Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Nguyễn Trí Huân và những trang viết thấm đẫm chất nhân văn

Nguyễn Trí Huân và những trang
viết thấm đẫm chất nhân văn

Nguyễn Trí Huân thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, có lẽ vì thế mà đề tài ông chọn cho các tác phẩm của mình chủ yếu là chiến tranh. Nguyễn Trí Huân viết kỹ, lối viết duy mỹ mang đến cho người đọc những trang văn đẹp, thấm đẫm chất nhân văn. Với ông, sự cẩn thận luôn là điều cần thiết với người cầm bút.
1. Năm 2007, nhà văn Nguyễn Trí Huân, khi ấy là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã về báo Văn Nghệ đảm nhận cương vị Tổng Biên tập. Trước đó, ông là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Còn tôi, dù đã có một loạt truyện ngắn được đăng trên Văn nghệ Quân đội trong những năm 1997 – 2002 nhưng ít có dịp được tiếp xúc với Nguyễn Trí Huân. Mãi về sau này, khi về báo Văn Nghệ làm biên tập viên Ban Văn thì tôi mới có cơ hội trò chuyện với ông nhiều hơn.
Tôi hay đến cơ quan sớm, có khi sớm hơn cả cô lao công. Nhà tôi mãi tận Hà Đông, tôi ngại đi đúng tầm vì đường ra Hà Nội rất đông. Không ngờ Nguyễn Trí Huân cũng đến cơ quan rất sớm. Tiêu chuẩn của Tổng Biên tập có thể điều lái xe đưa đón, song ông bao nhiêu năm nay vẫn thế, vẫn đi làm bằng chiếc xe Dream cũ vì chẳng muốn làm phiền ai. Đến cơ quan sớm, tôi và ông ngồi bên bàn nước có khi cả giờ đồng hồ, mọi người mới lục tục đến. Điều kiện ấy khiến tôi có nhiều thời gian để hiểu thêm về nhà văn Nguyễn Trí Huân.
2. Có thể nói Nguyễn Trí Huân là con người của công việc. Ngay từ khi đặt chân về báo Văn Nghệ, ông đã đề cao việc cải cách tờ báo. Bài vở ngắn hơn, biên tập kỹ hơn, chủ đề cho các chuyên mục rộng hơn. Đặc biệt, ông luôn đau đáu làm sao tăng số lượng phát hành để đời sống anh em trong cơ quan bớt khó khăn. Ông từng làm báo bên quân đội, lương của cán bộ do “trên” lo, số lượng phát hành cũng vậy…, vì thế đời sống anh em bên Tạp chí Văn nghệ Quân đội ổn định hơn Báo Văn Nghệ rất nhiều. Vì thế, khi về Báo Văn Nghệ, nhà văn Nguyễn Trí Huân phải thêm một nỗi lo nữa đó là “cơm áo, gạo tiền” bên cạnh việc làm thế nào cho tờ báo của Hội Nhà văn được hay.
Tên tuổi Nguyễn Trí Huân bắt đầu được biết đến sau năm 1975 với tiểu thuyết “Năm 75 họ đã sống như thế” và nhanh chóng được độc giả đón nhận. Cũng từ đây, các tác phẩm của ông đã góp phần làm phong phú dòng văn học chiến tranh ở Việt Nam. Nhận định về giai đoạn này, nhà phê bình Bùi Việt Thắng viết: “Có thể coi văn học 1975 – 1984 là một chặng đường của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng. Càng lùi xa sự kiện thì tầm nhìn của nhà văn càng rộng”…
Một tiểu thuyết nữa cũng khiến nhà văn Nguyễn Trí Huân được chú ý, đó là tiểu thuyết “Chim én bay” với cách nhìn nhận mới về cuộc chiến tranh vừa qua. Đó là những năm tháng chiến tranh với tất cả sự khốc liệt của nó, bên cạnh đó là những vấn đề thời sự của cuộc sống hiện nay như: Đổi mới cách nghĩ, cách sống, vấn đề nhân đạo cũng như giải tỏa hận thù, ngăn chặn một cuộc chiến tranh mới không có tiếng súng…
Nhãn quan chân thực đầy tinh thần nhân bản ấy không phải đến “Chim én bay” mới xuất hiện, mà đã manh nha từ “Năm 75 họ đã sống như thế”, tác phẩm mang khuynh hướng sử thi này đã dự báo về cuộc chiến tranh trong tương lai, dự báo về sự lan rộng những hiện tượng tiêu cực ở miền Bắc… Chính vì thế, “Năm 75 họ đã sống như thế” và “Chim én bay” được ghi nhận bằng giải thưởng của Bộ Quốc phòng và Hội Nhà văn Việt Nam.
Đối với báo Văn Nghệ, truyện ngắn luôn được các thế hệ tổng biên tập quan tâm hàng đầu, bởi truyện ngắn là “xương sống” của một tạp chí văn chương. Tôi ở báo Văn Nghệ hơn hai mươi năm, được tham gia vào rất nhiều cuộc thi truyện ngắn. Cuộc thi nào Ban Biên tập cũng thấp thỏm chờ đợi những cây bút mới xuất sắc với những vấn đề mới được phát hiện, những vấn đề mà cuộc sống đương đại đặt ra.
Năm 2011 – 2013 là khoảng thời gian tổ chức cuộc thi truyện ngắn kéo dài 2 năm của báo Văn Nghệ. Đã gần hết thời gian mà Ban biên tập chưa thấy được truyện ngắn nào như ý. Nhà văn Nguyễn Trí Huân hết sức băn khoăn, ông luôn hỏi ban Văn và sốt sắng đọc ngay những tác phẩm chuyển đến. Thất vọng lộ rõ trên gương mặt nhà văn kỳ cựu, người rất “sành” đề tài này. Cuộc thi chỉ còn một vài ngày nữa kết thúc thì báo Văn Nghệ nhận được truyện ngắn “Mười chín tháng tám” của nhà văn Lê Thanh Kỳ gửi đến. Đọc qua, thấy nội dung khá hấp dẫn, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm rồi chuyển bản thảo đến Tổng Biên tập Nguyễn Trí Huân.
Kết quả cuộc thi, truyện của Lê Thanh Kỳ được chọn trao giải nhất năm đó. Đây là một truyện ngắn viết về những người công nhân trong các công ty có vốn nước ngoài. Sự chặt chẽ trong lao động của các công ty này luôn là vấn đề hàng đầu và người lao động trong truyện ngắn Lê Thanh Kỳ được đặc tả rõ nét đầy sống động và hấp dẫn.
Cuộc thi truyện ngắn năm 2011 – 2013 lần ấy đã thành công, và công lớn nhất thuộc về nhà văn Nguyễn Trí Huân khi ông đã nắm bắt đúng nhịp cuộc sống, có cái nhìn thực tế, thức thời. Đó cũng là những gì Nguyễn Trí Huân gửi gắm vào các tiểu thuyết của ông: Khép lại quá khứ, xóa bỏ thù hận, ngăn chặn một cuộc chiến tranh không tiếng súng, chân thực và sống động khi viết về cuộc sống, nhân tình thế thái…
3. Năm 2020, nhà văn Nguyễn Trí Huân không tham gia ứng cử vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời ông cũng xin nghỉ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm. Nhân dịp này, anh em trong tạp chí đã tặng ông một bộ hoành phi và câu đối treo tại nhà thờ tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Bức hoành phi có 3 chữ: “Trung hậu tâm”, do họa sĩ Phạm Minh Hải thực hiện. Còn đôi câu đối thì ghi: “Nghiêm phụ sinh hiếu tử trí nhân dịch thế/ Từ mẫu dưỡng gia phong phúc lộc mãn đường” (lược dịch: “Cha nghiêm sinh con có trí chuyển cuộc sống/ Mẹ hiền nuôi con phúc lộc đầy nhà”). Tôi được chọn làm người viết chữ cho câu đối. Ngẫm nghĩ thấy bộ tự khí này rất đúng với gia phong nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhất là 3 chữ “Trung hậu tâm”: Lòng trung hậu trong ngôn luận đã thể hiện trong sáng tác, trong công việc của nhà văn Nguyễn Trí Huân.
Hôm anh em đem về treo, tôi đi từ Đường Lâm xuống. Mới có hơn một năm không về Hạ Mỗ mà thấy khác quá. Tìm mãi không biết nhà ông Huân ở đâu, đành phải hỏi thăm. Tôi rẽ vào một nhà bên đường để hỏi, gặp lúc cả nhà đang ăn trưa và cậu con trai nhanh miệng nói: “Nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn của “Năm 75 họ đã sống như thế” đúng không ạ?”…
Thế đấy, một nhà văn mà được người đời nhớ đã là quý rồi, lại là một người trẻ tuổi biết rõ thì càng mừng hơn. Phải chăng đó là một phần thưởng vô giá đối với người cầm bút!
Nhà văn Nguyễn Trí Huân sinh năm 1947 tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Năm 1965, ông nhập ngũ tại Quân chủng Phòng không – Không quân.
Năm 1971, ông vào chiến trường miền Nam, là phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ. Năm 1979 – 1982 ông là học viên Trường viết văn Nguyễn Du khóa I. Từ năm 1882, ông công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi lần lượt giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm.
Các tác phẩm chính đã xuất bản: “Mặt cát” (tập truyện ngắn, 1977), “Năm 75 họ đã sống như thế” (tiểu thuyết, 1979) “Dòng sông của Xô nét” (tiểu thuyết, 1980), “Chim én bay” (tiểu thuyết, 1988), “Dấu thời gian” (ký, 2004).
Các giải thưởng văn học: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1988 – 1989), Giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng (1989), Giải thưởng về Văn học Nghệ thuật (năm 2007).
10/6/2022
Hà Nguyên Huyến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...