Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Em như con ngựa hoang một ngày không bước

Em như con ngựa hoang
một ngày không bước

“Núi như hố mắt sâu/ đăm đăm nhìn về một hướng/ suối co lại một gang/ em như con ngựa hoang một ngày không bước// Xa người yêu ông trăng mọc ngược/ xa người yêu núi phập lòng đất sâu/ chỉ có anh và em như dây rừng quấn quanh thân gỗ”. Cái cảm giác xa bản xa mường xa người yêu trong thơ Nông Thị Hưng rất khác lạ, thấm đẫm tinh thần văn hóa và sắc thái thiên nhiên vùng cao.
Nhà thơ Nông Thị Hưng sinh năm 1970, dân tộc Tày, thường trú tại bản La Xa, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, là Hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Giang và Hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam; đã xuất bản 3 tập thơ riêng; được Tặng thưởng của Tạp chí Sông Thương các năm 2005, 2009 và 2018; Giải khuyến khích Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2018 và năm 2020…
NHÂN BẢN
Người ta nhân bản ra người
Tôi nhân bản tôi thành nhiều mản 
Người ta vui
Tôi buồn
Nỗi buồn xâu thành chuỗi
Nước mắt giấc mơ ám ảnh
Trẻ con chưa biết hết tên làng đã biết cầm súng
Chúng bắn không tiếng kêu
Chúng bắn không nhà cháy
Chúng bắn
Những khẩu súng lập lòe xanh đỏ
Mắt những con dã thú
Chiến tranh…
Chợt rùng mình trái tim tôi cất lời nhân bản
NHỮNG NGƯỜI GIÀ ĐI QUA CHIẾN TRANH
Về Hà Nội không tiền mua sách
Ra chợ Thành Công đọc trong mắt người già
Người ta bảo sách nhiều nhưng còn hiếm
Người xưa thường neo giữ trong tôi
Những người già đi bộ dọc hành lang
Vít ngọn nắng nâng bước chân chậm rãi
Họ đọc gì, họ xem gì
Buổi sáng
Mà nhìn ai ánh mắt cũng đa mang?
Những người già tôi đã gặp rồi quen
Họ thân mật như vốn từng thân mật
Lời nói ngọt như trăng rằm, cổ tích
Giữa đời thường cuộc sống đua chen
Ở đấy tôi nhận ra những người già đi qua chiến tranh
Họ sống…
LÁ CỜ VÀ NGƯỜI CHA
Hôm nay họ trao cho tôi một lá cờ
giữa thanh thiên bạch nhật
Cha tôi kể:
Thời đen tối người cũng được trao một lá cờ
nhưng là trong bí mật
Cha vác cờ biền biệt xa quê
Tuổi thanh xuân gửi vào cây súng
Hòa bình.
Cha trở về với bàn tay chai sần vết đạn
đắp đất dựng nhà dưới chân núi La Xa
Lời cha tôi sớm sớm, chiều chiều
như tiếng chiêng vọng vào vách núi
Lấp lánh huân chương
Cha tôi dặn:
Nếu ai trao cho con một lá cờ
Con hãy làm theo cách của con
XA BẢN XA MƯỜNG
Xa bản xa mường
cái cây như mọc ngược
bọc nắng muốn nở
bọc mưa muốn ung
chùng chình níu chân cọn nước
Núi như hố mắt sâu
đăm đăm nhìn về một hướng
suối co lại một gang
em như con ngựa hoang một ngày không bước
Xa người yêu ông trăng mọc ngược
xa người yêu núi phập lòng đất sâu
chỉ có anh và em như dây rừng quấn quanh thân gỗ.
TÌNH ĐỐI SLOONG-HAO (*)
Câu hát đêm qua đã ủ
em cất vào trong túi
chờ trăng lên
Điệu Sloong hao êm êm
giữa bầu trời lấp lánh
việc đồng một ngày chẳng to
hát với nhau lời trăng lời cỏ
con suối làm đàn
cây rừng làm sáo
tình đôi ta đốt lên nỗi nhớ
không sợ rừng hoang, không lo thú dữ
đêm đen đã có trăng tỏ
không trăng có đom đóm soi đường
hát gọi mặt trời lên
mặt trời có sâu đến đâu
hang nào có rộng khắp
ta cùng ngồi chiếu cỏ
ta cùng đứng bên suối
suối sẽ có tai, rừng có vách
em và anh là nguồn nước mạch
chảy thấu lòng rừng
(* Điệu hát của dân tộc Tày, Nùng.
TIẾNG CHIM CÀI

Anh có nghe tiếng chim tình tự bên hiên vắng
Dốc cả yêu thương về phía đại ngàn
Lòng em đi hoang
Mây trời thùa khăn tìm bạn
Tiếng chim rỉ ri
Thương nhau thì cho hồng cho sắc
Tiếng chim thầm thì
Yêu nhau thì bện nhau cho chặt
Lời ca xà bên suối
Đậu bên nương
Anh có vương vào câu hát
Cho dải mây em thắt ngang trời
Sắc nắng trong mắt ai
Dặm dài cỏ hoang lối ngõ
Tiếng chim đang bỏ ngỏ
Giữa điệp trùng hư không. 
XIN MỘT LẦN ĐƯỢC HÁT
Ta thèm lắm tiếng chim gù mỗi sớm
Khiến cây xanh cũng nghiêng ngả lá cành
Căn phòng trống mình ta trong sâu thẳm
Vương đế nào bỗng chốc hóa tiếng chim.
Ta chìm vào mắt lá ánh bình minh
Để ngực trời nỗi cô đơn dịu bớt
Xin chắp nối đời mây làm cổ tích
Kiếp hồng hoang cỏ ấm trái tim người.
Cả cuộc đời chỉ một lần cất lên tiếng hát
Ghềnh thác bao phen nhuộm trắng tóc mình
Thế mới biết đất sâu lòng ở ngay trước mặt
Nên tự mình cho gió thổi qua tim
VÙNG CHIỀU BIÊN GIỚI
Chiều biên giới còn đau
Thu nhuốm màu bình yên trên từng kẽ lá
Chiến trường xông pha còn nguyên gửi lại
Giọt sương quặn thắt nỗi niềm.
Mẹ ngồi nhặt nắng hàng cau
Hoàng hôn bỗng thành con gái
Nhận ra mẹ giữa một trời đầy hoa nắng trải
Lấp lánh vì sao hiển hiện cuối làng.
Chiều biên giới tầng tầng núi đứng
Sao lòng con cháy những mặt người
Có phải các anh một lần hóa đá
Mẹ thành mây bay
CHIẾC BÁNH TÀY
Ra chợ mua bánh Tày
Chỉ thấy hoa và quả
Gặp ông lão bán bánh
Hỏi bánh Tày có không?
Ông lão bảo bánh vuông
Có cả đến trăm cái
Đi qua rồi đi lại
Lộn cuối lại lên đầu
Trong bụng luôn hỏi dạ
Bánh Tày bán ở đâu?
Chỉ thấy ở trong đầu
Chiếc bánh chưng mẹ gói
Từng khoanh mềm rắn rỏi
Trắng rền hạt sữa non
Lũ trẻ chạy lon son
Thích ăn khoanh ở giữa…
Bánh Tày là muôn thuở
Của người sống ở rừng
Bao đời quấn chân thung
Không xa rời bản sắc
Người Tày yêu bánh Tày
Đi nơi đâu cũng nhớ…
26/11/2021 
Nông Thị Hưng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm nhà lá

Xóm nhà lá "Xóm Nhà Lá" trong cái lớp học của tôi ngày xưa, không có nghĩa để phân biệt sự giàu nghèo như thế giới của người lớn...