Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Thiếu nữ 93: Không chịu đánh mất hình ảnh

Thiếu nữ 93: Không
chịu đánh mất hình ảnh

Người đàn bà gốc Huế nói giọng Đà Lạt ấy đã trải qua rất nhiều nghề: y tá, kỹ thuật viên thuốc nổ, phóng viên bản tin kháng chiến của Bộ Tài chính, làm nương rẫy ở chiến khu, từ năm 1954 hòa bình đi học để trở thành bác sĩ nhi khoa phòng y tế khu Ba Đình, Hà Nội, dịch và thuyết minh phim tiếng Pháp, phiên dịch cho phóng viên phương Tây vào chiến trường Việt Nam, rồi chính bà trở thành phóng viên chiến trường đi quay phim chiến dịch Hồ Chí Minh. Bà có mặt ở dinh Độc Lập vào đúng ngày 30.4.1975.
Bây giờ thì cô Xuân Phượng đã rất nổi với quyển hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… Cô sinh năm 1929, gần đây mới ra sách nên được gọi là Nhà Văn Trẻ. Năm 2022 này chúng tôi còn đặt cho cô biệt danh Thiếu Nữ 93. Chín mươi ba tuổi đấy. Biệt danh nữa: Bố Già. Ấy là vì tấm ảnh cô chụp cô giữa các nhà điện ảnh – cô là chủ nhiệm câu lạc bộ nghệ sĩ điện ảnh cao tuổi TP.HCM. Các nghệ sĩ như Trà Giang đứng thành hàng ở đằng sau, còn ở đằng trước, chính giữa, một mình bà cụ Xuân Phượng được đặt cho cái ghế ngồi, trông rất quyền uy. Tóc trắng xóa, tay cầm cái gậy chạm trổ, chỉ còn thiếu ngậm tẩu thuốc lệch miệng nữa là ra dáng Bố Già.
Với thiếu nữ 93, tôi gợi ý nàng nên tự giới thiệu chỉ bằng một câu ngắn gọn: Tôi 23 tuổi kèm theo 70 năm kinh nghiệm. I am 23 with 70 years of experience.
Cuối năm 2020, ở Sài Gòn, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo tặng tôi quyển Gánh gánh… gồng gồng…, và nói thêm: Cô Phượng là người hướng cho Bảo đến với điện ảnh, bởi vì khi Bảo còn bé đã đi theo cô xem phim Pháp do cô thuyết minh.
Thuyết minh trực tiếp. Thời ấy phim tư bản hiếm hoi, mấy khi có văn bản thuyết minh, cứ phải nghe đối thoại trên phim, nghe đến đâu dịch đuổi đến đó. Đấy quả là một tài năng, nhưng chưa đủ hấp dẫn tôi. Cầm quyển sách về Hà Nội, tôi bỏ nó vào giữa mấy chục quyển sách mới đang xếp hàng chờ đến lượt được đọc.
Đúng một năm trôi qua. Mê man theo những quyển sách dày cộp, bỗng nhiên tôi nhớ đến cuốn sách không dày lắm ông bạn Bảo tặng. Không nghĩ là quyển sách hay, cầm lên tự bảo đọc thử dăm chục trang thôi, nhạt nhẽo thì bỏ giữa chừng. Thật bất ngờ, chỉ năm trang đầu đã đủ gợi tò mò, đủ xúc động. Cứ thế cuốn sách kéo tôi đi luôn một mạch, không dừng được, và không muốn dừng.
Tôi đã đọc nhiều hồi ký của các tác giả người Việt. Một số cuốn hay. Nhưng hiếm có cuốn nào xúc động đến thế. Dồn dập sự kiện, đầy ắp chi tiết ấn tượng. Mỗi phận đời đã gặp được nén lại trong dăm ba trang, nén, cho nên sức công phá rung chuyển. Ngay từ trang đầu, cô nữ sinh mười sáu tuổi cùng ông cậu bỏ nhà đi kháng chiến trên một chiếc xe đạp. Ra đến bờ sông, ông cậu nhận ra quên cái bơm mà phải đi đường xa, bèn để cô cháu ở lại giữ xe. Ông cậu chạy về lấy cái bơm xe đạp, đúng lúc quân Pháp đánh tới. Cô gái bèn vứt xe lại, nhảy xuống thuyền đi luôn.
Chỉ vì một cái bơm mà số phận hai cậu cháu rẽ sang hai lối. Ông cậu mắc kẹt lại, rồi sang Pháp du học để trốn lính, rồi trở thành nhà báo Pháp. Hơn bốn mươi năm sau, cô cháu mới gặp lại cậu trong một nhà dưỡng lão ở Pháp.
Cũng chỉ vì quên một cái bơm xe đạp, Xuân Phượng đi kháng chiến một mình. Cô tiểu thư con quan cùng đồng đội đi bộ xuyên rừng hơn ba trăm cây số từ Huế ra Nghệ An, một thời gian sau đi tiếp ra chiến khu Việt Bắc. Làm hộ lý ở trạm quân y, giỏi tiếng Pháp nên chuyển sang làm kỹ thuật viên chế thuốc nổ ở xưởng quân khí của ông Trần Đại Nghĩa. Cô Phượng kể với tôi: vừa đọc sách Pháp hướng dẫn làm thuốc súng, vừa cân từng gram hóa chất để trộn, thuốc nổ mà điều chế cứ như làm thuốc ho vậy.
***
Người đàn bà gốc Huế nói giọng Đà Lạt ấy đã trải qua rất nhiều nghề: y tá, kỹ thuật viên thuốc nổ, phóng viên bản tin kháng chiến của Bộ Tài chính, làm nương rẫy ở chiến khu, từ năm 1954 hòa bình đi học để trở thành bác sĩ nhi khoa phòng y tế khu Ba Đình, Hà Nội, dịch và thuyết minh phim tiếng Pháp, phiên dịch cho phóng viên phương Tây vào chiến trường Việt Nam, rồi chính bà trở thành phóng viên chiến trường đi quay phim chiến dịch Hồ Chí Minh. Bà có mặt ở dinh Độc Lập vào đúng ngày 30.4.1975.
Một cuộc đời đầy ắp sự kiện nhưng chung quy, bà có hai việc nổi bật là đạo diễn phim tài liệu và làm bà bầu của nhiều họa sĩ trẻ. Bao trùm lên hết thảy, cuộc đời nhiều biến cố ấy đã tạo dựng lên duy nhất một con người: một nhà cách mạng theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
Thời máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội năm 1972, có hai nghệ sĩ người Mỹ đã đến thủ đô ta, một cách bày tỏ tinh thần chống chiến tranh và ủng hộ Việt Nam. Xuân Phượng được phân công làm phiên dịch, tháp tùng nữ ca sĩ Joan Baez và ngôi sao điện ảnh Jane Fonda. Dưới những trận bom rung chuyển hầm trú ẩn ở khách sạn Metropole Hà Nội (khi ấy gọi là khách sạn Thống Nhất), Joan Baez dần dần bình tĩnh lại nhờ có Xuân Phượng bên cạnh. Gần hai mươi năm sau, Xuân Phượng tình cờ gặp lại Joan Baez khi ca sĩ Mỹ sang biểu diễn ở Pháp năm 1991. Một việc bất ngờ xảy ra: giờ mở màn, ở trên sân khấu, nữ ca sĩ nói bằng tiếng Pháp giới thiệu “một vị khách đặc biệt” và mời Xuân Phượng đứng lên giữa hàng ghế khán giả cho cả nhà hát được thấy mặt.
Còn Jane Fonda, sau này trong hồi ký, bà kể rằng đã được Xuân Phượng dẫn đi khắp Hà Nội thời chiến, ban đầu bà tưởng Xuân Phượng là công an, nhưng về sau bà biết rằng “Madam Xuân Phượng thực sự là một người bạn của tôi”.
Tôi cũng gọi Xuân Phượng là Madam (cho vui), gọi là đồng chí (để đùa), và gọi là cô (thân mật). Tôi vào Sài Gòn, định bụng gây choáng bằng cách không báo trước, rồi đột ngột xuất hiện ở phòng tranh Lotus. Nhưng Việt Bảo nhắn: Phải hẹn trước đấy, cô nhiều việc lắm. Y như rằng, tối hôm ấy Madam có cuộc tọa đàm với các học giả Pháp ở trung tâm IDECAF.
Xem lại video thì thấy thiếu nữ 93 trao đổi rất hăng bằng tiếng Pháp trong cuộc tọa đàm không có phiên dịch. Madam thỉnh thoảng kín đáo liếc nhìn đồng hồ và biết rằng tôi đứng chờ trước cửa lúc 18g30. Kết thúc một cái là Madam mải mốt cáo lui chứ không ở lại dự tiệc chiêu đãi. Đại sứ Pháp hỏi, Madam không bằng lòng điều gì? Ồ không, rất hài lòng, chỉ là tôi có cái hẹn với một người.
Tôi được cô kể cho nghe rất nhiều chuyện, đủ để cô viết thêm vài cuốn sách ấn tượng nữa. Chẳng hạn chuyện cô bắt được một pho tượng Thánh Gióng, bị vứt trong đống củi khi người ta dọn dẹp một ngôi đền ở Sơn Tây. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cùng đi một chuyến mê quá, đòi mượn pho tượng mấy ngày, nhưng rồi một tuần hai tuần, một tháng hai tháng, một năm hai năm… Phải mười hai năm sau cô mới đòi lại được, trong một trận “phục kích” như truyện trinh thám. Nhìn pho tượng cổ, tôi nhận ra ngay ông Gióng, vì đã xem nhiều tranh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm. Tất nhiên là trong mười hai năm giữ pho tượng, họa sĩ đã chịu ảnh hưởng của nghệ thuật dân gian để làm ra tác phẩm của riêng mình.
Một chuyện khác: thời mở cửa thị trường, nữ đạo diễn về hưu trở thành bà chủ gallery Lotus, một trong những phòng tranh tư nhân đầu tiên ở Việt Nam có uy tín quốc tế. Rất nhiều họa sĩ không tên tuổi, thậm chí phải sống dưới gầm cầu thang hoặc trong căn nhà tranh dột nát, đã qua tay bà vụt một cái trở nên có danh có giá, có nhà có xe hơi. Có lần một chàng họa sĩ từ miền Trung ôm vào Sài Gòn một cuộn mấy chục bức tranh to, tìm đến Lotus để bán. Nhìn dáng đi run rẩy xiêu vẹo, Xuân Phượng biết ngay chàng này đang đói, chứ không phải say rượu. “Mình đã biết đến cái đói từ thời ở chiến khu Việt Bắc nên nhìn dáng đi và sắc da là biết ngay đây là người đói”. Cô đưa cho chàng thanh niên một cốc sữa và sắc mặt người đói ửng hồng dần lên. Đấy là một cái duyên, về sau cô dẫn chàng họa sĩ đi làm mấy cuộc triển lãm ở Tây Âu. Bây giờ thì giá tranh của anh ta lên cao lắm rồi, không dễ mà mua được của anh nữa.
Tôi trêu cô: Công anh bắt tép nuôi cò, cò ăn cò lớn… Bây giờ con cò ấy đã bay đi mất. Cô thản nhiên: Thì mình nuôi con khác thôi.
Đúng vậy, còn rất nhiều họa sĩ trẻ chưa được biết đến đang chờ sự giúp đỡ của bà bầu mát tay. Suốt từ tuổi sáu mươi cho đến bây giờ hơn chín mươi, Xuân Phượng đã “nuôi” rất nhiều lớp họa sĩ từ vô danh đến thành danh. Đưa họ đi châu Âu, châu Mỹ, tranh từ chỗ trẻ con nhìn thấy khóc thét cho đến khi có giá hàng chục nghìn đô. Mỗi đoàn rồng rắn trên dưới mười họa sĩ, tổ chức chuyến đi, thu xếp ăn ở, bà già chống gậy làm phiên dịch luôn cho họ…
Thiếu nữ 93 vẫn chưa chịu nghỉ. Tháng 5.2022, cô xuống Vũng Tàu bàn bạc với một họa sĩ chuyên tạo tác tranh bằng bột đất sử dụng các màu nguyên thủy. Có kế hoạch cả rồi, tháng 9.2022 mở triển lãm tranh của một nhóm họa sĩ Việt Nam ở Canada, đưa cả ông họa sĩ bột đất chưa mấy người biết này sang đấy, như vậy màu sắc và đất cát Việt Nam hiện diện ở xứ Bắc Mỹ.
Tôi quan tâm nhiều đến những câu chuyện cô kể, mỗi chuyện đã là một truyện ngắn trọn vẹn, chỉ cần cứ thế viết ra là thành tác phẩm. Tôi đặt cô viết ngay hai bài. Câu chuyện về pho tượng Gióng mà danh họa Nguyễn Tư Nghiêm giữ mười hai năm kia. Câu chuyện anh họa sĩ trẻ chân đi xiêu vẹo vì đói chứ không phải vì say rượu kia. Khích lệ cô viết, tôi dọa thêm rằng cô mà không viết là tôi viết, tôi mà viết thì nhanh lắm.
Tất nhiên là Madam sợ, gật đầu ngay: Xin hứa, sẽ viết, sẽ viết.
Dứt khoát là phải sợ. Nguyễn Thị Thu Huệ có tài kể chuyện cho bạn bè, chuyện hàng xóm láng giềng, chuyện đồng nghiệp. Biết tôi chộp đề tài rất nhanh, mụ đe: Sẽ kể cho nghe chuyện này nhưng cấm viết đấy. Tôi thản nhiên: Đứa nào viết trước, đứa ấy được. Nói thế để Huệ sợ mà viết cho nhanh.
Giờ thì nhà văn trẻ Xuân Phượng cũng phải sợ tôi viết mất. Ngồi mấy ngày ra hơn 2.000 chữ cái truyện về pho tượng Gióng: Pho tượng cứu được từ đống củi đun bánh chưng. Đúng là người ta đã quẳng pho tượng ấy vào đống củi để nấu bánh chưng. Ngồi mấy ngày viết được 5.000 chữ bài chân dung về tướng Chu Văn Tấn: Hùm xám Bắc Sơn gặp phóng viên Tây. Vị tướng về với đời thường vừa gần gũi ấm áp vừa rất hóm. Giữa những công việc bộn bề chuẩn bị đưa Lotus sang địa điểm mới rộng mênh mông, lại ngồi mấy ngày viết 5.000 chữ cho Sách tết năm tới. Một đoạn hồi ức ngày tết về quê khi cô còn là nữ sinh Đà Lạt, đi xuyên qua rừng, gặp một đoàn voi dữ uy hiếp cái xe hơi của gia đình.
Viết và viết. Tự nhiên sinh động hấp dẫn. Ta đang nói về một nhà văn trẻ tuổi chín ba đấy. Tôi làm tuyển Văn Mới trước kia và tuyển Sách tết bây giờ, từng đặt rất nhiều nhà văn trẻ nhà văn già viết, do đó đã thấy nhiều người phải vật vã lắm mới viết ra được một bài phù hợp và hay ho.
Viết được như vậy, không chỉ là chuyện vốn sống dồi dào, không chỉ nhờ tài năng văn chương, mà còn nhờ một trí tuệ mẫn tiệp, một căn tính “uy mua” hài hước, sắc sảo mà đôn hậu. Cũng là nhờ kích ứng của việc đọc sách không ngừng nghỉ. Đọc bài tôi giới thiệu những cuốn sách hay hàng tuần trên báo, đọc buổi sáng rồi mua ngay trên mạng, buổi chiều sách đã đến, chụp ảnh đang cầm cuốn sách để chia sẻ niềm vui. Tôi nói: Cô đọc bài giới thiệu là đủ rồi, sách dày, cô đọc sẽ mệt. Cô kêu lên: Sao mà ác thế, khoe ăn được món ngon rồi bảo người ta rằng chỉ cần nghe kể thôi, không cần ăn nữa.
Đọc và vui sống. Ở trên mạng, tôi bắt gặp Madam đặt mua hai bông hồng cài áo, bèn trêu: Điệu quá. Madam đáp: Thì cũng nên điệu nốt. Thu Huệ bình: Mình hơn năm mươi, cứ phải nhìn vào gương cô Phượng hơn chín chục để yêu đời hơn.
Quả là các thế hệ trẻ tiếp xúc với cô để mà được cười vui với những chuyện hài hước trẻ trung, để được tiếp thêm năng lượng tích cực.
Năng lượng trẻ còn đến từ một chuyện tình đã làm cho bao người say mê. Thiếu nữ mười bảy tuổi rời nhà đi kháng chiến khi đã hứa hôn với anh Nam. Trong xưởng chế thuốc nổ giữa rừng, bị đứt liên lạc, cô tưởng anh Nam đã về quê lấy vợ. Cô nhận lời cầu hôn của anh Hoàng là sĩ quan ở chiến khu. Lúc anh Nam quay lại tìm thì cô đã mang thai. Trước mối tình đầu éo le, trong hơn sáu mươi năm chung sống với bà Phượng, ông Hoàng luôn là người đồng cảm và thấu hiểu. Khi ông Nam bị bạo bệnh, ông có nguyện vọng từ Hà Nội vào Sài Gòn chữa bệnh để được ra đi bên cạnh mối tình đầu. Ông Hoàng đã viết thư mời ông Nam vào Sài Gòn. Phút cuối cùng, trước khi nhắm mắt ra đi, ông Nam cầm tay bà Phượng: Anh đi trước.
Một câu chuyện tình lay động nhiều thế hệ.
Bà cụ cửu tuần nhưng luôn cập nhật những tiến bộ công nghệ của người trẻ. Cô bước vào xe tắc xi, anh lái xe giọng Nam bộ có vẻ ngại: Bà cụ có ăn trầu không đó? Ăn trầu là không được nhổ ra xe đâu. Cô giúp việc đi cùng nói đùa: Bà chỉ ăn kẹo cao su thôi. Đúng lúc bà cụ giở điện thoại ra, bấm gọi cho đối tác, bà cụ vừa nói vừa ô kê ô kê. Anh tắc xi: Bà cụ biết bấm điện thoại di động à, bà cụ lại còn biết ô kê à?
Không chỉ biết gọi điện thoại di động. Nhắn tin nhoay nhoáy và cần thì nhắn dài. Nhà phê bình Hoài Nam kêu: Nhắn tin mà cú pháp chuẩn luôn, hơn hẳn ngôn ngữ nhắn của đám thanh niên bây giờ. Cũng thế là khi viết văn, làm chủ luôn cả kỹ thuật máy tính.
***
Chuyến đi lên Đà Lạt để nạp oxy, cô Phượng gặp nhà thơ Dư Thị Hoàn. Chị Hoàn reo lên, thật là một kỳ nữ, bao lâu nay nghe tiếng bà, bây giờ mới được gặp. Chuyện trò trong căn nhà ở gần thác Cam Ly chưa đủ, chị Hoàn mời cô Phượng vào trong căn nhà sàn của chị ở giữa rừng. Từ trung tâm thành phố, phải đi hai mươi cây số vào rừng mới đến cái bản chị ở. Mười năm trước, Dư Thị Hoàn đến cái bản lác đác mấy căn nhà người dân tộc. Đường chưa có, chị xây đường bê tông lên gần đến cổng nhà. Điện nước chưa có, chị kéo điện kéo nước vào. Nữ sĩ đi khai khẩn vùng đất mới.
Mấy ngày ấy Đà Lạt có mưa. Mưa cũng đi, cô Phượng quyết tâm. Chiếc xe bốn chỗ của cô can đảm xông vào rừng, đi men theo một con suối nhỏ, rẽ qua một chiếc cầu, trèo lên một cái dốc cao ngợp. Trận mưa buổi sáng đủ làm cho đất bazan đỏ quạch chuyển sang sền sệt. Lúc này mới thấy rõ cái bất lợi của chiếc xe công tử đi trên đất rừng. Người ta lên nhà chị Hoàn toàn bằng xe hai cầu chứ ai đi xe kiểu này. Bánh xe đã có lúc hơi trượt đi gieo nỗi phập phồng mơ hồ. Đến trước cổng nhà chị, đã nhìn thấy căn nhà sàn thấp thoáng trong cây lá, chỉ còn năm chục mét nữa đường lên khá dốc. Trận mưa đủ làm cho lớp cỏ trên lối đi trơn láng như tráng mỡ. Thiếu nữ 93 ra khỏi xe, lượng sức mình, rồi cho là không thể đi lên được trên con đường trơn trượt và dốc. Thiếu nữ quyết định dừng lại ở đây.
Thực ra trong thâm tâm, thiếu nữ biết có thể cố gắng chống gậy đi lên được, nhưng người lái xe đang lo cơn mưa to dần sẽ làm một quãng đường đất nhão ra, lúc ấy thì hết đường quay về. Anh lái xe quyết định về luôn, bởi vì mưa đang nặng hạt hơn. Cô Phượng đành nhận cái lý do không lên nhà là do mình không đi nổi. Chị Hoàn chưa chịu thất bại. Hàng xóm của chị đã làm bánh ga tô, đã chuẩn bị bếp núc cho bữa trưa đón kỳ nữ Xuân Phượng. Dễ đâu mà để cho cô quay về khi mới đến cổng thế này.
Cô Phượng lắc đầu, cảm ơn ở đây thôi, chân tôi không lên được. Chị Hoàn thét lên: Lên được, để hai người dân tộc dìu bà lên. Mấy người dân tộc hàng xóm loanh quanh gần đấy, chị Hoàn thì như già làng trưởng bản với họ. Cô Phượng hình dung ra phải để hai người dân tộc xốc nách thì sợ quá. Thôi thôi, không lên được đâu. Chị Hoàn lại thét: Lên được, không dìu bà thì để người dân tộc cõng bà lên.
Thiếu nữ 93 kinh hoàng. Thiếu nữ mà chịu bám trên lưng một người dân tộc thì sụp đổ thần tượng. Cuộc đời chín mươi ba năm ra sức xây dựng hình ảnh, bây giờ có nguy cơ tất cả tan tành trong một phút. Không, không, thôi, xin cảm ơn. Năm 2016 thiếu nữ đã phải mổ não, nhưng vẫn tự thay quần áo, không chịu nhờ đến hộ lý, nữa là bây giờ.
Giải pháp cuối cùng: chị Hoàn và mấy người hàng xóm hiếu khách đành chấp nhận đứng chụp một kiểu ảnh với thiếu nữ 93 trước cổng nhà mình, thấp thoáng ngôi nhà sàn của chị ở đằng sau. Mưa thì vẫn lất phất rơi.
Ngày hôm sau, vợ chồng Dư Thị Hoàn – Trịnh Hoài Giang đến hồ Tuyền Lâm gặp cô Phượng vì cuộc chuyện trò chưa thể dứt. Tặng sách cho nhau: nhà văn trẻ Xuân Phượng tặng quyển Gánh gánh… gồng gồng…, nhà thơ già Dư Thị Hoàn tặng tập thơ đầu tay hơn ba chục năm trước và quyển sách hay chị dịch từ tiếng Trung. Nhắc lại chuyện ở trước ngôi nhà giữa rừng, nhớ lại để cười nói với nhau, không ai hình dung nổi hình ảnh thiếu nữ 93 ngồi trên lưng một người dân bản thì trông nó như thế nào. Chị Hoàn khẳng định: sẽ là một trai làng thượng to như con voi cõng trên lưng bà lão Phật gia nhưng đã biến hình thành thiếu nữ xinh tươi.
15/6/2022
Hồ Anh Thái
Nguồn: Báo Người Đô Thị
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...