Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

Phạm Thái, chứng nhân lịch sử và nguyên mẫu văn chương

Phạm Thái, chứng nhân lịch sử
và nguyên mẫu văn chương

Trên Phong hóa số 129 ra ngày 21.12.1934, văn sĩ Khái Hưng, bấy giờ vừa xấp xỉ tứ tuần, bắt đầu cho đăng “Tiêu Sơn tráng sĩ”, một tiểu thuyết dài kì bậc nhất trong sự nghiệp văn chương dằng dặc của ông, và đến ngày 24.4.1936, mới kết thúc, cũng trên tờ báo danh tiếng ấy, số 184…
“Tiêu Sơn tráng sĩ” mang đậm chất hồi cố, lùi về quá khứ hơn một trăm năm trước, thời Tây Sơn đánh bật nhà Lê, để bày biện một câu chuyện đậm màu lịch sử, liên quan đến danh sĩ Phạm Thái và nhiều thân danh khác từng bị cuốn theo cơn gió bụi thời đại.
1. Không phải ngẫu nhiên mà Khái Hưng chọn Phạm Thái làm nguyên mẫu. Phạm Thái (1777-1813) quê làng Yên Thị, nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội, con của võ tướng Trạch Trung hầu Phạm Đạt.
Tuổi đôi mươi, Phạm Thái nối chí cha chống lại Tây Sơn, kết giao với những người đồng chí hướng, khi bị truy nã thì cắt tóc, giả làm nhà sư vào tu ở chùa Tiêu Sơn (cổ tự nổi tiếng thuộc trấn Kinh Bắc xưa), đặt đạo hiệu là Phổ Chiếu thiền sư. Đi tu được mấy năm, ông được bạn là Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ, bấy giờ làm quan ở trấn Lạng Sơn, vời lên tính việc phù Lê. Nhưng, sự chưa đâu vào đâu thì Trương Đăng Thụ ốm chết, Phạm Thái hay tin, vội vã về quê bạn ở làng Thanh Nê, Kiến Xương (Thái Bình) để điếu tang, rồi được gia chủ mến tài lưu lại trong nhà.
Định mệnh run rủi, Phạm Thái gặp gỡ, xướng họa thơ văn rồi nảy lòng si tình Trương Quỳnh Như, em gái Trương Đăng Thụ. Cuộc tình không thuận, mẹ Quỳnh Như nhất quyết muốn gả nàng cho gia đình giàu có Trịnh Nhị, khiến nàng phẫn uất tự vẫn. Đại nghiệp chưa thành, tình duyên đau khổ, Phạm Thái chẳng màng thế sự, trổ hết tài hoa làm thơ và lang bạt, rồi ốm đau tử tận ở Thanh Hóa lúc mới 36 tuổi.
Dù quãng thời gian tại thế ngắn ngủi, dù vấp phải nhiều sóng gió có khi được hậu thế hình dung như những bi kịch nhưng cuộc đời, hành trang văn chương của Phạm Thái là một mẫu hình quá hấp dẫn và luôn gây ngạc nhiên cho đến hôm nay. Nay đây mai đó trong những khoảng cách địa lí xa xôi, khi lên Lạng Sơn, khi quay về Kinh Bắc, lúc xuống trấn Sơn Nam hạ, dấu chân chàng tuổi trẻ hiện hình những chông gai của lớp người mong muốn phục dựng nhà Lê, đồng thời, cũng thể hiện tư chất nghệ sĩ thích thú tiêu dao sơn thủy, muốn đo trời đất giang sơn bằng tráng chí bốn phương của mình.
Rượu, thơ, người đẹp, bôn tẩu giang hồ và từ bỏ trần gian nơi đất khách quê người, chừng ấy chất liệu tiểu sử trên nền thời cuộc đảo điên sơn hà, một thời cuộc chỉ chớp mắt là biến thiên dâu bể, hẳn đủ để Phạm Thái khía vào ngòi bút Khái Hưng những tưởng tượng và cảm hứng lớn, vừa chân thực vừa thêu dệt, trong tinh thần nhìn lại không những Phạm Thái mà còn cả thế hệ trí thức thời cuối Lê đầu Nguyễn. Lựa chọn và ứng xử của họ, quả thật, không giản đơn theo chủ ý cá nhân mà thường xuyên chịu tác động bởi thời cuộc biến thiên, bởi một phép thử quá mới mẻ và cực kì khó khăn mang tên Tây Sơn.
2. Do đó, trong cách xử lí và cũng là quan điểm của hậu thế Khái Hưng thì vấn đề của Phạm Thái có nguồn cơn là Tây Sơn. Khi Khái Hưng tìm về Phạm Thái và cuộc bạo động của đảng phái Tiêu Sơn, trước hay sau, ông cũng phải thể hiện thái độ đối kháng của những tôi trung nhà Lê trước triều Tây Sơn vừa dựng.
Xuyên suốt tiểu thuyết “Tiêu Sơn tráng sĩ”, Khái Hưng đã giữ nguyên giọng điệu, ngôn từ đầy phẫn hận của nhân vật khi nhắc đến Tây Sơn. Cách chêm xen bình phẩm về Tây Sơn của Khái Hưng, xét cho cùng, như một nối dài những phán xét của nhà Nguyễn về “ngụy triều” và so với thực tế nhận thức đầu thế XX, chúng chưa bị coi là trái chiều.
Không phải Khái Hưng hạ thấp, bài xích Tây Sơn mà bởi văn chương hoài Lê cất giấu nỗi niềm “nhớ nước đau lòng” khó bộc bạch hết. Không phải Khái Hưng xem thường những kẻ xu nịnh, cơ hội vuốt ve triều mới mà bởi lịch sử đã từng ghi lại tình trạng ba phe bảy mối trong lúc giang sơn vừa đổi chủ.
Như thế, với tư cách tiểu thuyết gia, Khái Hưng nhận thấy tâm thế hoài Lê, mối thâm thù Tây Sơn đã làm thế hệ trí thức cuối XVIII đầu XIX phải loay hoay, lúng túng, thậm chí, rất đau đớn trong sự lựa chọn dứt khoát của mình. Bất tuân, chống lại Tây Sơn đồng nghĩa với hành động “cứu quốc” nên Phạm Thái, đảng Tiêu Sơn và rất nhiều trai tài gái giỏi đã nhất tề đứng dậy, bỏ bút nghiên theo việc đao cung. Nhưng họ, dưới góc nhìn của Khái Hưng, cũng không khác các anh hùng thời Tam Quốc mưu phục nhà Hán, chỉ có lòng nghĩa hiệp, ý chí mà thiếu thủ lĩnh, nhân tài vật lực cần thiết. Tây Sơn đã là một thực tế, một tồn tại lớn, trái ngược hoàn toàn với những tâm hồn giàu cảm xúc nuối tiếc vương triều cũ.
“Vận mệnh nhà Lê ta đã hết”, lời trăng trối mà Khái Hưng gán cho Lê Chiêu Thống, là đáp trả chua xót cho giấc mộng phục hưng. Dĩ nhiên, đặt trong điều kiện bất khả thay đổi ấy, Phạm Thái đã có một chiến thắng lớn của quan điểm sống mà Khái Hưng rất tích cực mô tả: sống tận cùng với từng khoảnh khắc hiện tại, ở đây và ngay lúc này, còn cái chết hay được thua trên đời đều vô nghĩa. Đó là cảm thức sống đặc trưng của con người hiểu thấu lẽ thịnh suy, biến dịch. Tây Sơn thuộc về lịch sử, Phạm Thái thuộc về văn chương. Và, cả hai đều tồn tại trong thế soi chiếu vào nhau bất chấp nhiều định kiến và nhầm lẫn.
Phạm Thái độc đáo nhưng không hoàn toàn khác biệt với nhiều chứng nhân lịch sử cùng thời, từ Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Nguyễn Du, Nguyễn Đề cho đến Nguyễn Huy Lượng, Phan Huy Ích…, những người mà nhìn chung, đều có khá nhiều mâu thuẫn trong cung cách tạo dựng cuộc đời cá nhân. Chỉ có điều, Phạm Thái chết trẻ và Phạm Thái không tham chính chốn quan trường. Trải nghiệm sống của ông gần như thuộc về lớp trí thức ngoài lề, tuy tài năng và có tráng chí nhưng chưa kịp/không thể thi thố nơi triều đình.
Nhưng, Phạm Thái, nếu nhìn vào chữ nghĩa, tài hoa, cá tính của ông, có lẽ, luôn gây thiện cảm cho đời sau bởi ông đã chẳng giấu mình quá kĩ. Sự khéo léo để che đậy hoặc ít ra, để đóng vai diễn theo thời, với ông, gần như không có. Cho nên, ông chẳng tha thiết lắm với nhân gian, sẵn sàng nhẹ gánh “chết về tiên bụt cho xong kiếp”.
3. Phạm Thái trong mắt Khái Hưng cũng là kiểu nhân vật ẩn chứa mâu thuẫn. Trong khi hết mình, dốc sức vì anh em đồng chí của đảng Tiêu Sơn để mưu cầu việc lớn thì Phạm Thái cũng tự nhận mình yêu mến chốn cửa Phật và sẵn tâm chân tu cho đúng dáng vẻ thiền sư. Trong khi không từ nan bất cứ việc gì để phò tá vương triều Lê đã hưu tàn, cũng không ngần ngại ra tay hành xử như giặc cỏ với kẻ bất trung thì Phạm Thái cũng muốn thả lỏng tâm tư trước cảnh trí thiên nhiên, trước rượu ngon và vui thú thi văn. Phạm Thái trong vai tráng sĩ thì “chỉ biết một việc là hành động, hành động cho tới giờ cuối cùng”, khinh thường bậc ẩn sĩ ích kỉ, ham sống nhưng trong vai thi nhân tiếu ngạo giang hồ thì “không một ngọn núi đá nào ở hai bên vệ sông mà chàng không trèo, không một cái động nào mà chàng không vào xem”.
Có lẽ, Khái Hưng muốn nhân vật Phạm Thái hấp dẫn trong hình ảnh của kẻ làm chủ, kẻ tham dự, tạo lập cuộc chơi, số phận đa chiều của mình. Phàm đã là cuộc chơi, kết cục đúng sai, thành bại không quyết định mà các cảm giác, trải nghiệm thấm thía mới là đích đến quan trọng. Vẻ lấp lánh, huyền ảo của con người cá nhân phiêu lưu nơi Phạm Thái, rõ ràng, phù hợp và thỏa mãn ít nhiều với tâm thế của độc giả văn chương hiện đại hơn là trùng khít với độ chân xác lịch sử. Đúng hơn, Khái Hưng muốn tái dựng Phạm Thái theo chiều hướng “đa ngã” để bày tỏ thiện cảm, lòng yêu mến những thân danh lãng mạn, tài hoa lạc thời thay vì quở trách, thất vọng trước người ôm mộng lớn mà chung cục bất thành.
Rút cuộc thì Khái Hưng, cũng như độc giả bấy giờ, hoàn toàn thể tất cho một Phạm Thái bi quan, yếm thế trong quá khứ và ủng hộ một Phạm Thái hư cấu dám tuyên ngôn rằng “chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy một hồ rượu; chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy hai con mắt mĩ nhân”. Đúc kết, chiêm nghiệm thú vị này cho phép Khái Hưng chia sẻ với văn chương lãng mạn đương thời về mức độ bay bổng, về cái đẹp và giá trị của mỗi cuộc dấn thân, bất kể nó trọn vẹn hoàn hảo hay dở dang, khiếm khuyết. Hơn nữa, đặt trong bối cảnh xã hội và thế hệ của Khái Hưng, sau cơn địa chấn khởi nghĩa Yên Bái, Phạm Thái của “Tiêu Sơn tráng sĩ” hẳn có thể xem là bóng hình tráng chí “không thành công, thôi thì thành nhân” mà trai nước Nam bấy giờ chưa nguôi cảm phục, còn nhiệt huyết nhưng tổ chức lỏng lẻo của đảng Tiêu Sơn hẳn là một phóng chiếu đến những trí thức trẻ đi làm cách mạng, xem thường hiểm nguy, sẵn sàng tuẫn tiết vì Tổ quốc mà thế hệ Khái Hưng từng tỏ lòng cảm kích.
Chỉ riêng ái tình của Phạm Thái, câu chuyện mà giờ đây hoàn toàn có thể xây dựng thành một bộ phim lãng mạn và bi kịch giống nhiều phim Hàn, thì Khái Hưng, vốn xuất thân Hán học, tỏ ra không vừa ý. Theo ông, “ái tình sẽ chiếm lấy cả tâm hồn ta, không nhường cho việc lớn ta đang theo đuổi một chỗ cỏn con”. Răn dạy như thế thì Phạm Thái, nếu có sống dậy, chắc gì đã dám yêu đương hết mình!.
23/11/2021
Mai Anh Tuấn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tình đẹp mùa chôm chôm Vẫn biết trả lời như thế này nó có vẻ thế nào nhưng cho dù thế nào cũng vẫn phải trả lời như thế này. Chắc các ...