Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Bâng khuâng mùa nhãn và Nghĩa Tâm xuân về

Bâng khuâng mùa nhãn
và Nghĩa Tâm xuân về

Nguyễn Thị Tâm sinh năm 1981 quê quán Kiến Xương, Thái Bình hiện ở Phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Chị tốt nghiệp đại học báo chí, đang làm Biên tập viên Tạp chí Văn Nghệ Yên Bái. Nguyễn Thị Tâm đã xuất bản tập ký Người con xứ núi (NXB Hội Nhà văn, 2019), được trao Giải C Giải thưởng VHNT tỉnh Yên Bái năm 2020,…
Bâng khuâng mùa nhãn
 
Những cơn mưa giông hối hả, sầm sập đổ xuống đã cuốn đi không khí ngột ngạt, oi nồng của thành phố, và nó cũng như muốn cuốn theo luôn những ngày cuối cùng của mùa hạ. Sau những cơn giông, bầu trời trở nên trong xanh, không gian nhẹ nhàng, mát dịu, ngỡ như mùa thu đã về đâu đây. Sớm mai thức dậy, sảng khoái vươn vai hít hà cho căng lồng ngực, đón nhận lấy chút hương vị tinh khôi của ban mai buổi giao mùa. Thoáng thấy trong hương vị thiên nhiên ấy hôm nay có cái gì rất lạ mà rất quen, thứ hương vị ngọt nồng như được khơi dậy từ sâu trong tiềm thức. Tôi vội vã kiếm tìm, hóa ra hương vị ấy đến từ những chùm nhãn mọng vàng của gánh hàng rong trên phố. Vậy là đã đến mùa nhãn chín. Chợt bâng khuâng nhớ về rặng nhãn của ông nơi xóm núi năm nào.
Ông tôi không sinh ra trên đất nhãn nổi tiếng Hưng Yên nhưng làng ông với Tiên Lữ, Phù Cừ của Hưng Yên lại Hưng Hưngcùng chung dòng sông Luộc hiền hòa. Có lẽ bởi vậy mà làng ông trồng rất nhiều nhãn và nhãn ở quê ông cũng ngon chẳng kém gì nhãn tổ Hưng Yên. Cả tuổi thơ ông gắn với rặng nhãn đầu làng. Lớn lên, hương nhãn lồng luôn vấn vít bởi chùm hoa nhãn ép khô trong ba lô cùng ông ra chiến trường. Ngày trở về, theo tiếng gọi của Đảng, ông đưa gia đình lên miền núi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Trong hành lý gọn nhẹ mang theo của ông có một túi hạt được lấy từ cây nhãn cổ thụ đầu làng. Và rồi, sau những tháng ngày gian khó làm quen với cuộc sống nơi quê hương mới, những hạt nhãn tròn bé xíu, đen nhánh ấy đã biến thành một rặng nhãn bao quanh khu đất của gia đình tôi.
Khi tôi sinh ra thì rặng nhãn đã là một hàng cây cổ thụ, cây nào cũng cao vút, xanh um. Ngày còn nhỏ, theo ông ra rặng nhãn bắc võng nằm hóng gió trong những buổi trưa hè, tôi thường được nghe ông kể chuyện. Ông kể về những kỷ niệm tuổi thơ cùng bạn bè chơi trò đánh trận giả, về những tháng ngày rong ruổi mót thóc khắp đồng làng, rồi không khí tưng bừng rộn rã của những ngày tháng ba hội đền Tiên La náo nhiệt nơi quê nhà… Trong những câu chuyện ông kể, hầu như câu chuyện nào cũng có sự hiện diện của những cây nhãn cổ thụ đầu làng. Những câu chuyện ấy cứ thấm dần trong tôi, khiến tôi cảm nhận được tình yêu của ông với cây nhãn, với quê hương, và tôi cũng hiểu rằng, rặng nhãn nơi ông cháu tôi vẫn nằm chính là những người bạn tâm giao, là những đứa con tinh thần giúp ông vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Để thỏa mãn trí tò mò, cũng là muốn lan tỏa tình yêu của mình cho các cháu nên mỗi khi chúng tôi có thắc mắc gì về cây nhãn, ông lại giải thích một cách tỉ mỉ, cặn kẽ cho chúng tôi nghe. Ông bảo, nhãn là loài cây chịu rét tốt, lại không kén đất trồng và không đòi người trồng phải bỏ công chăm sóc nhiều như những loại cây khác. Là loại cây ăn quả có tán rộng, nhãn đặc biệt không thay lá như cam hay bưởi, mà ngược lại còn đâm chồi, nảy lộc quanh năm. Một năm, cây nhãn ra từ 3 đến 5 đợt cành, trong đó cành ra vào mùa thu là những cành quan trọng nhất bởi chúng chính là những cành mẹ mang cành quả của mùa năm sau. Cây nhãn cũng như con người, đặc biệt chúng giống những người mẹ tảo tần, luôn nỗ lực hết mình vì con cái. Tháng tám, sau khi thu hoạch quả xong, chỉ độ 20 ngày là cây tiếp tục nẩy cành, trổ lá. Bởi là cành mẹ để mang những cành quả trĩu nặng, nên cành thu luôn là những mầm cành to dài, mập mạp nhất so với những mầm cành ra vào mùa xuân và mùa hạ. Vì những đứa con xoe tròn, mọng ngọt, nên dù vừa dồn hết sức mình nuôi lứa nhãn này trưởng thành, nhưng nhãn mẹ vẫn tranh thủ những cơn mưa đầu thu, dốc sức ra cành chuẩn bị cho lứa con tiếp theo. Trong năm, cây nhãn chỉ có một tháng duy nhất để nghỉ ngơi là tháng đầu tiên của năm. Nói là nghỉ ngơi nhưng thực chất, đây là thời gian cây ngừng sinh trưởng để phân hóa mầm hoa. Năm nào mùa đông bớt giá lạnh, mầm hoa phân hóa thuận lợi thì năm ấy cây sẽ rất sai hoa, nhưng cây có sai quả hay không lại phụ thuộc vào thời điểm ra hoa, trời có mưa nhiều hay không. Xóm núi nghèo quê tôi nằm gọn trong lòng thung nên mưa nhiều. Ông tôi bảo, nơi đây như cái rốn mưa, hễ mưa là mưa dai dẳng hàng tuần không dứt. Tháng hai, khi hoa bắt đầu nở cũng là lúc ông bắt đầu trông chừng thời tiết và dõi theo từng chuyển động của cây. Từ lúc hoa xuất hiện cho tới khi hoa tàn, nếu mưa nhiều hay không mưa thì hoa sẽ thối, những chùm hoa vàng nhạt chuyển thành thâm đen rồi rụng hẳn, còn nếu chỉ là những cơn mưa bay nhè nhẹ, chắc chắn năm đó quả sẽ đậu rất sai. Nhìn những chùm chi chít đốm tròn nhỏ trên nền xanh của nhãn, ông vừa mừng vừa lo. Mừng vì không chỉ các cháu của ông mà cả lũ trẻ trong xóm sẽ được thỏa thuê một mùa trái ngọt, vì năm nay sẽ không sợ thiếu đói bởi ca dao xưa có câu “Sai sim đại hạn/ Sai nhãn được mùa”. Lo bởi từ xa xưa dân gian đã chiêm nghiệm rằng “Được mùa nhãn, hạn nước lên”, nhãn mà sai quả thì sẽ khó tránh khỏi hạn mưa bão, lũ lụt, rồi những người nông dân các miền quê nghèo lại càng nghèo thêm.
Mùa nhãn sai hoa, những chùm bông vàng nhạt, dịu thơm lan tỏa khắp không gian xóm núi như mời gọi bầy ong về lấy mật, rồi cả lũ bọ xít cũng kéo về làm tổ, kiếm ăn. Có lần, tôi bị bọ xít đái trúng vào mắt. Nước đái bọ xít vừa hôi, vừa xót khiến tôi khóc mãi không thôi. Ông lại dỗ dành bằng cách bắt những con bọ xít làm “chiến xa” cho chị em tôi chơi. Những con bọ xít to khỏe bị ông cấu cụt hết chân, rồi lấy nhựa đường gắn chặt vào những thanh tre, nứa vót mỏng. Mỗi khi cho xe chạy, chỉ cần cầm thanh tre đập nhẹ xuống nền đất vài cái rồi thả tay ra, những chú bọ xít giật mình vỗ cánh bay, thế là chiếc “chiến xa” lao vút về phía trước. Lũ trẻ chúng tôi chỉ việc hò reo, cổ vũ cho “chiến xa” của mình lao nhanh về đích để trở thành người thắng cuộc.
Cuối tháng sáu, nhãn bắt đầu chín. Những quả nhãn vàng căng mọng thu hút sự chú ý của đám chim và dơi nên rặng nhãn của ông cứ tấp nập, nhộn nhịp suốt ngày đêm. Ông tôi bảo, ngày xưa ở quê các cụ thường đan rọ, đan lồng giữ nhãn khỏi lũ chim và dơi ăn hết. Ông tôi không đan được lồng nên ngày thì đuổi chim, đêm về, ông phải trở dậy dùng gậy nứa đánh dập để xua đuổi lũ dơi. Đợi cho nhãn chín đều, ông mới hạ lệnh thu hoạch. Ngày bẻ nhãn bao giờ cũng là ngày vui nhất của đám trẻ chúng tôi. Để thu hết nhãn trong ngày, bố tôi huy động cả các chú hàng xóm sang giúp. Chờ người lớn bẻ một lúc, lũ trẻ chúng tôi hò nhau chạy quanh gốc để nhặt những quả nhãn rụng và những chùm nhãn của người lớn sơ ý đánh rơi, để rồi đứa nào đứa nấy no nê bụng nhãn. Nhãn hái xuống, bà và mẹ buộc thành từng túm, đặt lên bàn thờ để ông thắp hương mời tổ tiên, rồi ông sai chị em tôi đem chia cho trẻ con trong xóm, còn lại để chúng tôi ăn rí rách cả tuần không hết. Năm nào nhãn được mùa, thu được nhiều quả, ăn không xuể, cả nhà tôi lại xúm vào bóc lấy cùi để ông đem sấy làm long nhãn, còn hạt nhãn cũng được bà tôi giữ lại một phần, phơi khô cất lại để dùng gội đầu hoặc nấu nước tắm, chữa bệnh chốc lở, ghẻ ngứa cho chị em tôi khi cần.
Từ ngày ông tôi mất do vết thương chiến tranh tái phát, rặng nhãn vẫn được bà và bố mẹ tôi chăm sóc nhưng chẳng hiểu sao không còn sai quả như trước nữa. Thậm chí những năm về sau, rặng nhãn gần như không còn đậu quả. Rồi đến một ngày, con đường trước nhà tôi được Nhà nước đầu tư mở rộng, khúc cua bao quanh nhà được nắn lại cho thẳng nên rặng nhãn buộc phải chặt bỏ. Chính quyền xã đến vận động bố tôi, họ bảo rặng nhãn già cỗi rồi, lâu nay cũng không cho quả, bỏ đi, tiếc gì… Bố tôi gật đầu đồng ý nhưng lặng lẽ chẳng nói gì. Tôi biết, bố không tiếc của, mà bố buồn vì tiếc những kỷ niệm của gia đìnhvới ông và với rặng nhãn. Chị em chúng tôi lớn lên, trưởng thành rồi mỗi đứa mỗi nơi. Nhiều lần về thăm nhà, nhìn hàng rào mới được xây bằng gạch bê tông bao quanh nhà, tôi thấy có gì đó hụt hẫng, thiếu vắng. Cuộc sống ồn ào, vội vã nơi phố thị mải miết cuốn tôi đi khiến tôi không còn cái cảm giác mong đợi mỗi mùa nhãn chín, nhưng những ký ức tuổi thơ bên rặng nhãn của ông thì mãi còn lại trong sâu thẳm trái tim tôi. Để rồi, mỗi mùa nhãn đến, nếm hương vị ngọt thơm của những trái nhãn chín vàng, căng mọng, tôi lại bâng khuâng nhớ đến ông với rặng nhãn năm nào.
Nghĩa Tâm xuân đã về
Dù không định trước nhưng xuân này tôi lại về thăm Văn Chấn. Với tôi, nơi đây vốn rất đỗi thân quen, vậy mà chỉ sau hai tháng trở lại, tôi thực sự ngỡ ngàng khi bắt gặp một Văn Chấn hoàn toàn mới lạ. Sự mới lạ ấy không chỉ được tạo nên bởi sắc xuân rạng rỡ đang tràn ngập khắp không gian mà còn bởi sự chuyển mình mạnh mẽ, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của một nông thôn miền núi. Qua hết đất Trấn Yên, chiếc xe chở đoàn công tác bỗng êm ru lướt nhanh trên con đường trải áp phan phẳng lỳ, nhẵn bóng. Chỉ một loáng, xe đã đưa chúng tôi qua thị tứ Mỵ. Những ngôi nhà hai bên đường trước kia tôi vốn thuộc nằm lòng, ấy vậy mà giờ được xây sửa khang trang, đẹp quá, lạ quá. Cảm giác háo hức, phấn chấn ngay từ phút đầu gặp gỡ ấy đã khiến tôi quyết định tách đoàn, mượn xe máy tự mình ngao du để thưởng lãm, cảm nhận sự ấm áp, tươi mới của mùa xuân nơi đây.
Từ thị tứ Mỵ, xã Tân Thịnh tôi tắt sang Trần Phú, qua Minh An rồi vào Nghĩa Tâm. Nếu là 5 năm về trước, có lẽ hành trình này của tôi khó mà thực hiện vì đường xá đi lại rất khó khăn. Song giờ thì khác rồi, những con đường bê tông như dải lụa mềm trải dọc ngang các ngả, trải tít lên cả đồi cam vàng rực, lúc lỉu quả của bà con dành để bán tết. Dọc đường đi, tôi bắt gặp rất nhiều ngôi biệt thự bề thế, khang trang nằm thấp thoáng giữa những đồi cam bạt ngàn. Chẳng trách người ta bảo, ở thị trấn Nông trường Trần Phú có làng tỷ phú. Qua Minh An, thay vì không gian tĩnh lặng, hoang sơ mà tôi từng biết là cảnh người mua, kẻ bán tấp nập, náo nhiệt như đang giữa phiên chính của một chợ đầu mối. Cả đoạn đường quốc lộ 32, gần ngã ba rẽ vào trung tâm xã Minh An đã trở thành chợ cam. Cam sành, cam sen, cam canh…, đủ các loại cam được xếp thành đống lớn trên bạt dứa ngay bên ven đường. Những chiếc xe tải chứa đầy thùng xốp, thùng gỗ của thương lái từ các nơi đổ về mua cam đậu kín một đoạn đường
Quá thích thú, mê mải với cảnh sắc, con người và sự thay da đổi thịt của cả một vùng hạ huyện khiến tôi không hay biết mình đã lọt vào đất Nghĩa Tâm tự khi nào. So với các xã xung quanh, Nghĩa Tâm vốn không có nhiều nổi bật, lại có xuất phát điểm khá thấp. Ấy thế mà sau 6 năm nỗ lực phấn đấu, Nghĩa Tâm là xã thứ 5 trong tổng số 31 xã, thị trấn của huyện Văn Chấn xuất sắc cán đích nông thôn mới. Ngắm nhìn hình hài, diện mạo hoàn toàn mới mẻ của Nghĩa Tâm, tôi không thể hình dung nổi người Nghĩa Tâm đã làm những gì, làm thế nào để có được cú lột xác ngoạn mục đến vậy.
Để tìm lời giải đáp cho những thắc mắc của mình, tôi đã tìm gặp Chủ tịch UBND xã Nguyễn Cao Cường và được anh chia sẻ: “Trở thành xã nông thôn mới với Nghĩa Tâm quả là một cú lột xác, một bước đột phá nhanh và mạnh. Thành quả ấy được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố, song có lẽ quan trọng hơn cả là bởi có ý Đảng hợp với lòng dân”. Ngay từ năm 2011, khi cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Tâm là một trong 5 xã được Văn Chấn đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành vào năm 2016. Thế nhưng, là một xã thuần nông có kinh tế chủ yếu từ nông nghiệp; trình độ dân trí không đều, tư duy phát triển kinh tế nhiều nơi còn lạc hậu; cơ sở hạ tầng vật chất thiếu thốn, nhu cầu nâng cấp, cải thiện hạ tầng đòi hỏi nhiều kinh phí trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn… tất cả khiến cho Nghĩa Tâm sau hơn 3 năm gần như vẫn dậm chân tại chỗ. Truy tìm căn nguyên, xét thấy đầu mối của sự chậm trễ xuất phát từ khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nên năm 2013, xã quyết tâm tìm cách tháo gỡ. Bắt đầu từ tuyến đường Nghĩa Tâm- Trung Sơn- trục đường chính chạy qua trung tâm xã và cũng là tuyến đường huyết mạch kết nối Nghĩa Tâm với các xã xung quanh. Tuyến đường này thuộc dự án của nhà nước mới thi công thì bị dừng và bỏ dở từ nhiều năm nay. Nhiều lần tìm cách đưa các dự án khác vào thi công nhưng không thực hiện được nên lần này, xã quyết định đưa các nguồn lực nhỏ và huy động sức dân để làm đường. Tuy chỉ là rải cấp phối và đổ bê tông một phần mặt đường nhưng việc đi lại, giao thương mua bán dễ dàng, thuận tiện hơn, kinh tế được kích cầu, đời sống nâng lên, bà con phấn khởi hăng hái vào cuộc và đua nhau chung sức làm đường, không còn tư tưởng trông chờ nhà nước đầu tư như trước nữa. Xã làm được thì thôn cũng làm được, thôn này làm đường bê tông thì thôn khác cũng đổ bê tông, việc làm đường trở thành phong trào rầm rộ. Nhiều con đường nhà nước chỉ phải hỗ trợ 20% kinh phí, còn lại đến 80% của nhân dân đóng góp. Có những thôn mỗi khẩu đóng 3 đến 4 trăm nghìn mỗi năm để làm đường. Năm nào cũng có thôn đăng ký làm đường, mỗi năm một ít, đến nay toàn xã đã có 30,6km trên tổng chiều dài 36km đường giao thông trong xã được bê tông, nhựa hóa và cấp phối.
Hệ thống giao thông được cải thiện, nâng cấp đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Người Nghĩa Tâm (với 65% là người Kinh, 30% dân tộc Tày, có nguồn gốc từ miền xuôi lên khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 70 của thế kỷ trước) vốn có truyền thống cần cù, chịu khó lại năng động trong phát triển kinh tế. Cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, địa hình, nay lại thêm thuận lợi trong giao thương tạo động lực giúp bà con tích cực hăng hái tập trung vào phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Người dân Nghĩa Tâm không chỉ mạnh dạn trong việc đưa các loại cây, con giống mới về sản xuất mà còn mạnh dạn đầu tư kinh doanh, đứng lên lập các doanh nghiệp tư nhân, phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Chẳng thế mà vào thời điểm cây chè phát triển mạnh nhất thì ngay ở xã có tới 12 doanh nghiệp chế biến chè quy mô vừa và nhỏ. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn, Nghĩa Tâm đã có thể được xếp vào tốp đầu của huyện về phát triển kinh tế tư nhân. Đến thời điểm này, với 8 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, 12 doanh nghiệp chế biến chè, 4 cơ sở sản xuất gạch không nung, 4 cơ sở chăn nuôi thỏ quy mô từ 3 đến 500 con, 29 ô tô và 100 hộ sản xuất kinh doanh… đó là chưa kể đến rất nhiều mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt và gà với quy mô hàng chục lợn nái, hàng nghìn gà thịt, hàng nghìn héc ta cây lâm nghiệp, cây ăn quả và chè… đời sống của nhân dân nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo từ 17,5% (năm 2011) giảm xuống còn 10,83% (năm 2017), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 26 triệu đồng/người/năm, 1877/2013 hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố, không còn nhà tạm và nhà dột nát…
Kinh tế phát triển chính là bước tiến quan trọng để Nghĩa Tâm có những bước đi mới, vững chắc, bứt phá nhanh về mọi mặt. Cuối năm 2014, đầu 2015, khi Nghĩa Tâm bắt đầu tiến hành các lộ trình tiến tới xây dựng nông thôn mới thì vừa hay xã lại là một trong số những xã vùng ngoài được đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy và huyện Văn Chấn chọn ghé thăm, làm việc và trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới. Vừa mừng, vừa lo; mừng vì được Đảng và nhà nước ưu tiên quan tâm, song lại lo vì nhiệm vụ được giao phó không biết liệu có hoàn thành. Ngay lập tức, Thường vụ Đảng ủy xã đã tiến hành họp và thống nhất, trước hết xã phải xác định chỉ các công trình trọng điểm mới xin đầu tư của nhà nước, còn lại những công trình, phần việc khác phải huy động sức dân. Với nội lực sẵn có, nay thêm ý Đảng và lòng dân thuận tình, đồng lòng ủng hộ cao nên Nghĩa Tâm như rồng thêm cánh. Nhắc lại thời điểm Nghĩa Tâm tập trung cao độ xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch xã Nguyễn Cao Cường như phấn chấn hơn hẳn, anh chia sẻ: “Phải khẳng định rằng bước đột phá lớn nhất của Nghĩa Tâm là được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng và thắng lợi lớn nhất là có được sự đồng lòng của nhân dân. Bà con sẵn sàng hiến đất để xây dựng nên các công trình lớn, nhỏ như trụ sở ủy ban, nhà văn hóa trung tâm, khu trường mầm non hay nhà văn hóa thôn đều nhanh chóng hoàn thành. Trong khoảng thời gian đó, Nghĩa Tâm như một đại công trường, nơi thì công trình xây trụ sở, nơi làm đường giao thông, chỗ lại xây nhà văn hóa… người người, nhà nhà, từ cán bộ đảng viên đến từng người dân, ai nấy đều chủ động xắn tay vào cuộc. Để phấn đấu xây dựng chuẩn về giáo dục, các thầy cô giáo không ngại lao động cật lực suốt 3 tháng hè không nghỉ. Để đạt chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa, khi nhà văn hóa đa năng của xã được xây dựng thì đồng thời nhân dân cũng tự đóng góp kinh phí, hiến đất và ngày công lao động để xây mới và nâng cấp 18/18 nhà văn hóa thôn. Đường giao thông, nhà văn hóa đã xây dựng, nâng cấp xong mà bà con vẫn tiếp tục phát động quyên góp thêm quỹ phát triển đường giao thông, mỗi năm 50 đến 100 nghìn đồng/hộ; quỹ “Chung tay xây dựng nông thôn mới” 100 nghìn mỗi hộ. Tiền quỹ này do các thôn tự đứng ra thu, giữ và sử dụng vào việc tu sửa các công trình phúc lợi như đường xá, làm cổng chào làng văn hóa, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa… Nếu quỹ không đủ chi, thôn chủ động đề xuất lên xã để được hỗ trợ thêm. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, Nghĩa Tâm mang một diện mạo hoàn toàn mới”.
Nghĩa Tâm đã về đích trong niềm vui mừng, hân hoan và tự hào của Đảng bộ và nhân dân toàn xã. Thành công ấy được làm nên bởi sự đồng lòng, chung sức của họ. Song để giữ vững và phát triển nông thôn một cách bền vững lại là điều khiến những người “cầm chèo” như Chủ tịch Nguyễn Cao Cường còn nhiều nỗi trăn trở. Chia sẻ với tôi về điều này, anh Cường bảo: “Anh em chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ trước mắt còn lớn lắm. Nếu quá dễ dàng bằng lòng, thỏa mãn với thành quả đã đạt thì dễ sẽ bị tụt lùi lại mất. Vì vậy, ngay trong cuộc họp Thường vụ chiều nay, tôi sẽ cùng các đồng chí lãnh đạo xã rà soát lại tất cả các tiêu chí, đặt ra mục tiêu, phương hướng và lập kế hoạch cụ thể để không những giữ vững mà còn phải phát triển hơn nữa các tiêu chí đã đạt. Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi lúc này chính là nâng cao thu nhập cho người dân. Dựa trên điều kiện hiện có, xã đã tiến hành quy hoạch khoanh vùng kinh tế theo tiềm năng phát triển của từng vùng. Người Nghĩa Tâm vốn rất nhanh nhạy và năng động. Họ dám nghĩ, dám làm nên việc tìm và đưa về những dự án, chương trình phát triển kinh tế mới luôn được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Song, người nông dân cũng vốn có tư duy chạy theo lợi nhuận trước mắt, sẵn sàng thay đổi theo thị trường. Đây không thể là kế phát triển lâu dài. Chính bởi vậy mà việc tìm nguồn tiêu thụ, chủ động đầu ra cho sản phẩm của nông dân trở thành mối lo lớn nhất của chúng tôi. Hiện nay, xã đang hướng bà con tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh với thị trường. Vấn đề trước mắt là làm thế nào giúp bà con thay đổi tập quán, thói quen canh tác, tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật tiên tiến…”.
Biết xã đang dở cuộc họp Thường vụ quan trọng cuối năm nên tôi tế nhị dừng cuộc trò chuyện với anh Cường bằng cách đề nghị anh để tôi đi dạo một vòng thăm xã. Theo chân chị Lan- Phó Chủ tịch HĐND xã, tôi vừa được thoải mái ngắm nhìn, vừa được nghe chị giới thiệu từng con đường, công trình mới của xã. Quả thực, Nghĩa Tâm thay đổi quá nhiều khiến tôi không thể hình dung nổi một Nghĩa Tâm mà tôi từng biết. Ngay cả khi qua chợ của xã, được chị Lan thuyết minh cặn kẽ tôi mới nhận ra. Mà nhắc đến chợ tôi mới nhớ, Nghĩa Tâm từ xa xưa đã được biết đến bởi có chợ Tho- nơi giao thương, mua bán của nhân dân các xã vùng ngoài như: Minh An, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Trần Phú. Là một chợ đầu mối nằm trong quy hoạch mạng lưới chợ nông thôn của tỉnh, chợ Tho được xây dựng trên diện tích hơn 10.000m2 ngay tại trung tâm xã. Trước kia dù đường xá đi lại khó khăn, chợ Tho vẫn thường tấp tập 2 phiên mỗi tuần. Nay đường liên thôn, liên xã được bê tông, đường trục chính của xã trải nhựa nhẵn nhụi, thênh thang thì chợ Tho đương nhiên càng thêm nhộn nhịp. Cảnh nhộn nhịp ấy không chỉ diễn ra vào 2 phiên chợ chính là thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần mà nó còn diễn ra hàng ngày bởi hệ thống các loại hình thương mại dịch vụ có mặt tràn ngập ở xã. Trên khắp các ngả đường nào nhà hàng, cửa hàng bách hóa, vật liệu, điện dân dụng, điện lạnh, mỹ phẩm… thôi thì cứ gọi là san sát chả kém gì ở phố.
Chị Lan đưa tôi đi thăm một vài mô hình sản xuất kinh tế tiêu biểu ở thôn Khe Tho, vòng qua trung tâm rồi lại về Nghĩa Hùng 12, Nghĩa Hùng 13. Ngoại trừ 3 thôn vùng cao còn chút khó khăn, còn lại hầu hết thôn nào cũng phát triển mạnh cả. Mỗi thôn một thế mạnh riêng, nơi thì chuyên chăn nuôi đại gia súc, nơi chuyên trồng cây ăn quả có múi, nơi lại chuyên chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, trồng cây lâm nghiệp… sự văn minh, trù phú, no ấm và bình yên đang hiện hữu trong mỗi ngôi nhà, ở từng thôn, xóm. Ngồi sau xe của chị Lan, nghe chị nói chuyện mà tôi thấy vui lây với chị, với người dân Nghĩa Tâm. Chị Lan bảo: “Bà con mình bây giờ nhiều người giàu lắm. Nhà thì trồng cam, nhà trồng chè. Nhiều nhà trồng cam mỗi vụ thu hoạch đến vài tấn. Có nhà nhiều chè đến nỗi hái bằng máy vài ngày cũng chả hết chè. Con em Nghĩa Tâm cầm quân đi làm ăn xa cũng nhiều. Giờ thế này vẫn là bình thường chứ vài hôm nữa họ kéo nhau về ăn tết thì nơi này còn đông vui, tấp nập hơn nhiều. Người đi làm ăn xa, người ở nhà, ai nấy đều phấn khởi mặt tươi như hoa. Mẹ đi trước, con đi sau, cả nhà đưa nhau ra chợ sắm tết vui như trẩy hội. Kinh tế khấm khá, ngày tết ra chợ mua bán người ta còn chả cần mặc cả ấy chị ạ!…”. Nói rồi chị Lan cười. Tiếng cười của chị giòn tan hòa vào trong nắng, hợp vào với âm thanh tươi vui của mùa xuân mới trên quê núi Nghĩa Tâm đang từng ngày đổi mới.
1/12/2021
Nguyễn Thị Tâm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm nhà lá

Xóm nhà lá "Xóm Nhà Lá" trong cái lớp học của tôi ngày xưa, không có nghĩa để phân biệt sự giàu nghèo như thế giới của người lớn...