Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Số kiếp… nàng ơi

Số kiếp… nàng ơi!

Tôi trọ một ngõ nhỏ, ngõ chạy ven mép nước hồ Tây. Kể trọ ở đây, hơi bất tiện… Việc đến trường, xa thêm vài cây, lại không tiện tuyến xe buyt.
Ngõ đẹp, đẹp như những câu chuyện xưa Tây hồ.
Chiều chiều, chàng sinh viên nghèo hoài cổ tôi, lãng đãng theo mép nước, lạo dạo nhìn ngắm hồ. Nhìn ngắm để mong tìm dấu vết Dâm Đàm xưa; tìm kiếm vết trâu vàng sót lại; ngóng nhìn cánh sâm cầm chao liệng hôm qua; lắng đợi tiếng chày giã dó Yên Thái thở nào.
Ngõ nhỏ nào nơi đây, nơi từng in dấu chân nữ sỹ họ Hồ, tìm kiếm tứ thơ nhỉ. Góc hồ nào đây, bến hồ nào đây, nơi thuyền rồng vua Lý ngự và ông trạng họ Nguyễn, hóa hổ dọa vua, cùng nghi án cả ngàn năm?
Tiếng chuông Trấn Vũ, thì vẫn còn đó… sớm chiều ngân nga vọng; tiếng gà Thọ Xương, nay thay bằng tiếng ô tô, xe máy, thoảng hoặc nghe tiếng gà nhà ai đó, gáy nhốt để đợi sáng sau, bị mang ra giết.
Gió đưa cành trúc la đà.
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương.
Ngõ loanh quanh ngõ nhỏ tôi trọ, còn rặng trúc phất phơ. Có lẽ duy nhất còn mình nó sót còn lại ven hồ. Thành phố đang ngày một xô bồ xây dựng, xô bồ lột xác, để ta thành lạ với chính ta.
"Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,"
Hà Nội ơi! Đông đô ơi! Thăng Long ơi! Ngàn năm, Người xưa cũ đang xa mất rồi!
Ngay trước ngõ, rẽ vào nhà tôi trọ là căn biệt thự, với nét kiến trúc Âu châu. Bên khung cảnh hồ, căn biệt thự rọi bóng lung linh, ánh kính lấp lánh, phản sang bóng hoàng hôn hắt xuống mặt hồ… thành ra huyền ảo đẹp!
Nhưng rất lâu, ít ra kể từ khi tôi tới trọ, căn biệt thự không bóng chủ nhân. Rồi nó cũng có chủ. Chiều ấy, đi học về, tôi thấy xe tải mấy chiếc áp sát trước cổng. Người người tíu tít khênh, hạ đồ đạc. Về nhà, được bà chủ trọ cho hay: Căn biệt thự chủ nhân mới dọn tới, vị Tổng Giám đốc một tổng công ty to, to lắm!
Thế là từ ấy, qua đây, tôi hay ghé mắt tò mò ngó trông. Có một bóng hồng, tôi phát hiện ra điều ấy. Nàng chạc, hoặc kém tôi một, đôi tuổi. Hình như nàng đang học đại học. Nàng có cậu em trai. Nàng… Mỗi ngày tôi phát hiện thêm ra, hay nghĩ ra thêm một điều, một chuyện.
Có hôm, thấy chị em nàng cùng ông bố trước sân, họ ồn ào chuyền bóng. Nhà nàng có khu sân, vườn khá rộng, có cả khoảnh vườn trồng hoa. Sáng chiều, đôi khí thấp thoáng bóng nàng tưới, ngắm hoa.
Đẹp, nàng đẹp. Ấy là lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng kỹ dung nhan nàng. Ma ri a lạy chúa tôi - đức mẹ giáng trần!
Hôm ấy, khi nàng cùng cha từ xe hơi bước xuống, đúng lúc xe máy tôi trục trặc, hỏng ngay trước cổng nhà nàng. Xe sửa xong rồi, tôi vẫn nấn ná giả sửa tiếp, để ngắm bóng hồng. Nàng tíu tít trò chuyện với cha nàng, rồi cậu em trong nhà chạy ra... một gia đình hòa thuận, yên ấm. Cậu em trai, chàng thư sinh trắng trẻo như nhân vật nam trong Liêu trai chí dị.
Bất chợt tôi so sánh, ngôi biệt thự và họ, cảnh vật cùng người, như trong Liêu trai ấy...
Lạ thế! Sao tôi so sánh vậy?
Trong lúc cha con họ đang tíu tít ngoài sân, có người đến bấm chuông. Hình như là thợ điện, hay nhân viên thu tiền nước. Nàng mở cổng, ân cần chào, mời khách vào nhà…
Ấn tượng “gặp” nàng ấy bám riết vào tôi, chàng sinh viên nghèo. Đôi lúc tôi cứ ước ao: giá mình được là em nàng, để chơi bóng với nàng; giá mình là cha nàng, để tíu tít nói chuyện cùng con gái; hoặc chỉ là nhân viên thu tiền nước, để được nàng mở cổng, đón vào nhà…..
Một năm sau khi nhà nàng dọn đến, tôi ra trường. Nghĩa là tôi được “chung sống” cùng nàng một năm. Thực ra, tôi chỉ “chung sống” trong mơ, trong ước tưởng; “chung sống” với nàng qua ngõ nhỏ; “chung sống” trong những cái nhìn vội vã, vụng nén; "chung sống" cùng cái tên - Hằng Phương, mà vô tình nhặt được.
Duy nhất một lần, đêm nghe nhạc, nàng dìu bước cùng bạn trai. Thoáng mắt tôi và nàng chạm nhau, nàng mỉm cười, chào tôi như một người quen xóm ngõ.
Thế là nàng biết tôi, chàng sinh viên nghèo, đi qua hay ngó trộm nhà nàng. Chỉ nụ cười quen ấy, đã khắc khoải trong tôi.
Ra trường, tôi xin việc ở một vùng đất xa xôi. Chợt mỗi khi ghé thăm thủ đô, hay nhớ những tháng năm đời sinh viên trọ học, lại thấy thấp thoáng bóng nàng, trộm yêu, thầm nhớ.
Đôi ba lần quay lại chốn cũ, tôi thăm lại bà chủ. Thăm cốt để ngắm căn biệt thự và tìm kiếm bóng nàng. Thông tin mơ hồ tôi cóp nhặt:
Lần đầu quay lại, buồn: Nàng đã lên xe hoa!
Lần sau, sững sờ: Cha nàng, vị tổng giám đốc vào tù, căn nhà bị tịch biên...
Hỏi tiếp, bà chủ lắc đầu, không rõ.
Số kiếp con người ta bể dâu!
10 năm rồi ấy nhỉ, kể từ khi ra trường?
Dịp ấy tôi có việc đến bãi biển Trà Cổ. Biển êm đềm, vắng khách và mênh mang đẹp. Lấy phòng khách sạn xong, tôi lạo dạo ra biển.
Bãi Trà Cổ cát mịn đen, chạy dài hàng chục cây số; dặng phi lao già vi vút, xa tít tắp….
Chiều muộn, hoàng hôn đỏ xuộm, biển một màu tím ngắt, mênh mông. Tôi chọn bàn ngay sát mép nước, gọi con ghẹ và vài lon bia. Trong lúc nhấp nháp, ngó nhìn biển. Xa một quãng tôi ngồi, có đôi nam nữ. Thoáng thấy dáng người phụ nữ...cảm thấy quen quen. Đôi tình nhân có vẻ tình cảm, âu yếm lắm, nhất là người đàn ông, thỉnh thoảng ôm ghì, hôn hít người tình. Họ là cặp tình nhân hạnh phúc? Vợ chồng ư? Không thể, vì âu yếm quá? Họ là gì của nhau?
Biển chiều thêm muộn... chập choạng hoàng hôn. Đôi tình nhân rời ghế, đứng lên. Tôi tiếp tục ngầm quan sát. Sao thấy bóng hồng càng như vẻ quen quen…?
Ai ấy nhỉ?
Câu hỏi cứ luẩn quẩn trong tôi.
Gọi thêm món và vài lon bia nữa, tôi ngồi nhậu tiếp, miên man nghĩ và ngắm biển đêm.
Biển rì rào sóng, gió. Tiếng sóng lăn tăn vỗ. Trên biển, lấp loáng ánh lân tinh sáng, thứ đớp, quẫy bóng của những chú cá kiếm ăn đêm. Gió biển hiu hắt lạnh. Tám giờ, tôi khật khưỡng quay về khách sạn.
Ngay trước phòng tiếp tân, tôi thoáng chạm mặt người phụ nữ ngoài bãi biển.
Ô kìa, người ấy... Thôi, chính là nàng.
Tôi sững nhìn!
Còn nàng, đang bước nhanh qua sảnh, không hề để ý tới tôi.
Nàng đi cùng ai? Nghỉ cùng ai? Người tình hay chồng nàng nhỉ? Vẻ cặp nhân tình thì đúng hơn, ấu yếm quá…!
Ý nghĩ trong tôi, muốn tìm hiểu nàng, tìm hiểu chuyến đi nghỉ của nàng ở bãi biển hoang sơ này.\
Bằng cách nào đây? Tôi loay hoay nghĩ. Chẳng lẽ hỏi tay tiếp tân, mà hỏi gì? Sỗ sàng rằng, cái người vừa đi qua ấy, ngủ phòng nào, đi với ai chăng?
Loanh quanh một lúc, tôi gọi lon bia để lấy cớ gợi chuyện. Chưa kịp bắt chuyện, tay tiếp tân đã chủ động:
- Ông anh … có vẻ buồn…
- Ờ… buồn
- Biển ở đây buồn, nhưng người… vui lắm. Ông anh…
- Sao?
- Ông anh... muốn vui vẻ chăng?
- Thằng em...?
- Chiều...kiếm… em út cho?
- Thế á? …. Không… Thằng em nhiệt tình vậy, giúp ông anh chút việc được chứ?
Nói đến đây, thì nàng lại đi qua. Dừng lời để nàng xa xa hẳn, tôi mới lên tiếng:
- Người ấy… vừa qua ấy,…?
- Con vừa đi qua á?... Bạch Nhạn… Chim trắng - hàng… hàng mới tuyển đấy.
- Hàng?
- Đúng,… đang là của xịn, đắt xô. Tàu nhanh, hai lít, tàu suốt… năm lít. Ông anh sài, thằng em…
Tôi không tin nổi tai mình. Em … sao thành ra gái thế này? Choáng váng buồn ….và thất vọng, tôi không uống hết lon bia, cũng không đáp lời gạ gẫm của cậu chàng tiếp tân, chếnh choáng bước lên phòng.
Nằm dài miên man nghĩ:
Bóng hồng một thời, nay thành gái ở bãi biển ngơ ngác buồn này sao?
Trằn trọc nghĩ, rồi ngồi dậy, tôi quyết định xuống quầy tiếp tân. Vừa thấy bóng tôi, cậu trai ban nãy đã đon đả:
- Anh trai! Dùng bia chứ?
- Không?
Nhìn bản mặt tôi, câu trai nháy mắt, cười:
- Ông anh… Ô kề! Đơn giản... thằng em thiết kế cho. Anh trai cứ lên phòng, sẽ có hàng điều lên ngay. Tàu suốt nhé.. he ha he!
Lên phòng đợi. Mười lăm phút nghe tiếng gõ cửa ngập ngừng:
- Mời vào!
Cửa mở, nàng ngập ngừng bước vào. Nhìn tôi, nàng mỉm cười, nụ cười mua bán, chai sạn. Chợt nụ cười ngưng lại, một thoáng ngỡ ngàng. Rất nhanh - cảm giác ngỡ ngàng thoáng qua, thay vào đó là vẻ mặt câng câng. Tiếng nàng lạnh lùng:
- Chào anh trai!
Nàng tiến về phía tôi, vứt đám bao cao su lên bàn:
- Yêu cầu, phải dùng bao. Tôi không đi khách trần.
Nói xong, rất chuyên nghiệp, nàng sà xuống, áp người sát tôi, bàn tay vồ vập giả dối, nó đặt vào những nơi không đáng đặt. Tôi nhẹ nhàng gỡ tay nàng, xoay mặt nàng hướng về phía tôi. Đôi mắt nàng nhắm lại...vẻ như chờ đợi thứ hôn hít mua bán. Im lặng cỡ mươi giây...
- Hằng Phương.
Nàng hơi sững và biết rằng, tôi đã nhận ra nàng:
- Anh… anh … hãy làm đi. Tôi phục vụ theo giờ. Bỏ giờ nào, mất giờ đó.
- Hằng Phương… tôi...
- Vậy … thì xin phép, tôi ra…
Tôi vội giữ tay nàng. Nàng lạnh lùng, khuôn mặt lạnh phớt, ngênh ngênh ngó đi nơi khác:
- Thôi được, không dùng, thì trả theo giờ!
- Sao… đến đận này em? … Anh... anh trở lại ngõ cũ…
Tôi nói về kỷ niệm xưa, về nỗi lòng chàng sinh viên nghèo…. Nói về....
Nàng ngồi đó, trơ lì nghe tôi nói, thứ trơ lì của kẻ tính đếm, mua bán... theo giờ. Tôi vẫn nói,.. nói tha thiết…
Nói khi Hằng Phương bất giác ôm mặt khóc, nàng khóc, khóc tức tưởi...
Trong câu chuyện nàng kể, những tháng ngày trôi dạt của đời nàng:
Lấy chồng, một tấm chồng cưới vợ vì địa vị của cha nàng. Vài năm, khi đã tranh thủ, giành giật được những gì muốn, tiền tài, địa vị, hắn xa lánh, bồ bịch... Rồi cha nàng ra tòa, mẹ nàng qụy xuống, vài tháng sau bà mất. Chồng nàng vội vã ly dị vợ. Trước đó, hắn còn kịp trút cho nàng đám HIV và một khoản.... trắng tay.
Số phận con người, trớ trêu thật!
Lau những giọt nước mắt cho nàng.
Đến tận lúc này, nàng mới ngước mắt nhìn tôi:
- Em … khổ! Số khổ. Đừng nhìn, đừng thương hại tôi nữa. Hãy là khách qua đường, như bao kẻ khác. Thế là an ủi, thế là sót thương tôi lắm rồi!
Chợt có tiếng gõ cửa. Cửa mở. Một thằng trai gầy như xác ve, mặt trắng xanh,… quần áo xộc xệch, ngênh ngênh bước vào phòng.
- Sao…? Chơi gái, mà không làm trò khỉ kia à? Lại tâm sự, sụt sùi kiểu cải lương?
Nàng trừng mắt, nhìn:
- Cút… mày xéo đi!
Gã trai cười khẩy:
- Được… thằng tôi xéo. Những tiền… tiền làm đĩ của bà chị thân yêu đâu? Vứt,... vứt cho thằng em hút hít đi!
Tôi định tống vào bản mặt thằng trai kia một tống, nhưng khi nghe nó nói, chợt nhận ra, ấy chính là thằng em trai của nàng ngày nào. Thăng Liêu trai chí dị, giờ thành thằng cô hồn nghiện ngập.
Ôi… phải làm một kiếp đĩ, nuôi thằng em nghiện.
Trọng Huân
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm nhà lá

Xóm nhà lá "Xóm Nhà Lá" trong cái lớp học của tôi ngày xưa, không có nghĩa để phân biệt sự giàu nghèo như thế giới của người lớn...