Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Người thơ, nhà thơ Lưu Quang Vũ

Người thơ, nhà thơ Lưu Quang Vũ

Xuất hiện vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thơ Lưu Quang Vũ đã tạo ngay được ấn tượng mạnh trong bạn đọc. Việc nhà phê bình Hoài Thanh, người thẩm thơ và bình thơ có lẽ là xuất sắc nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại, giới thiệu Lưu Quang Vũ với những lời biểu dương nhiệt liệt là một bằng cớ rất đáng tin cậy. Bây giờ đọc lại ta vẫn thấy những phân tích của ông thật chính xác và tinh tế.
Đọc thơ cũng như gặp một con người, ấn tượng đầu tiên mà thơ Lưu Quang Vũ gây cho ta là một dòng cảm xúc dào dạt, tuôn trào dường như không bờ bến, bất chấp mọi khuôn khổ của thơ ca thường tình. Hình như Lưu Quang Vũ đã vượt qua những phép tắc kỹ thuật, chẳng mấy quan tâm đến những cấu tứ, bố cục, những ý tại ngôn ngoại v.v… và v.v… và để mặc cho trái tim mình tự do ca hát như một dòng sông tự tìm lấy con đường đi ra tới biển mà không chịu chảy theo một bờ đê, con đập nào định sẵn. Thoạt đọc, thơ Lưu Quang Vũ cứ như là lời nói tự nhiên – hồn nhiên, có cái gì bản năng và tuỳ hứng.
Nhưng vì đó là cái bản năng của một tâm hồn đam mê và say đắm, ngọt ngào mà tinh tế, nên nó có sức cuốn hút vô cùng, sức lay động đến không thể lý giải. Có khi, đó là gợi lên từ một chi tiết bình dị trong cuộc sống, một cái tên sông chẳng hạn:
Sao tên sông lại là Thương
Để cho lòng anh nhớ
Người xưa bảo đây đôi dòng lệ nhỏ
Những suối buồn gửi đến mênh mang
Và tiếp theo là những cái tên đất:
Đò về Nhã Nam
Đò qua Phủ Lạng
Mưa chiều nắng rạng
Đã bao năm?
Nhưng nhiều nhất là những cảnh sắc thiên nhiên hoa lá, cỏ cây, nắng mưa, chim bướm:
Giờ đang chiều tháng tư
Trong vườn chùm nhót đỏ
Dãy bàng lên búp nhỏ
Xanh như là thương nhau…

Em biết chăng ngọn cỏ thơm kia
Con nghé ăn vào bỗng nhiên nhớ mẹ
Quẫy sóng trên sông là con cá mè
Hay đậu theo bầy là con chim dẽ
Con tép nhỏ thường kho với khế
Con bồ nông trên cát ướt lao xao. . .
Cứ thế thiên nhiên ùa vào trong thơ Lưu Quang Vũ. Ít có nhà thơ nào say đắm thiên nhiên đến như anh. Đặc biệt, Lưu Quang Vũ nói nhiều đến mùa hạ, là người nhấn rất hiệu quả cái âm hưởng hết sức đằm thắm mà khó lý giải của hai tiếng “mùa hạ”. Hình như đó là dấu ấn riêng của một tâm hồn nồng nàn với một lối nói gây ấn tượng khác thường, mặc dù hai tiếng đó đã có sẵn từ bao đời trong ngôn ngữ Việt. Tôi không sao giải thích được điều này nhưng ấn tượng đó là có thật.
Nhận xét này có thể nói ngay rằng bút pháp thơ Lưu Quang Vũ là bút pháp ấn tượng. Cũng tương tự như trong hội họa ấn tượng, thơ của Lưu Quang Vũ đưa ta vào một thế giới đã được hư ảo hóa bằng những mảng, những khối ào ạt, xô bồ, đã được cách điệu, cường điệu và tinh lọc. Ngay câu thơ đầu tiên của tập thơ đầu tiên đã đập vào mắt ta một ấn tượng đột biến:
Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng
Đúng là cái nhìn của một đứa bé, hơn nữa, một đứa bé thi sĩ. Chúng ta bắt đầu lạc vào cái mê cung đầy màu sắc, hương thơm, mùi vị… vừa xa lạ, vừa gần gũi, được đưa đi bằng một thứ nhạc điệu du dương (tuy có lúc hơi đơn điệu) của những câu thơ vần đôi đều đều, bất tận. Vẻ đẹp của các hình ảnh, sự bất ngờ của những liên tưởng và cách dùng từ ngữ táo bạo… đóng vai trò đặc biệt trong thơ Vũ. Chỉ một câu:
Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
Với từ “nâu” thôi vào thời điểm ấy, là cả một phát hiện, vừa hồn nhiên vừa bao hàm được biết bao nhiêu ý tứ. Ở đây, thơ đã đạt được đến cái gọi là tính linh như cách gọi của Viên Mai trong “Tùy viên thi thoại”. Tuy nhiên, phải có một tâm hồn rất trẻ, rất nồng nàn mới cảm thụ được điều này. Cũng như vậy, với vần thơ như bất ngờ thốt ra từ cửa miệng:
Rối rít trong lòng một nỗi em em 
Ta ngỡ được tiếp xúc thẳng với một chất sống đậm đặc được cô đọng trong mấy từ ngữ ngắn ngủi như lời thoại trong kịch. Cường độ tình cảm mạnh mẽ dẫn đến một khả năng nhạy cảm rất cao, nhà thơ có thể nhìn thấy và nghe ra những màu sắc, âm thanh kín đáo và bé nhỏ của cuộc sống mà những giác quan bình thường không phát hiện ra được. Nó cũng tựa như một cái kính viễn vọng nhờ có sức phóng đại lớn mà giúp ta nhận ra một bầu trời cao, sâu và phong phú hơn rất nhiều so với nhìn bằng mắt  thường. Nhà phê bình Hoài Thanh khen ngợi cái giác quan của người làm thơ đã nhận biết một mùi hương lá bưởi, lá chanh trong những cành nguỵ trang trên trận địa, hay đã nghe ra cái “tiếng bắp cải nặng vai tròn kĩu kịt” khi đứng gác trên cầu Long Biên là cùng một ý như vậy.
Cũng như với đề tài thiên nhiên, trong thơ tình yêu của Lưu Quang Vũ tràn ngập cảm giác và ấn tượng (Vũ không quan tâm đến những khám phá tư tưởng, những tìm tòi ý tứ, kể cả trong những bài thơ nói về lẽ đời sống chết mà anh, như một thứ linh cảm, vẫn thường nhắc đến, trừ những bài viết về sau này).
Nhờ chất nghệ sĩ rất mạnh, nhờ tính cách phóng khoáng và hồn nhiên, thơ Lưu Quang Vũ tuy vẫn bám sát những nhu cầu chính trị thời sự như tất cả nền thơ ca lúc ấy, nhưng đã mang được rất nhiều (có thể là nhiều nhất) những cảm xúc và suy tư rất riêng, cái mà Lưu Quang Vũ gọi là “cái mình” – càng đưa được nhiều “cái mình” vào thơ thì thơ lại càng “tâm đắc”, đã có lần anh tâm sự với tôi như vậy trong một lần tôi may mắn được gặp anh, và anh còn nói thêm cái câu mà tôi đã mượn làm nhan đề bài viết này, ấy là: “Thơ là sự ngạc nhiên trước cuộc sống”. Cả hai câu nói trên, mỗi câu nghiêng về một phía, nhưng đều rất chính xác và sâu sắc. Văn học đích thực không thể thoát ly cảm quan cá nhân của người viết, vì thế ta càng thấy sự nhạy cảm ở một người viết trẻ như Lưu Quang Vũ thật là đáng quý.
Chính vì vậy nhiều bài thơ của anh đã thoát được ra ngoài thứ thơ vụ việc thương vay khóc mướn véo von, để gửi gắm tâm trạng thực của chính mình, riêng mình và nhờ thế mà có được sức sống lâu dài đến hôm nay và chắc là cả mai sau.
Đấy là những “Gửi tới các anh”, “Phố huyện”, “Chiều”, “Đất nước đàn bầu”, “Bài hát ấy vẫn còn là dang dở”.. . và nhất là “Vườn trong phố”, một bài thơ tràn đầy màu sắc, âm thanh, hương vị đến ngọt lịm, rất tiêu biểu cho thế giới thơ say đắm và huyền ảo của Lưu Quang Vũ, khiến cho bao bạn đọc chúng ta mỗi bận lạc bước vào đấy cũng tựa như chú ong kia:
Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra!
Lưu Quang Vũ làm rất nhiều thơ. Kể cả những năm sau này bận bịu bù đầu với kịch – phải gánh trên vai mình kịch mục của hàng chục đoàn nghệ thuật, như một nhà phê bình sân khấu đã nói, Lưu Quang Vũ vẫn không dứt ra được khỏi thơ. Bạn bè đều biết anh khát khao như thế nào để được đến với thơ, để viết được, dù chỉ là một câu thơ hay. Sự “cay cú” đó đáng trọng và đáng yêu làm sao. Và nó giúp ta khẳng định một lần nữa Lưu Quang Vũ trước hết là một nhà thơ và sẽ tồn tại với mai sau như một nhà thơ.
13/7/2022
Ang Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...