Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Sềnh bông phèng - Truyện ngắn Hoàng Thế Sinh

Sềnh bông phèng
Truyện ngắn Hoàng Thế Sinh

Gửi xe máy ở một quán ven đường, tôi tháo giày lội tắt dòng Nậm Be, thũng thẵng đi thẳng vào chân núi Bốc. Gần bảy năm tôi mới trở lại nơi này, phần vì bận công việc, phần vì ngại cái anh bạn đồng ngũ bây giờ dở nông dân, dở trí thức. Bởi gặp nhau lần nào anh ta cũng bông phèng đủ thứ chuyện, nhất là chuyện văn chương chữ nghĩa, mà mình thì ù ù cạc cạc, có đọc sách bao giờ, ngay như chuyện lấy vợ còn ngại chết đi được nữa là…
Men theo vườn cam, chùm quả chín lúc lỉu như chùm nắng, tôi ngó vào thấy anh bạn đầu xù như tổ quạ, vẫn mặc chiếc áo bộ đội bạc màu, ngồi trên cái ghế nhỏ, chiếc nạng gỗ đặt bên chân cụt, một tay cầm cần câu, tay kia nâng cuốn sách, chăm chú đọc. Tôi giậm chân, quát tướng:
– Giơ tay lên!
Anh bạn giật mình buông rơi cả cần câu, miệng ú ớ. Tôi bật cười ha ha, chạy vào vỗ vai Sềnh, bảo:
– Té ra thằng cha Sềnh cũng biết sợ cơ đấy!
– Đồ khỉ! Mình cứ tưởng… – Sềnh cười hề hề, tay vơ chiếc nạng chống nách đứng dậy, tay kia quàng vai tôi, giọng trách móc – Sao lâu quá các cậu chẳng đến chơi hay là đã quên mẹ nó cái thằng Sềnh nghèo khó này rồi. Mà này, lấy vợ chưa, đồ quỷ?
– U50 rồi, ngại lắm! – Tôi cười trừ, lảng chuyện – Lâu nay cũng mải làm ăn, chứ bạn lính mà quên nhau thì còn ra chó gì nữa, phải không Sềnh?
– Hừ, chẳng quên mà bao lần qua đây – Sềnh ẩy tôi ra, chỉ tay vào mặt, nói rõ to – Bao lần mình biết các cậu cưỡi xe qua đây, vào tận trong xó xỉnh kia xơi món cầy tơ bảy món, đúng không? Này nhé, cậu biết ông Abutalíp từng nói gì chứ?
Tôi giật thót, nghĩ: Chết cha rồi! Hắn lại giở chuyện văn chương chữ nghĩa gì đây, rách chuyện.
Sềnh è è một lúc như để gọi những điều đã ghi trong đầu rồi chầm chậm nói: Ai đi qua đường nếu chẳng đỗ nhà tôi/ Thì mưa đá sấm rền sẽ đổ vào anh, sấm rền mưa đá/ Nhưng nếu khách không vui vì lều tôi không rộng mở/ Thì mưa đá sấm rền sẽ đổ vào tôi, mưa đá sấm rền!
Hề hề, Sềnh cười đắc ý, bảo đấy là Lời ghi trên cửa, lời của Abutalíp mà Gamzatov ghi lại trong cuốn Đaghextan của tôi do ông sáng tác.
Tôi đã thấy sởn gai ốc vì khiếp cái trò bị tay Sềnh đẩy vào mê cung chữ nghĩa, sẽ dứt không ra, mà mình thì chúa ghét kẻ hay nói chữ, kẻ hay lấy văn chương vận vào chuyện đời, vớ vẩn. Thế nên tôi vội gỡ:
– Thôi thôi, tôi xin! Cho tôi thăm nom tí, chưa gì đã bu líp mới chả bu liếc. Vợ con đi đâu cả rồi? Trang trại cho thu nhập khá chứ?
Dường như không nghe tôi nói gì, Sềnh phảy tay, cao giọng:
– Mà cậu có biết người miền cao Đaghextan thường nói thế nào chứ?
Bỏ mẹ rồi! Tôi thầm kêu lên. Hắn lại bu líp bu liếc gì nữa đây. Tôi liền lảng ra bờ ao nhặt cần câu lên, đi vòng sang phía bờ bên kia, văng sợi cước ra xa. Sềnh chống nạng vừa lật ngật đi theo tôi vừa nói rõ to: Người miền cao thường nói để hiểu giá trị mỗi con người cần phải hỏi bảy điều: 1. Hỏi tai họa/ 2. Hỏi niềm vui/ 3. Hỏi phụ nữ. 4/ Hỏi gươm/ 5. Hỏi của cải/ 6. Hỏi bình rượu/ 7. Hỏi chính con người đó.
Cũng trong sách của Gamzatov đấy, thật tuyệt!
Tôi lặng thinh vờ như không nghe Sềnh nói gì, nhưng trong bụng thì khó chịu lắm. Tôi thầm trách cái lão Sềnh vô duyên, bạn bè lâu ngày gặp nhau chưa tâm sự được gì, cứ chuyện bông phèng đâu mãi bên Tây bên Tàu. Có lẽ cũng phải cho lão Sềnh một bài học để sửa tật xấu này đi. Thế là tôi bỏ cần câu, quay phắt lại, nhìn thẳng mặt Sềnh, nói một thôi một hồi, rằng lão là người hâm tỷ độ, đặc nông dân lại học đòi trí thức, thừa hơi mà nghĩ những chuyện người đời, quăng bố nó sách đi để thì giờ câu cá còn có cái mà cho vào mồm… Sềnh nghe xong mặt tái dại, người run lên vì giận. Cứ nghĩ thế nào Sềnh cũng nhổ vào mặt tôi. Nhưng không, Sềnh nhấc chiếc nạng đặt xuống đất, kéo tôi cùng ngồi. Mắt nhìn xa hút lên ngọn núi Bốc xanh mờ, rất lâu, rồi Sềnh nói chậm rãi như tãi ra từng chữ. Sềnh bảo tôi cứ như hoạn quan thì còn có nghĩa gì. Sềnh trách tôi vô tình vô nghĩa, chẳng chịu đọc sách, chẳng quan tâm đến mọi người, gặp ai cũng chỉ một câu “anh vẫn khỏe chứ” trong khi người ta đang đứng đối diện với mình bằng cái bắt tay thật chặt và ánh mắt thân thiết biết bao! Sềnh còn cao giọng nói rằng, cái cho vào mồm thì chỉ cần một thời gian nhất định là xong, còn cái cho vào trí óc và tâm hồn thì phải một đời, có khi cả ngàn đời cũng chưa chắc đắc nguyện. Vẫn biết, sống phải có cái cho vào mồm đã, thì đấy: núi sông, biển cả, ruộng đồng, hầm mỏ, rừng cây, ngô lúa, vân vân. Cứ cho là của cải vật chất, vàng bạc châu báu, đô la nhiều như nước chảy, sài tùy thích, nhưng anh vẫn chưa phải là con người đích thực. Bởi Con Người và lòng yêu Tự Do, Con Người và niềm Vinh Dự, Con Người và lòng Dũng Cảm – tất cả phải nhập hòa lại một. Người miền cao không thể nào hình dung nổi Chim Ưng lại hai mặt, hai lòng. Tượng trưng cho hai mặt hai lòng với người miền cao là giống Quạ. Con Người không chỉ đơn giản là tên gọi, đó còn là danh hiệu, một danh hiệu cao cả mà đạt đến đâu phải dễ dàng.
Sềnh cứ rủ rỉ nói, vẻ mặt thâm trầm đầy suy tư. Sềnh cũng không giấu giếm rằng, đấy cũng là những lời trong sách của Gamzatov ở tận đất nước Đaghextan xa xôi. Nhưng quả thật đó là những lời được vắt ra từ một khối óc và trái tim lớn – khối óc và trái tim Con Người với ý nghĩa cao đẹp nhất trong nhân loại. Sềnh bảo Sềnh cần hiểu và cố gắng đạt tới những điều đó cho mình và cho cả con cháu sau này nữa. Nếu không, cái đà cuộc sống theo cơ chế thị trường hiện nay, tất cả đều có thể, rất có thể chỉ định giá bằng tiền, vàng và đô la thôi. Sềnh thí dụ bằng chính chuyện nhà mình năm xưa. Vợ Sềnh – cô Ngần nết na, xinh đẹp – đi buôn cam chung với tay Đước ở ngoài thành phố. Chuyến nào về, mặt Ngần cũng tươi như hoa cúc quỳ, dẻo tay xòe cả tệp tiền một trăm ngàn đồng mới khựng với một hai đồng đô la xanh biếc trước mặt Sềnh, dài giọng: “Anh ơi! Đây mới đích thực là tình yêu cuộc đời!”. Sềnh tròn mắt, chỉ ngón tay vào ngực mình, hỏi: “Thế còn anh?”. Ngần hứ một tiếng, nguýt chồng rõ dài, rồi bảo: “Anh cũ bỏ cha!”. Linh cảm những điều không tốt lành sau những chuyến đi buôn cam dài dài của vợ với tay Đước và cả những đồng tiền ma quỷ kia nữa, nên nhân một cuộc rượu tại nhà, Sềnh đã ý tứ dẫn chuyện văn chương, đọc cả một đoạn thơ trong sách của Gamzatov nói về một anh chàng lừa đảo, bạc tình, dụ dỗ vợ của một người bạn hiền lành cho cả hai người cùng nghe. Ai ngờ sau bữa rượu đêm ấy, Ngần theo thằng cha Đước Sở Khanh, đi biệt. Vậy là Ngần đã đi theo tiếng gọi “tình yêu cuộc đời” – tiền bạc, đô la – như cô ấy từng ham muốn. Nghĩa là Ngần đã không thể cưỡng lại được sức cuốn hút như cơn lốc của cơ chế thị trường, bỏ lại cái Nụ cái Hoa cho Sềnh. Buồn quá thể! Sềnh cố khỏa lấp nỗi đau buồn ấy bằng công việc lao động, chăm sóc hai con gái và thú vui đọc sách, câu cá.
Rồi một hôm bất ngờ Sềnh gặp Ngần ở bến cảng Hương Lý với dáng vẻ nhếch nhác, gầy còm, đầu tóc xơ xác, da dẻ xanh xao và đôi mắt quầng thâm. Sềnh tập tễnh đến bên Ngần, giọng xót xa: “Người ấy bỏ Ngần rồi, phải không?”. Ngần ngoảnh nhìn Sềnh, đôi mắt ngơ ngác, im lặng một lúc, khẽ lắc đầu. Sềnh đặt chiếc nạng xuống đất, bảo Ngần cùng ngồi. Sềnh kéo cái ống quần cụt lên cho gọn, ngồi dịch lại gần Ngần, khẽ khàng bảo: “Thôi, bỏ qua chuyện cũ đi! Ngần về với tôi, về với con Nụ con Hoa, về làng mình đi!”. Ngần lắc đầu, nước mắt lưng tròng, miệng lí nhí: “Không, em không còn gì nữa mà về!”. Sềnh nắm bàn tay gầy guộc của Ngần, giọng tha thiết: “Không phải thế! Ngần vẫn còn con Nụ con Hoa, còn tôi, còn tình yêu nữa chứ!”. Sềnh còn kể cho Ngần nghe bao chuyện ở nhà. Chuyện con Nụ con Hoa nhớ mẹ thỉnh thoảng lại ôm nhau khóc thút thít. Có hôm hai đứa đùn đẩy nhau nấu cơm để nồi cơm khê khét. Chuyện đàn gà con xuống ổ không có tấm cho ăn, mấy con chết còng queo. Buồn cười nhất là chuyện con Nụ con Hoa tranh nhau vá cái áo cũ rách của mẹ Ngần. Chẳng đứa nào chịu đứa nào nên hai đứa thoả thuận mỗi đứa khâu một nửa, sau cùng được miếng vá vai rúm ró, đường chỉ ngoằn ngoèo. Đêm hai đứa lại thoả thuận nằm ôm nhau đắp chung cái áo rách của mẹ, trông thật thương và tội nghiệp. Sềnh cứ mải kể những chuyện như thế, lúc ngoảnh sang thì không thấy Ngần đâu nữa, bến cảng cũng vắng khách, ca nô đi tự lúc nào. Sềnh buồn bã nhấc nạng đứng lên, tập tễnh đi ra bến cảng, nhìn hút theo những con sóng dạt vào chân đảo xa tít…
Sềnh khẽ thở dài, dựa chiếc nạng vào gốc cam, ngồi bệt xuống bờ ao, tự dứt khỏi kỷ niệm buồn, lẩm nhẩm như nói với chính mình:
– Cuộc đời thật không như mình tưởng! Cô Ngần nhà mình nết na, dịu hiền thế, ai ngờ?
– Thì tôi đã nói rồi! – Tôi nhìn Sềnh với ánh mắt vừa giận vừa thương hại, giọng chì chiết – Suốt ngày ông chỉ câu cá, đọc sách. Mà sách vở chỉ làm cho người ta mơ tưởng hão huyền. Giữa cuộc đời và sách vở nó cách xa nhau lắm. Biết người ta xinh đẹp mà chẳng mặn mà vuốt ve âu yếm, chẳng chịu làm duyên làm giàu cho vợ, lại còn mang thơ ra đọc, nó chả bỏ đi cho bõ ghét! Nhưng dù sao tôi vẫn tin cô ấy sẽ trở về, nếu ông thật lòng yêu và rộng lòng tha thứ cho cô ấy.
Chẳng hiểu câu nói của tôi có sức lay động hay thức tỉnh đối với nhận thức, tình cảm của Sềnh thế nào mà Sềnh cứ gục đầu mãi xuống, mớ tóc muối tiêu bù xù rũ ra như ổ rơm gà bới, nom đến tội. Ở cái tuổi ngoài năm mươi như tôi và Sềnh đâu còn có thể đùa giỡn được với tình yêu. Nhưng khổ nỗi, cô Ngần lại còn quá trẻ, kém Sềnh những hơn hai chục tuổi. Trong cô ấy niềm khao khát yêu đương lãng mạn giống như hòn than nóng bỏng, chỉ chờ có cơ hội là nó bùng cháy, bất chấp tất cả. Tôi có ý trách móc nhưng thực tình rất thông cảm với hoàn cảnh của Sềnh, một người bạn đồng ngũ vốn hiếu thảo, ham học và rất cả tin. Ngày còn ở trại điều dưỡng Sư 312, Sềnh đã tự ôn thi đỗ vào Khoa văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng vì thương mẹ già, các em còn nhỏ, Sềnh quyết định bỏ học, phục viên về quê, lấy vợ, chăm lo mẹ già và ra sức làm trang trại. Sống nơi quê núi nghèo nàn, nhưng Sềnh vẫn ham đọc sách. Mỗi lần vợ hay có người hàng xóm đi chợ thành phố, Sềnh đều gửi tiền nhờ mua những cuốn sách mà Sềnh yêu thích. Cho nên trên cái hòm gian đựng thóc ở góc nhà ngổn ngang những sách là sách, toàn sách văn học đủ cả đông – tây – kim – cổ. Như thế, tôi mới hiểu rằng, những lời hay ý đẹp trong sách vở đã ngấm rất sâu vào con người Sềnh giống như muôn ngàn mạch nước ngầm ngấm trong lòng đất vậy. Cho nên, tôi lại gỡ giúp Sềnh bằng một lời của người xưa đẩy cho số phận:
– Ông Sềnh này, buồn làm chi, biết đâu lại chẳng giống cái chuyện “Tái ông mất ngựa” ấy. Cứ chờ xem, thế nào cô ấy cũng trở về thôi. Thằng cha Sở Khanh kia, nó chỉ thèm phở chốc lát, chán lại quay về ăn cơm ngay ấy mà.
– Ờ, cũng có thể? – Sềnh ngẩng nhìn tôi với ánh mắt của kẻ cầu cứu, miệng lắp bắp – Thế thế, à, hay là cậu đi tìm Ngần giúp tôi, được không?
– Tôi tìm? – Tôi định từ chối vì ngại chuyện riêng nhà người ta nhưng nhìn ánh mắt đau khổ của Sềnh, tôi lại đổi ý – Nhưng biết cô ta đang ở đâu? Vả lại, tôi làm sao có thể thuyết phục cô ấy hoặc đấm thẳng vào mặt thằng cha Sở Khanh kia mấy quả, với tư cách gì? Chuyện buồn như thế mà ông vẫn cứ bông phèng, thật khó chịu.
Im lặng một lúc lâu. Đột nhiên Sềnh với chiếc nạng, đứng bật dậy, đi thẳng về nhà. Tôi không biết rằng Sềnh sẽ có phản ứng gì đây, nên mặc kệ, tôi văng sợi cước ra giữa ao, im lặng chờ cá cắn mồi.
Mất hơn ba giờ xe máy tôi mới tới thôn Cẩu Vè – một miền quê nổi tiếng cam ngọt của huyện Lục Yên. Tôi dừng xe đầu thôn, vào một quán nhỏ gọi cốc nước cam, vừa uống vừa hỏi chuyện thăm dò qua bà chủ quán. Gọi bà chủ quán nhưng đấy là người phụ nữ còn trẻ, dáng thon thả, mắt nâu, có cái miệng duyên hay chuyện. Nghĩ tôi là người buôn cam, chủ quán cứ liến thoắng khoe cam ngọt cam ngon, giá cả thì phải chăng, nếu không nhanh chân thì chỉ mai mốt là không còn quả nào mà mua, cứ gọi là tiếc ngẩn ngơ cả năm. Qua câu chuyện của chủ quán, tôi cũng được biết Ngần và tay Đước đang có mặt tại đây cùng với ba chiếc xe tải, đang mua gom cam của các nhà dân, chuẩn bị xuôi. Tôi quay ra, ngước nhìn lên núi Bạch Mã và núi Vua áo Đen, hai dãy núi đá cao ngút trời, thật là núi ra dáng núi, quanh hai dãy núi này đang ẩn chứa biết bao huyền thoại. Ngay dưới chân núi Vua áo Đen là cả một miền cam bạt ngàn cũng tưởng như mọc ra từ cổ tích, những chùm quả lúc lỉu phết một gam màu vàng hư ảo lượn theo chân núi, vếch lên tận chân dốc Khai Trung. Đưa tay lên túi áo ngực có hai bức thư “lạ đời”, lòng tôi se thắt vì ái ngại và hy vọng. Hai bức thư ấy Sềnh nhờ tôi bằng cách nào đấy đưa tận tay Ngần và Đước. Thư của Sềnh mà tôi cho là “lạ đời” vì thư gửi tay Đước chỉ có thế này: “Tôi là Sềnh, chồng của cô Ngần nết na, dịu hiền. Tôi trân trọng gửi anh mấy câu thơ mà Gamzatov viết trong sách của ông, rằng: Anh có chút gì giống ngựa/ Có chút gì giống cừu/ Có chút gì giống diều hâu/ Có chút gì giống cáo/ Và có chút gì giống cá/ Thế thì còn đâu lòng dũng cảm? Còn đâu niềm vinh dự của Con Người. Thử hỏi, anh có còn lòng Dũng Cảm và niềm Vinh Dự của Con Người không, anh Đước? Nếu còn, xin anh hãy trả lại Ngần cho tôi!”.
Còn lá thư gửi cho Ngần cũng một cách như thế: Sềnh gửi cho Ngần mấy câu thơ mà Sềnh thường đọc cho Ngần nghe: “Tình yêu đỏ rực như máu người, như hoa cẩm chướng/ Tình yêu cũng đen như đêm đen, như sự dối lừa… Xanh hơn trời xanh, nhưng cũng xanh hơn băng đá/ Tình yêu như ánh sao mơ ước tuyệt vời/ Tuyết có thể tan, dòng suối có thể vơi/ Chỉ có hoa tình yêu không bao giờ tàn lụi!… Đấy, Gamzatov nói rằng những người đàn ông xứ Đaghextan cầm sừng rượu uống và hát suốt đêm bên bếp lửa về tình yêu như thế đấy.
Sềnh và con Nụ, con Hoa luôn mong em trở về!”.
Sau khi thuộc lòng cả hai lá thư đó, tôi mới dán lại và nhận rằng, cái cách tìm gọi vợ trở về của Sềnh chả giống bất cứ người đàn ông nào trên thế gian này. Bởi thế tôi mới ái ngại và cũng hy vọng thay cho Sềnh. Không đắn đo gì nữa, tôi quyết định ngay bây giờ nhờ người chủ quán nước chuyển hai lá thư đến tận tay hai người kia, nếu mai thì rất có thể sẽ muộn!
Thời gian trôi qua, lại một mùa cam chín, tôi cứ phấp phỏng chờ tin Sềnh. Lo lắng thay cho bạn, tôi lại vù xe, tìm vào chân núi Bốc. Từ ngoài ngõ tôi đã nghe những tiếng cười giòn tan, trong trẻo bện lấy nhau. Tôi nhón chân đi vòng bờ ao để gây bất ngờ cho bạn, nhưng chính tôi lại bị bất ngờ. Trước mắt tôi là cả một thế giới hạnh phúc rất đơn sơ, thôn dã và ấm áp lạ kỳ. Ở góc sân, bên đàn gà chích chích, người đàn bà đang cúi đầu xuống thau nước kia là Ngần, thế mới lạ, hai bé gái thi nhau múc nước giội lên đầu mẹ, vừa giội vừa vỗ vỗ bàn tay bé bỏng lên mái tóc dài đen mượt của mẹ, cứ mỗi lần giội nước ào xuống ướt cả vai áo của mẹ, hai đứa lại cười nức lên, vẻ khoái chí. Còn bên bờ ao trước cửa nhà, Sềnh đang nâng niu ôm một đứa bé, chiếc nạng và chiếc cần câu vẫn đặt bên cạnh, thỉnh thoảng lại ngoảnh nhìn mấy mẹ con Ngần gội đầu, cũng cười khà khà theo lũ trẻ. Thấy tôi, Sềnh vội cầm chiếc nạng chống nách đứng dậy, vẻ mặt tươi tắn, lần đầu tiên nịnh tôi:
– Ô, bác Linh! Ngọn gió lành đưa bác đến nhà ta này!
– Nào cháu yêu! – Tôi đưa hai tay đỡ đứa bé từ ngực Sềnh, nháy nháy mắt có ý hỏi về đứa bé.
Sềnh gãi gãi cái đầu xù, rồi chỉ vào đứa bé, thì thầm:
– Ngần mang về cho mình đấy! Cháu tên là Thương. Nụ, Hoa, Thương. Thật tuyệt! – Sềnh đưa một ngón tay khẽ day day vào trán con Thương, âu âu nịnh con, giọng nhè ra như nói với trẻ nhỏ nhưng thực ra là muốn nói cho tôi nghe – Âu âu, con yêu của bố Sềnh mẹ Ngần nhỉ. Bác Linh nhé, đừng nghĩ như chuyện “Tái ông mất ngựa” nhé!
Sềnh cười xòa rất hồn nhiên, đưa bàn tay thô ráp vỗ vỗ vai tôi và ngân nga mấy câu thơ trong sách của Gamzatov: Tình yêu như ánh sao mơ ước tuyệt vời/ Tuyết có thể tan, dòng suối có thể vơi/ Chỉ có hoa tình yêu không bao giờ tàn lụi!…
Rồi Sềnh nhìn sâu vào mắt tôi, ghé sát tai tôi, nói nhỏ: Văn chương kỳ diệu thế đấy! Mà cậu cũng phải lấy vợ đi thì mới biết được cuộc đời cay đắng và ngọt ngào đến thế nào.
26/11/2021
Hoàng Thế Sinh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm nhà lá

Xóm nhà lá "Xóm Nhà Lá" trong cái lớp học của tôi ngày xưa, không có nghĩa để phân biệt sự giàu nghèo như thế giới của người lớn...