Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Sèng gửi

Sèng gửi

Sóng vỗ chì chộp.
Bọt trắng xoá trào lên rồi vô cảm tan biến trên bãi biển hoang sơ. Nó xoá luôn dấu chân người vừa hằn xuống và những vòng cát do đám dã tràng mới loay hoay đùn xới.
Chỉ có khách du lịch đến phố biển này, thấy đám ma thì ngó nghiêng nhìn, còn dân ở đây hững hờ. Đám ma một nhúm người đưa, không kèn trống, không người hờ khóc. Đằng sau cỗ xe có dăm người đàn bà và duy nhất thằng bé quấn vành khăn tang.
Khách du lịch tò mò hỏi, dân phố biển trả lời: Con đĩ. Chết vì si da đấy!
Người phụ nữ ấy đến phố biển làm được hơn năm rồi. Trước, cô cũng có một cái tên, nhưng ở đây, chả ai gọi nó. Quán karaoke đầu tiên cô làm ca ve, chủ giới thiệu và khách gọi, Kiều Trinh; đến hotel thứ hai, chủ đặt tên cho Lệ Mỹ; restaurant thứ ba, Mộng Hằng; quán thứ tư, thứ năm... chẳng ông chủ, bà chủ và khách hát, khách chơi nào gọi tên người đàn bà là gì nữa. Chỉ còn thấy họ gọi: ê,...ca ve; ê,... gái; ê...! Và dân phố biển gọi, gọi thẳng vào mặt người đàn bà: Con đĩ!
Nghe người đời gọi, người đàn bà chua xót nghĩ: Đèn sách học hành, tổ ấm gia đình, quê hương - một thị xã miền núi êm đềm - cuộc đời mất hết rồi, còn cái tên, đáng gì mà tiếc nữa. Hô - then người đàn bà đang làm là cửa thứ năm, thực ra thì cô bị quán hát trước hất ra, mà dạt về đây. Mỗi lần thải, một lần xuống cấp, cả sự sang trọng của nhà hàng, cả sự đối đãi của ông bà chủ, của khách hàng và tiền bo của khách. Cửa thứ năm cô đang tá túc, cũng chỉ là thứ trá hình, tuy có cái tên mĩ miều: Biển Chiều Hotel.
Vài tháng nay người đàn bà cảm thấy mệt mỏi, nhiều lúc ngực đau tức, biểu hiện căn bệnh tim cô từng phải điều trị hơn chục năm trước. Người đàn bà thấy lo lo. Cô tự an ủi, có lẽ do sắp tới tháng của phụ nữ. Muốn ngủ thêm chút nữa, đêm qua cô rời khách sạn lúc hai, ba giờ sáng, nhưng nghĩ tới cái mặt lừ lừ của lão chủ và giọng the thé của mụ chủ, cô cố gượng dậy.
Thành lệ, buổi sáng có hay không có khách, những kẻ tá túc, dật dờ ở khách sạn Biển Chiều như hạng cô, mọi người phải đến sớm, dù tối trước đi khách trắng đêm. Đến để chủ sai vặt: nấu nướng, dọn phòng, lau chùi, giặt giũ... Con mẹ chủ là dạng đàn bà cay nghiệt, suốt ngày xoen xoét chửi chồng, chửi đĩ, chửi khách chơi quỵt tiền và thơ thớ chào mời khách. Từ ngày đến làm ở đây, chưa lần nào người đàn bà nghe mụ nói một câu tử tế với mình.
Nhà này nhiều hạng người, dạng bảo vệ khách sạn - loại những thằng đầu gấu; mấy người nấu ăn cùng vài cậu chàng quầy bar; tiếp đó là đám gái trẻ mười sáu, mười bảy, thứ nhà chủ cứ toe toét giới thiệu với khách: “Các em gái mơn mởn...”. Đó là loại được đối đãi tử tế, ông bà chủ xưng hô chị chị, em em, còn năm bảy người khác - trong đó có người đàn bà, ngôn ngữ chủ tặng cho, rặt những từ đầu đường, xó chợ.
Tuy người đàn bà chẳng ưa gì mụ chủ, nhưng thà bị mụ chửi mắng còn hơn, chứ rơi vào tay thằng chồng, đám đàn bà quá lứa sẽ khốn nạn. Lão chủ, một thằng đàn ông đen trũi, tóc rễ tre, răng cải mả, cái thứ hắn mấy năm trước, còn gò lưng đẩy te, trầy vai kéo lưới, nhờ ba thằng em vượt biên gửi về, đâm có tiền. Dạng đó đã giầu là coi người như rác. Mấy người đàn bà đặt cho hắn biệt danh - thằng đươi ươi không lông. Thằng ấy nó như câm, trừ lúc ngủ với gái, cơn hứng tình, hắn rên hừ hừ. Thứ ngôn ngữ thông thường của hắn là nắm đấm, cú đá, cứ mặt, mạng sườn đám gái mà thụi.
Người đàn bà ghê sợ nó, sợ nhất là phải ngủ với nó, một con đực hùng hục, dai dẳng... Hôm nào vắng khách, nó ngật ngưỡng ngồi nốc rượu, rồi lừ lừ nhìn đám gái già các cô. Lúc đó, thường nó hất hàm gọi ai đó. Khách sạn nhiều buồng, nhưng không bao giờ hắn gọi ai vào phòng, nó cứ chềnh ềnh ngay xó cầu thang, trước đám người làm, trước lũ gái. Cái nhà này, người ta nhìn thấy cảnh ấy quá quen rồi, nên chuyện của lão chủ, chẳng ai thèm để ý. Ngay mụ vợ, gặp cảnh thằng chồng đang giở trò quái đản kia, đi qua, mụ điềm nhiên bước. Có chăng là mụ cố khạc lấy bãi nước bọt, nhổ về phía ấy. Nếu có nhắc đến, cũng không phải vì ghen, mà mụ cốt lấy ra, để chửi cho thêm phần tục tĩu.
Người đàn bà bải hoải mệt, cô rất muốn chợp mắt thêm chút nữa. Nhớ đến giọng the thé của mụ chủ và quả đấm vũ phu của thằng chồng, cô cố gượng dậy. Ngó sang đứa con trai ba tuổi, nó vẫn ngặt nghẽo ngủ. Tối qua, lúc đón con về, thằng bé ú ớ gọi mẹ và lảm nhảm trong mơ điều gì đó. Bà già giữ trẻ làu bàu: “Ngày nào cũng một hai giờ đêm các ông, các bà hành tôi. Tưởng trăm nghìn, vứt cho người ta... to lắm!” Kệ bà ta gầm ghè, lần nào cô đến đón, bà ta chẳng vậy.
Bà ta còn gọi từ đĩ ngay trước mặt đám con trẻ. Cô chỉ lí nhí “đối” chiếu lệ, bế con về căn nhà mấy chị em cùng cảnh chung nhau mướn. “Thôi chết, muộn quá rồi!”- cô giật mình, vỗ vỗ vào mông thằng bé. “Cu Tũn... Cu Tũn yêu của mẹ! Dậy con... Kìa, cu Tũn để mẹ đi muộn, ông chủ đánh, lại cái tím ở tay, ở cổ mẹ đây này...” Thằng bé bị đánh thức, dở giấc, khóc ngằn ngặt: “ Hư hư... Chả thương... chả thương hư! Kệ.. đánh... mẹ hơ...”.
Dỗ con nín, người đàn bà quáo quào cho con ăn và tất tả bế thằng bé đi. Biết sắp phải xa mẹ một ngày đằng đẵng, thằng bé hờn dỗi, tay đập lưng mẹ bồm bộp: “Hông thương... ơ! Cho đánh tím... hơ...”
Người đàn bà vừa tới chỗ làm, mấy người cùng cảnh thì thầm, bà chủ đang réo chửi cô tới muộn. Cô lẳng lặng ôm đống ga giường ra bể nước, cặm cụi vò, giũ. Giặt chưa rời tay, cô đã nghe tiếng gọi í ới dưới bếp.
Hôm nay nhà hàng đông khách, đám phục vụ đi lại tấp nập, xe khách đậu kín sân. Đám gái trẻ váy áo cũn cỡn, tí toét nói cười, chạy lên chạy xuống cầu thang. Tận hơn một giờ trưa, khách ăn mới vãn. Mấy người đàn bà, đám mà vợ chồng lão chủ thường gọi, lũ gái già, lúc này mới tạm được nghỉ, tranh thủ ăn bữa trưa, ăn nhanh còn rửa ráy, thu dọn bát đĩa rếch.
Trừ mấy đứa trẻ nhan sắc, lệ làm gái ở đây, chủ không trả công, cơm thì hai bữa chủ cho, họ chẳng rộng rãi gì, làm dốc tiết, không cho bữa trưa, đồ ăn thừa cũng đổ vào thùng nước rửa - giò, chả, cánh gà, đầu chim... Tiền đi khách: mười, hai mươi, ba mươi phần trăm số khách trả, theo loại hạng gái chủ phát, ngày nào tính luôn ngày đó. Mấy người đàn bà, thứ gái già, đừng mơ khoản phần trăm đó. Chủ cho tá túc ở đây, phúc lắm rồi. Họ kiếm được là tiền bo của khách.
Lại một buổi tối vất vả. Ngoài sân xe con thi nhau xè xè đáp tới. Từng đoàn ba, bốn gã đàn ông quần áo sang trọng, bước đi bệ vệ theo nhịp cái bụng thây lẩy của họ. Đông khách quá, mới chập tối đám gái trẻ không còn một đứa. Nhóm gái già cũng được bà chủ gọi lên đi khách hết.
Khách và xe vẫn ùn ùn kéo tới. Chỉ còn lại người đàn bà. Cô ngồi lặng trong góc tối. Mấy lần mụ chủ gọi lên, rồi cô lại bẽ bàng trước những cái bĩu môi, chê bai của khách. Lủi thủi cô bước về góc tối của mình. Mười giờ tối, gần hết các phòng, khách ngủ đầy ăm ắp. Ngoài hành lang, sau những cánh cửa đóng chặt, tiếng cười đùa rậm rịch... vọng ra. Dưới phòng tiếp tân, mấy tay bảo vệ, nhân lúc rỗi việc, chúi mũi vào cỗ bài, sát phạt nhau. Người đàn bà vẫn lặng lẽ ngồi.
Tối nay không tiếp khách, nghĩa là không được tiền bo, cô sẽ không kiếm được đồng nào mang về cho thằng bé. Khoé mắt người đàn bà nước mắt trào chảy. ý nghĩ chua chát trong cô: Đã làm cái nghề bán trôn, mà nuụi mỡnh cũng không xong. Trên đời này, có đứa con nào muốn mẹ mình làm thứ nghề đứng đường, nhưng đến nước đó, người mẹ còn xót xa hơn.
Bất chợt ngoài cửa ánh đèn pha quét sáng. Mấy chiếc xe máy phân khối lớn rầm rầm rú ga, táp vào sân. Lũ khách ba đứa, ba thằng trai mặt mũi ngược ngạo. Hình như chúng uống dở ở đâu rồi. Người đàn bà nghe tiếng chúng văng tục và hỏi gái, cô rúm lại. Nhìn chúng, cô hãi hùng, nhớ tới chuỵện mới xảy ra tháng trước. Hôm ấy nhà hàng cũng đông khách, cũng chỉ còn thứ gái thừa một mình cô. Mười một, mười hai giờ đêm... đám ba bốn đứa choai choai nốc rượu say, xe phân khối lớn, ào tới. Lão chủ gọi, cô ấp úng trong miệng. Cô sợ, không muốn tiếp. Mới có vậy, lão chủ đã thẳng tay giáng cho cô cái tát: “ Cũn s? à!”.
Tối ấy, một tối cực hình với người đàn bà. Sáng hôm sau mấy người bạn cùng cảnh biết chuyện, họ vào phòng, cô trên mình không một tấm vải, nằm bất tỉnh không hay biết gì. Mỗi khi nhớ lại, người đàn bà vẫn còn rùng mình. Nó ám ảnh tới mức, đêm đêm chờ khách, cô lại nơm nớp, sợ gặp phải cảnh ấy.
Tiếng bước chân mụ chủ, rồi thứ giọng ngọt ngào, giả dối: “Kìa em, có rồi đấy, lên với khách đi.!” Người đàn bà nhẫn nhục và cập rập theo chân mụ. Cô vừa bước chân vào phòng, cánh cửa sập lại sau lưng. Trong phòng ba thằng đàn ông nhìn cô soi mói. Một thằng dữ dằn, mình trần, lông lá vằn vện, to như con gấu, hất hàm: “Hừ... Một con ca ve giẻ rách. Gọi thằng chủ lên.... Nó dám bảo chúng bố...” Tiếng thằng khác xen vào: “Nó nói rồi. Mày đợi được không?... Con kia, giương mắt nhìn gì chúng bố! Cởi ra! Hay mày là đĩ điếc... Hơ hơ... Chúng mày biết không, lũ thằng Vinh Quỷ chơi quán Triều Dâng, vớ phải con đĩ chửa. Cả một lũ mù, chửa bốn tháng, trông mà không biết... Hơ hơ...”
Người đàn bà run rẩy, theo bản năng giật lùi, giật lùi, lùi đến khi chạm vào cánh cửa chặn đứng sau lưng. Phắt cái, thằng lực lưỡng như con gấu xô tới, túm cổ cô, vật xuống... Nhìn cảnh đó dưới sàn, hai thằng bạn nó hô hố cười. Người đàn bà chỉ kịp nghĩ, thôi, phó mặc cho số phận. Cô nhắm mắt lại... Như cái máy, người đàn bà làm theo bất cứ điều gì chúng sai khiến, vậy mà liên tiếp cô vẫn bị những cú đấm, cú bạt tai, cú giáng mạng sườn bình bịch. Có lúc miệng người đàn bà phát ra những tiếng kêu ằng ặc. Khắp người cô nhớp nháp rượu bia, mồ hôi và nhầy nhụa hoa quả chúng bôi trát.
Cô chịu đựng những con thú hung hãn, trơ lì, rồi cảm thấy mỗi lúc một đau đớn. Cơn quặn đau theo nhịp. Đau, đau như xé gan, xé ruột, cô thều thào khóc. Tiếng khóc, tiếng cười, tiếng bật nắp bia, tiếng vỏ hộp dưới sàn va vào chân cẳng chúng xủng xoảng. Tất cả âm thanh náo loạn, giam hãm trong căn phòng cửa đóng bịt bùng.
Thời gian trôi qua không biết bao lâu... cô hẫng đi trong cõi mung lung, không còn cảm giác đau đớn nữa. Xa gần văng vẳng tiếng nói: “ Này... chúng bố bo cho... nhá”. Vật gì đó chạm vào da thịt cô, lại cảm giác đau nhói... Tiếng bước chân xa dần, xa dần. Yên lặng... Mung lung.
Người đàn bà tỉnh lại và mở mắt. Căn phòng cửa đóng, đèn vẫn sáng choang và chỉ có mình cô. Cố cố cựa mình... không nổi. Người đau ê ẩm, ngực tức đến ngạt thở. Người đàn bà lại cố sức, cố tới mức khi rướn người ngồi lên, mắt hoa hoa, mồ hôi rịn khắp mình. Mãi sau, cảm giác mới đỡ hơn. Nhìn xuống,... cô giật mình. Máu, máu ở đâu nhiều thế! Cả mặt ga, mặt sàn... nhoè nhoẹt máu.
Lạnh toát người, ý nghĩ về cái chết ập đến, làm cô hoảng loạn. Người đàn bà buột ra tiếng kêu: “ Con ơi...con tôi...”. Nghĩ tới con, điều đó như tiếp thêm sức mạnh cho người đàn bà. Trong lúc vơ áo quần, cô cố nhoai người ra, nhặt tờ giấy bạc. Tờ bạc hai chục nghìn cũng nhầy nhụa máu, nó từ nơi ấy của người đàn bà vừa rơi xuống - tiền đám khách bo cho đấy. Đi như lết, người đàn bà xiêu vẹo xuống gác và... cô cố lết... lết về với con.
Mấy đứa trẻ nằm ngồi ngặt nghẽo ngủ, chỉ riêng thằng bé, con của người đàn bà, ngồi khóc i ỉ. Bất chợt ngẩng lên thấy mẹ, nó nhôm nhổm, rồi đít lại bịch xuống, nức nở khóc.
Bước chân người mẹ run rẩy, hai bàn tay quáng quàng quơ về phía đứa con. Bàn tay người mẹ vừa chạm vào mái đầu thằng bé, đã bị hất ra và nó hu hu khóc to hơn: “ứ...hừ. Hông yêu... hông yêu mẹ...đ...ĩ...”.
Cái âm thanh vô thức từ miệng đứa trẻ lên ba phát ra chưa dứt, thì thân hình người đàn bà đã gục xuống, gục xuống để vĩnh viễn người mẹ không bao giờ được nghe tiếng con mình gọi nữa.
Trà Cổ, 6/1998
Trọng Huân
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm nhà lá

Xóm nhà lá "Xóm Nhà Lá" trong cái lớp học của tôi ngày xưa, không có nghĩa để phân biệt sự giàu nghèo như thế giới của người lớn...