải kê thêm cái tủ nhôm ngay trước cửa, bên trong bày biện đủ thứ linh tinh như: dầu gội đầu trị gàu, xà phòng tắm, mấy bịch bánh kẹo, sữa hộp, mì ăn liền, thậm chí còn chen thêm dăm bao thuốc lá lẻ… Khách sạn mini mang bảng hiệu “Anh Thơ” cũng bị chi phối bởi quy luật đào thải và trở thành nhà nghỉ phục vụ cho những cặp tình nhân cần nơi vui vẻ trong thoáng chốc.
Mẹ rất buồn vì việc kinh doanh của tôi bị thất bại. Tôi lo bán tất cả những gì có thể bán được để trả nợ cho các ngân hàng và quyết tâm nuôi mộng khôi phục lại những gì đã mất.
Nghe mẹ nói, quê ngoại ngày nay đã thành một thị trấn mới. Đất vườn ngoại trên ngàn mét vuông đang trở thành khu đất vàng vì nằm dọc theo con đường tỉnh lộ vừa mới mở. Miền quê ngoại nghèo khó suốt một chiều dài lịch sử ngày nay đã có điện, có nước phục vụ nhân dân, đời sống nông thôn không thua kém gì thành phố. Mẹ tôi về quê nắm bắt tình hình rồi nhờ bác Mão rao bán hộ ngôi vườn của ngoại. Bản bán nhà treo trước cổng ngỏ gần hai năm nhưng tôi không nhận được thông tin nào từ Bác Mão. Đôi lúc tôi lại xoay sang trách mẹ đã rất sai lầm khi giao quyền sử dụng căn nhà của ngoại cho người dưng. Rồi đây thế nào cũng sẽ xảy ra tranh chấp nhà đất hết sức phức tạp. Lòng người dễ thay đổi, biết đâu mà lường? Mẹ bảo tôi có tính đa nghi như Tào Tháo, hiểu nhầm người ngay. Bẵng đi thời gian dài, một hôm, bác Mão nhắn mẹ tôi về gấp để thu xếp việc bán nhà. Mẹ ủy thác việc này cho tôi.
Khoảng xế chiều, tàu dừng lại trên một ga xép. Tôi hối hả rời sân ga đi ngược theo hướng cũ để tìm đường về quê ngoại. Cứ đi loanh quanh mãi mà chưa tìm ra lối nhỏ ngày xưa. Nhờ một người đi đường chỉ dẫn, tôi mới hiểu ra… Chao ôi! Con đường nhỏ hẹp, lổn nhổn lỗ chân trâu, hai bên mọc đầy cỏ dại, mùa mưa nhiều đoạn phải xắn quần lội bì bõm, giờ đây trở thành tuyến đường liên tỉnh đã được bê tông hóa! Điều làm tôi ngạc nhiên hơn khi trông thấy mạng lưới tải điện chạy dọc ngang trên các cánh đồng xanh mướt, đưa ánh sáng văn minh đến vùng quê có một thời được coi là xứ khỉ ho cò gáy. Một làn điệu dân ca phát ra từ chiếc loa phóng thanh có công suất lớn đặt ở đâu đó càng làm tăng thêm sự bình yên êm ả của buổi chiều miền quê ngoại.
Rời tuyến đường liên huyện, băng qua khu chợ làng rồi rẽ sang một lối nhỏ, dòng sông quê lộng bóng mây trời và khu đồi sim rực nắng vỡ òa trước mắt. Gió từ lòng sông thổi về lồng lộng tạo nên những đợt sóng lúa đang thì con gái chạy đuổi nhau trên cánh đồng xa đến tận chân trời. Tôi khẽ kêu lên trong niềm cảm xúc lẫn lộn vui – buồn: Quê ngoại!
Đứng lặng người trước cổng ngõ nhà ngoại trong chốc lát rồi khẽ khàng đẩy cửa bước vào, con chó nhỏ từ đâu nhảy xổ ra, sủa ầm ĩ.
– Mốc!
Nghe tiếng chủ gọi, con mốc vội cụp đuôi chui vào nằm bẹp xuống một góc sân, mắt vẫn lườm lườm về phía tôi, gầm gừ đe dọa. Một ông già râu tóc bạc phơ, mặc bộ bà ba trắng đã ngả màu từ trong nhà bước ra, nheo nheo mắt:
– Chú em tìm ai?
– Con đây! Thằng Khương, cháu ngoại bà Hương Trà đây mà.
Ông già giương mắt kính nhìn tôi, bỗng cuống lên:
– Chao trời! Cháu Khương. Cháu lớn ngần này rồi ư?
– Mười lăm năm rồi còn gì! Tóc bác cũng đã bạc trắng – Giọng tôi xúc động.
Bác Mão hồ hởi lôi tôi vào nhà, vừa súc bình pha trà, bác vừa hỏi:
– Thím ba có về không cháu?
– Mẹ cháu rất bận việc hàng họ buôn bán nên không về được.
Giọng ông già chùng xuống:
– Lớp trẻ bây giờ tệ thật, mãi ham làm ăn mà quên quê hương xứ sở. Hồi các cụ còn sống, căn nhà này luôn nhộn nhịp cháu con dâu rể, nổi tiếng danh gia vọng tộc. Vậy mà giờ đây…
Bác Mão nghẹn lời, lòng tôi cũng se lại.
Một lúc sau, bác mang ly nước đưa tận tay tôi, giọng trở lại sôi nổi:
– Uống nước đi cháu rồi ra bến sông tắm táp cho thoải mái. Đường sá xa xôi chắc vất vả lắm. Bác ra đây có chút việc rồi về ngay.
Bác Mão hấp tấp ra đi. Tôi thở dài tự nhủ, tính bác vẫn nhân hậu, sôi nổi, dễ gần như thuở nào. Tôi đảo mắt qua mấy gian nhà một lượt: sạch sẽ, ngăn nắp. Trên bàn thờ, hai bài vị của ông bà tôi còn đó, cái lư sành đầy những chân hương mới. Điều đó chứng tỏ bác Mão vẫn thường xuyên hương khói cho ông bà tôi.
Ra vườn ổi, mùi ổi chín thơm lừng làm tôi sực nhớ đến Mười, người con duy nhất của bác Mão cũng là cô bạn gái bé bỏng của tôi thời thơ ấu. Bây giờ chắc cô Mười đã trở thành cô gái xinh đẹp và có thể đã lấy chồng quanh đây. Tôi thầm nghĩ như vậy. Mãi suy nghĩ về cô bạn gái ngày xưa nên không hay biết mình đã đến bến sông quê. Một giọng trong trẻo có vẻ hoảng hốt từ dưới bến vọng lên:
– Kìa! Ông ơi…
Tôi giật mình nhìn ra. Một cô gái đang ngâm mình trong dòng nước biếc, mặt hướng về phía tôi, nửa như trách cứ, nửa e lệ, thẹn thùng. Tôi vội nói lời xin lỗi rồi lẩn vào một góc xa. Ngay sau đó, cô gái với bộ áo quần ướt sũng hấp tấp chạy ngang qua rồi mất hút sau giậu thủy trúc.
Tắm rửa và tìm chỗ thay quần áo xong, lòng tôi rất thanh thản, nhẹ nhàng như vừa được tẩy sạch tất cả những tính toán thiệt hơn, những buồn phiền trăn trở trên bước đường danh lợi mà mình đã trải qua. Bỗng có tiếng bác Mão oang oang:
– Mười ơi! Làm con cá lóc này nấu tộ canh chua thiệt ngon. Thằng Khương thích món này lắm!
Cô gái cất giọng ngạc nhiên:
– Khương nào ba?
– Khương con dì Nga mày chứ Khương nào nữa.
Mười ngẫm ngợi một lúc, hỏi:
– Ảnh về hồi nào? Giọng Mười đầy ngạc nhiên lẫn phấn khích.
Tôi hối hả bước lên phía trước, thay lời bác Mão:
– Mười, anh mới về!
Mười giương đôi mắt đen tròn nhìn tôi ngỡ ngàng… Trong thoáng chốc, mắt nàng cụp xuống, hất lọn tóc còn sũng ướt ra phía sau, giọng sâu lắng:
– Vậy mà… vậy mà em cứ tưởng anh sẽ không bao giờ về lại cái làng quê này nữa!
– Thì anh đã về đây – Giọng tôi xúc động.
Nhìn Mười không chớp và cứ ngỡ trong mơ.
Trời ơi! Cô Mười đang đứng trước mặt tôi xinh đẹp bội phần so với cô Mười mà tôi vừa cố tưởng tượng ra. Không ngờ cô bé mũm mĩm ngày xưa đi đâu cũng bám lấy chéo áo tôi bây giờ là bông hoa hương sắc của đồng nội!
Năm lên ba tuổi, Mười mồ côi mẹ. Bác Mão phải mang theo cô con gái kháu khỉnh mỗi khi đến làm công cho ngoại tôi. Thấy bác Mão nghèo lại hiền lành, chất phác nên ngoại cắt rẻo đất cuối vườn giúp bác dựng nhà để cha con có chỗ an cư. Tôi thường ra nhà bác chơi và làm bạn với bé Mười thông minh, xinh xắn. Lúc rỗi việc, bác Mão thường kể cho chúng tôi nghe chuyện cổ tích. Mười rất thích nghe chuyện Tấm Cám đến nỗi ăn sâu vào tâm hồn trẻ thơ của em. Ra đường, thấy cô gái nào xinh đẹp, bảo đó là cô Tấm, gặp ai dữ tợn, lại hoảng hốt chạy đến túm áo tôi, kêu “Cô Cám! Cô Cám!” Tôi cố gắng giải thích để Mười hiểu rằng, Tấm, Cám chỉ là hai nhân vật trong chuyện cổ tích mà thôi. Nhưng Mười vẫn không nghe.
Những buổi trưa, chúng tôi thường ra sau vườn hái quả ổi chín, chùm khế ngọt, chơi trò buôn bán, hoặc lang thang ngoài bãi sông tìm những vỏ ốc kim bé xíu đem về xâu chuỗi. Thích nhất là những buổi chiều đưa Mười dạo chơi trên khu đồi sim vừa xem phong cảnh làng quê, vừa nhấm nháp những quả sim ngọt lịm. Thường trước lúc ra về, chúng tôi chia nhau đi hái nhiều sim chín. Gặp quả nào, tôi hái cho vào mồm quả ấy. Riêng Mười thì chắt chiu, dành dụm. Lúc ra về, Mười hỏi sim đâu, tôi chỉ vào bụng cười láu lỉnh. Mười bảo tôi tham ăn rồi cũng chia phần cho tôi. Nhiều hôm, vì quá tham chơi nên về muộn. Sợ ngoại rầy, tôi phải đưa lưng cõng Mười chạy một mạch về nhà.
Một hôm, tôi đang mải mê bơi lội trên dòng nước mát, Mười đang rong chơi trên bãi cát cạnh đấy. Bỗng một chiếc “cào cào” bay ngang qua, Mười khiếp đảm chạy đến ôm chặt lấy tôi, mặt xám ngoét, tay cứ chỉ lên trời, lắp bắp:
– Con chim! Con chim to quá anh Hai ơi!
Tôi cười muốn vỡ bụng và cố giải thích cho Mười biết, đó là chiếc máy bay trực thăng chứ không phải chim, cu gì. Vậy mà mãi đến năm sáu hôm sau, Mười mới dám ra lại bãi sông.
Đến tuổi đi học, Mười cứ nắm chặt lấy chéo áo tôi, lẽo đẽo theo sau. Đôi lúc bực mình khiến tôi hét tướng: Buông ra! Làm gì mà cứ như người đòi nợ… Mười ôm mặt khóc nức nở, dỗ mấy cũng không nín. Cả ngày hỏi gì cũng không nói.
Năm tôi học lớp đệ tam cũng là năm tôi theo mẹ lên thành phố! Ngày ra đi, tôi tìm Mười khắp nơi để nói lời tạm biệt. Cuối cùng, bắt gặp Mười đang ngồi ôm mặt khóc rấm rứt trong một góc vườn. Vừa thoáng thấy bóng tôi, Mười vội vàng lảng tránh!
Rồi năm tháng thấm thoát trôi qua, thời thơ ấu trong veo như hạt sương lùi xa vào dĩ vãng Tất cả chỉ còn là kỷ niệm…
– Mười ơi! Chuối nấu canh chua nhớ thái theo chiều dọc, cho thêm nhiều rau răm vào – Giọng bác Mão từ nhà trên vọng xuống.
Tôi nói nhỏ với Mười:
– Để anh ra vườn hái chuối với khế cho. Hồi xưa, anh thường hái cho em mà.
Mười nói giọng mát mẻ:
– Hồi xưa khác. Bây giờ anh là ông chủ, là dân thành phố. Rủi có bề gì lại đổ thừa em!
Lại giọng bác Mão vọng xuống:
– Khương ơi ! Lên đây bác bàn với cháu một việc.
Tôi bỏ dở câu chuyện với Mười đi lên nhà trên. Chưa kịp ngồi xuống ghế, bác Mão đẩy tách trà bốc khói về phía tôi:
– Cháu uống nước đi. Chè xanh mới hái ngoài vườn đấy.
Tôi nâng tách trà lên hớp một ngụm, vị chè xanh ngon ngót ở cổ họng. Đúng là thứ lá chè mà ngày xưa tôi và Mười thường ra sau vườn hái về nấu nước cho ngoại uống. Bác Mão bắt đầu hỏi thăm việc làm ăn của mẹ con tôi, về tình hình các cậu ở nước ngoài. Rồi bác tâm sự:
– Bác đang hợp đồng bảo vệ cho một trường THCS. Đồng lương công nhân của bác cộng với lương giáo viên dạy họa của Mười cũng đủ sống qua ngày. – Giọng bác chùng xuống – Tội nghiệp con nhỏ. Có nhiều chỗ đánh tiếng nhưng nó chưa chịu lấy chồng vì không nỡ để bác cô đơn lúc tuổi già – Bác nâng tách trà lên hớp một ngụm, cất giọng nghiêm túc – Hôm nay, cháu lên đây để thu xếp việc bán nhà. Từ ngày treo bảng bán cũng có nhiều người đến hỏi nhưng chưa ai trả tới cái giá mà thím Nga gợi ý với bác. Cách đây một tuần, có người ở trên tỉnh xuống coi và chịu mua với giá sáu tỷ để mở trang trại chăn nuôi…
Tôi ngạc nhiên cắt lời ông Mão:
– Đất ở quê nay có giá vậy sao bác?
Bác Mão không trả lời câu hỏi của tôi, tiếp:
– Theo bác thì giá đó bán được. Không ai trả hơn đâu. Nếu cháu ưng thuận thì nán lại vài hôm để làm thủ tục giấy tờ.
Tôi đang ngồi suy nghĩ đắn đo, chưa biết phải trả lời sao thì cô Mười lên mời chúng tôi xuống dùng cơm. Bác Mão đứng lên, giục:
– Thôi, bác cháu ta dùng cơm kẻo nguội. Cháu hãy suy nghĩ kỹ đi rồi bàn tiếp.
Bữa cơm được dọn trên một chiếc chõng tre đặt sẵn ngoài vườn. Bữa cơm với những món ăn dân dã mà ngày xưa tôi rất ưa thích: Tô cá lóc nấu canh chua, đĩa đậu phụ rán, đĩa bông bí luộc, đĩa nước mắm ớt tỏi thơm lừng. Mọi người ngồi vào chỗ. Mười xới cơm ra hai bát rồi đứng lên. Tôi giữ lại:
– Em ngồi dùng cơm luôn thể. Trong nhà cả chứ khách khứa gì đâu!
Bác Mão chêm thêm :
– Khương nói phải đấy con. Các con ngày xưa coi nhau như ruột thịt. Lâu lắm mới gặp lại, cũng nên quây quần cho vui. Khách sáo làm gì.
Mười khép nép ngồi sang một bên rồi tự xới cơm vào bát mình.
Tôi đã từng ăn cơm Tàu, cơm Tây, cơm Nhật tại các nhà hàng khách sạn sang trọng, nhưng chưa có bữa cơm nào ngon miệng bằng bữa cơm đạm bạc của buổi chiều hôm nay. Nếu có thêm mẹ tôi nữa có lẽ không khí sẽ ấm áp hơn! Bác Mão gắp bỏ vào bát tôi một khúc cá lóc nấu chua, giục:
– Ăn đi cháu. Hồi còn nhỏ cháu thích món này lắm.
Tôi cười:
– Không riêng gì cháu mà em Mười cũng thích. Có lần, Mười khóc thét lên khi trông thấy bác mang biếu cháu tô canh chua cá lóc.
Mười lườm tôi:
– Vậy mà anh cũng để bụng cho đến bây giờ. Khiếp!
Nàng gắp bỏ vào bát tôi một miếng đậu phụ chiên vàng, nói như đùa như thật:
– Anh cố mà nuốt. Ăn uống kham khổ thế này chắc anh không bao giờ dám về đây nữa.
– Ngược lại, anh sẽ về thường xuyên và ở lại lâu hơn. Lúc đó em mong anh cút đi cho khuất mắt để rảnh chuyện cơm nước!
Mười dừng đũa, nhìn tôi cười khúc khích:
– Chắc vậy quá!
Bác Mão góp thêm:
– Cơm rau đạm bạc nhưng lạ miệng thấy ngon – Như nhớ ra điều gì, bác vỗ đùi đánh đét – Ôi dào, tí nữa thì quên!
Ông thong đũa rồi hối hả đi lên nhà trên. Mười cười rất khẽ:
– Ba em nhớ chai rượu quý đó. Anh uống vài ly cho ba vui, nhưng đừng uống nhiều, có hại!
Bác Mão mang xuống một chai sành hình củ tỏi, nút lá chuối khô và hai ly con. Ông vỗ vỗ vào lưng chai, khoe:
– Rượu Bầu đá chính hiệu đấy cháu!
Ông già rót rượu ra ly rồi mời tôi uống cạn. Rượu nồng độ cao nên đến ly thứ ba, tôi chỉ uống được một nửa. Ông Mão nâng ly:
– Làm cạn đi cháu. Rượu nặng đô mà êm lắm!
Biết tôi không uống được nữa, thừa lúc bác Mão lơ đễnh, Mười lẹ tay bưng ly rượu nửa của tôi đưa lên uống cạn rồi đặt lại chỗ cũ. Ông già tưởng tôi đã uống xong nên định rót tiếp. Mười vội cản:
– Anh Khương uống không được nữa, ba đừng ép. Mười cười rúc rích – Ba từng nói rượu bất khả ép mà ba!
Ông Mão bật cười ha hả.
Cơm nước dọn dẹp xong, trời còn sớm. Ông Mão hấp tấp ra kiểm tra lại cửa nẻo các phòng sau giờ tan học. Tôi đưa Mười đi dạo dọc theo triền sông. Chúng tôi đi lặng lẽ bên nhau giữa buổi hoàng hôn. Gió từ mặt sông lồng lộng thổi về. Mười bỗng hỏi tôi:
– Khi nào anh làm xong thủ tục bán nhà?
Tôi ngẫm ngợi giây lát rồi khe khẽ lắc đầu:
– Không, anh không còn ý định bán nhà nữa!
Mười ngạc nhiên gặng hỏi:
– Chắc anh chờ lên giá?
– Không phải chuyện giá cả.
Mười suy nghĩ một thoáng rồi kêu lên:
– A, em biết rồi. Chắc anh sợ cha con em không có chỗ ở chứ gì ? Anh đừng lo việc đó – Giọng nàng sôi nổi – Ông hiệu trưởng rất tốt, ông ấy hứa sẽ dành cho cha con em một gian nhà kho rộng lắm, ngay trong khuôn viên của trường. Em đã đến xem kỹ rồi!
Tôi quay sang Mười, nói giọng nghiêm túc:
– Anh sẽ giữ lại ngôi nhà để có chỗ đi về với quê hương, với xứ sở, với mồ mả ông bà bên ngoại. Thỉnh thoảng được về thăm em, thăm bác Mão và tìm lại những kỷ niệm buồn vui thời thơ ấu của chúng ta. Tôi bỗng dừng lại đột ngột, nắm lấy bàn tay thon nhỏ của Mười – Mười ơi! Còn điều này nữa, và sẽ được đi bên em cho đến hết cuộc đời!
Mười đứng lặng trố mắt nhìn tôi trong giây lát rồi khẽ rút tay về, lòng nàng cuộn lên một niềm xúc cảm miên man. Tôi bắt gặp điều đó trong ánh mắt hồn nhiên thăm thẳm của em.
Ngoài kia, dòng sông quê vẫn xuôi về biển cả, gió chiều vẫn lộng và đồi sim vẫn tím dưới ánh hoàng hôn miền quê ngoại…
7/2/2019
Trần Quang Lộc
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...