Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

Người đi tìm bóng

Người đi tìm bóng

Tình cờ tôi quen với Tịnh An, khi ghé vào cái sạp ven đường mua vài tấm thiệp cho mùa Giáng Sinh năm ấy. Đối với tôi, tất cả những quen biết mới hay cũ, ngắn hay dài, đến rồi đi đều có duyên như sự sắp xếp cuả định mệnh, bởi vậy mà mối giao hảo giưã tôi và Tịnh An, bị đứt quãng bởi thời cuộc rồi nối lại sau bao nhiêu năm, vẫn mới mẻ như lần đầu gặp nhau muà Giáng Sinh năm hai đứa còn rất trẻ.
Hôm ấy là một ngày giữa tháng mười hai, tiết tháng chạp khoác chiếc áo màu mây xanh lơ lơ rất dịu dàng trên bầu trời phố thị, cơn gió bấc cuối năm làm hây hồng những đôi má, và ánh mắt thiếu nữ chừng long lanh hơn vì niềm vui cuả mùa Giáng Sinh tràn ngập trên các nẻo phố phường. Trên lề đường trước ngôi nhà thờ cổ kính, người ta bày đầy những cây thông giả với những trái châu xanh đỏ, đèn chớp tắt đủ màu xen lẫn với những tấm thiệp Giáng Sinh treo tòn teng dễ quyến rũ đám trẻ mới lớn bước vào tuổi mộng mơ.
Thuở còn đi học, tôi đã có thói quen sưu tập những tấm thiệp Giáng Sinh do bạn bè gửi tặng, nên có những buổi tối vưà ngồi nghe nhạc Giáng Sinh, vừa bày đầy các tấm thiệp trên bàn rồi một mình ngắm nghiá hằng giờ không chán. Năm nào siêng hơn, tôi còn đi mua loại giấy vẽ cứng cắt thành từng tấm thiệp, rồi dùng màu để vẽ, tự thực hiện những tấm thiệp xinh xinh để gửi tặng bạn bè, cũng tiết kiệm được chút tiền còm ít ỏi tuổi học trò.
Năm ấy bận rộn quá, tham gia Cây Giáng Sinh với ca đoàn nhà thờ nên tối nào cũng phải đi tập hát, những ca khúc Giáng Sinh cuốn hút tôi vào không khí rạo rực của đêm Noel đông như chảy hội, tiếng phong cầm đệm theo tiếng hát làm tâm hồn chơi vơi trong niềm vui của đêm Sinh Nhật. Vì vậy để đáp lại những tấm thiệp nhận được từ bạn bè, tôi rảo quanh những sạp hàng bán lẻ mọc bên lề đường tìm mua vài tấm thiệp thích hợp với túi tiền cuả tôi, rẻ hơn mua trong tiệm sách, rồi cũng nhờ thế mà gặp Tịnh An.
Tịnh An dễ thương như cái tên của cô, chiếc răng khểnh dễ thương bên khoé miệng lúc hé môi cười tuyệt xinh, hai đưá cùng chúi đầu vào chọn chung một loại thiệp giống nhau, rất đơn sơ chỉ một cây thông màu xanh biếc trên nền trắng có điểm những bông hoa tuyết. Chắc Tịnh An cũng trạc tuổi tôi, khuôn mặt trái soan có đôi mắt đen như hạt nhãn, nước da trắng hồng khiến nàng nổi bật trong chiếc áo dài trắng, khoác thêm một chiếc áo len đỏ làm ửng hồng đôi má.
Đứng ngây người trước một rừng thiệp Giáng Sinh, cả hai cùng bâng quơ trao đổi góp ý về màu sắc, cuối cùng Tịnh An chỉ mua có mỗi một tấm thiệp, trong khi tôi cầm một xấp mà vẫn cảm thấy chưa đủ.Thấy tôi nhìn, Tịnh An nhoẻn miệng cười rồi nói:
“Mình chỉ cần một tấm thôi, cho một người đi xa…”
Tôi gật đầu thông cảm, bụng thầm nghĩ thời buổi chiến tranh, những cô gái có người yêu là lính như Tịnh An mấy ai đã được gần nhau. Trao đổi thêm vài câu chuyện nữa xem ra đã có vẻ tâm đầu ý hợp, hai đưá trao nhau địa chỉ. Tuổi trẻ hồn nhiên và cởi mở, tôi đi về mang theo nụ cười dễ thương cuả Tịnh An, hẹn sẽ gặp nhau trong khuôn viên nhà thờ để khoe với Tịnh An, ban hợp ca trong đó có tôi sẽ trình diễn những bản Thánh ca rất đặc biệt trong đêm Chuá sinh ra đời.
°
Thời gian thấm thoát trôi đi, tình thân giữa tôi và Tịnh An ngày càng thắm thiết. Tôi tin rằng chẳng phải do ngẫu nhiên mà đến, chắc hai đưá có duyên với nhau từ kiếp trước, nên bỗng vưà gặp đã cảm thấy như tri âm, tri kỷ tự kiếp nào.
Tôi chỉ hiểu mù mờ về “người ấy” của Tịnh An qua câu chuyện trao đổi rất ít về tấm thiệp trước ngày Lễ Giáng Sinh. Mãi đến sau này ở cái tuổi không còn trẻ nữa, hai đưá mới lại tìm được nhau trên xứ người, nối lại sợi dây liên lạc đứt đoạn sau gần 30 năm. Đến bây giờ nghe Tịnh An tâm sự, tôi mới sực nhớ lại nét mặt buồn buồn cuả cô bé đang độ tuổi đôi mươi ngày ấy, khi nói với tôi về tấm thiệp duy nhất dành cho “chàng” nào đó trong muà Giáng Sinh.
Chiều muà Đông ảm đạm và buồn bã, gió đang gào ngoài sân làm uá gần hết mảnh vườn cuả tôi sau cơn mưa tuyết hiếm hoi đầu muà. Tôi nhận được cú điện thoại cuả Tịnh An, giọng nói vẫn mang thanh âm một nỗi buồn chất chưá, vì Tịnh An đang sống ở miền Bắc Mỹ, với những rừng thông chập chùng và những cơn mưa tuyết buốt giá lòng người, phong cảnh và khí hậu đã ảnh hưởng lên tâm hồn cuả con người một nỗi buồn da diết. Tiếng nói thân thương ngày nào vẫn thánh thót trên đường dây điện thoại, cho đến tuổi này mà cô bạn tôi vẫn giữ được giọng nói rất quyến rũ:
“Giáng Sinh sắp đến rồi Ngọc nhỉ? Tự nhiên mình nhớ đến muà Giáng Sinh năm xưa, hồi hai đưá mình mới quen nhau, Ngọc còn nhớ không?”
Trí nhớ tôi quay ngược lại rất nhanh buổi chiều muà Giáng Sinh năm đó, thời gian qua đi cả hơn ba mươi năm mà màu áo, tiếng cười, tiếng chuông ngân mùa Giáng Sinh, những tấm thiệp năm xưa như còn lung linh trước mắt:
“Nhớ chứ! nhớ nhất là những tấm thiệp muà Noel, vì đó là niềm vui nhất của mình trong một năm. Hình như mình vẫn giữ thói quen ấy cho đến bây giờ đấy Tịnh An à. Có nhiều người bảo mình thời buổi này mà còn chịu khó gửi những tấm thiệp chúc chiếc như vậy là lạc hậu lắm, nhưng đối với mình thì hình như đó là dịp duy nhất trong năm để nhớ lại tất cả những người mà mình đã quen, đã gặp. Duy trì được thói quen đó là một cách để nhớ đến nhau, để cảm ơn nhau chắc đâu có gì xấu để mà phải bỏ đi, phải không bạn?”
Tiếng nói buồn buồn cuả Tịnh An bên kia đầu dây nghe bùi ngùi hơn:
“Đồng ý với Ngọc, đó là một thói quen tốt nhưng ở thời đại “internet” như bây giờ, người ta thích cái gì tiện lợi hơn. Nhất là với mình, hễ nói đến những tấm thiệp Giáng Sinh là hình như mình mang nặng một cảm giác buồn buồn thế nào đó Ngọc ạ, vướng víu như mang một món nợ chưa trả xong. Ngọc có nhớ năm ấy mình chỉ mua duy nhất có một tấm thiệp thôi, để gửi cho một người, suốt đời lòng mình cứ khắc khoải hoài vì sự biến mất của nó mà mình tạm gọi là một mối tình tuyệt vọng …”
Tôi “à” lên một tiếng nhỏ, rồi hỏi lại Tịnh An:
“Mình nhớ ra rồi, có phải tấm thiệp mà hồi ấy Tịnh An nói với mình là tấm thiệp duy nhất cho một người ở xa phải không?”
Có tiếng cười kín đáo nho nhỏ bên kia đầu dây:
“Đúng đấy bạn hiền, mặc dù mình không hề muốn nhớ nhưng quái lạ rằng hễ cứ đến muà Giáng Sinh, khi nhìn thấy những tấm thiệp là lòng mình nó lại buồn quái quỷ gì đó. Thôi để mình kể ngay không bạn lại nóng ruột, thật tình thì ôm mãi trong tim nỗi buồn của hơn ba mươi năm cũng chẳng ích gì, thà rằng nói, nói cho xong một lần rồi thôi…”
Tôi cũng rất đồng ý với Tịnh An điều đó, nhất là tính thực tế giúp tôi đẩy nhanh nỗi buồn, gạt bỏ những cái vớ vẩn trong tâm trí càng nhanh càng tốt. Nghĩ thế nên tôi bảo bạn:
“Không biết quan niệm sống của bạn như thế nào, riêng tôi, những nỗi bất hạnh hay đau khổ trong cuộc đời mình đã trải qua, cứ xem nó như những đống rác cần phải đổ đi, giữ mãi làm gì cho nặng bụng…”
Tiếng cười khúc khích cuả Tịnh An như chế riễu:
“Nhưng lỡ đó là những kỷ niệm đẹp thì mình phải trân trọng nó, chứ sao lại đem vứt vào thùng rác?”
Hơi bí trước câu nói của Tịnh An, nhưng tôi vẫn cãi chày cãi cối:
“Ừ thì cho là đẹp, nhưng đã đẹp tại sao lại buồn, mà buồn thì giữ làm quái gì. Kỷ niệm như cái áo đẹp, đẹp thật đó nhưng nó cũ rích rồi, không thể nong vào cái thân bồ tượng hay gầy còm cuả hôm nay, thì thôi, xếp nó lại mà mặc cái áo mới.”
Tịnh An cũng đuà:
“Đúng thế! Nhưng ít ra cũng cho ta một lần truy điệu nó rồi hãy đem chôn vào huyệt lạnh. Thôi để mình kể, cái tấm thiệp Giáng Sinh đầu đời mà mình nhận được là của chàng, người mà ta phải gọi bằng “chú”, vì ngày xưa chú là bạn cùng đơn vị với ông cụ của mình. Tuy nhỏ hơn ông cụ khoảng chục tuổi, nhưng cũng là bạn cuả bố nên nề nếp con nhà không được phép gọi chú bằng “anh”
Tôi ngắt lời Tịnh An:
“ Thôi tớ hiểu rồi, thế có nghiã là mối tình đơn phương của cô cháu gái với chú Đạt đấy phải không? Hay còn một lý do gì khác?
Tịnh An rủ rỉ kểt tiếp:
“Chắc chắn là không đơn phương, vì tấm thiệp Giáng Sinh năm ấy gửi cho mình có tấm hình chân dung cô cháu gái, do chính tay chú vẽ rất đẹp. Nếu không nghĩ về ai làm sao có thể vẽ giống đến vậy được, nhưng khổ nỗi chắc chú ấy mặc cảm vì tuổi tác, và cũng vì ngại ông cụ nữa, nên cũng chỉ thế thôi và dừng lại. Riêng mình thì ngược lại, tình yêu đầu đời vẫn xôn xao trong trái tim cô bé mười tám tuổi. Có lẽ cảm thấy không thể đi xa hơn nên chú tự nhiên lại tình nguyện đổi ra đơn vị xa tít ngoài miền Trung, khiến ông cụ mình cũng phải ngạc nhiên. Mình buồn lắm khi hiểu mơ hồ về sự ra đi cuả chú. Khi chú đi rồi, mình cảm thấy đau khổ và hụt hẫng, một mình câm nín với nỗi buồn mà không thể nào nói được với ai …”
Trong máy như nghe được cả tiếng nói nghẹn ngào của Tịnh An. Bạn tôi thật đa cảm, có những nỗi buồn âm ỉ trong đời người tưởng như đống tro tàn đã nằm yên lặng với thời gian, bỗng có một lúc nào đó trong cuộc đời lại hiện về rõ mồn một:
“Mình cũng chẳng hiểu được tại sao và tại sao? Cho là tuổi tác chênh nhau mười mấy năm đi chăng nữa, cũng đâu phải là một trở ngại khi người ta yêu nhau, nhất là hai người đều cảm thấy được cái tình yêu ấy trong tâm hồn của nhau nữa. Trước khi đổi đi nơi khác, mình nhận được một cái hẹn mời đi ăn của chú ấy, có lẽ đó là lần cuối cùng gặp nhau, thú thật với Ngọc là mình chỉ muốn bỏ nhà đi theo chú ấy đến tận cùng trời cuối đất nào cũng được. Dĩ nhiên tuổi trẻ không dấu được nỗi buồn ấm ức, khi thấy mình tức tưởi khóc, chú chỉ khuyên mình ráng học, tương lai còn dài, cuộc đời chú vốn nhiều sóng gió, sự nghiệp thì như đống lửa rơm bùng lên rồi sẽ đến lúc tàn, còn mình lại là một nhuỵ hoa vưà hé nở, nên vì thế dù rất... thương mà vẫn không dám lôi kéo mình vào sự bấp bênh đó. Mình còn thơ ngây quá so với tuổi đời và cả cuộc đời cuả chú, sẽ có lúc nào đó …. Như vậy là sao? Bao nhiêu năm trong đời mình ấm ức hoài vì có vẻ như mình bị hắt hủi, bị loại bỏ ra khỏi cuộc đời tình ái cuả một người đàn ông, chẳng lẽ mình vô duyên đến thế sao?”
Ngắt lời Tịnh An, tôi nói:
“Chắc chắn là bạn không vô duyên rồi, vì không lẽ người ta bỏ thì giờ ra để vẽ chân dung cho một cô gái mà không có sự rung động của trái tim. Nhưng tớ rất cảm phục bản lĩnh cuả ông chú này, ông ta muốn trở thành bất tử trong trái tim cuả một người con gái mà ông ấy yêu, và cũng được yêu lại. Bây giờ tớ hỏi nhà ngươi nè, giả tỷ như hồi ấy hai người yêu nhau và lấy được nhau, ba mươi mấy năm sau với bao nhiêu thay đổi của thời gian chồng chất lên, liệu rằng khi mi khôn lớn lên, đầu óc non nớt của cô bé tuổi hai mươi sẽ trưởng thành và thay đổi theo dòng đời, mi có còn cảm thấy thực sự hạnh phúc bên ông chồng lớn hơn mình gần hai mươi tuổi?»
Tịnh An ậm ừ một chút rồi trả lời:
«Mình cũng không biết nữa, nhưng trong hồi tưởng thì cảm giác nhớ thương một muà Noel cũ còn y nguyên, hình bóng cũ vẫn chỉ là hình bóng cũ, bởi vì mình không còn cơ hội để gặp lại chú ấy lần nữa kể từ muà Giáng Sinh năm ấy. Nhất là ở tuổi hoàng hôn của cuộc đời thì cảm giác ấy nó lại càng rõ rệt, cứ mỗi muà Giáng Sinh lòng mình lại nao nao buồn và tự hỏi, không biết bây giờ người ấy ở đâu, lưu lạc phương nào, hạnh phúc hay đau khổ, còn sống hay đã chết? Vì bỗng dưng mà mất, mất đi không có cách gì tìm lại được. Nhà ngươi cho ta một lời khuyên đi... »
Tôi thú vị trả lời Tịnh An không một chút đắn đo:
« Thế thì tớ phải kể cho bồ nghe một câu chuyện. Có một người đàn ông kia yêu một người con gái hồi ông ta còn trẻ, bóng hình cuả cô này in sâu vào tâm khảm đến nỗi ông ta lúc nào cũng quanh quẩn đi tìm lại hình bóng người con gái mình thương yêu.Qua hình bóng cuả những người đàn bà khác mà ông ta gặp gỡ, ông ta luôn thất vọng, vì nó giống cái này lại vẫn chẳng giống cái kia, và vì thế mà ông ta luôn cảm thấy cô đơn. Cho đến một hôm có dịp trở lại nơi chốn xưa, cái nơi kỷ niệm mà ông ta đã gặp người con gái ấy, chỗ có một cái hồ rất đẹp với những bóng thông in bóng xuống mặt hồ. Ông ta vô tình nhìn xuống mặt nước và kinh hãi nhận ra rằng mình chỉ là một ông già râu tóc bạc phơ, không còn là mình của mấy chục năm về trước. Thế là ông tỉnh mộng, thôi đeo đuổi giấc mộng đi tìm lại người xưa nữa. »
Có tiếng cười khúc khích của Tịnh An bên kia đầu dây, trong khi tính hài hước cho tôi tưởng tượng thêm:
«Thường thì ngoại cảnh hay chi phối lên tâm hồn của con người, nhớ nhung sầu héo hay đau khổ cũng bởi cái tính hay «tức cảnh sinh tình» của loại người có chút lãng mạn trong huyết quản, ấy là ở đây tớ chỉ đề cập đến những người cùng một lưá tuổi với nhau mà đã như vậy. Chẳng hạn cứ cho rằng người xưa còn đó, bây giờ khi gõ cửa căn nhà xưa, bỗng dưng lại có một bà béo ục ra hỏi ông tìm ai vậy nữa thì hì hì... vỡ mộng là cái chắc. Riêng trường hợp cuả bồ với ông chú chênh nhau đến gần 20 tuổi, bồ nghĩ sao nếu bây giờ gặp lại một ông lão bảy chục cái xuân tàn? Thôi, ta cho nhà ngươi một phút đi soi gương, soi cho kỹ nhé, chừng nào tìm được cái bóng của mình năm xưa, thì hãy tiếp tục nhớ thương hình bóng của người trong mộng».
Nguyên Nhung
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kích thước tình yêu

Kích thước tình yêu Hôm nay trời đẹp lắm. Ở vùng núi non chớn chở Tây Bắc Hoa Kỳ mà có được một ngày không mưa thì kể như là trời đẹp, dù ...