Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

Vị của một đời người

Vị của một đời người

Tôi lớn lên khi quan sát những người lao động bình dị ở xung quanh như cô Mẹt, để rồi nhận ra rằng trải qua những tháng năm với biết bao truân chuyên vất vả, họ vẫn luôn vô tư, nhẫn nại và tha thiết với cuộc đời này. Chẳng giàu có về vật chất nhưng họ lại dư dả biết bao nhiêu nghĩa tình để cho đi…
Mẹ tôi hay gọi cô là Mẹt. Buôn thúng bán mẹt, cái hình ảnh ấy có lẽ cứ tự nhiên như vậy mà gắn với người phụ nữ quá nửa đời người quẩn quanh bên những gánh hàng ăn.
Trong cái xóm bé tẹo dưới bóng những cây xoài xum xuê, nhà cô cách nhà tôi vỏn vẹn có hai căn. Cô là con gái của ông Cà Rem – gọi thế bởi vì thời còn trẻ ông thường đẩy chiếc xe bán những cây kem ngọt lành đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Dẫu là con gái thứ trong gia đình có sáu anh chị em nhưng từ bé cô đã quen dần với việc buôn bán để đỡ đần mẹ cha. Có lẽ chính điều ấy đã tạo nên một người phụ nữ với bản tính đảm đang, tháo vát, chẳng nề hà chuyện chi.
Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn chưa từng gặp ai nấu ăn khéo như cô Mẹt. Cái khiếu trời cho khiến những món ăn từ đôi bàn tay cô làm ra hấp dẫn đến lạ. Mỗi buổi sáng, cô là người dậy sớm nhất con ngõ nhỏ ấy để xuống chợ cá lựa về những con cá lăng, cá nhồng tươi roi rói mang đi lóc thịt. Những thớ thịt hồng hào, chắc nịch của chúng cứ thế nằm gọn trong chiếc cối gỗ cùng tiêu hạt, muối trắng để cô giã từng chày từng chày sao cho tất cả quyện vào với nhau thành một khối đặc quánh. Cô nắm lấy từng nắm, dàn đều ra thành miếng tròn để bỏ lên chảo dầu nóng vàng ươm trên bếp củi.
Đều đặn mỗi ngày, tôi lại được đánh thức bởi mùi thơm nức mũi tỏa ra từ trước sân nhà cô. Những miếng chả vàng ươm, nóng giòn mà mỗi khi tôi sang chơi cô lại dúi cho tôi ăn thử đong đầy biết bao hương vị tươi ngon của biển cả, trở thành hoài niệm để những lúc đi xa tôi chưa bao giờ ngừng nhung nhớ. Sau này, khi cô chuyển sang bán món ăn khác, mỗi lần ngang qua cái khoảng sân ấy tôi vẫn tưởng như đang ngửi thấy cái ngầy ngậy, beo béo của những miếng chả cá chiên thoang thoảng đâu đây.
Những năm về sau, cô hàng xóm của tôi không còn làm chả cá để bán nữa. Cái kì công trong khâu chế biến thủ công khiến chúng đội giá lên cao, và dường như cũng kén người mua hơn những hàng chả cá khác ở xung quanh. Cái bếp lửa ngày nào vẫn còn chiếc chảo gang óng ánh dầu chiên, giờ đây được thay bằng nồi nước dùng thơm phức mùi mì quảng – một món ăn nghe quen mà lạ. Lạ ở đây là bởi mãi tới khi lớn lên, tôi mới hay biết rằng loại mì quảng cô bán ấy chẳng giống với món mì nức danh ở xứ Quảng xa xôi. Không to bản cũng chẳng mềm mướt, cọng mì quảng của cô vàng óng, mảnh dẻ và dai dai. Tô mì quảng với cái nước dùng ngọt béo từ xương, dăm lát thịt heo mềm ngọt, vài ba quả trứng cút bùi bùi và những miếng chả lụa sần sật cô hay bỏ thêm vào cho riêng tôi, cũng như miếng chả cá chiên ngày nào, cứ luôn làm tôi nhung nhớ biết bao mỗi khi chạy xe trên đường và nhìn thấy tấm biển mì quảng ở một thành phố khác. Tôi không thể tìm được nơi đâu tô mì quảng hệt như nơi quê nhà ấy của mình, và hơn cả, là sự thương mến đong đầy trong những món ăn cô dành cho riêng những người hàng xóm làng giềng xung quanh.
Mùa nắng nối tiếp mùa mưa, tôi đã quen với tiếng loảng xoảng của chiếc xe đẩy đang ì ạch mang cả gánh hàng của cô trở về con ngõ nhỏ vào mỗi đêm. Mẹ tôi hỏi sao cô chẳng kiếm lấy một người đàn ông bên cạnh để đỡ đần, cô chỉ cười rồi xua tay. Hơn ai hết, cô hiểu lắm nỗi sợ về những cuộc hôn nhân nồng nặc mùi men rượu và lè nhè những tiếng chửi cả đêm lẫn ngày. Hai người anh lớn của cô lần lượt ra đi vì ma men dẫn lối, để những người phụ nữ còn lại trong gia đình cứ hoang hoải nỗi niềm vò võ một mình. Nỗi ám ảnh về những sự vỡ tan đầy nhọc nhằn ấy có lẽ lớn hơn rất nhiều nỗi buồn vì cảnh đơn chiếc, bởi vậy nên cô cứ lần lữa mãi rồi cũng tới lúc lỡ thì.
Đối với cô, những đứa cháu ruột được chính tay mình chăm bẵm từ tấm bé sẽ như con cái, sẽ mang theo cái khát khao về một thế hệ mới thôi quẩn quanh trong cái vòng tròn tù mù của nghèo khổ, rượu chè và bạo lực. Cô hàng xóm của tôi, có lẽ cũng giống như nhiều mảnh đời khác ngoài kia, cứ luôn tảo tần dành cả cuộc đời vất vả ngược xuôi để chăm lo cho gia đình mà bỏ quên cả hạnh phúc của bản thân như vậy đấy.
Tôi lớn lên khi quan sát những người lao động bình dị ở xung quanh như cô Mẹt, để rồi nhận ra rằng trải qua những tháng năm với biết bao truân chuyên vất vả, họ vẫn luôn vô tư, nhẫn nại và tha thiết với cuộc đời này. Chẳng giàu có về vật chất nhưng họ lại dư dả biết bao nhiêu nghĩa tình để cho đi. Có lẽ bởi vậy mà cái xóm nhỏ không chỉ là nơi sinh ra mà còn là nơi chất chứa bao nhiêu kỉ niệm ấy cứ rong ruổi ở trong kí ức của tôi mãi về sau dù có đi đến nơi đâu. Hình ảnh của cô Mẹt và hương vị những món ăn từ bàn tay khéo léo của cô là một phần của vẻ đẹp tuổi thơ tôi.
14/11/2021
Đặng Diệu Linh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình đẹp mùa chôm chôm

Tình đẹp mùa chôm chôm Vẫn biết trả lời như thế này nó có vẻ thế nào nhưng cho dù thế nào cũng vẫn phải trả lời như thế này. Chắc các bạn ...