Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

Hoa mía - Truyện ngắn của Ngô Hòa Bình

Hoa mía - Truyện ngắn
của Ngô Hòa Bình

Tác giả Ngô Hòa Bình tên thật là Ngô Quỳnh Liên, sinh năm 1978, hiện là giáo viên ở Hòa Bình. Lần đâu tiên tham gia một cuộc thi viết văn trên báo, Ngô Hòa Bình với truyện ngắn “Hoa mía” đã đoạt Giải ba Cuộc thi Truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” do Báo Nông Thôn Ngày phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam và Ban VHNT VOV6 – Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức vừa kết thúc trao giải.
“Bão, hạn, thiên tai chỉ mất đi phần nào vườn mía, nhưng mía ra hoa chính là lúc người nông dân mất trắng. Tôi đã từng chứng kiến cảnh bố tôi tự tay đốt đi vườn mía của mình chỉ vì nó… nở hoa. Hoa mía ám ảnh cả tuổi thơ tôi” – Cô giáo viết văn của Hòa Bình chia sẻ, và chị còn bày tỏ: “Hoa mía rất hiếm khi nở, mỗi lần nở hoa lại đem đến nỗi buồn cho người nông dân, thật ngược đời phải không?”.
Vanvn.vn xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn hay “Hoa mía” của Ngô Hòa Bình.
Thạc la thất thanh, khuôn mặt tái nhợt nhăn nhúm, đôi đồng tử giãn ra làm mi mắt căng tới mức phần lòng trắng hiện rõ. Hệt như người ta vẽ tranh biếm hoạ với đôi mắt mở to hết cỡ. Một cái vòng tròn màu trắng bạc nhờ nhợ thất thần bao quanh đôi đồng tử màu đen bé xíu.
– Ối làng nước ơi!… cháy…cháy!..chá…áy…
Thạc la thất thanh, khuôn mặt tái nhợt nhăn nhúm, đôi đồng tử giãn ra làm mi mắt căng tới mức phần lòng trắng hiện rõ. Hệt như người ta vẽ tranh biếm hoạ với đôi mắt mở to hết cỡ. Một cái vòng tròn màu trắng bạc nhờ nhợ thất thần bao quanh đôi đồng tử màu đen bé xíu. Mấy người coi vườn gần đó nghe tiếng la liền chạy tới hò nhau tìm cách dập lửa, ngọn lửa đã lan quá rộng. Thời tiết đang mùa hanh khô, nắng như rang.
Vườn nhà Thạc khá rộng lại tách biệt xa khu nhà dân cư nên không có nước. Gần đó có con suối nhưng mùa này là mùa cạn, con suối có chế độ nước theo mùa. Mùa mưa suối trở thành nơi câu cá và nguồn nước tưới tiêu cho nông dân trồng cây ngắn ngày. Mùa cạn nó trơ lòng lổn nhổn sỏi đá chỉ tiện cho mấy đứa trẻ trâu chơi trò trốn tìm hoặc bọn trộm mía dễ bề tẩu thoát. Lửa vẫn ngùn ngụt cháy, mọi người đang lúng túng không biết làm thế nào. Măng đứng ngó nghiêng dáo dác khoảng 30 giây rồi chạy vụt đi, một lúc sau nó quay lại trên tay cầm mấy con dao. Nó bắt đầu lao ra vườn chặt mía vứt ra xa, nó chặt thoăn thoát, mỗi nhát dao có tới 2 hai, ba cây mía đổ nhào. Thạc khóc không thành tiếng ngồi thụp xuống, mía cháy mà nó còn làm gì thế kia, giọng lạc đi, yếu ớt ” Mày làm gì thế Măng ơi! Ôi mía của tôi hu hu…”. Măng vẫn không ngừng chặt thoăn thoắt, miệng nói to:
– Phải khoanh vùng đám cháy, nhanh lên!
Mấy người coi vườn nghe thấy thế liền hiểu ý. Nghĩa là phải chặt mía vòng quanh đám cháy để cắt đứt đường di chuyển của lửa, tránh việc nó lan rộng cháy cả vườn và cháy lan sang nhà khác. Ngay lập tức mỗi người cầm lấy một con dao chạy đi, họ chặt không thương tiếc, những nhát dao chưa bao giờ sắc ngọt đến thế. Khoảng trống họ tạo ra ngày càng rộng, có nghĩa là số mía bị đốn hạ càng nhiều. Lúc này thêm mấy bà thím trong làng nghe tiếng hò hét của đám trông vườn cũng vừa tới kịp. Họ cầm những chiếc sào tre gạt vội đám lá mía khô, nỏ dễ bắt lửa, dưới đất sang bên để tạo ra khoảng đất trống ngay chỗ đám đàn ông vừa chặt mía quăng ra đủ rộng ngăn cách giữa phần vườn mía đang cháy và phần còn lại.
Tiếng nổ lốp bốp của bẹ mía cháy lẫn trong tiếng phập… phập, rào.. rào của những cây mía bị đốn hạ làm tim Thạc thắt lại rát buốt. Mía cháy chính là Thạc đang cháy, mía chết chính là Thạc đang chết. Thạc không nỡ cầm dao đốn hạ những cây mía mà hàng ngày anh nâng niu chăm bón, nhổ từng nhánh cỏ, bóc từng bẹ lá. Mùi mía cháy bay toả khắp không gian, mùi mật mía thơm ngọt ngào là hương vị đặc biệt khó quên. Mùa lạnh, người ta thường đốt một đống lửa trước sân nhà, vừa ngồi quây quần bên đống lửa hơ bàn tay xua đi giá lạnh của mùa đông vừa nướng mía ăn. Thạc đã từng rất thích mùi mía nướng, vậy mà lúc này chính nó lại làm miệng Thạc thấy đắng ngét.
Trưa nay đang định chạy xe về nhà ăn cơm thì Măng ới Thạc qua lán bảo ” cháu có chai rượu ngâm chuối hột lâu không uống, lại có đĩa mồi vịt nướng, ăn một mình đau tức, chú sang ăn với cháu”. Thạc bốc vội nắm hạt kê cho con Tre rồi xoa đầu nó bảo ” ăn đi, lão! ngoan, ở nhà, cho tôi đi uống chút cay cay cho đời bớt đắng”. Tre mổ vào tay Thạc, cổ họng nó phát ra tiếng khèng khẹc như có ý ngầm bảo, úi dào đời ông cả cay cả đắng có gì mà bớt. Cứ ra vẻ yêu không cần đáp lại mà đêm đêm nghe tiếng thở dài cũng làm tôi mất ngủ. Nói thế chứ mày hiểu gì cuộc đời mà biết cay với đắng. Thạc bỏ mặc con Tre vừa ăn vừa lầm bầm khèng khẹc, cạu cọ khó tính, đi vội sang lán Măng.
Hai chú cháu uống cũng độ vài ba chén, thấy nó nhiệt tình nên nể vì mà ở lại chứ rượu Thạc chẳng thích thú gì, cơ mà vịt nướng thì ngon đáo để. Mùi lá mắc mật quện đượm chút mật ong tẩm ướp thơm ngậy đưa cay thuận miệng lắm. Măng có gì ngon cũng gọi Thạc qua ăn. Thanh niên trong làng hầu như ra ngoài phố tìm việc hết chỉ có nó là ở lại làng.
Cách đây 25 năm, bố nó là người đầu tiên đưa giống mía tím về trồng ở cái làng này, tới giờ mía tím đã lan ra khắp huyện, tỉnh. Đi tới đâu cũng thấy người ta trồng mía, có năm được giá cao, nhiều người trong làng xây nhà lầu, mua xe hơi. Phất lên nhờ cây mía mà đi xuống cũng vì cây mía. Mấy năm thiên tai, hạn hán, mất mùa liên tục nhiều gia đình phải bán đất, bán nhà để trả nợ vì vay vốn trồng mía.
Cái lán của Măng nhỏ xíu chắc chỉ khoảng 10 mét vuông, phía dưới đổ cột bê tông quây kín để nuôi gà, vịt. Phía trên cũng đổ bê tông làm thành sàn để ngủ, tường làm bằng phên liếp có hai cái cửa sổ bé xíu nhìn ra vườn, thi thoảng có những đợt gió thổi vào mát rười rượi. Trên tường ngoài vài bộ quần áo bảo hộ lao động ra thì đồ vật có giá trị nhất là cây đàn ghi ta đã khá cũ kỹ nhưng bề mặt gỗ trơn láng, có vẻ như nó được ôm ấp và lau chùi hàng ngày. Uống được ba chén rượu Măng đứng dậy với tay lấy cây đàn, bàn tay sần sùi ngắn ngủi dùi đục với những dấu tích vết cứa cào của lá mía sắc bén ngang dọc trên mu bàn tay, đầu ngón tay thâm xì nhựa cỏ. Đôi bàn tay nông dân của Măng lướt trên những phím đàn trông thật ngộ, không phải những ngón tay thon dài, trắng trẻo của người nghệ sỹ mà sao nghe vẫn êm ái da diết thế:
“Con đường xưa em đi
Vàng lên mái tóc thề
Ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy
Khách qua đường lắng nghe
Chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy
Vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi
Có nàng hoen đôi mi
Ngóng theo đường vắng hoe
Hỏi còn ai cố tri…”
Thạc lim dim đôi mắt nhấp chút rượu, tự dưng thấy thèm thuốc lào ghê gớm. Cứ mỗi lần có chút hơi men lại nhớ chiếc điếu cày, hay mỗi lần nghe nó hát Thạc lại thèm thuốc, cũng không rõ nữa. Bước thấp bước cao quay về lán tìm chiếc điếu cày, móc trong túi áo ngực gói thuốc lào véo một miếng cho vào nõ điếu rồi quẹt diêm, ném que diêm cháy dở ra vườn, mắt lim dim, hồn phiêu diêu trên những nương mía. Mía ngọt lịm như môi nàng thiếu nữ đang yêu, như lòng mẹ ấm êm ngọt dịu, như dòng suối Lầm quanh năm tươi mát…
Trong lúc Thạc phê pha say thuốc, que diêm cháy dở bị ném ra vườn đã kịp bén vào lá mía khô. Tới khi dập xong lửa thì đám cháy đã cướp đi nửa vườn mía và cả chiếc lán tồi tàn lợp bằng lá mía. Chỉ tại điếu thuốc lào.
– Vườn mía nhà chú Thạc cháy gần nửa rồi mẹ ạ!
– Ừ! Khổ thân ông ấy, nhưng vẫn còn may
– May là sao hở mẹ?
Bà Đoan nhìn Măng cười buồn.
– Thì mới cháy có một nửa, còn một nửa bán đi đủ hoà vốn… chứ mía mà ra hoa thì…
Bà Đoan bỗng dừng lại ngập ngừng, khuôn mặt ngoài bốn mươi còn mặn mà xuân sắc của bà như trùng xuống, ánh mắt nhìn ra xa xăm nơi những qủa đồi mía lượn vồng xanh ngắt. Từng đợt gió nhè nhẹ thổi qua đám lá lào xào như muốn nhắc nhớ những kỷ niệm đã qua hẳn nhiên vẫn rực rỡ trong tâm trí của người đàn bà nông thôn miền núi.
Bố mẹ Đoan quê gốc ở Hà Nam Ninh, theo chính sách khai hoang vùng kinh tế mới của nhà nước mà di tản tới vùng núi này. Người miền xuôi sinh ra ở miền núi giữa bao người miền ngược. Ngày đó người Kinh rất ít nên thường sống co cụm với nhau. Cùng học chung lớp chung trường, bố mẹ cùng quê, cách nhau cái dậu mùng tơi đã khiến cho Tuấn, Đoan và Thạc thành bộ ba thân thiết từ bé. Ba đứa chơi cùng nhau đủ thứ trò. Từ cởi truồng tắm mưa, chơi khăng, đánh đáo, nhảy dây, đuổi bắt… Nhiều khi đánh chửi nhau chí chóe, giận nhau vài ngày rồi lại thân thiết như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cho tới khi học lên cấp 3, mỗi đứa đều có chút thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Sự thay đổi đó dường như khiến cho cả ba có chút ngượng ngập, giữ ý hơn, nhất là Đoan.
Tuấn càng lớn càng điển trai, lãng tử lại khéo mồm khéo miệng, hài hước, câu chuyện của Tuấn luôn làm Đoan cười suốt buổi. Hẳn nhiên những kẻ hài hước thường được lòng phái đẹp chăng? Đoan có vẻ thân với Tuấn hơn. Thạc thì cục mịch chân chất, ít nói có lẽ vì vậy mà Thạc trở thành người luôn lắng nghe mọi chuyện của hai đứa còn lại. Chỉ có Đoan là sướng nhất, mấy năm học cấp ba chẳng bao giờ nó phải tự đạp xe đến trường, thường thì nó ngồi sau xe của Tuấn trừ những ngày xe Tuấn bị hỏng, nó mới chịu ngồi xe của Thạc. Hình như chơi bộ ba bao giờ cũng có một đứa lẻ ra, Thạc ngày nào cũng lững thững đạp xe sau hai đứa, nghe chúng nó ríu ran trò chuyện rồi cười đùa khúc khích. Những lúc như thế Thạc thường lặng im ngắm nhìn Đoan, nụ cười của Đoan dường như có ánh nắng ban mai nhảy nhót, như dòng suối Lầm róc rách chảy quanh bản làng, như làn gió mùa thu mát rượi mỗi sớm tinh sương. Nụ cười của Đoan đã ám ảnh Thạc suốt cả thời tuổi trẻ mà cứ nghĩ đến lòng lại thấy xôn xao.
Rồi một ngày Đoan ốm, chỉ có Thạc và Tuấn đến trường. Trường huyện cách nhà 5 km, cả đi và về là 10 cây số. Hai đứa đạp xe im lặng hàng ngang bên nhau. Như mọi ngày Thạc vừa đạp xe vừa đếm từng cây phi lao hai bên đường, nghe tiếng gió rì rào dịu nhẹ trên những tán cây, tiếng gió dường như mạnh bạo hơn mọi ngày bởi thiếu tiếng cười của Đoan, thiếu tiếng ríu ran trò chuyện và thiếu cả tiếng pha trò hài hước của Tuấn.
– Tao sẽ lấy Đoan- Tuấn cất lời sau hồi lâu im lặng, hai đứa đã đi được gần nửa con đường đến trường. Đàn ông dễ hiểu nhau quá mà, chỉ có Đoan là không nhận ra rằng cả hai thằng đàn ông mới lớn đều yêu nó.
– Mày có chắc là mày yêu Đoan hơn tao không- Thạc hỏi
– Tao không chắc, nhưng có một điều tao chắc chắn rằng Đoan thích tao hơn mày.
Đến lượt Thạc im lặng, tình yêu không phải là mớ rau hay tấm áo để nhường nhau. Thạc muốn giữ mãi nụ cười toả nắng ấy đi suốt cuộc đời.
Ngày Đoan ốm cũng là ngày Tuấn và Thạc nghỉ học, hai đứa đạp xe vào suối Lầm, vứt xe bên bờ suối để bơi thi, nước suối trong veo dịu mát, đứng trên bờ còn nhìn rõ từng viên sỏi dưới lòng suối. Hàng ngày sau mỗi buổi đi học về hai đứa vẫn thường rủ nhau ra suối tắm, riêng Đoan từ ngày lên cấp ba nó nhất định không chịu tắm suối như hồi bé nữa.
Đây là lần đầu tiên hai đứa bơi thi, mặc dù đã bơi cùng nhau rất nhiều, nhưng chưa bao giờ nghiêm túc và quyết liệt như lần này. Kết quả là không đứa nào thắng đứa nào. Hai thằng lại kéo nhau lên bãi cỏ khá rộng ven bờ suối, hai thanh niên đang tuổi bẻ gãy sừng trâu tỷ thí bằng nắm đấm. Lần này Thạc thắng, để lại trên mặt Tuấn một vết bầm khá rộng bên mắt trái. Cũng vì cú đấm mạnh tay đó của Thạc mà bộ ba rã đám, không còn đi chung thân thiết như ngày trước nữa.
Không những thế Đoan còn mắng Thạc té tát vì cái tội đã làm Tuấn đau. Đoan đâu biết cú lên gối của Tuấn cũng làm Thạc suýt gãy xương sườn, đau cả tuần không khỏi. Đoan chẳng mấy quan tâm đến lí do hai thằng đánh nhau, chỉ vì bênh vực Tuấn mà Đoan nỡ lòng mặt lạnh với Thạc. Đoan luôn bảo Tuấn đạp xe thật nhanh để bỏ Thạc lại phía xa, không phải Thạc không đủ sức để chạy theo sát hai đứa mà vì Thạc không muốn Tuấn đi quá nhanh mà đánh ngã Đoan. Năm cuối cấp cứ như thế trôi qua trên cả sự rạn nứt nửa trẻ con, nửa người lớn của bộ ba ấy. Tuấn đỗ vào cao đẳng Nông –Lâm, Đoan đỗ cao đẳng sư phạm hai đứa công khai yêu nhau, chỉ riêng Thạc do nhà nghèo lại đông em nên quyết định ở nhà trồng ngô nuôi lợn giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
Tuấn và Đoan tốt nghiệp cao đẳng hai đứa tính làm đám cưới. Ngày Thạc nhận được thiệp mời từ tay Tuấn, hai đứa lại rủ nhau ra suối Lầm. Lần này không phải để thi bơi hay tỷ thí võ thuật nữa. Hai thằng ngồi bên bờ suối cùng im lặng nhặt những viên sỏi ném ra xa, nghe tiếng nước bắn lên tung toé.
Một buổi chiều âm u như chính lòng Thạc. Vết bầm trên mắt Tuấn đã không còn nữa, nhưng vết đau bên mạng sườn của Thạc đã chuyển lên tim. Thạc thấy tim mình nhói buốt khi nghĩ đến nụ cười toả nắng của Đoan, cơ hội để hôn lên nụ cười ấy như giấc mơ tan biến vào đêm, như viên sỏi chìm vào lòng suối. Lớn lên cùng nhau, chơi với nhau thân thiết tới độ ấy thì cần gì phải nói. Nhiều khi mọi lời nói đều trở nên vô nghĩa trước những thanh âm khác. Thanh âm của tuổi thơ, của sự thấu hiểu, của tình thân gắn bó trên cả tình bạn thông thường của ba đứa. “Tao sẽ đem hạnh phúc đến cho Đoan, cô ấy sẽ không bao giờ phải khóc, mày yên tâm” Tuấn cất lời phá tan bầu không khí u ám bao trùm giữa hai đứa. Câu nói của Tuấn cứ như thể con rể tương lai đang xin phép bố vợ sắp cưới vậy. Thạc im lặng không trả lời, anh nhặt một viên sỏi ném ra xa nghe tiếng nước bắn lên tung toé. Trong khoảnh khắc ấy Thạc tin lời Tuấn. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng chiều lòng người.
Tuấn là một thanh niên khá thông minh và nhạy bén, sau khi tốt nghiệp Tuấn đã đem nhiều giống cây trồng mới về cho xã. Trong đó thành công nhất là cây mía. Mía là giống cây dễ thích nghi, đất đồi cũng được, phù sa cũng được, mầm mía lên nhanh và khỏe. Nếu được mưa ở giai đoạn đầu sinh trưởng cây mía to và nhiều nước. Nhà Tuấn khá giả lên nhanh chóng nhờ cây mía, không những thế Tuấn còn giúp đỡ bà con về kỹ thuật và nhân giống rộng ra khắp huyện.
Từ khi lấy Tuấn cũng như ngày sống cùng bố mẹ đẻ, Đoan không phải vất vả gì. Cô sống trong cảnh an nhàn sung sướng, hàng ngày được Tuấn đưa đi làm trên chiếc xe Sim Sơn láng coáng. Cuộc sống của vợ chồng Tuấn là niềm mơ ước khát khao của nhiều người. Thế rồi Đoan có bầu và sinh thằng Măng (tên gọi ở nhà, thật ra tên nó được bố đặt là Nguyễn Trọng Nghĩa) Đoan mong muốn thằng bé khỏe mạnh và có sức sống mãnh liệt như cây măng rừng. Cái tên như vận vào người Măng lớn lên khỏe mạnh, thông minh. Hồi mới tập đi thi thoảng nó lon ton chạy ra đầu ngõ, Thạc bắt được ngấu nghiến thơm lấy thơm để, không biết vì yêu hay vì ghét. Có lần chẳng hiểu Thạc thơm thế nào mà má thằng bé đỏ bầm hiện rõ vết răng, sưng mấy hôm không khỏi. Đoan càng ghét Thạc ra mặt, hễ thấy bóng dáng Thạc là Đoan lảng đi chỗ khác hoặc bế Măng về nếu đang chơi bên nhà hàng xóm.
Thấm thoát Măng cũng đã được chín tuổi, các em của Thạc cũng đã lập gia đình, chỉ còn mình Thạc, bố mẹ già và ngôi nhà vẫn ở nguyên chỗ đó, ngay sát cạnh nhà Tuấn-Đoan. Thạc lấy cớ chăm bố mẹ già yếu mà chưa tính lập gia đình. Thực ra trong lòng anh trống vắng hoang hoải chỉ có hình bóng của Đoan. Hàng ngày quan sát qua hàng rào mùng tơi, nhìn Tuấn chiều chuộng vợ con, nhìn Đoan vui đùa với Măng lòng anh cũng đủ ấm áp. Lạ thật, có phải yêu là mong cho người mình yêu được hạnh phúc? Cuộc sống cứ thế yên bình trôi theo ngày tháng mặc kệ những tình si nhân thế, mặc kệ những đớn đau hay hạnh phúc của đời người. Mía cũng vậy, mọc mầm rồi lên xanh, bóc bẹ và cao vút, vun gốc và nhặt cỏ… chẳng mấy chốc là đến vụ đốn hạ. Cây mía còn biết chờ heo may tháng 11 để xuống mật ngọt đậm đà tròn vị, còn Thạc như ngày và tháng, cứ vậy mà trôi qua. Nhưng ngày và tháng cũng còn có đổi thay, hôm nay nắng, ngày mai mưa, ngày thứ âm u mây mù giăng lối. Lòng Thạc tịnh không hư vô, vui buồn theo vui buồn của “hàng xóm”.
Mía vẫn lên xanh và đung đưa theo gió, nhưng năm đó mía ra hoa. Người ta bảo mía ra hoa thì coi như mất mùa vì thân mía hết nước, cây trở nên khô khỏng, ở giữa thân mía hình thành mảng xốp trắng nhẹ như ruột bấc đèn dầu, rút nước lên nuôi hoa hết. Hoa mía rất hiếm khi nở, hơn mười năm đem mía về làng, đây là lần đầu tiên Tuấn trực tiếp thấy hoa mía.
Hoa mía màu trắng, bông dài vút lên trời cao, không khác gì bông lau. Năm đó, Tuấn đã dốc toàn bộ số vốn liếng dành dụm được để thầu gần mười héc ta trồng mía với hy vọng thắng lớn, anh sẽ mua căn nhà trên thành phố để chuyển vợ con lên đó, sau này tiện cho thằng Măng có điều kiện học hành. Tuấn lo lắng mất ăn mất ngủ, hoa mía mới lên lác đác. Tuấn chạy đôn chạy đáo kêu gọi các thương lái quen, nhưng đều nhận được cái lắc đầu ái ngại. Chẳng có cách nào khác, Tuấn tự thuê xe rồi đem mía ra thành phố bán, được ít nào hay ít đó. Tuấn không thể ngồi yên nhìn mía chết, không thể để tài sản tích lũy bao năm bay theo hoa mía.
Khi hoa mía đã lan trắng nửa quả đồi cũng là thời điểm Tuấn thực hiện được chuyến hàng thứ bảy, nhưng chuyến đó Tuấn đã không về nhà. Do chở quá nặng khi đi qua dốc Cun, xe bị mất lái, cả người và xe lao xuống vực. Đoan khóc rất nhiều, nước mắt tưởng thành sông.
Tuấn đã không sống được để giữ lời hứa. Năm đó hoa mía phủ trắng cả chục héc ta như màu khăn tang đội trên đầu mẹ con Đoan, màu trắng bàng bạc buồn tẻ trong buổi chiều quê như lời tiễn biệt người đã từng đem mía về làng. Sự ra đi đột ngột của Tuấn đã làm Thạc vừa buồn vừa giận. Buồn theo nỗi buồn của Đoan, giận vì Tuấn đã không giữ lời hứa rằng không bao giờ làm Đoan phải khóc. Buồn vì mất đi người bạn thân mà chẳng ra thân, ghét không ra ghét. Từ ngày hai đứa chúng nó lấy nhau, Tuấn và Thạc như có hàng rào vô hình ngăn cách. Cái thứ tình cảm dở ông dở thằng giữa hai đứa, Thạc cũng chẳng hiểu nổi thật ra nó là gì. Lúc thì ganh tỵ như tình địch, lúc lại thương như người thân, lúc lại căm như kẻ thù.
Giờ đây Đoan vừa mất đi người đàn ông yêu thương cô, vừa mất đi tài sản mà hai vợ chồng đã tích lũy chục năm qua. Cô vô cùng lúng túng không biết phải làm gì với vườn mía nở hoa trắng xóa. Không biết phải làm gì với cuộc đời mình khi không còn có Tuấn bên cạnh. “Đoan bớt đau buồn, bên cạnh Đoan vẫn còn có Thạc, cần gì Đoan cứ gọi Thạc giúp”. “Vậy theo Thạc bây giờ tôi phải làm gì?”. “Theo tôi việc đầu tiên là đốt vườn, vì nếu chặt mía xếp đống vào đốt thì mất rất nhiều công chặt, vì vậy cách hay nhất bây giờ là đốt cả vườn. Mía đã ra hoa thì không khác gì củi, không thể ăn được nữa. Đừng tiếc”
Nghe tới đó Đoan lại khóc, có thứ cây gì nở hoa mà ác nghiệt như cây mía không? Cũng từ ngày đó, Đoan không còn thảnh thơi cắp cặp đến trường như trước được nữa, cô tất bật từ sáng tới tối, một buổi lên lớp, buổi còn lại thì lao ra vườn như mọi người phụ nữ nông thôn khác. Nhưng Đoan không chịu trồng mía như mọi người, cô đổ lỗi cho mía đã đem Tuấn đi. Mặc dù Thạc thuyết phục rất nhiều rằng không phải năm nào mía cũng ra hoa, rằng chỉ trồng mía mới có thu nhập cao hơn trồng các loại cây khác…
Biết tính Đoan ương ngạch và cố chấp có thuyết phục cũng vô ích, Thạc đành im lặng âm thầm giúp đỡ mẹ con Đoan. Lúc thì đưa Măng đi học, khi nó bị ngã giãn dây chằng ở chân do leo trèo. Lúc thì lợp giúp mái nhà bị tốc mái do gió bão, khi thì chạy qua bắt giúp con lợn xổng chuồng chạy giông. Lúc thì sửa cái quạt điện không chịu chạy khi cần…
Đoan vẫn lạnh lùng như thế, chẳng thay đổi gì cả. Mỗi lần Thạc làm giúp việc gì đó Đoan chỉ bảo “Đừng tốt với tôi quá, tôi không có gì để trả cho Thạc đâu”. Cần gì phải trả thứ gì, Thạc hoàn toàn tự nguyện, người ta bảo ” yêu mà đòi hỏi được đáp lại là con người, yêu mà không đòi hỏi đáp lại là thiên thần”. Chỉ có Măng là thay đổi, nó lớn lên từng ngày và học giỏi y như bố nó ngày trước. Mỗi lần được điểm mười nó lại réo tên Thạc từ đầu ngõ để khoe.
Thạc lặng lẽ như vậy bên mẹ con Đoan. Măng gần như đã coi Thạc là người thân không thể thiếu trong cuộc đời nó. Có chuyện gì cũng đem kể với chú Thạc, từ chuyện nó bị mấy đứa trong lớp giấu cặp xách cho tới chuyện con mèo bỏ ăn kêu gào cả ngày rồi bỗng nhiên bỏ đi mất, chuyện bị mẹ mắng vì cái tội quên nấu cám cho lợn… Thôi thì đủ thứ chuyện linh tinh lang tang trên trời dưới biển gì nó cũng kể cho Thạc nghe. Hai chú cháu như hai người bạn thân thiết giống như ngày nào Tuấn và Thạc cũng đã từng thân thiết như thế. Có lần nó hỏi “Sao chú không sang ở với mẹ con cháu nhỉ?” nghe câu đó Thạc chợt đưa mắt nhìn Đoan, Đoan giả tảng ngó lơ chỗ khác, vờ như không nghe thấy. Tình cảm là thứ gì đó thật kỳ lạ, nó không dễ dàng có đối với ai đó và cũng chẳng dễ dàng mất đi đối với Thạc. Đúng rồi, người ta chỉ yêu thôi, đâu có lỗi gì. Thạc chấp nhận “yêu chay” không mong nhận lại, không đòi hỏi, không làm phiền thì mắc mớ gì Đoan cấm. Miễn là Đoan để cho Thạc được quan tâm giúp Đoan những điều nhỏ nhặt hàng ngày trong cuộc sống là Thạc thấy vui rồi. “Chú Thạc là thiên thần, mà thiên thần thì chỉ ở một mình và đi giúp đỡ người khác thôi”. “Cháu rất thích thiên thần đấy” Măng cười hôn nhiên, nụ cười con trẻ.
Mười năm sau. Có phải tên Măng như định mệnh gắn anh với rừng với nghề nông nên anh đã chọn quay trở về sau khi tốt nghiệp chuyên ngành mà trước đây bố Tuấn đã chọn. Cái nghề mà thanh niên thời này chẳng mấy ai lựa chọn. Anh trở về làng thuyết phục mẹ trồng mía.
Thời gian như liều thuốc chữa lành nỗi đau mất mát nhưng nó lại hằn vết tích lên khuôn mặt nhân gian khiến cho nhan sắc tàn phai, thanh xuân vụn vỡ. Người ta bảo mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về khuôn mặt của mình sau tuổi ba mươi. Bởi gương mặt, ánh mắt thể hiện rất rõ biến cố nội tâm của đời người, là tấm gương phản chiếu những trầm tích của thời gian, những thăng trầm đớn đau hay hạnh phúc trải qua. Đoan không còn đẹp, da không còn căng tràn như hồi con gái. Khuôn mặt thoáng những u buồn khắc khổ, nhưng mỗi khi cười khuôn mặt vẫn bừng lên rạng rỡ, nụ cười giam giữ một đời người. Kẻ bị giam giữ không ai khác là Thạc, mặc dù cuộc sống của Thạc giờ đã khác trước rất nhiều. Nhờ cần cù chịu khó cùng với mấy năm được mùa mía, anh đã xây được nhà khang trang to đẹp, không ít người đánh tiếng mai mối con gái, cháu gái, nhưng Thạc chẳng chịu gặp gỡ ai. Tối ngày chỉ loanh quanh trong vườn mía với Tre. Có mía để sống, có Tre làm bạn thì cần gì lấy thêm ai nữa. Thật ra mọi người nghe Thạc nói vậy thôi, ai mà không biết Thạc si tình Đoan, lo cho Đoan không có ai chăm sóc. Mấy năm thằng Măng đi học xa nhà, Thạc luôn có Tre bên cạnh. Đoan lấy ai làm bầu bạn? Lúc trái nắng trở trời ốm đau, đêm hôm khuya sớm.
Lại nhớ cái đận Đoan tụt huyết áp ngã ngay trên bục giảng, được đồng nghiệp đưa đi bệnh viện. Thạc biết tin chạy đến đem theo tô cháo gà, vậy mà Đoan vẫn cứ nguây nguẩy ” Đừng tốt với tôi quá, tôi không có gì để trả cho Thạc đâu”. Ôi dào, ai cần trả, cứ ăn đi cho khỏe rồi tính. Ngồi quấy quá một chốc, Thạc bỏ ra ngoài, cứ ngồi ì ra đấy cháo nguội hết, tính con mẹ này nó vậy, chờ Thạc đi mới chịu ăn, lạ gì nữa. Măng chẳng hề biết gì về chuyện mẹ nó bị ngất, lúc ấy cu cậu đang chuẩn bị thi tốt nghiệp nên Đoan không muốn con phải lo lắng. Mấy ngày Đoan nằm viện, Thạc tất bật lo cơm cháo cho nàng, đã thế lại còn đàn lợn gần chục con cả ngày réo rít gọi Thạc cho ăn, nghe sốt cả ruột. Con Tre đủng đỉnh đi lại trong nhà, cái đuôi dài sặc sỡ cong vút của nó cứ đánh qua đánh lại theo nhịp bước. Nó như có vẻ rất thích chí. Đáng đời ai bảo yêu không cần đáp lại, đầu bù tóc rối chưa? Mày thì biết gì về tình yêu mà triết lí, tao chỉ cần có cơ hội giúp đỡ Đoan là hạnh phúc nhất trên đời rồi, hiểu không, đồ vẹt già.!
Nương mía cách nhà khá xa, anh dựng lều để trông coi. Dư sức thuê người trông vườn nhưng Thạc vẫn muốn tự mình làm việc đó, mía như sinh mạng của anh rồi.
Mía cháy, chiếc lều dựng tạm để trông vườn cũng cháy. Con Tre không biết còn sống hay đã chết cháy. Thạc lang thang trong vườn mía còn nham nhở vết tích, mùi mía cháy vẫn còn thơm buốt ruột. Tre ơi!
Thạc đi xuống cuối vườn nơi cách đây vài năm Thạc đã bắt gặp nó nằm thoi thóp trong bụi tre già, nó cũng già, một chân gãy gần đứt lìa, tiếng kêu yếu ớt. “Mày có vợ con gì không? Hay chắc cũng giống tao. Thôi, theo tao về nhà, tao chữa lành vết thương, khi nào khỏi thì đi tìm gia đình của mày nhé”. Vừa nâng chú vẹt già trên tay, Thạc lầm bầm như nói với chính mình vậy, không biết nó nghe có hiểu gì không mà nằm im thít trong lòng tay Thạc. Sau vài ngày đắp lá, cho ăn uống đầy đủ, vẹt già đã hồi phục sức khỏe. Thạc đem thả ở đâu nó cũng mò về, cả ngày thập thễnh quanh quẩn dưới chân Thạc. Nó đi lại không khác gì một tay thọt chân khó tính, suốt ngày cằn nhằn, thi thoảng nó ngứa mỏ mổ vào chân Thạc đau điếng. Cũng từ ngày về nhà Thạc, nó chưa một lần dùng tới đôi cánh, mặc dù bộ cánh của nó khá đẹp và sặc sỡ.
– Sao chú gọi nó là Tre?
– À! Tao tìm thấy nó trong bụi tre già cuối vườn thì gọi vui vậy thôi. Cái gì chẳng phải có tên. Đến cái bút viết còn có bút bi, bút mực, bút chì… nữa là.
– Kệ. Cháu cứ gọi nó là vẹt già!
– “Đoan ơi, Đoan ơi”- con Tre ngúng nguẩy chiếc đuôi sặc sỡ kêu lên
– Đấy! mày thấy chưa? Nó phản ứng đấy
Điều buồn cười nhất là những câu Thạc dạy nó không nói được câu nào, bộ nhớ của nó chỉ lưu được hai từ “Đoan ơi”. Khổ nỗi hai từ đó Thạc không hề dạy, chỉ là hằng ngày Thạc vẫn thường đứng bên này dậu mùng tơi, gọi qua nhà bà góa hàng xóm “Đoan ơi, đàn lợn kêu quá tôi vừa cho ăn rồi nhé. Đoan ơi! Thấy chum nước hết nên tôi vừa bơm hộ… Đoan ơi…” và câu trả lời mà Thạc nhận được vẫn chỉ là “Đừng tốt với tôi quá, tôi không có gì để trả cho Thạc đâu”. Ơ hay, cái con mụ, nói câu mấy chục năm không chán.
Thạc tìm Tre khắp ngõ ngách hàng rào bụi rậm trong vườn mà không thấy. Sao mày không dùng đôi cánh mà bay lên khỏi đám cháy, hay tại mày già quá không thể bay nổi nữa. Khổ thân mày, có lẽ đã chết cháy cùng đám mía rồi cũng nên. Thạc buồn như vừa mất đi người thân.
– Mẹ ơi! Chú Thạc như bị ốm hay sao ấy. Mẹ sang xem giúp con, con ra xã công chứng ít giấy tờ.
– Ốm gì ông ấy. Chắc đang nằm ngủ thôi.
– Mẹ cứ sang kiểm tra đi, bình thường giờ này chú ấy đã đi làm lâu rồi. Hay chú ấy buồn vì mía ra hoa? Hôm qua con ra vườn kiểm tra thấy mía nhà chú ấy nở hoa mẹ ạ
– Thôi chết! Mía nở hoa thật hả con!
– Không có điềm lành dữ gì đâu, mẹ yên tâm- Măng trấn an mẹ- Mía là cây hàng năm, thời gian sinh trưởng cho tới lúc thu hoạch là 12 tháng. Nếu để quá thời gian đó mà không thu hoạch thì nó sẽ ra hoa. Cũng giống như rau cải mẹ trồng đó, nếu không ăn hết để quá lứa nó sẽ nở hoa. Mía cũng vậy, trồng từ tháng 11 năm trước thì đến tháng 11,12 năm sau nên thu hoạch. Mẹ tính xem, giờ đã là tháng tư rồi.
Măng giục mẹ qua nhà chú Thạc, anh vừa nhận được quyết định tuyển dụng của sở nông nghiệp. Trước đây vì lo cho mẹ mà Măng đã nhiều lần từ chối nhưng giờ thì anh hiểu rồi. Phải để cho hai con người ương ngạnh, cứng đầu ấy có cơ hội gần nhau. Anh cũng có nhiều điều kiện hơn để giúp đỡ bà con nông dân về kỹ thuật nuôi trồng. Măng muốn tìm hướng đi mới cho cây mía. Xuất khẩu mía tím là điều anh nghĩ tới, không thể để cây mía tím mà bố anh cất công nhân giống gần ba chục năm nay chông chênh không tìm được đầu ra. Nông dân không tiêu thụ được, đứng trước nỗi lo hoa mía.
Thạc ốm thật, cơ thể nóng ran, khắp người đau nhức khó chịu. Thạc ốm vì nhiều lẽ, không chỉ vì vườn mía cháy, không chỉ vì con Tre mất tích mà còn vì chiều qua, Thạc phát hiện một vài luống mía ra hoa. Đã hơn chục năm kể từ ngày Tuấn mất, mía lại nở hoa. Mía cháy, mía nở hoa… ừ thì coi như năm nay Thạc mất mùa mía. Đau lắm, thương lắm nhưng sao bằng thương tiếc con Tre già. Hằng ngày nhìn bước đi bì bạch của nó, nghe nó càu nhàu gọi “Đoan ơi, Đoan ơi” Thạc thấy bớt cô đơn trống vắng, lúc nào cũng như có người bầu bạn tâm sự. Bố mẹ mấy năm trước đã bỏ Thạc về Tây phương cực lạc, giờ lại tới con Tre cũng bỏ Thạc mà đi.
– Thạc ơi!
– Thạc ơi!
Bà Đoan gọi mấy câu không thấy Thạc trả lời bèn đẩy cửa bước vào. Mặc dù đều đã ngoài bốn mươi, hai người vẫn gọi nhau bằng tên như ngày còn đi học.
– Đoan đấy à?
– Thạc ốm phải không?
– Tôi chỉ hơi mệt một chút
– Măng nó nhờ tôi đem cháo qua cho Thạc đây, dậy ăn đi cho nóng
– “Đừng tốt với tôi quá, tôi không có gì để trả cho Đoan đâu”
– Giời ạ. Ông trả đũa tôi đấy à?
Thạc gượng cười, trên khuôn mặt hiện rõ nét mệt mỏi.
– Người ta bảo “Yêu mà đòi hỏi được đáp lại là con người, yêu mà không đòi hỏi được đáp lại là thiên thần”
– Thiên thần nào mà xấu xí như Thạc chứ?
Đoan cũng cười, nụ cười tỏa nắng trên khuôn mặt hằn nhiều dấu tích thời gian. Nụ cười giam giữ một đời người, hẳn nhiên không còn rực rỡ trong tâm trí ai đó nhưng với Thạc chỉ nhìn thôi, lòng đã thấy xôn xao.
21/11/2021
Ngô Hòa Bình
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình đẹp mùa chôm chôm

Tình đẹp mùa chôm chôm Vẫn biết trả lời như thế này nó có vẻ thế nào nhưng cho dù thế nào cũng vẫn phải trả lời như thế này. Chắc các bạn ...