Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Nhà thơ Mạnh Lê: Mắt ngủ rồi, trái tim còn thao thức

Nhà thơ Mạnh Lê: Mắt ngủ rồi,
trái tim còn thao thức

Nhà thơ Mạnh Lê (1953-2008) là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã về trời nay 14 năm có lẻ nhưng một hồn thơ - một hồn người đôn hậu, mộc mạc, chân thành hãy còn sống mãi trong sự tin yêu của bè bạn. Nhớ ông người ta đọc thơ ông, nhắc tính cách, tâm tình khi ông còn sống, khiến tôi một người chưa biết mặt ông cũng quý lây, thương nhớ lạ. Đọc lại những vần thơ gan ruột ông viết vẫn đọng lại đâu đây cái “hồn” của sông, của biển, của quê cha, đất tổ, con người… tưởng như vẫn đây một “trái tim còn thao thức…”
Thơ Mạnh Lê cuốn hút người ta trước hết bằng sự giản dị mà có chiều sâu kỳ vĩ. Một sự giản dị trong cách bộc bạch tâm tình khiến người ta đọc lên thấy mát ngọt, dịu dàng, đằm thắm như dòng sông quê:
“Em ơi chiều nay suối gặp sông
Và chiều nay dòng sông xuôi gặp biển
Hãy để cho anh làm hạt muối mặn
Bởi lòng em biển cả tự bao giờ”
(Đôi mắt ấy)
Đã là thi sĩ  thì vốn luôn khát khao tìm sự giao hòa. Nhà thơ Huy Trụ sau này cũng bộc bạch “Nửa đời anh thức trong mơ/ Đi tìm cái chẳng bao giờ thấy đâu” (Thức trong mơ). Mạnh Lê nói rành rẽ, không che giấu lòng mình: “Đi suốt những vì sao vẫn thấy sao lấp lánh/ Đi suốt mọi cái nhìn vẫn thiếu cái nhìn riêng” (Đôi mắt ấy). Cái nhìn riêng tư của ai đó với mình là khó cái nhìn riêng của mình về  ai đó, về đời cũng khó không kém. Phải chăng chính những cuộc “đi tìm” hay cái sự cảm thấy thiêu “thiếu” ấy chính là động lực để người thi sĩ luôn khát khao tìm cái đẹp, chân, thiện, mỹ ở đời.
Thơ Mạnh Lê đã chạm đến sự kỳ vĩ không phải bởi những điều kỳ ảo, khác thường mà chỉ một cử chỉ thôi “Anh nhận ra mắt em nơi nguồn suối/ Mắt của em là suối của lòng anh!/ Hãy nán lại với chiều đôi mắt của rừng xanh”(Đôi mắt ấy). Đôi mắt của rừng xanh là đôi mắt gì? Rừng làm gì có mắt hay chính là sự hóa thân của nhân vật trữ tình? Cái sự kỳ vĩ của thơ ông không cần lên gân câu chữ, không cần làm dáng. Câu thơ nẩy mầm như cỏ cây mùa xuân bật ra từ lòng đất: “Thao thức hồn tôi là chiếc chày giã đất và tiếng kèn đám ma/ Cần lao và trễ nải/ Nửa đời say rồi tỉnh/ Chỉ thấy hồn quê còn đọng lại trong hồn”. “Chỉ thấy hồn quê còn đọng lại trong hồn” – nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đọc đi đọc lại và nhấm nháp từng chữ của câu thơ, tâm đắc thở phào nhẹ nhõm, lại thấy thơ đáng được ca ngợi.
Tiếc là nhà thơ Mạnh Lê lại đã về nơi tiên cảnh hẳn biết được cũng thấy được an ủi mà tiếp tục làm thơ nơi cõi khác chăng? Hay ít ra thì cũng đã không hổ thẹn với những điều mình tâm niệm rồi tự bạch “Tôi nguyện sống trọn đời mình để làm công việc đi tìm cái đẹp cho thơ”. Cái đẹp của thơ ông không phải là cái gì khác mà  chính là “hồn quê còn đọng lại trong hồn”. Ta hãy lắng nghe hồn sông Mã chảy tràn trong thơ: “Một cuộc đời sông bao đời thuyền nát/ Mãi còn câu hát vỗ vào ánh trăng”. Một sự va đập kỹ vĩ. Câu thơ không có sóng mà sóng ầm ào cuộn thét, không có lực hút mà vạn vật giao hòa. “Câu hát vỗ vào ánh trăng”. Kỳ vĩ-một sự ngẫu nhiên đến bất ngờ hay một sự ghi chụp tài ba như một nhà nhiếp ảnh cái khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời với con người. Có cả sự màu nhiệm hay linh diệu trong câu thơ nhiều cảm xúc. Cũng là sự chắt lọc từ hồn của thi sĩ nên tiếng vọng còn đến mai sau.
Thơ Mạnh Lê có âm vang của sóng sông “dô tả, dô tà” lại có cả âm vang của tiếng đúc đồng “tiếng nổi,tiếng chìm”. Thứ âm thanh chỉ người làng nghề mới biết hết, mới thấm ngấm. Quê ông ở Thôn Trà Đông (làng Chè) , xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đó là nơi nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống.Cha mẹ ông đều là thợ đúc đồng “Cha tôi là thợ đúc đồng người như thỏi đồng hun/ Mẹ tôi người lạch sông người như bát nước” nên “thao thức hồn tôi là tiếng chày giã đất”. Âm thanh ấy ngấm vào ông từ lúc chào đời: “Tôi cất tiếng chào đời vào một đêm hút sâu”/ Tiếng vang lên trời, tiếng rơi xuống đất/ Cái tín hiệu bắt đầu sự sống vang động cả hai cõi âm dương” (Từ ai đến tôi). Bởi vậy nhà thơ đã đúc nên câu thơ còn chắc hơn đồng đặc mà vang vọng trong đất trời cao rộng “Giai điệu hồn tôi là tiếng nổi, tiếng chìm”
“Và mặn mòi tiếng đất chôn rau”- Câu thơ mặn mà, sâu lắng cũng là đặc điểm hồn thơ Mạnh Lê. Vị quê hương chắt chiu trong cây rau má: “Chiều nhai rau má tối học chữ Nôm/ Hiểu tận tâm căn tiếng đá, tiếng đồng/ Rạng đời vua Lê/ Tối đời chúa Trịnh/ Trạng Quỳnh ngạo nghễ đi vào nhân gian”. Chịu khó, ham học là cốt cách người Thanh. Bộc trực, thẳng ngay, xấu hay có đủ: “Yêu thích nói đùa, ghét ưa nói thật” nhưng sức mạnh con người được nhân lên vì “lá rách lá lành thuyền sao lái vậy” và lời ăn tiếng nói có phong vị riêng “Răng, rứa, mô, tê cũng vào dân ca”. Còn nữa chiếc “Bình vôi” của mẹ riêng tư mà thân thuộc đã thành biểu tượng trong thơ Mạnh Lê. “Tiếng đất chôn rau” của thi sĩ là sự hòa quyện của bốn thứ tiếng linh thiêng: “Ông bà đặt tôi trong tiếng đá/ Cô bác đặt tôi trong tiếng đồng/ Cha mẹ đặt tôi trong tiếng đất/ Tôi đặt tôi trong tiếng thổ âm sông” (Tôi và ai nữa). Nghe được tiếng mình trong  trời,đất, ông,bể là một sự kỳ vĩ. Sự kỳ vĩ có được nhờ sự mặn mà, sâu lắng. Có chút gì đó ngang tàng, ngạo nghễ. Nhưng nghe được tiếng “thổ âm sông” phải là sự tinh tế và trải nghiệm thực tiễn để nhập hồn. Các giá trị cộng hưởng làm nên nội lực thơ, giai điệu thơ, âm vang trong thơ Mạnh Lê mà dễ đâu có được.
Thơ Mạnh Lê là một cuộc hành trình khám phá chính mình và vạn vật quanh mình. Cuộc hành trình đó “từ ai đến tôi” cho đến “tôi và ai nữa”. Nếu “Từ ai đến tôi” là sự khám phá về gốc rễ của bản thân, tạc tượng về bản thân và gia đình “Mẹ biết tôi vẫn là tôi hòn đất/ Tiếng nói vụng thô mà có duyên ngầm”…thì “tôi và ai nữa” là sự thoát thân như con ong đã rời tổ để tự hút mật. Và khi đó ong tự biết đường bay và sức lực của mình nên câu thơ đã chứa đầy chiêm nghiệm “Bạn đã sống nơi tôi chưa được sống/ Tôi đã qua nơi bạn chưa qua/ Thuyền quây kín bao la biển rộng/ Bạn bè ơi! Bốn biển là nhà”. Hồn thơ tác giả  nhận ra sự hội nhập là không gian tuyệt vời để con người tồn tại và phát triển. Ôm cả tiếng đất chôn rau mà hướng ra bốn biển chính là nét mới của ông so với nhiều nhà thơ cùng thời. Một tâm hồn nặng tình quê mà cởi mở, phóng khoáng, có cảm quan thời đại. “Tôi và ai” đều như là cánh chim hòa bình sải cánh bay xa tới “các vì sao”, “biển” bao la,  không phải bằng trực thăng, tàu hỏa mà bằng “muôn lời yêu”. Tính địa phương, tính dân tộc và thời đại có ở thơ Mạnh Lê:
“Tôi hát tiếp lời tôi và ai nữa
Nguồn sông quê tôi gặp biển ngày nào
Thế kỷ tới trời xanh là bến đợi
Muôn lời yêu bay tới các vì sao.”
Mạnh Lê là nhà thơ có tư duy duy lý, duy mỹ và duy tình. Thơ ông có lúc như một dòng thác chảy tràn cảm xúc, có khi kết cấu như một câu chuyện vừa tự sự vừa trữ tình. Có lúc ông viết thơ dài hơi như trường ca “Đất nước thuở Hùng Vương”… Có đôi khi quá đà lại không không khỏi kể lể dài dòng. Nhưng đa phần thơ ông có tính khái quát cao. Đa sắc, đa thanh nhưng nhất quán trong phong cách.Thơ ông là sự trải nghiệm của cái tôi hồn hậu, nhân ái vào trang sách giữ nguyên được hồn cốt. Sống hết mình với đời với thơ nên ông được đời nể trọng. Xin được mượn lời thơ đa nghĩa của ông để làm tên bài viết và kết lại bài viết như một nén tâm hương ngưỡng vọng về một hồn thơ lắng đọng hồn quê, lắng đọng hồn người:
Để đến lúc mắt ngủ rồi
Trái tim còn thao thức…
Và mỗi khi ta đọc lại, thấy “hồn quê còn động lại trong hồn”.
11/6/2022
Thy Lan
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...