Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Thật mặt

Thật mặt

Hoàng đến chơi. Quái lạ thái độ anh chàng từ đầu khác hẳn lúc gặp nhau ở cơ quan, cu cậu lành lạnh nói năng xã giao, nhất là đối đáp với Vân, vợ tôi. Hay Hoàng tránh sự hiểu lầm không đáng có, quan hệ bạn bè đàn ông với nhau khác, vợ con người ta cần giữ khoảng cách? Tôi và Hoàng bạn bè phổ thông, làm gì phải giữ kẽ thế. Trước nó có ý tứ vậy đâu? Khéo tay này muộn vợ nên hâm mất rồi. Tuy không thân thiết nhưng Hoàng và tôi biết nhau từ thuở tắm truồng, rồi cấp II, cấp III. Không như tôi số phận êm đềm, một mạch phổ thông, tiếp đại học là ra trường. Hoàng chưa có giấy gọi kết quả thi đã nhập ngũ, bốn năm tham gia cuộc chiến Tây Nam, ra quân, học đại học ở TP.HCM, rồi công tác luôn nơi thành phố phía Nam xa xôi đó. Được mấy năm, chán cảnh xa nhà và vẫn độc thân, Hoàng chuyển ra Hà Nội. Thật vô tình anh, chàng về đúng cơ quan tôi. Mười mấy năm gặp lại nhau, Hoàng như không thay đổi, vẫn vẻ ngang tàng bất cần xưa, chỉ già đi chút ít. Chính điều ấy làm hắn thêm vẻ phong trần, mẫu đàn ông mà phụ nữ thường hâm mộ.
Cuộc đến thăm của Hoàng vợ tôi không bất ngờ, Vân tô điểm khá kỹ, dù sao cũng là bạn phổ thông, đồng nghiệp của chồng. Khoản trang điểm thì Vân rất chu đáo, nàng soi soi ngắm ngắm trước gương. Phấn son trang điểm nhiều khi cũng rách việc. Nhưng hôm nay thư thả, lại lần đầu bạn đến thăm gia đình mình, anh chồng nào chẳng thích vợ đẹp, con khôn giới thiệu. Trái với mọi khi, ngay lúc giáp mặt Hoàng, thái độ vợ tôi gường gượng. Kiểu lịch lãm, pha chút kiêu kỳ, điều mà lâu nay tôi vẫn ngầm tự hào về vợ với bạn bè, bỗng hôm nay biến mất. Vân xã giao thế nào ấy. Tôi nghĩ, có lẽ thái độ anh chàng Hoàng khinh khỉnh làm vợ tôi phật ý. Đàn bà là như vậy đấy, họ thường để ý những điều nhỏ nhặt trong giao tiếp, mà đàn ông nhiều khi vô tình, không để ý. Vân lấy cớ bếp núc, đứng lên:
- Anh Hoàng, vợ chồng Vân... à, vợ chồng tôi mời anh ở lại xơi cơm. Các anh ngồi chơi, tôi chỉ ù ra chợ...
- Thôi thôi,... chị Vân, để lần sau! Còn nhiều dịp nữa mà!- Hoàng xua tay ngăn- Bọn tôi có chút việc...!
Lúc mời Hoàng nhận lời, sao giờ lại từ chối? Chuyện tôi đưa cậu ta tới nhà ông trưởng phòng tổ chức, gì phải vội. Thực ra đây chỉ là cuộc gặp mặt cho anh em quen biết, sau quan hệ thêm thân tình, chứ thủ tục về cơ quan, xong hết cả rồi. Hoàng là trường hợp điều động, quyết định của Bộ, đâu phải phiền luỵ ai. Nghĩ bạn chối từ vì có lý do khác nên tôi không nài, mà bảo vợ, tôi sẽ đi cùng Hoàng. Sau cuộc thăm viếng ông trưởng phòng tổ chức, chúng tôi kéo nhau vào quán bia làm chầu lai rai, mười mấy năm trời mới có dịp hàn huyên.
- Này ông, bà xã ông trông... - trong lúc uống Hoàng nói - Tay này tẩm ngẩm tầm ngầm - chợt cậu ta cười - Đàn bà tướng thế, kiêu phải biết...
Biết mình lỡ lời, Hoàng lảng nhanh sang chuyện khác. Câu buông lửng, nhất là cái chất giọng của nó, tôi hiểu cậu ta định nói gì. Chính cái vẻ kiêu kỳ của Vân, để ngay lần gặp đầu, nàng đã hút hồn tôi. Và cả cho đến bầy giờ, sau gần chục năm vẫn vậy. Ngồi quán lai rai tới chín, mười giờ, chúng tôi chia tay. Thấy tôi về, Vân cằn nhằn trách chồng la cà. Đánh bài lảng tôi hỏi vợ:
- à, em thấy... anh chàng Hoàng thế nào?
-Thế nào... Em thấy cái mặt... khinh khỉnh!... Làm như... mình là người phải cầu cạnh anh ta không bằng!
- ồ! Trông lạnh thế thôi. Không hiểu sao, hôm nay cu cậu rụt lưỡi. Thằng cha có tiếng dẻo mỏ. Vì khiếu nói của nó, hồi phổ thông khối em mê mệt đấy!
- Mê mệt mà giờ băm mấy nhát vẫn ế. Em... không tin cái mặt... anh chàng ấy!
Ô hay, sao cả hai người như không ưa nhau- tôi nghĩ. Hoàng thì lúc uống bia lỡ lời nhắc, dù cậu ta chưa nói hẳn ra. Còn bà xã tôi, thẳng tưng, không ưa cậu ta. Người ta bảo, kị vía khéo là chuyện có thật. Chẳng hạn như hai người chưa quen biết, họ đều tốt, nhưng ngay lần đầu gặp đã không thiện cảm với nhau. Vợ tôi và Hoàng chắc là trường hợp như vậy.
Hoàng vốn có năng lực. Về cơ quan tôi cậu ta nhanh chóng tạo được chỗ đứng, uy tín trong cơ quan, chỉ ba năm sau, anh chàng được đề bạt. Hoàng và tôi là bạn bè thân thiết, còn trong công việc, đứa trưởng đứa phó phòng, ê kíp làm việc khá ăn ý. Hoàng vẫn chưa vợ. Đã nói cậu ta khoản này đâu kém. Chỉ sơ sơ cơ quan đã mấy em theo. Lần cùng đi công tác miền Trung, tôi tận mắt chứng kiến, bé nhà khách mới gặp đã mết cu cậu. Mấy năm sống miền Nam, phong cách anh hai Hoàng chịu chơi, ga lăng, làm gì các em không mê. Chuyến công tác ấy, một hai giờ sáng tôi còn phải dậy mở cửa phòng cho cu cậu, tôi đùa:
- Này, cẩn thận! Kiểu đi công tác với mày, có bận tao bị cắt tai. Nghe nói con bé nhà khách có người yêu sắp cưới rồi đấy. Thôi ông tha cho con người ta. Đến chú rể ông cũng cho mọc sừng à?
Nghe tôi nói Hoàng cười hô hố:
- Bố có vợ đẹp để yêu, chứ thằng này gần bốn mươi, vẫn phòng không. Bao giờ như bố, và cả bao giờ đàn bà hết lẳng, con sẽ tu... Mà ông xem, trước người yêu, cô nàng nhà khách vẫn thỏ thẻ, trong trắng, đáng yêu goá sá hà... Đàn bà đều vậy tuốt!
Nhân nhắc đến chuyện vợ tôi và suy nghĩ về đàn bà mà Hoàng vừa nói, tôi đâu tán thành: Không phải đàn bà tất cả đều lẳng vậy đâu. Vân, vợ tôi, nàng đoan trang. Trong mắt em chỉ có người đàn ông, ấy là chồng. Ngay việc xử sự của vợ tôi với Hoàng chẳng là một ví dụ. Những lần Hoàng đến chơi sau này, Vân giữ thái độ lịch sự, xã giao, đủ mức tiếp bạn chồng. Có lẽ Hoàng nhận ra điều đó nên cậu ta tránh, ít tới nhà tôi. Hoàng và tôi có bù khú thì gặp nhau nơi quán xá hoặc đợt cùng đi công tác. Vạn bất đắc dĩ phải đến, cu cậu gượng gập. Tôi vẫn ngầm quan sát, thử làm cuộc trắc nghiệm sự kị vía của vợ tôi và Hoàng.
Ngay trước chuyến đi này, tôi suýt phì cười về biểu hiện ngược vía nhau của họ. Chuyện từ cái gương. Lâu rồi tôi vào công tác TP. HCM, lúc ấy thời kinh tế khó khăn, hàng hoá hiếm hoi. Một bận lạo dạo chợ đồ cũ, có ý gặp gì hay hay thì mua, chợt tôi thấy chiếc gương với dáng khung khá đẹp. Người bán giới thiệu, gương Pháp. Điều đặc biệt, trên khung khắc hàng chữ tặng một nhà thơ, tôi vốn hâm mộ. Ông chủ có thú sưu tầm, nay túng bấn, đành bán. Máu lãng mạn nổi lên, tôi mua lại chiếc gương. Rất may đem về, bà xã thích, cô ấy khen, gương soi đẹp, thật mặt! Vợ tôi thường ngắm mình trong gương. Trước hôm chúng tôi đi công tác miền Nam, Hoàng đến vì việc đột xuất, cần bàn về số người phải thay đổi. Khi qua chiếc gương, đốc chứng thế nào, cu cậu lại soi soi, ngắm ngắm, rồi buông câu: “Cái gương này không thật, cứ giả giả, nhờn nhợt...” Hình dung mặt vợ, tôi không dám nhìn, chỉ sợ phá lên cười. Đánh mắt vào gương, qua góc chiếu, vô tình tôi thấy chiếc áo của Hoàng nhóng nhánh, nom đến lạ. Thoáng gặp cả ánh mắt Vân, chắc vợ tôi khó chịu lắm. Đúng là cái anh chàng Hoàng đoảng, chả chút tâm lý, thảo nào, gần bốn mươi vẫn ế.
Nhóm công tác chúng tôi kết thúc bước một ở TP.HCM. Toàn dân ham nhậu, nên nhân cớ tách đoàn, anh em tổ chức bữa lai rai tại một nhà hàng. Giữa cuộc nhậu Hoàng mới dẫn xác tới, nó dắt theo cô em trông khá mũm mĩm. Vẫn nghe Hoàng nhắc cô bồ cũ này, hiện chồng nàng- chàng Việt kiều bay qua Mỹ vì công việc làm ăn của hắn. “ Thôi kệ xác, đó là việc riêng của nó. Bằng tuổi nhau nhưng hắn sống khác mình, lông bông quá”- một thoáng buồn cho bạn trong tôi. Đoàn công tác của chúng tôi chia đôi, Hoàng phụ tránh nhóm xuống miền Tây, công việc ở đấy dự kiến khoảng hai mươi hôm mới xong. Tôi dẫn nhóm bay ra miền Trung. “Cố hoàn thành nhanh. Sao nhớ con gái, nhớ Vân thế ”- tôi nghĩ. Công việc dự định hai tuần, vậy mà mười hôm đã hòm hòm.
Sân bay Nội Bài tiết đông, hơn năm giờ chiều trời đã nhập nhoạng. Cái rét căm căm làm người ta muốn nhanh nhanh tới nhà. Leo cầu thang tôi tưởng tượng cảnh con gái ngạc nhiên, mắt tròn xoe, và cảnh Vân âu yếm nhìn chồng. Gần 10 năm chung sống, nhưng sao mỗi lần diễn ra cảnh ấy, vẫn diễn ra trong tôi cái thuở nào. Vân có ý thích khá trẻ con, đón chờ những món quà sau mỗi chuyến công tác tôi mang về tặng. Không nhất thiết phải là thứ đồ đắt giá. Món quà có khi chỉ là quả thông già Đà Lạt, hoặc một nhành san hô cũng làm em thích thú. Lần công tác này, tuy vội vàng, tôi vẫn không quên dành mấy buổi trưa, lang thang khắp mấy cửa hàng bán đồ kỷ niệm dọc phố biển Nha Trang. Tôi cố tìm những con ốc hình thù kỳ dị và nhất thiết nó phải là màu trắng. EM sẽ hiểu ngầm ý món quà của tôi.
Giơ tay đẩy cửa, tôi thất vọng, cửa khoá. Họ đi đâu thế nhỉ, trong cái thời tiết rét mướt này? Chắc quanh quẩn hàng xóm đâu đây, nhà vẫn sáng đèn. Tôi tra khoá mở, nghĩ: Càng hay! Tý nữa mẹ con thêm bất ngờ. Chợt tôi như có tiếng người lào thào trong nhà? Trộm? Biết mẹ con vắng nhà, chúng lẻn vào. Nép vội góc khuất hành lang, tôi quan sát phòng khách. Đúng, có cái gì di động. Rất may, chếch chỗ tôi đứng là chiếc gương, có thể quan sát phòng khách mà kẻ trộm không nhìn thấy. Kìa, nó di động. Tôi nín thở nhìn tên trộm. Sao nó nhóng nhánh, nhóng nhánh. Hình như nó thấy động? Vừa nãy nó còn nhấp nhoáng, giờ im. Chắc nó thế thủ, phòng tôi. Tiếc là phòng khách hơi tối. Hừ, không phải một đứa, vì có tiếng thì thầm. Chắc chúng bàn bạc cách đối phó. Quái lạ, cảnh di động nhóng nhánh quen quen, tôi đã gặp ở đâu? Đánh mắt nhìn sang phía tường chếch chiếc gương, chỗ này đén sáng hơn, từ nãy tôi không chú ý. Bất chợt nhìn trên giá treo, tôi chợt hiểu ra, mình lầm, làm gì có trộm. ánh nhóng nhánh, di động kia, là luồng phản chiếu của chiếc áo trên móc... Nhưng ô hay... sao cái áo ấy lại ở đây? Một lần nữa tôi nhìn vào gương, nó vẫn nhóng nhánh. Còn chưa tin, tôi tiến lại gần, chạm cả tay vào chiếc áo. Tôi nhầm, chứ gương Pháp, gương ý nhầm lẫn làm sao được. Đúng, cái áo của thằng Hoàng, bạn tôi (!).
Trọng Huân
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm nhà lá

Xóm nhà lá "Xóm Nhà Lá" trong cái lớp học của tôi ngày xưa, không có nghĩa để phân biệt sự giàu nghèo như thế giới của người lớn...