Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

Bác tôi - Nhà văn Nguyễn Đỗ Phú

Bác tôi - Nhà văn Nguyễn Đỗ Phú

Nhà văn Nguyễn Đỗ Phú sinh năm 1936, đã qua đời ngày 31.12.2023 (nhằm ngày 19 tháng 11 năm Quý Mão) tại Hà Nội, hưởng thọ 85 tuổi. Các tác phẩm của ông đã xuất bản: Cầu vồng đi đón cơn mưa (truyện ngắn, 1977); Quà tặng của trời (truyện ngắn, 1997); Đêm chuyển mùa (truyện, 1998); Phố đêm (truyện ngắn, 1999); Khoảnh khắc (truyện ngắn, 2000); Bảy ngày trong đời (tiểu thuyết, 2000); Những chặng đường đã qua (hồi ký Bùi Danh Lưu, 2006); Bên lở bên bồi (tập truyện ngắn, 2008) và 5 kịch bản phim truyền hình. Tưởng nhớ nhà văn lão thành Nguyễn Đỗ Phú, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ về người bác của mình.
Tôi cùng bố mẹ ở nhà 274 Ngõ chợ Khâm Thiên đến 6 tuổi thì chuyển đi. Căn nhà dài, có bốn anh em ở, sau khi ông bà ngoại mất. Bác Phú, mẹ tôi, cậu Khôi và cô Thạch. Tôi con một. Nghiễm nhiên như con út trong gia đình bác Phú đang có 4 con. Sau thêm Thọ (con cô Thạch), thành ra bác Phú có 6 con. Chúng tôi lớn lên cùng nhau. Sau này ít gặp nhau hơn, do mỗi người một nơi, nhưng vẫn như một nhà và có chung người cha.
Chọn đúng ngày 31.12.2023, bác Phú đi.
Bác là người luôn đi. Từ trẻ đã đi. Sau vẫn đi, và đi miên miết. Nghe tin bác đi, đúng lúc tôi ở cách nửa vòng trái đất, lại đang mùa đông, gió lạnh và hạt mưa bắt đầu rơi chậm. Tôi đi vào khu rừng sau nhà và ngồi mãi, ngày cuối cùng của năm không thể ám ảnh hơn.
Một đêm trắng trôi qua.
Ngày hôm sau.
Mùng Một Tết 2024 ở xứ lạ.
Tôi và con trai đi dạo. Phố dài, vắng như bao lâu vẫn vắng. Tết lại càng vắng. Những hạt mưa rắc hơi lạnh trong vắt lên da mặt khiến tôi chỉ muốn ngửa mặt lên mãi.
Đứng ở ngã tư, một cô gái da màu ngẩng mặt nhìn trời, loay hoay quay sang nói với con tôi: Hình như tuyết rơi. Con tôi bảo: Mưa bụi thôi, chưa có tuyết. Cô ấy lại nói: Hạt mưa rơi chậm, là tuyết đấy.
Và đúng là tuyết rơi, thanh thoát nhẹ nhàng như lời chào năm mới.
Tôi thì nghĩ về bác Phú. Có cả trăm câu chuyện tôi muốn kể về bác. Và tôi đã đoán trước sẽ có ngày bác rời xa tôi, nhưng không nghĩ đúng lúc tôi ở rất xa bác. Lần sau cùng, khi đón bác ở Bảo tàng văn học, sau cuộc vui hàng năm của Hội Nhà văn, bác và tôi nói nhiều chuyện trên xe, và bác chưa muốn về nên lái xe đi lòng vòng. Tôi nói đang tập hợp truyện Giặc cờ đen của ông ngoại (nhà giáo Nguyễn Văn Bân), Một đêm đợi tàu của bác Phú (vì truyện này bị quy chụp này kia khiến bác gác bút rất lâu, mãi đến 1995 mới quay lại viết),mấy truyện của mẹ và tôi thành tập truyện của ba thế hệ trong một gia đình. Bác nói sẽ chọn thêm một số truyện rồi đưa tôi sớm.
Rổi các anh chị báo bác ốm sau hai cú sốc: mất bác gái và chị Mai, con cả. Tôi thăm bác một lần. Bác không còn là bác, mạnh mẽ, quyết liệt và luôn tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt. Bác tự nhiên chậm chạp, buồn bã đầy bất lực và loay hoay khi không muốn tôi thấy bác thế này. Lại nhớ, mỗi lần đến nhà tôi, bao giờ bác cũng đi trước và bước 2 bậc cầu thang một lần, tôi lạch bạch theo sau, đuổi không bao giờ kịp bác. Nhiều năm, bác đánh bóng bàn, đi đâu cũng cầm cái vợt sẵn sàng dạy mọi người. Rồi khiêu vũ. Bác nhảy đẹp vì thần thái lãng tử bất chấp thời gian.
Mấy lần sau, tôi thường đến cửa nhà 274 Khâm Thiên, đứng một lúc, chỉ cần bước qua tầng 1 lên tầng 2 là gặp bác, nhưng rồi quay đi không vào. Tôi và bác, không ai muốn thấy ai không còn là chính mình vì bệnh tật hay bất lực. Quay đi, và mong sẽ nhận tin, bác Phú khoẻ hơn rồi để hai bác cháu lại hàn huyên.
Thường khi phải đối diện với một hiện thực nào đó, ký ức ào ạt quay về. Đời tôi bất cứ khi nào gặp khó khăn là bác Phú xuất hiện. Năm 1988, bác và anh Hùng qua thăm tôi và Duy, khi đấy được 1 tháng. Duy khóc ngằn ngặt vì nóng do cúp điện, bác hét to: Lên nhà bác, nóng thế này sao nó chịu được? Và, từ đấy, bác đưa chúng tôi về Ngọc Khánh. Những ngày tháng sau, lâu lâu, bác luôn xách cái túi du lịch đến nhà, cho mấy mẹ con những cọc tiền để tiêu. Bác bảo, tiền công trình, bác dồn cuối năm mới lấy để cho mọi người tiêu Tết.
Sau này, mẹ tôi ốm. Ốm nhưng không muốn chấp nhận mình phải uống thuốc. Mẹ hay vứt thuốc đi. Tôi thường cầu cứu bác Phú. Gọi cái, bác dù đang ở đâu bận mấy cũng đến ngay. Tôi và bác đứng ở cửa phòng mẹ. Bác cố lấy tinh thần nghiêm trang, cố tỏ ghê gớm, lấy đà mãi rồi cao lớn hùng dũng bước vào: Cô Tú, cô có thương con Huệ không? Sao cô không uống thuốc? Mẹ tôi- quen bắt nạt bác từ trẻ- nhìn bác lạnh lùng: Em không bệnh, không phải uống. Bác Phú lấy đà tiếp, nói một tràng này kia doạ dẫm, nhưng mẹ chỉ nhìn im lặng. Bác Phú lại thua mẹ. Bác đi nhanh ra cửa, ôm lấy tôi, phì cười, bảo bác nhịn mãi không cười. Thôi cháu ạ, người già quay lại như trẻ thơ. Xưa nay mẹ cháu toàn mắng bác thì có, chứ bác có mắng mẹ cháu bao giờ đâu. Cháu nên nghiền thuốc nhét vào đồ ăn cho yên tâm.
Mẹ tôi mất vào cuối chiều cách đây 10 năm. Đưa mẹ vào nhà lạnh xong, tôi ra đường, không biết đi đâu. Chưa quen cảm giác để mẹ lại nơi xa lạ, nằm trên bàn đá lạnh toát, có cái đài bé phát liên tục một câu Nam mô a di đà phật… và về nhà không có mẹ. Bác Phú đứng bên cạnh, nắm tay tôi: Về nhà bác đi. Và tôi theo bác về nhà 274 Khâm Thiên.
Bác Phú, bất cứ việc gì khó là tôi gọi bác. Không biết đi đâu khi trống vắng mất mát, tôi về nhà bác. Bác chưa kêu ca ai một câu, dù người đó xấu thế nào. Yêu thương các em, con cháu và tôn trọng sự khác biệt. Mạnh mẽ, quyết đoán, hào sảng và vui vẻ, bác được nhiều người yêu quý, nể trọng. Và trên hết, bác luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để tha thứ cho họ, nếu họ làm điều gì sai.
Ngày đầu tiên của năm 2024 đặc biệt. Tôi và con trai đón năm mới hai lần, mỗi lần chênh nhau 12 tiếng. Hai mẹ con đi bộ mãi trên đường phố trung tâm DC.
Mưa tuyết bay nhẹ, có một cây Anh đào hoa nở sớm… Tôi kể cho con về ông Phú- người cha thứ hai của tôi. Kể không dừng. Tất cả cuộc sống của tôi từ năm 6 tuổi đến giờ như bộ phim chiếu lại, với hình ảnh bác Phú.
Tôi luôn quan niệm, khi mình yêu thương ai đấy, một ngày thân xác họ biến đi, không có nghĩa là biến mất. Chỉ là họ đang đi chơi xa. Mẹ tôi hay bác Phú, rất hay đi công tác, và giờ hai anh em đang đi cùng nhau, như nhiều lần đã đi. Có lần, bác kể: mẹ cháu đang bực đấy. Đi Sơn Tây, vào quán nước, bà bán nước mang ghế ra kính cẩn đỡ mẹ cháu: Cháu mời cụ ngồi. Quay sang bác, cô ấy hỏi: Anh nước mía hay coca? Mẹ cháu lườm cả cô ấy lẫn bác. Lần khác, đi Lạng Sơn, mẹ luôn mắng bác: Sao anh đi nhanh thế? Bác cười xuề xoà: Anh quen bước dài, đi nhanh. Xong tôi thấy bác cố đi chậm tụt lại khá khó khăn vì đang quen đi nhanh, mẹ lại lầm bầm: Anh đi sau, mọi người lại phải đợi. Bác lại cười, rảo bước cho bằng mẹ và mọi người
Hôm tiễn mẹ năm 2013, lúc nhân viên nhà tang lễ đưa mẹ ra, tôi sững sờ vì thấy mẹ khác quá, như một bà cụ nào đấy không phải mẹ mình cách đấy vài ngày khi còn đang thở. Nhận ra điều đó, tôi lại thấy ấm áp khi hiểu, thân xác chỉ là nơi linh hồn gửi tạm. Hết duyên, xác tan vào đất hoặc thành tro bụi, linh hồn thì mãi ở bên ta.
Trong làn mưa rơi chậm thành bông tuyết, tôi nghĩ, ngày mai, mùng 2.1.2024, người thân và bè bạn tiễn đưa thân xác của bác. Còn bác, lúc đó sẽ ở ngay đấy, ấm áp cảm động nhìn mọi người và biết mình được yêu quý đến đâu. Biết đâu bác lại đang loanh quanh bên hai mẹ con tôi, cười xoà bảo có gì đâu mà cháu phải khóc…
Bác Phú ơi, đi chơi vui nhé, người cha thứ hai của cháu!
Cháu và mọi người yêu bác!
8/1/2024
Nguyễn Thị Thu Huệ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CÂU CHUYỆN BÊN ĐỐNG LỬA Ánh lửa bập bùng soi lung linh trước sân căn chòi lá. Ngọn lửa nhảy múa, soi lên gương mặt từng người lúc sáng l...