Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

Tiếp tục thắp sáng ngọn đèn "Soi đường cho quốc dân đi"

Tiếp tục thắp sáng ngọn đèn
"Soi đường cho quốc dân đi"

Sáng ngày 24-11-1946, trong khi trên nhiều đường phố chính của Hà Nội các loại xe cơ giới, xe bọc thép, cùng các loại sắc lính của thực dân Pháp trang bị nhiều loại vũ khí đi lại nghênh ngang khiêu khích, chuẩn bị gây chiến để chiếm nước ta một lần nữa, tại Nhà hát lớn Hà Nội, hơn 200 văn nghệ sĩ, trí thức khắp Trung – Nam – Bắc đã họp Hội nghị Văn hóa Việt Nam lần thứ nhất, nhằm huy động mọi đề xuất, sáng kiến chấn hưng văn hóa dân tộc.
Chương trình dự kiến họp 3 ngày, nhưng do tình hình chiến sự căng thẳng, nên chỉ rút lại trong một ngày. Đang phải lo giải quyết trăm ngàn công việc, khi thù trong giặc ngoài ngổn ngang, Nhà nước mới còn nhiều việc cần trực tiếp giải quyết, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tới dự và có bài phát biểu dài đến 40 phút. Người tha thiết mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Hãy học tập cái hay của văn hóa Đông – Tây để tạo ra một nền văn hóa thuần túy Việt Nam, để hợp với tinh thần dân chủ. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên  lợi ích riêng. Chính tại diễn đàn này, Người đã khẳng định:
Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.
Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện Độc lập, Tự cường và tự chủ. (Báo Cứu quốc số 416 ngày 25-11-1946).
Trở lại thời điểm lịch sử 1945-1946. Sau Cách mạng tháng 8, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, công bố việc ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ – Cộng hòa.Nhưng mấy năm liền, không nước nào công nhận nền độc lập của nhà nước non trẻ. Giữa trùng vây kẻ thù: 2 vạn quân Tàu Tưởng vào giải giáp quân Nhật, các Đảng phái đối lập gây rối, thực sân Pháp tìm cách lập lại nền thống trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn một nước đi táo bạo: Xông thẳng vào nước Pháp, buộc họ thương lượng, nghĩa là một cách công nhận Nhà nước Việt Nam mới. Người đã có một chuyến công du ngoại giao kỷ lục: Gần 5 tháng trên đất Pháp, từ 31-5 đên 20-10-1946 (rời nước Pháp ngày 18-9). Nhưng khi, Người sang, Chính phủ mới của Pháp chưa thành lập để đón tiếp chính thức, và tiến hành thương lượng. Trong thời gian đó, người đã có nhiều hoạt động, tiếp xúc với Việt kiều, các bạn bè Pháp mà người đã thân quen từ những năm 1917-1922, các nhà văn hóa lớn, báo chí rộng rãi để tuyên truyền và giới thiệu về Nhà nước mới. Đặc biệt, Ban tổ chức Hội nghị văn hóa toàn nước Pháp có ý mời Người tham dự – Người vốn là một nhà báo, nhà văn từng có nhiều tác phẩm xuất bản ở đây – nhưng do Nhà nước Pháp chưa tổ chức chính thức lễ đón nguyên thủ quốc gia, nên Người phải từ chối. Sau Hội nghị, nhiều nhà văn hóa, nghệ sĩ lớn đã tới thăm người và bày tỏ sự ủng hộ đối với nền Độc lập của VN. Rất có thể, đó là thêm một gợi ý, để ngay khi trở về nứơc, mặc dầu tình hình chính trị đang rất rối ren, Người vẫn quyết định triệu tập Hội nghị Văn hóa toàn quốc, và đích thân Người tới dự và nói chuyện với các đại biểu. Trong câu chuyện, Người có kể lại việc Đại hội Văn hóa toàn nước Pháp mời Người.
Thời gian không nhiều, nhưng nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ đã đóng góp sôi nổi, biểu thị quyết tâm xây dựng một nền văn hóa mới. Chúng ta đều biết, ngay từ năm 1943, Tổ chức Văn hóa Cứu quốc đã ra đời, sau khi Tổng Bí thư Trường Chinh có bản Đề cương Văn hóa lịch sử, nêu rõ những tính chất cơ bản của nền văn hóa mới: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng. Các nhân sự đầu tiên: Học Phi (Chủ tịch), Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Đình Thi, Thép Mới,… với sự chỉ đạo trực tiếp của các cán bộ Đảng: Lê Quang Đạo, Trần Độ, Vũ Quốc Uy. Một số văn nghệ sĩ nổi tiếng đã có mặt, là nòng cốt cho mặt trận văn hóa mới. Non một tháng sau, toàn quốc kháng chiến, hầu hết văn nghệ sĩ tham gia Hội nghị đã có mặt ở các vùng hậu cứ kháng chiến. Nhà thơ Thanh Tịnh từ Huế ra dự, những ngày đó tản cư lên  vùng Chèm – Vẽ. Trên đường lên Việt Bắc, từ những buổi nói chuyện,tuyên truyến, thông tin tin chiến sự, kể những mẫu chuyện kháng chiến cho dễ nghe, đã sáng tạo ra thể loại văn vần, gọi là  Độc tấu. Nhà thơ tham gia kháng chiến, rồi nhập ngũ trong đội hình Đoàn kịch Chiến thắng. Ba mươi năm Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân. Ngày rời Huế, để lại vợ và hai con thơ. Ngày trở về, gia đình tan tác. Một số văn nghệ sĩ Nam Bộ như Lưu Hữu Phước, Diệp Minh Châu… cũng không kịp trở về, nên ở lại và theo các cơ quan lên Việt Bắc. Sau những ngày tùy nghi di tản, từng địa bàn, bắt đầu tập họp để hoạt động, nên các trung tâm như Khu III, Khu IV, Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Khu X, các cơ quan Dân Chính, đơn vị quân đội dần được tổ chức, ra khá nhiều báo, tạp chí. Phần thơ văn luôn được chú ý, bên cạnh tin tức chiến sự và tăng gia sản xuất.
Non một năm sau Đêm ra đi đất trời bốc lửa / Cả Đô thành nghi ngút cháy sau lưng, (thơ Chính Hữu), ngày 3-10-1947, một số văn nghệ sĩ ở Đại Từ – Thái Nguyên đã họp bàn về việc thành lập Hội Văn Nghệ VN và đã bầu ra một Ban chấp hành lâm thời để xúc tiến các công việc cụ thể. Hoài Thanh (Tổng thư ký), Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu (Văn học), Tô Ngọc Vân (Mỹ thuật), Lưu Hữu Phước (Âm nhạc).
Ngày 6-4-1948, Ban chấp hành (BCH) triệu tập Hội nghị lần thư 2 để: 1/ Thông qua Điều lệ của Hội. 2/ Bầu thêm người vào BCH: Thế Lữ (Kịch). 3/ Tổ chức các Ban: Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Kịch. Để giúp các ngành hoạt động và giúp đào tạo các tài năng mới, Hội nghị ra quyết định đề nghị Bộ Giáo dục mở lại Trường Cao đẳng Mỹ thuật, Trung ương nhạc viện, và mở thêm một Kịch viện, gọi chung là  Nghệ thuật học viện. 4/ Bầu thêm người vào Tạp chí Văn Nghệ.
Từ tháng 3-1948, Tạp chí Văn Nghệ – Cơ quan ngôn luận Hội Văn nghệ Việt Nam ra số 1. Tòa soạn gồm Đặng Thai Mai, Tố Hữu, Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng; Thư ký Tòa soạn: Tố Hữu, với sự cộng tác của 20 người, thuộc đủ các ngành. Người trong tòa soạn cũng thay đổi nhiều lần. Đến cuối 1948, tòa soạn  gồm: Nguyễn Tuân – Hoài Thanh – Nguyễn Huy Tưởng – Tố Hữu – Nguyễn Đình Thi – Đoàn Phú Tứ – Tô Ngọc Vân – Nguyễn Xuân Khoát – Xuân Diệu; Thư ký tòa soạn: Nguyễn Huy Tưởng.
Lý do lịch sử, là từ đầu năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn phòng ngự, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cuộc Thi đua Ái quốc. Các đoàn thể quần chúng lần lượt tiến hành các Hội nghị, củng cố tổ chức, phát động thi đua sản xuất và giết giặc. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba – Phú Thọ trong 5 ngày, từ 16-20 tháng 7-1948, với hơn 200 đại biểu trí thức toàn quốc. Hội nghị được nhận thư của Hồ Chủ tịch, và đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, trình bày bản báo cáo lịch sử Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam. Đây là Văn kiện hoàn chỉnh đầu tiên về đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng, cụ thể hóa và phát triển những luận điểm cơ bản của bản Đề cương Văn hóa Cứu quốc năm 1943. Đại hội đã chính thức thành lập Hội Văn hóa Việt Nam. Hội nghị nhất trí bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng Danh dự. Ủy ban chấp hành: Hội trưởng: Đặng Thai Mai. Đại biểu Khoa học tự nhiên: Trần Đại Nghĩa – Phạm Đình Ái – Đặng Phúc Thông – Tôn Thất Tùng. Đại biểu Khoa học xã hội:  Nguyễn Khánh Toàn – Trần Công Tường – Trần Văn Giáp. Đại biểu Giáo dục: Ngụy Như Kontum – Nguyễn Công Mỹ – Phạm Thiều – bà Thục Viên. Đại biểu Văn học: Hoài Thanh – Trần Huy Liệu – Đoàn Phú Tứ – Hoàng Xuân Nhị – Đỗ Đức Dục. Đại biểu các ngành Nghệ thuật:  Thế Lữ (Kịch), Tô Ngọc Vân (Mỹ thuật), Nguyễn Xuân Khoát (Nhạc), Nguyễn Cao Luyện (Kiến trúc),Văn Cao… Ban Thường vụ Trung ương gồm Hội trưởng: Đặng Thai Mai. Tổng thư ký: Hoài Thanh. Ủy viên: Ngụy Như Kontum – Tô Ngọc Vân – Trần Huy Liệu – Đoàn Phú Tứ – Trần Văn Giáp.
Tiếp đó, cũng gần địa điểm này, hơn 80 Văn nghệ sĩ đã dự Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần đầu tiên từ 23-25 tháng 7-1948, có ý nghĩa như một Đại hội thành lập chính thức Hội Văn nghệ Việt Nam, ngày 25-7-1948. Bài tường thuật của nhà thơ Xuân Diệu in trong Tạp chí Văn Nghệ số 4 ra tháng 8-1948, cho ta biết tên tuổi những văn nghệ sĩ có mặt:
“Thật là một cái vườn bách… nghệ, trong đó, mỗi người một vẻ, thiếu tiền thì thiếu, chứ cá tính thì thật đầy tràn. Này là đoàn Văn nghệ kháng chiến Khu IV. Lão thành có cụ Võ Liêm Sơn, năm nay ngoài 60 tuổi, từ Hà Tĩnh ra đây. Và ông Đặng Thai Mai, người anh cả, mắt sáng sâu, một trào phúng. Bạn Nguyễn Tuân, cái đầu to tát, anh Nguyễn Văn Tỵ, lành và khỏe; các anh Chu Ngọc, Phạm Văn Đôn, Đoàn Phú Tứ với ba tý râu mép; thi sĩ Xuân Sanh, cây phóng sự Nguyễn Đình Lạp,… Anh Hải Triều nói giọng Núi Ngự.
Liên khu III có Lê Đại Thanh, Hoàng Công Khanh, Tô Vũ, Học Phi, Sao Mai, Trần Lê Văn, v.v…
Cụ Ngô Tất Tố ở Khu I vẫn dòn bước đi với thanh niên. Anh Nguyên Hồng, người đã cày cấy lấy hai mẫu ruộng. Khu X có Tô Ngọc Vân, Tạ Mỹ Duật, Thế Lữ, Đồ Phồn, Thanh Tịnh, Võ Đức Diên. Ngành Nhạc có Nguyễn Xuân Khoát, (Con voi hay thằng Bờm), Phạm Duy, Văn Chung, Bùi Công Kỳ, Đỗ Nhuận như bẻ cong được những song sắt, Cô lái đò Nguyễn Đình Phúc, Văn Cao không cao chút nào. Ngành Họa còn cái khỏe khoắn nhẹ nhàng của Trần Văn Cẩn, cái gầy của Trần Đình Thọ, cái dòn bánh mật của Lê Phả, cái hăng hái miền Nam của Nguyễn Văn Sáng, cái tự nhiên của Nguyễn Tư Nghiêm, anh Phan Kế An nhanh nhẹn, anh Dương Bích Liên ít nói, anh Mai Văn Hiến cái mũi biết cười, v.v…
Kể sao cho hết những tài năng mới: Bửu Tiến, Trần Đăng, bạn Ngô Quang Châu, bồ chữ của dân tộc, nữ thi sĩ Anh Thơ, tác giả Bắc Sơn, các bà: Phan Thanh, Phương Hoa, và Nguyễn Đình Thi, và Tố Hữu, và Hoài Thanh, và Như Phong, các nhà báo Xuân Thủy, Hải Như. Kể sao xiết.
Anh em rất tiếc còn vắng mặt Nguyễn Hữu Đang, Lương Xuân Nhị, Kim Lân, Tô Hoài, Nam Cao, Tạ Phước. Nữ thi sĩ Vân Đài có gửi thơ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cũng gửi lời chào.
… Cuộc giới thiệu kia, bạn Nguyễn Huy Tưởng đã làm một cách giản dị, thân mật. Diễn văn khai mạc của Hoài Thanh. Chủ tịch đoàn: Hoài Thanh, Tố Hữu, Tô Ngọc Vân. Thư ký đoàn: Lê Đại Thanh, Trần Lê Văn, Xuân Diệu.
… Các Khu lần lượt trình bày tình trạng. Đoàn Văn nghệ kháng chiến Khu IV đã tổ chức chặt chẽ và hoạt động có kế hoạch. Khu III hoạt động riêng từng tỉnh, từng huyện, nhưng toàn Khu chưa được duy nhất. Khu I chưa có tổ chức. Khu X có một Đoàn Văn hóa kháng chiến ở Phú Thọ. Vì có nhiều tổ chức như thế nên càng tỏ rõ sự thiếu tổ chức, thiếu một doàn thể lớn, thống nhất được lực lượng lẻ tẻ của địa phương và của cá nhân,để làm việc có phương tiện, có kế hoạch và có hiệu quả hơn.”
Chúng tôi trân trọng trích dẫn bài tường thuật về Đại hội Văn nghệ, và Danh sách Ban Chấp hành Hội Văn hóa và  Hội Văn Nghệ để bạn đọc biết đến, nhớ đến những văn nghệ sĩ có công đầu tham gia sáng lập những tổ chức Văn học – Nghệ thuật, mà hôm nay chúng ta được may mắn kế tục. Đại hội đã thống nhất bầu Ủy ban chấp hành Hội Văn Nghệ:
Thường vụ gồm Tổng thư ký: Nguyễn Tuân; Phó Tổng thư ký: Tô Hoài; các ủy viên: Võ Đức Diên (Kinh tế), Ngô Quang Châu (Quản trị), Xuân Diệu (Tổ chức và kiểm tra). Đại biểu các ngành, Mỹ thuật: Trần Văn Cẩn. Sân khấu: Thế Lữ. Âm nhạc: Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước. Đại biểu các Khu: Khu I: Ngô Tất Tố. Khu III: Lê Hữu Kiều (Sơn Tùng) (?). Khu IV: Trương Tửu, Lưu Trọng Lư. Khu X: Tạ Mỹ Duật. Nam phần Trung bộ: Nguyễn Đỗ Cung. Nam Bộ: Hoàng Xuân Nhị, Huỳnh Văn Gấm.
Đoàn Nhạc sĩ VN: (Thành lập trong Hội nghị Văn nghệ toàn quốc):
Ban chấp hành: Nguyễn Xuân Khoát – Văn Cao – Lưu Hữu Phước –Nguyễn Văn Thương – Nguyễn Đình Thi.
Đoàn Sân khấu VN: (Thành lập trong Hội nghị Văn nghệ toàn quốc):
Ban Chấp hành: Thường vụ: Thế Lữ – Đoàn Phú Tứ – Phạm Văn Khoa.
Ủy viên: Võ Đức Diên – Nguyễn Huy Tưởng – Chu Ngọc – Phạm Văn Đôn – Trần Huyền Trân (Đại biểu Khu X) – BửuTiên (Khu IV) – Trần Hoạt (Khu I) – Lê Đại Thanh (Khu III).
Cũng trong bài tường thuật trên, nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: “BCH Hội Văn nghệ: 17 người đã bầu xong trong một không khí hòa vui chưa từng thấy. Có những bạn vắng mặt được toàn thể nhắc nhở và cử vào Chấp hành: Thi sĩ Lưu Trọng Lư ở chiến khu Thừa Thiên, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung ơ Nam Trung Bộ, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, Khu phó ở một khu quân sự miền Nam nước Việt và nhà văn Hoàng Xuân Nhị, Chủ tịch Viện Văn hóa kháng chiến Nam Bộ.
Hội nghị thanh thản bầu anh Nguyễn Tuân làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ VN. Nguyễn cảm ơn: Tôi quả quyết nhận lấy bổn phận mà Hội nghị giao cho, vì tôi muốn tập cho tôi nhận lấy những trách nhiệm. Câu nói đánh dấu cho cuộc chuyển sang “giai đoạn thứ hai” được toàn thể hoan hô”.
Hội nghị nằm trong phong trào Thi đua Ái quốc, nên có một nội dung quan trọng là phát động cuộc thi dưới khẩu hiệu: Văn, Họa, Nhạc, Kịch thi đua sáng tác. Có các bản giao kèo được ký giữa các tập thể, và các cá  nhân. Hội trưởng  Hội Văn hóa VN Đặng Thai Mai, Đoàn Văn nghệ Khu IV, Đoàn Sân Khấu VN, Đoàn Kiến trúc VN vừa được thành lập trong Đại hội đã treo các giải thưởng có giá trị bằng tiền. Độc đáo nhất là nhà văn Nguyên Hồng, từ ngày kháng chiến đưa gia đình về ấp Cầu Đen (còn có tên Ấp Đồi Cháy) cày ruộng, chăn nuôi, treo thưởng hai gánh thóc và hai con gà cho một bài thơ hay, một truyện ngắn có giá trị. Nhà văn Nguyễn Công Hoan yêu cầu đích thân Nguyên Hồng gánh thóc tới cho người được giải. Một ai đó yêu cầu, tặng gạo thì tiện hơn!
Cũng trong Đại hội, nhiều nhóm nghệ sĩ ký kết thi đua với những con số tác phẩm trong thời gian cụ thể. Thơ: Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu, Xuân Sanh, Anh Thơ, Lê Đại Thanh, Trần Huyền Trân, Thanh Tịnh, Chế Lan Viên, hẹn đến cuối 1948, mỗi người làm được 5 bài thơ, trong đó ít nhất, có 1 bài thơ hay. Những bài khá nhất sẽ in một tập thơ chung. Các ngành Nhạc, Họa, Kịch, Tiểu thuyết đều có những tác giả đăng ký những chỉ tiêu tác phẩm cụ thể, có cả mấy tiểu thuyết. Đoàn Văn nghệ Khu IV còn có chỉ tiêu tập thể về số lượng tác phẩm cho các loại hình nghệ thuât. Không chỉ sáng tác, mà còn xuất bản, biểu diễn, triển lãm…
Sở dĩ, Sau Đại hội, đặt rất trọng vấn đề sáng tác, là vì có một thực tế, sau cả ngàn ngày kháng chiến, hầu hết văn nghệ sĩ, tham gia mọi công việc, vì lòng yêu nước, căm thù bọn xâm lược, nhưng vẫn chưa tìm ra tiếng nói nghệ thuật MỚI mà cuộc sống yêu cầu. Quá trình Nhận đường (tên một bài viết của Nguyên Đình Thi), gần như đi suốt cuộc kháng chiến 9 năm. Nhà văn hiện thực tiêu biểu nhất của thế kỷ XX, từng có nhiều tác phẩm về những người dân nghèo trong xã hội cũ là Nam Cao (1917- 1951), trong mấy kỳ Nhật ký Ở Rừng (Văn Nghệ số 6 tháng 10-11 và số 7 tháng 12-1948), đã thể hiện rất rõ nỗi dằn vặt của một nhà văn từng nổi tiếng trong chế độ cũ, mà vẫn thấy bất lực trong sáng tác, dù sống gần, sống và làm những việc cuộc kháng chiến yêu cầu một cách tích cực.
19-3-1948. Trong cái đêm mưa tầm tã này, súng vẫn nổ như thường. Súng không biết có giời mưa. Lòng súng không ỉu xịu bao giờ… Ôi những anh Vệ quốc quân! Tôi biết các anh nhiều khi phải nhịn cơm ăn cháo, đứng dưới mưa suốt ngày, suốt đêm mà đánh giặc. Lòng các anh cũng là lòng súng thép. Mưa có bao giờ làm ỉu xịu một tấm lòng bằng thép đã tôi già. Tôi xấu hổ cho tâm hồn ủy mị của tôi. Vẫn chưa mạnh hẳn ư? Các anh! Các chiến sĩ không tên! Các anh hãy dạy tôi biết hy sinh, biết chiến đấu, chiến đấu lặng lẽ, chiến đấu không nghĩ gì đến cái tên mình, không nghĩ gì cả đến thân mình nữa. Các anh hãy rọi vào lòng tôi ánh nắng rực rỡ trong đôi mắt và cõi lòng của các anh. Lòng tôi vẫn còn u ám lắm. Những đám mây đen xưa cũ vẫn còn lởn vởn. Các anh hãy quét sạch nó hộ tôi. Quét sạch! Để cho tâm hồn quang quẻ và mới hẳn.
Nam Cao là một trong những thành viên đầu tiên của Văn hóa Cứu quốc, từ 1943, sau Cách mạng tháng 8-1945, từng làm Chủ tịch xã ở quê nhà. Kháng chiến toàn quốc, theo các đoàn quân Nam Tiến vào Nam Trung Bộ, viết nhiều bài cho báo Tiên Phong mà có thời gian ông làm Thư ký tòa soạn. Trở về công tác ở Ty Văn hóa tỉnh Hà Nam, làm các báo Giữ Nước, Cờ Chiến Thắng của Tỉnh.1947, làm Thư ký tòa soạn báo Cứu Quốc Việt Bắc.1949, về Hội Văn nghệ VN, tham gia tòa soạn Tạp chí Văn Nghệ. 1950, tham gia Chiến dịch Biên giới. Mùa hè 1951, đi công tác ở Khu III, Khu IV. Cuối năm, đi công tác về thuế nông nghiệp, và lấy tài liệu để hoàn thành cuốn tiểu thuyết Định mức thì bị Pháp bắn ở vùng chiêm trũng Ninh Bình. Nấm mộ nhà văn nổi tiếng thành Liệt sĩ vô danh suốt hơn nửa thế kỷ giữa đồng hoang. Phải nhờ đến yếu tố tâm linh, và tâm huyết của nhiều người yêu mến, di cốt nhà văn mới được tìm thấy, xác định để đưa về nghĩa trang quê nhà. Nhật ký cho ta biết, nhà văn Nam Cao đang trên đường tìm ra Nhân vật Mới của nền văn học kháng chiến: Anh bộ đội Cụ Hồ. Nhà phê bình Hoài Thanh gọi đây là: Giai đoạn khai sinh con người kháng chiến. Nhà văn Nguyễn Công Hoan nói rõ hơn: Trước kia, thời Pháp thuộc, vai trò người lính hình như không có trong xã hội Việt Nam. Đố ai tìm thấy một bài thơ, một cuốn sách, một bức tranh, một bài hát nào lấy ông quyền khố xanh, khố đỏ làm đầu đề. Nếu như người ta có nói chuyện đến người lính thì chỉ cốt để chế nhạo hoặc oán ghét mà thôi. Vậy mà bây giờ: Dân chúng yêu người lính, dân chúng coi người lính như ruột thịt trong gia đình. Dân chúng gọi người lính là Đồng chí. Người lính cũng yêu dân chúng, người lính cũng coi dân chúng như ruột thịt trong gia đình. Người lính gọi dân chúng là Đồng chí. (Người lính).
Trong Hội nghị Tuyên truyền toàn quốc lần thứ 3, tổ chức vào các ngày 19 đến 22-6-1948, nhà văn Nguyễn Đình Lạp, Trưởng ban Văn nghệ Quân đội Liên khu IV trong báo cáo, sau khi tổng kết văn thơ của bộ đội, đã nói : Thực ra mà nói, các văn nghệ sĩ tự nguyện nhập ngũ là có ý đi tìm lối thoát cho chính bản thân họ, tâm hồn họ. Họ đi tìm một nhân loại linh động nhất, hy sinh nhất,tích cực tranh đấu nhất để mong rũ bỏ cái bế tắc, ngột ngạt của sự sáng tác trong bấy lâu nay. Quả là một bầu trời mới. Họ đã bắt đầu nhận thấy những tia nắng hồng, những ngọn gió mát. Lồng ngực họ đã thở đều đặn. Họ đã sống lại. Và nhiều tác phẩm nho nhỏ đã thấy xuất hiện với những tình cảm đằm thắm.
Sang năm 1949, trong tường thuật về Hội nghị Văn nghệ quân đội lần thứ nhất, vẫn trên Tạp chí Văn Nghệ, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng  viết:
12-4-1949: Câu chuyện rất dài cuả Thâm Tâm về Văn thơ bộ đội vạch ra một sự thật: Loại thơ anh hùng của cán bộ, những hình ảnh tưởng tượng, lời văn mỹ miều của những văn nghệ sĩ công tác trong bộ đội không được đội viên hoan nghênh. Trái lại họ thích những bài thơ hợp với đời sống của họ, những bài thơ Ở  bộ đội mà ra, Vì bộ đội mà có. Những sáng tác này trở lại ảnh hưởng bộ đội rất mạnh .
Nam Cao, Nguyễn Đình Lạp, Thâm Tâm cùng Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Thúc Tề, Hồng Nguyên, Hoàng Lộc, Nguyễn Đình Thư, Tô Ngọc Vân, Ngô Tất Tố,… đều đã không kịp nhìn thấy ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Từ tâm sự, nhận định về sáng tác văn học nghệ thuật giai đoạn này của chính người trong cuộc cho chúng ta thấy cuộc vận động chuyển mình từ từng cá nhân nghệ sĩ riêng lẻ, cô đơn, hành nghề tự do, được Cách mạng và Kháng chiến động viên, tập họp vào những đoàn thể, tổ chức nghề nghiệp, có mục tiêu, lý tưởng xã hội cụ thể, để có nhiều sáng tác nhằm xây dựng một Nền văn nghệ mới là những hoạt động sáng tạo, có tầm nhìn xa, vừa về tổ chức, lý luận, phương pháp sáng tác,… của Đảng ta, ngay cả trong những thời điểm đất nước khó khăn nhất.
Để làm rõ hơn vai trò của Văn hóa – văn nghệ, và Văn nghệ sĩ trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, trong thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Văn hóa – Nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là Công Nông Binh. Văn học nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị.
Có một cứ liệu lịch sử bằng văn bản đặc biêt là ngay từ năm 1949, mở đầu bản báo cáo về Văn thơ bộ đội, tác giả của Tống biệt hành, với những câu thơ kỳ lạ: Đưa người ta không đưa qua sông / Sao có tiếng sóng ở trong lòng/ Bóng chiều không thắm không vàng vọt /Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong đã phát hiện: Hồ Chủ tịch không rảnh việc nước, nhưng khi nghe giao thông chạy ngựa đưa tới tin thắng trận liên tiếp, nhưng khi nghe du kích đi giết giặc đã quay về với tiếng tù và dưới núi, vị Cha già của chúng ta cũng rung cảm thành thơ. Mà cả những bức thư từ hơn ba năm nay Người gởi cho mọi từng lớp dân chúng thời thường cũng là thơ, những đoạn văn có vần. Chúng ta đọc một lần, không bao giờ quên được.
Hồ Chủ tịch là Người lính số Một của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người lính số Một, trong khi đuổi giặc vẫn làm thơ. Vì hay thơ là một trong những dân tộc tính của chúng ta. Tiếp tục truyền thống văn nghệ ấy, những người lính con cháu đứng dậy cầm súng giết giặc giữ nước ngay từ phút đầu cũng đã rập với tiếng đạn nổ ngân lên những vần thơ – mầm mống của văn nghệ bộ đội mà hôm nay chúng tôi có dịp trình bày trước Hội nghị.
May mắn cho chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là Người Anh hùng Giải phóng dân tộc, mà còn là một Danh nhân Văn hóa được quốc tế tôn vinh, Người đã luôn nêu cao ngọn cờ Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi bằng chính cuộc đời của Người.
Nhìn lại chặng đường 75 năm Văn hóa – văn nghệ tham gia vào cuộc cách mạng và kháng chiến của dân tộc, lớp hậu sinh trân trọng và tự hào về những sáng tác văn học nghệ thuật mỗi thời kỳ, mà ngày nay vẫn hiện diện trong Những giai điệu tự hào thuộc mọi loại hình nghệ thuật. Trên những nẻo đường kháng chiến, tại nhiều chiến trường, hàng trăm văn nghệ sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đang thời kỳ sáng tác sung sức. Tên tuổi, tác phẩm, và cuộc đời của các văn nghệ sĩ tài năng tham gia sáng lập những Tổ chức Văn nghệ Cách mạng và kháng chiến – mãi mãi  nằm trong lòng kính yêu, trân trọng của nhân dân – có ý nghĩa nhắc nhở trách nhiệm của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ với công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.
Chú thích:
Các trích dẫn trong bài sử dụng tư liệu trong Sưu tập Văn Nghệ 1948-1954 của NXB Hội Nhà văn – 1998 và Tập Văn Cách mạng và Kháng chiến – Hội Văn nghệ Việt Nam xuất bản – 1949.
Hà Nội, 25/10/2021
Ngô Thảo
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kích thước tình yêu

Kích thước tình yêu Hôm nay trời đẹp lắm. Ở vùng núi non chớn chở Tây Bắc Hoa Kỳ mà có được một ngày không mưa thì kể như là trời đẹp, dù ...