Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Nắng xuân trên cầu Yên Lệnh

Nắng xuân trên cầu Yên Lệnh

Con đê Đại Hoàng dẫn chúng tôi vào thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam vào một buổi chiều ấm áp nắng xuân. Mặt đường vốn đã chật chội, gồ ghề, nay lại bị cày xới bởi sức nặng của những chiếc xe tải đang ngày đêm chạy rầm rập, từng đoàn nối đuôi nhau chở nguyên vật liệu về xây cầu Yên Lệnh khiến cho đất đá trên mặt đê cứ run lên bần bật. Gió bốc từng vục cát tung lên mù mịt làm tối tăm mặt mũi những người đi lại, phủ lên những rặng tre ven đê một lớp bụi trắng xoá, ken dày trên cành lá. Có lẽ, chỉ những cây dại ven đường vốn cần mẫn bám đất để sống là còn nở được những bông hoa màu tím biếc, màu của sự thủy chung, của sức chịu đựng bền bỉ để vươn lên từ trong khó khăn, khắc nghiệt nhất với những khát vọng sống đẹp đẽ. Nếu như không có đại bản doanh của Ban điều hành dự án cầu Yên Lệnh đặt ở đây, có thể sẽ chẳng bao giờ tôi hình dung được về một vùng quê nghèo khổ và yên bình, một vùng quê sông nước bao đời cách trở đò giang đang cựa mình thức dậy với những tiềm năng giàu có của một làng nghề truyền thống.
Nhất cận thị, nhị cận giang. Ngay từ thuở khai thiên lập địa, con người đã biết chọn những nơi ven sông nước để dựng nhà dựng cửa, sinh sống và lập nghiệp vì ở đó vừa thuận tiện cho việc đi lại, vừa có đất đai màu mỡ do phù sa bồi đắp, vừa có nguồn nước dồi dào thuận lợi cho tưới tiêu, phát triển sản xuất nông nghiệp. Cũng từ đó mà làng Từ Đài được lập ra và phát triển ngày càng trù phú. Hầu như cả cái nhất, cái nhì ấy ở đây đều có cả. Trước mặt là dòng sông đỏ nặng phù sa muôn đời thao thiết chảy. Dòng phù sa đỏ hồng ấy đã làm trù phú thêm cho những bãi bồi để mùa màng thêm no ấm, đủ đầy và làm nên tên gọi: sông Hồng! Bên kia bờ là thị xã Hưng Yên đang phát triển từng ngày từng giờ, rất sầm uất và bề thế. Thời Phố Hiến hưng thịnh, các thuyền buôn từ Nam Định, từ Thái Bình lên, từ kinh thành Thăng Long xuôi theo dòng sông Hồng xuống, cập bờ tả bên Hưng Yên rồi lại qua bờ hữu bên đê Đại Hoàng, áp mạn làng Từ Đài mua bán, trao đổi hàng hoá, sản vật tấp nập, đông vui. Rồi kinh đô nhà Nguyễn chuyển vào Huế, Phố Hiến lụi tàn dần, người dân nơi đây lại âm thầm lặng lẽ với nghề truyền thống của mình để cầm cự sống. Hưng Yên bị lãng quên. Phủ Lý bị lãng quên. Mãi đến khi tách tỉnh, người ta mới giật mình nhận ra ở nơi đây vẫn còn một vùng đất giàu tiềm năng đến thế.
Con sông Hồng cũng như hồn vía của làng, gần gũi lắm, giàu đẹp lắm nhưng cũng lắm thăng trầm, chìm nổi giống như kiếp người sống ven sông. Chiều chiều, đứng bên hữu ngạn nhìn sang bên tả ngạn thấy gần, gần lắm. Gần đến nỗi có thể nghe được tiếng gọi gà khi chiều muộn, có thể gọi nhau, có thể nhìn thấy những sinh hoạt của mọi người dân, thậm chí còn có thể nói chuyện được với nhau. Vậy mà khi lũ về, nước dâng cao ngập cả bãi bồi khiến cho mọi người cảm thấy nhớ nhau trong sự cách xa vời vợi. Cái thời đập thủy điện Hoà Bình chưa xây dựng, hàng năm, cứ vào mùa lũ là nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về cuồn cuộn. Nước cuốn đi mọi thứ. Nước thè cái lưỡi dài ngoẵng, đen ngòm liếm lấy bãi đất ngoài đê nơi dân làng Từ Đài đang sinh sống rồi vươn lên liếm lấy mái nhà, liếm lấy ngọn cây rồi cứ thế nuốt chửng tất cả trong chớp mắt vào cái lòng sông đang sôi réo đỏ ngầu. Người dân nơi đây phải dắt tay nhau chạy lên đê tránh lũ. Họ dựng những chiếc cọc tre gầy guộc như những cánh tay khẳng khiu vì đói ăn lên, căng bạt, căng áo mưa làm thành những chiếc lều tạm bợ, thấp lè tè, lô xô trên con đê đang phải ra sức gồng mình lên ngăn dòng nước lũ hung hăng. Ngày ngày, họ lại đau đáu nhìn về làng, nơi thân thuộc bây giờ đã là mênh mông nước, đau đớn khóc thầm. Họ cầu mong cho cơn lũ qua nhanh. Nhưng mãi đến khi họ đói rạc đói rời, sự mong ngóng gần như đã vắt cạn kiệt sức lực của họ, nước mới chịu rút đi để lại một vùng hoang tàn, đổ nát, bám đầy bùn đất. Họ lặng lẽ trở về xúc bùn đất đổ đi, dựng lại nhà cửa và lam lũ làm ăn để mong bù lại những gì mà dòng sông đã cướp đi trong tay của họ. Họ cứ sống như thế hết đời nọ đến đời kia trong cảnh chạy lụt. Mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước, khi đập thủy điện Hoà Bình xây dựng xong và được tỉnh, được huyện quan tâm cho đắp một con đê bối bao quanh, làng mới thoát cảnh ngập lụt triền miên, mọi người mới được an cư lạc nghiệp.
Cư dân Từ Đài có nghề trồng dâu nuôi tăm, kéo kén nổi tiếng từ rất lâu đời. Tơ tằm ở đây sợi vàng óng, nuột nà, mềm mại như những sợi nắng cuối thu còn vương bên thềm nhà lúc chiều muộn. Cầm nén tơ trên tay, cảm giác êm dịu, mát rượi cứ như tan ra trong lòng bàn tay. Cái khéo của đôi tay người thợ kéo kén cùng với những sợi tơ vàng óng ả vừa là niềm tự hào, vừa là sự tiếc nuối của dân làng khi mà khó khăn chồng chất khó khăn. Đất đai đã ít, nay lại càng ít hơn làm cho nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo kén ở đây cũng lụi tàn theo. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn nhớ như in câu chuyện bán đất trả nợ của làng...
Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, từ khi làng Từ Đài còn là một vùng quê giàu có và trù phú, đất đai bạt ngàn nhìn hút tầm con mắt. Cuộc sống đang yên lành, êm ả thì bỗng một hôm có một viên quan đại thần cưỡi voi đi kinh lý dọc theo đê sông Hồng. Khi đi ngang qua ngôi đền Nhà Bà của làng Từ Đài, mặc dù đã nhìn thấy cây cột đá dựng trước cổng đền có khắc hai chữ "hạ mã" (xuống ngựa) rất to nhưng vốn hống hách cho rằng ta đây là quan đầu triều, không phải hạ mình trước một thần nhỏ ở địa phương, ông ta cứ chễm chệ ngồi trên lưng voi. Đã thế, ông còn để voi của mình phóng uế trước cửa đền. Về đến kinh thành, tự dưng con voi của quan lăn ra chết. Người vợ yêu quý của ông ta cũng bị một trận ốm thập tử nhất sinh, tóc rụng hết, trọc cả đầu, không dám ra ngoài nữa. Thấy vợ lo lắng, quan cho vời các vị danh y tài ba trong khắp thiên hạ về chữa trị nhưng tóc của vợ ông ta mãi cũng không chịu mọc ra. Buồn bã, chán nản, quan cho gọi thầy bói đến xem. Quẻ gieo xong, thầy bói biến sắc mặt, tâu rằng: Quan đang bị vị nữ thần của nàng Từ Đài quở phạt. Vốn tính hống hách, kiêu căng, quan đại thần đùng đùng nổi giận. Ông ta sai người chặt tre, pha nan, đan một con voi to đúng bằng con voi đã chết, khoét trên lưng một cái lỗ to như trôn bát. Rồi ông sai người kéo con voi về làng Từ Đài phạt vạ. Quan phán rằng: nếu người dân làng Từ Đài không bỏ tiền vào đầy bụng con voi tre thì sẽ bị tru di ba họ cả làng. Người dân khốn khổ đã quỳ mọp van xin nhưng quan vẫn không đổi ý. Mọi người lo lắng đến mất ăn mất ngủ trước cái hoạ lớn đang ập lên đầu. Không còn cách nào khác, cuối cùng thì họ đành phải bán hết của cải, ruộng đất cho các xã bên cạnh, chỉ để lại một vuông đất nhỏ đủ để dựng một căn nhà đơn sơ làm chốn dung thân. Từ đấy, cánh đồng của làng Từ Đài bị thu hẹp đến thảm hại, mỗi nhà chỉ còn một mảnh ruộng nhỏ toen hoẻn như một cái nong.
Sau đận mất đất, mất chỗ trồng dâu, cuộc sống của người dân làng Từ Đài rơi vào chỗ bế tắc, cùng cực. Họ cứ lầm lũi sống như những cái bóng ven sông Hồng.
Cách đây đúng một phần tư thế kỷ, sông Hồng đột nhiên giở chứng, thay đổi dòng chảy. Mạn Hưng Yên vốn là bên lở thì nay bỗng chốc trở thành bên bồi, còn phía làng Từ Đài trở thành bên lở. Ngọn nước đang từ tả ngạn sông trườn sang hữu ngạn, cứ nhằm đất làng Từ Đài thúc vào, kéo xuống. Đất lở từng mảng nghe cứ uồm uồm mà xót cả ruột. Cánh đồng còn lại của làng Từ Đài chạy từ chân làng ra phía ngoài sông, rộng đến hơn một cây số, bây giờ bị lở hết, sâu hoẳm, vách dựng đứng, cứ ăn dần ăn dần vào tận chân làng. Người dân Từ Đài đã khốn khó, bây giờ trở nên trắng tay. Nhiều người lần lượt bỏ làng, dắt díu nhau đi tha phương cầu thực. Những người sức yếu, không đi xa được thì đành ở lại, bám đất bám làng và mưu sinh bằng nghề cũ. Họ phải lặn lội sang tận Bảo Châu (Hưng Yên), tìm lên tận vùng Tiên Phong, Gia Lâm (Hà Nội) để mua kén về ươm tơ. Cuộc sống đã nghèo khó nay đường sá xa xôi, đò giang cách trở lại càng cơ cực trăm bề. Vì thế nghề ươm tơ ở đây cứ dần dần mai một theo thời gian...
... Ông Lê Trung Hợp ngừng kể, rót thêm trà vào chén cho tôi. Hơn sáu mươi tuổi đời, ông đã nếm trải đủ những cay đắng vui buồn. Mấy chục năm sống ở cái làng này, đau đáu về nghề truyền thống ở đây nên lúc nào ông cũng đầy tâm trạng. Nếu là nghề khác, có lẽ ông cũng đã được phong nghệ nhân lâu rồi. Cũng may, đến cuối đời, ông cũng đã nhìn thấy được sự khởi sắc của nghề. Sắc mặt ông chợt vui hẳn lên:
- Đấy, anh xem. Tiếng mô tơ, tiếng máy đạp chân quay cứ rào rào như tằm ăn rỗi, vui đáo để. Vào vụ sản xuất, từ tháng hai đến tháng mười một âm lịch hàng năm, ngày nào người dân ở đây cũng thức dậy từ lúc 5 giờ sáng để chọc lò, mắc kén vào máy. Làm lụng vất vả là thế nhưng mọi người vẫn cảm thấy thật hạnh phúc vì được làm đúng cái nghề của ông cha mình truyền lại. Như thế là đã làm sống lại được nghề truyền thống rồi anh ạ.
- Người dân ở đây chắc là sống được bằng nghề chứ?
- Sống được, sống tốt. Giàu có là đằng khác - Ông cười khà khà có vẻ rất vui - Này, mỗi vụ sản xuất, trừ mọi chi phí đi rồi, bình thường các gia đình cũng có thu nhập trên dưới mười triệu đồng cơ đấy. Nhiều gia đình sản xuất với quy mô lớn, thuê nhiều người làm, thu nhập còn cao hơn nhiều. Anh nhìn kia kìa! Khoảng mười năm trước thôi, nếu anh có qua đây thì sẽ thấy khắp cả làng chỉ là nhà tranh vách đất. Bây giờ thì mái ngói, mái bằng đủ cả, nhiều nhà cao tầng xây lớn và đẹp như ở thành phố. Đài, ti vi nhà nào cũng có. Điện thoại cũng nhiều mà xe máy thì phải có đến mấy chục chiếc, đi lại tấp nập như phố xá vậy. Trẻ con đứa nào cũng được học hành tử tế. Người đỗ đạt ngày càng nhiều.
Tôi ngạc nhiên:
- Tất cả đều do nghề ươm tơ mang lại sao? Làm thế nào để giàu có nhanh đến vậy?
Ông trầm ngâm hồi lâu như để ngẫm nghĩ rồi mới chậm rãi:
- Nói anh đừng cười chứ thực sự chúng tôi mới chỉ gặp được cơ hội, được sự may mắn độ gần chục năm nay thôi. Chứ trước đó, nhiều người phải bỏ làng đi khắp nơi kiếm sống. Chẳng thế mà người ta vẫn quen gọi làng này là làng "tứ đường", có nghĩa là lang bạt khắp các ngả đường đấy anh ạ.
Ông chợt dừng lại, có vẻ nghẹn ngào. Đã có một thời gian rất dài không ai biết đến cái làng Từ Đài có nghề ươm tơ, kéo kén từng vang bóng một thời này. Ngày đó, đến Hưng Yên, Phủ Lý cũng còn bị lãng quên, trở thành cái thị xã nhỏ bé và nghèo nàn. Chỗ ông ở bây giờ, ngoài làng ông còn có làng dệt lụa Nha Xá cũng rất nổi tiếng với những sản phẩm truyền thống. Tất cả đều như ở trên một hoang đảo. Đến con người nơi đây cũng phải bung ra ngoài mới sống được thì nói gì đến nghề truyền thống.
Như đọc được những suy nghĩ của tôi, ông Hợp tâm sự:
- Anh biết đấy, bây giờ sản xuất cái gì cũng phải biến nó thành hàng hoá thì mới tồn tại và phát triển được, nhất là đối với các sản phẩm của nghề truyền thống. Mẫu mã, chất lượng là một chuyện nhưng giá cả ngày càng có tính quyết định trong cạnh tranh. Giá cả hàng hoá lại phụ thuộc không nhỏ vào giá thành vận chuyển. Kể từ năm 1997, khi hai tỉnh Hà Nam và Hưng Yên mới được tái lập, chiếc phà Yên Lệnh được đưa vào khai thác thì cái nghề ươm tơ mới vực dậy được, kinh tế xã hội mới có sự chuyển biến rõ nét như thế này đấy. Bây giờ đi lại dễ dàng hơn nên ngày ngày những chiếc ô tô tải chở kén từ các vùng quê hai bên bờ sông Hồng về đây ươm tơ, lúc nào cũng nhộn nhịp vào, ra. Nhiều lắm anh ạ. Các sản phẩm từ tơ, sồi, con nhộng đều được thương lái về mua tận làng. Tơ ở đây cung cấp cho các làng nghề dệt lụa truyền thống rất nổi tiếng như Nha Xá (Duy Tiên - Hà Nam), Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Tây) là chủ yếu. Lụa dệt từ tơ tằm chất lượng cao của làng Từ Đài được bạn hàng các nước trong khu vực, thậm chí cả ở khu vực EU (Châu Âu) rất yêu thích, ưa chuộng. Vì vậy, chúng tôi làm không hết việc. Chỉ mong sao cầu Yên Lệnh sớm hoàn thành. Chắc chắn lúc đó, tơ tằm của chúng tôi sẽ có điều kiện để đi xa hơn, chúng tôi sẽ sản xuất với quy mô lớn hơn...
Tiếng phà chạy xình xịch từ phía bờ bên thị xã Hưng Yên chầm chậm tiến lại gần làm xôn xao cả một khúc sông quê. Mọi người đổ dồn ánh mắt chờ đợi vào con phà như trách móc, như cảm ơn rồi vội vàng lục tục rời khỏi những quán nước bên đường. Không ai bảo ai, tất cả kéo nhau tràn hết xuống mép nước chỗ con phà cập bến. Phà đâm ình vào bờ rất mạnh làm cho mọi người đứng trên phà giật bắn người, chúi về phía trước, chao đảo. Phải mất ít phút để công nhân ghì chặt phà vào bờ bằng những sợi dây cáp to thì người và xe mới chen chúc nhau lên bờ được. Phía dưới chưa lên hết, những kẻ trên bờ đã tràn ngay xuống. Tiếng xe máy rồ ga, tiếng gọi nhau í ới tạo thành một mớ âm thanh hỗn độn. Chộn rộn mất một lúc, mọi người mới yên vị trên phà. Mấy chiếc ô tô bị ngắt lại trên bờ, tài xế ngán ngẩm lắc đầu, vùng vằng mở cửa ca bin xuống quán ngồi uống nước. Phải mất hơn nửa tiếng nữa mới có chuyến phà sau.
- Anh đang nghĩ gì vây?
Nghe tiếng hỏi của anh Nguyễn Ngọc Lam, Thạc sĩ cầu đường, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Yên Lệnh, tôi chợt giật mình quay lại. Kể từ lúc được anh dẫn ra khu công trường ngổn ngang vật liệu xây dựng này, dường như tôi đã quên mất sự có mặt của anh. Tôi nói như chỉ để cho chính mình nghe:
- Đây đang là những chuyến phà cuối cùng rồi. Chẳng hiểu người dân ở đây bao năm nay đã quen với nó, bây giờ hàng ngày không còn những cảnh như thế này nữa, liệu có còn ai nuối tiếc không?
Anh không trả lời nhưng tôi biết trong anh cũng đang ngổn ngang tâm sự. Một cây cầu sắp hoàn thành cũng có nghĩa là anh cũng sắp phải xa nó để đến một vùng đất mới. Chẳng biết cây cầu có cảm nhận được tình yêu của anh và những người công nhân dành cho nó?
Cầu Yên Lệnh nối liền quốc lộ 38 của tỉnh Hà Nam với quốc lộ 39 khu vực chợ Gạo của thị xã Hưng Yên. Chỉ tính những cây cầu lớn thì đây là cây cầu thứ năm bắc qua sông Hồng, sau cầu Long Biên, Chương Dương, Thăng Long ở Hà Nội và Tân Đệ ở Nam Định. Cầu có chiều dài hơn 2200 mét (gấp hơn hai lần chiều dài cầu Tân Đệ), bề mặt rộng 15 mét, độ cao thông thuyền trên 13 mét, độ rộng thông thuyền là 600 mét với năm nhịp cầu chính. Cầu có 42 nhịp 41 trụ. Khi hoàn thành, cầu Yên Lệnh sẽ trở thành nhịp nối giữa tỉnh Hà Nam với vùng Đông Bắc của Tổ quốc, tạo nên một vùng tam giác kinh tế xã hội giữa một đỉnh là Hà Nam - Hưng Yên, đỉnh kia là Quảng Ninh, Hải Phòng với thủ đô Hà Nội. Đây sẽ là cơ hội lớn cho hai tỉnh Hà Nam và Hưng Yên thu hút các nguồn đầu tư để phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đây cũng là một tuyến giao thông chính, cùng với Quốc lộ 1A sẽ đảm nhận chức năng phân luồng giao thông cho khu vực Hà Nội đang quá tải trước sự phát triển quá nhanh của các phương tiện giao thông trong khi cơ sở hạ tầng lại thay đổi quá chậm. Với tầm vóc đó, việc thi công cầu Yên Lệnh vì vậy đã được giảm từ 33 tháng theo kế hoạch ban đầu xuống còn 23 tháng. Cho đến thời điểm này, các nhịp cầu cuối cùng đã được hợp long và vóc dáng của cây cầu đã hiện ra rất rõ rệt. Ngày 19 tháng 5 tới đây, đúng vào dịp kỷ niệm 114 năm ngày sinh của Bác, cầu Yên Lệnh sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Cầu Yên Lệnh có tổng số vốn đầu tư xây dựng là 338 tỷ đồng (trong đó số vốn dành riêng cho xây lắp cơ bản là 297 tỷ), chủ yếu là nguồn vốn BOT (vốn do nhà thầu ứng trước và được thu hồi sau cả gốc lẫn lãi bằng 18 năm thu phí cầu). Tỉnh Hà Nam tuy còn rất khó khăn về kinh tế và chưa cân đối được thu chi ngân sách nhưng cũng đóng góp vào đây 20 tỷ đồng. Hưng Yên góp 50 tỷ.
Cách đây mấy tháng, cuối tháng 10 năm 2003, tôi cũng được anh Lam dẫn đi thăm công trường làm cầu, nhưng ngày đó công việc còn bề bộn, cầu mới chỉ là những trụ cột đứng xếp hàng qua sông. Lúc đó, tôi chưa thể hình dung nổi diện mạo và vóc dáng của cây cầu mà theo anh là bề thế và hiện đại vào loại bậc nhất cả nước trong thời điểm hiện nay.
Phần cầu dẫn 33 nhịp được thi công bằng công nghệ đúc dầm Super-T (siêu hạng). Đây là công nghệ của Nga, được các chuyên gia mang sang nước ta, thực hiện đầu tiên ở cầu Mỹ Thuận. Các kỹ sư của chúng ta đã phải vừa học, vừa mầy mò nghiên cứu thêm và thử nghiệm, bây giờ mới mạnh dạn áp dụng ở đây một cách độc lập và rất tự tin.
Những ngày cuối cùng của năm 2003, tôi lại có dịp đến thăm đại bản doanh của Ban điều hành dự án cầu Yên Lệnh. Anh Lam lúc này đang bận túi bụi cùng công nhân thi công 9 nhịp phần cầu chính, trong đó có 4 nhịp cầu dẫn chia đều cho hai bên và 5 nhịp thông thuyền ở giữa. Máy đúc bê tông khá đồ sộ được treo trên cao, đúc chạy dần từ hai phía mố cầu lại cho đến lúc gặp nhau là xong được một nhịp. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy việc đúc bê tông ở tít trên cao mà không cần có giá đỡ ở phía dưới, cứ như đang được phù phép vậy. Anh Lam giải thích:
- Đó là công nghệ đúc hẫng cân bằng là công nghệ hiện đại nhất hiện nay mới được du nhập từ Đức về. Phần cầu chính khá phức tạp, lại thi công ở giữa sông trong khi các tàu thuyền vẫn đi lại bình thường nên phải áp dụng công nghệ này. Tuy nhiên, để cho cây cầu có thể chịu đựng được một lực rất lớn, chúng tôi phải đổ bê tông cốt thép dự ứng lực. Phần cốt thép là những bộ cáp dự ứng lực được nhập về từ Nhật. Những bó cáp này vừa được chôn bên trong bê tông và có 18 bó cáp chịu lực chính nằm bên dưới gầm cầu, trong phần đúc rỗng. Đây là cây cầu thứ ba của cả nước, sau cầu Sông Gianh và cầu Tân Đệ sử dụng loại cáp chịu lực này. Phía đế trụ ở bên dưới, rất tiếc là anh không được nhìn thấy khi thi công, chứ nếu không chắc chắn anh sẽ ngạc nhiên hơn, bởi đó cũng là một công nghệ mới, được nhập về từ thập kỷ 90: công nghệ cọc khoan nhồi. Với công nghệ này, trong điều kiện không có lũ, mực nước cạn và ổn định, việc đổ bê tông cốt thép phần truyền lực chính của mố cầu ở độ sâu 50 đến 60 mét dưới mực bùn ở đáy sông khá dễ dàng và nhanh chóng.
- Thi công một cây cầu với rất nhiều công nghệ hiện đại và phức tạp như vậy, các anh có gặp khó khăn gì nhiều về đội ngũ nhân công không?
Nghe tôi hỏi vậy, anh quay sang nhìn tôi với thái độ dò xét. Có lẽ, anh cho rằng tôi không tin tưởng lắm vào đội ngũ công nhân của anh.
- Công nhân của chúng tôi tất cả đều rất thành thạo và có kinh nghiệm, đã được rèn luyện, thử thách qua việc xây dựng những cây cầu trước đó - Anh ôn tồn giải thích - Hơn nữa trong hơn 700 người (có lúc cao điểm lên tới trên 1000 người) thường xuyên có mặt trên công trường thì có tới trên 50 kỹ sư và trên 50 chuyên gia. Vì vậy, nhìn chung thuận lợi. Cái khó khăn nhất có lẽ là thời gian. Để chạy đua với thời gian, từ ngày thi công đến nay, chúng tôi phải cho công nhân làm ba ca liên tục ngày đêm và theo dõi sát sao để đôn đốc công việc cho từng ngày. Phải như vậy mới có thể kịp hoàn thành công việc đúng kế hoạch được anh ạ.
Bây giờ thì công việc cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn phải lắp đặt lan can, hệ thống chiếu sáng hai bên và phía dưới gầm, hoàn thiện một số hạng mục nữa. Cây cầu đã vững chãi, hiên ngang vươn vai qua sông Hồng. Công nhân của anh cũng đã chuyển đi phần lớn. Họ cũng như anh, có lẽ rất ít khi trong cuộc đời của mình được nhìn lại, được đi qua, được cảm nhận về cây cầu và số phận của nó, cây cầu mà họ đã phải đổ bao công sức, bao mồ hôi để làm nên.
Tôi nhìn ra phía xa sông Hồng. Nắng xuân đã bắt đầu rạng rỡ trên đầu sóng. Nắng như tụ lại trên những chiếc mũ bảo hiểm bằng nhựa màu vàng của những anh công nhân đang tác nghiệp trên cầu, màu vàng kén óng ả tôi đã gặp ở làng Từ Đài.
Chỉ mai mốt, khi cây cầu hoàn thành, tơ vàng của làng Từ Đài lại theo các đoàn xe hối hả vượt cầu Yên Lệnh toả đi muôn nơi. Tôi vui lây niềm vui, niềm hân hoan của một vùng quê đang cùng cả nước kề vai sát cánh xây dựng kinh tế xã hội ngày càng đẹp giàu.
2/2004
Hoàng Trọng Muôn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Em thắp lại ánh ban mai trên phím dương cầm

Em thắp lại ánh ban mai trên phím dương cầm! Em chưa định dạng đám mây bay qua?// Từ phía cánh đồng hay thảo nguyên xanh biếc/ Nghe trên v...