Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Quê nội

Quê nội

Chiếc xe khách lắc la lắc lư theo những chiếc ổ voi trên đường làm cho hành khách trên xe lúc thì ngửa hết ra đằng sau, có lúc lại lao đầu chúi về phía trước. Nhiều người bắt đầu say xe, nôn oẹ, mặt tái nhợt cắt không còn một giọt máu. Mùi thực phẩm, mùi hơi người cộng với mùi do hành khách vừa nôn ra còn vương lại một ít trên thành xe chua chua làm cho tôi cảm thấy váng vất đầu.
Xe chạy vào một con đường thôn dã rợp bóng cây bạch đàn hai bên, xung quanh là bạt ngàn lúa rộng mênh mông, thẳng cánh cò bay, nhìn đến hút tầm con mắt. Cánh đồng quê thân thuộc làm cho tôi cảm thấy sảng khoái trong lòng. Tôi nhắm mắt lại, cảm tưởng như mình đang bị hoà tan đi trong không khí trong lành, yên tĩnh của làng quê, trong mùi thơm của lá bạch đàn đang cháy, nổ lốp bốp trong bếp lửa từ một ngôi nhà ven đường. Có lẽ bây giờ, ở nhà mẹ cũng đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Mẹ lại đon đả chạy ra ngoài đầu ngõ mua vài bìa đậu về nấu sốt cà chua. Bao giờ cũng vậy, biết tôi về quê là mẹ lại làm những món ăn mà ngày xưa tôi thích.
Cô gái ngồi bên cạnh chợt vươn vai trở mình sau một giấc ngủ dài mệt mỏi trên xe. Cô dựa hẳn đầu vào vai tôi định ngủ tiếp làm cho tôi giật mình, cắt ngang dòng suy tưởng. Tôi bực mình khẽ gắt lên:
- Sắp tới bến rồi!
Cô ngồi thẳng người dậy, đưa tay giụi giụi mắt rồi quay sang tôi cười hiền lành:
- Anh cũng xuống bến thị trấn ạ?
Tôi khe khẽ gật đầu rồi đưa mắt nhìn bâng quơ theo đàn vịt đang đập cánh đuổi nhau bên con mương cạnh đường. Chiếc xe khách chồm lên cây cầu nhỏ bắc qua mương. Cây cầu yếu đuối chợt run rẩy dưới sức nặng của mấy chục con người. Đàn vịt hoảng hốt ngóc hết cổ lên, kêu ầm ĩ.
Chiếc xe khách dừng bánh bên chợ huyện. Chiều thứ bảy, sinh viên về quê đông chật kín cả xe. Tiếng cười nói, tiếng gọi nhau, tiếng trêu đùa xen lẫn vào nhau, đầy ắp không gian bên chợ. Cái chợ huyện nhỏ bé chỉ ồn ào khi chợ họp vào mỗi buổi sáng, chiều lại êm đềm, lặng lẽ như một làng nhỏ bình yên, bây giờ mới lại chộn rộn lên được một lúc. Mọi người trong phố huyện đổ dồn mắt ra bến xe. Chẳng biết họ tìm kiếm người nhà hay tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ, lạ lẫm. Lũ trẻ con đang bu quanh chiếc công nông chở cát kêu phành phạch, xịt khói đen ngòm cũng tản cả ra, đứng lại nhìn chúng tôi lạ lẫm. Có lẽ chúng vẫn chờ đợi chuyến xe khách trở về từ Hà Nội vào mỗi buổi chiều như chờ đợi một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi và bình dị.
Tôi xốc xốc lại chiếc ba lô cũ sờn đã sứt chỉ vài chỗ cho chắc chắn. Hành trang sinh viên chỉ có vậy, mấy bộ quần áo và mấy quyển sách. Tôi gật đầu chào cô bé sinh viên ngồi cùng ghế. Cô gái nhanh nhảu:
- Nhà em ở cạnh bến xe này. Anh vào nhà em nghỉ một lát đã rồi hãy về.
Rồi như thân quen, không cần đợi tôi đồng ý, cô nhặt giúp tôi một số đồ lặt vặt rồi cứ thế mang đi.
Ngôi nhà khiêm nhường nằm nép mình vào một giàn hoa giấy đang nở những chùm hoa đỏ rực và rắc đầy trên lối đi nhỏ của vùng thị trấn nghèo nàn. Một người đàn ông trung niên đang cặm cụi tưới nước cho mấy chậu cây cảnh, thấy chúng tôi bước vào sân liền ngẩng đầu lên nhìn ra. Ông bất chợt khựng người lại, rồi kêu lên thảng thốt:
- Duy! Có phải Duy đấy không cháu?
Rồi ông chạy lại bên tôi đập tay rất mạnh vào lưng tôi. Sau thoáng ngỡ ngàng, tôi reo lên:
- Bác Tư! Nhà bác ở đây ạ?
- Ừ. Thằng quỷ. Mày lớn nhanh quá. Càng lớn càng giống bố. Mà mày hẹn ra bác chơi mấy lần rồi, suốt bao nhiêu năm nay có thấy mặt mũi mày đâu. Sắp ra trường chưa hả cháu?
Không cho tôi kịp thở, bác hỏi dồn dập như thể không hỏi bây giờ thì sẽ chẳng còn dịp nào để mà hỏi tôi được nữa. Có lẽ cũng đến ba, bốn năm rồi, từ ngày đi học trên Hà Nội là tôi không có dịp gặp bác. Bác và bố tôi vừa là đồng đội chiến đấu ngày xưa, vừa là bạn thân với nhau từ thuở nối khố.
Cô sinh viên nãy giờ tròn xoe mắt ngạc nhiên hết nhìn bác Tư lại quay sang nhìn tôi đầy vẻ tò mò. Cô lẩm bẩm một mình như vừa khám phá ra một điều gì đó rồi quay đi chỗ khác cười tủm tỉm một mình.
Tôi ngồi với hai cha con bác Tư chừng hơn nửa tiếng rồi xin phép ra về.Không giữ được tôi ở lại ăn cơm, bác đưa cho tôi một ít trái cây và một bịch lá vối khá nặng. Lá vối của bác cho vẫn được mẹ tôi thường xuyên hãm trong ấm để tiếp khách và cho cả nhà uống. Đó là thứ lá vối mà khi hãm nước, nước có vị ngọt ai cũng thích uống. Cô sinh viên con gái bác Tư tên là Lan cứ nằng nặc đòi chở tôi về bằng xe máy nhưng mặc cả đi mặc cả lại là chỉ chở tới đầu làng thôi chứ không vào nhà tôi đâu. Tôi bảo cô cho xuống giữa đường, đầu đoạn đê rẽ về làng. Khi chia tay, Lan còn dặn đi dặn lại tôi là mai lên trường nhớ qua nhà rủ cô cùng đi nữa.
Tôi thả bộ về làng, dọc trên con mương bắt đầu vào mùa khô chỉ còn xăm xắp nước. Hoa cỏ may phất phơ giắt đầy vào gấu quần. Cánh đồng vừa được đổ ải, nước trắng mênh mông, lô nhô những tảng đất cứng đang nô giỡn trên đầu sóng. Lại sắp đến mùa cấy rồi. Mọi người lại sắp ùn ùn chở phân chuồng ra đồng. Bố lại sắp phải dậy sớm tinh mơ khi sương muối còn lạnh buốt, một mình nhổ đầy một gánh mạ cho kịp trời sáng để mẹ làm xong công việc ở nhà, gánh ra đồng cấy. Mấy năm trước khi tôi còn ở nhà, hai bố con vừa nhổ mạ, vừa chuyện trò vui vẻ, nhổ lại nhanh hơn. Tôi nhổ mạ tuy chậm nhưng cẩn thận nên mẹ cấy rất thích. Thỉnh thoảng bà lại bảo với bố tôi: "Ông cố gắng sắp mạ cho đều chứ gãy nhiều, rối mạ khó cấy lắm. Nhổ như thằng Duy cấy mới thích". Những lúc như thế, bố tôi lại đùa:
- Bà thì cấy vào loại nhanh nhất làng, nếu nhổ mạ như thằng Duy thì phải mượn thêm mười người nữa cùng nhổ mới đủ cho bà cấy.
Năm nay nhổ mạ một mình, chẳng biết bố có xoay mạ kịp cho mẹ cấy không? Bác Tư bảo dạo này dở trời, vết thương cũ vẫn thường xuyên hành hạ bố. Có khi mẹ lại phải đi nhổ sớm, đứa em tôi không được ngủ no mắt chắc là vừa nấu cám cho lợn vừa ngủ gà ngủ gật. Mà có khi lúc giặt quần áo, nó lại ngủ gục ngay bên bể nước cũng nên. Đến lớp học chắc lại gục mặt lên bàn ngủ. Tội nó, mới học lớp 9 mà mặt đã đanh lại, da đen sạm đi, tóc vàng hoe khét nắng. Nhưng tôi đi vắng, may còn có nó ở nhà đỡ đần bố mẹ chứ nếu không thì mẹ lại chẳng có thời gian mà thở vì công việc lúc nào cũng bận lụt đầu. ở quê, lúc nào cũng nhiều việc nên chẳng mấy khi nó được đi chơi.
Tôi lội tắt qua thửa ruộng nhà mình để lên chân đê. Lâu lắm rồi tôi không được lội nước như thế này, không được vầy bùn như những ngày đi tát cá, đơm đó xưa kia. Lạnh quá. Nước buốt làm tôi rùng cả mình. Tôi vẩn vơ nghĩ đến những ngày ở kí túc xá. Trời rét, thò cổ ra khỏi chăn đã thấy ngại nhưng ngại nhất vẫn là lấy nước đánh răng rửa mặt vào mỗi buổi sáng, đứa nào cũng xuýt xoa. Sao mà lạnh thế không biết! Nhưng cái lạnh đó đã thấm gì so với cái lạnh buốt của sương muối ở quê khi phải ngâm chân dưới bùn cấy lúa trong mùa đông lạnh giá.
Quê nội bao giờ cũng ấm áp và bình yên. Lúc nào về quê tôi cũng tìm thấy được những khoảnh khắc mà tôi được sống thanh thản và êm đềm giữa khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng chứ không phải trong những ngôi nhà cao tầng ngột ngạt, bức bối bên cạnh những đường phố ồn ào xe cộ, ô nhiễm môi trường nơi phố xá. Vài chú cào cào thơ thẩn đậu ven đường, thỉnh thoảng búng chân tanh tách. Mấy con trâu vẫn hiền lành, cần mẫn gặm những đám cỏ chỉ còn trơ vài chiếc cuống cứng nhắc. Chưa có mưa phùn nên cỏ chưa mọc kịp. Cái Bống, cái Na chắc lại phải lội qua máng sang bên cánh đồng Phù Lão cắt cỏ về nuôi trâu đang đẻ. Nhà tôi nuôi chung trâu với nhà chúng nó. Lứa này, trâu đẻ thêm một con nữa là ba con, chắc là sẽ tách ra cho mỗi nhà một con chứ không chung nhau nữa. Nhà tôi không có ai đi chăn, có lẽ mẹ sẽ bán cho nhà ông Thiết lái trâu ở đầu làng. Như thế cũng được, sẽ đỡ vất vả hơn cho em gái tôi.
Cái Hiền ở xóm Đồng đang vừa chăn trâu, vừa ngồi học bài ở trên đê. Năm nay nó thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học nên sẽ rất vất vả. Cả làng tôi, con gái có mỗi mình nó theo học cấp ba, còn hầu hết đều bỏ học từ năm lớp 9, bây giờ đã lấy chồng, có con hết cả. Nó mà vào được đại học thì cả làng sẽ có cử nhân nữ đầu tiên. Phải đứng một lúc lâu, nó mới nhận ra sự có mặt của tôi, liền reo lên:
- A! Thầy Duy về! May quá. Có mấy chỗ khó hiểu quá, em cứ chờ thầy về để hỏi mà lâu quá thầy không về.
Rồi chưa kịp để cho tôi nói gì, Hiền đã liến thoắng kể cho tôi nghe chuyện ở lớp, chuyện bạn bè rủ nhau đăng kí thi vào những trường đại học nào và cả chuyện nó có mấy người bạn trai tối nào cũng đến chơi làm nó không thể học bài được. Nó chợt quay sang tôi, nó rất vô tư:
- Những lúc ấy em chỉ mong có thầy ngồi bên cạnh để bọn nó ngại đừng đến nữa.
Tôi ngồi phệt xuống cạnh nó làm nó nhăn mũi lại:
- Í, thầy không sợ bẩn quần à?
Tôi cốc nhẹ lên đầu cô bé:
- Học trò không được chê thầy.
Hiền quay đi, mặt đỏ ửng lên.
Hiền ít hơn tôi bốn tuổi, nhà ở xóm bên cạnh xóm tôi. Ngày tôi còn ở nhà và cả những lần tôi ở Hà Nội về, các buổi tối Hiền thường sang nhờ tôi giảng bài và giúp làm những bài tập khó. Chẳng hiểu từ lúc nào Hiền đã gọi tôi là "thầy". Nó học văn rất khá, giàu cảm xúc và ấp ủ ước mơ vào đại học Sư phạm như tôi để được làm cô giáo.
- Dạo này thầy gầy quá. Thầy vẫn đi làm thêm phải không? Hiền lo lắng hỏi làm tôi chợt giật mình.
- Ừ, vì thời gian rảnh rỗi nhiều quá, chẳng lẽ lại ngủ vùi suốt ngày?
- Học đại học chắc là nhàn lắm à thầy?
- Ừ, nhàn vì không phải làm nhiều việc như ở nhà.
Nó chợt trầm hẳn xuống, mắt nhìn về hướng xa xăm. Cái dáng vẻ "bà cụ non" không hợp với nó lắm, nhưng ở quê đứa nào mà chẳng thế, nhất là những đứa còn đi học. Không có việc làm, lấy đâu ra tiền để học. Cũng may, các trường sư phạm bây giờ không thu học phí nhưng nhà nó sẽ mất một người làm. Nó thở dài khẽ khẽ. Tôi chợt thấy tiếc cho tuổi thơ của những đứa trẻ miền quê qua đi sớm quá. Lũ trẻ đứa nào cũng lớn trước tuổi, người cũng sắt lại khi chưa cảm nhận được hết những hương vị ngọt ngào của tuổi thơ.
Chia tay cô bé học trò nghịch ngợm và thông minh, tôi lững thững về nhà. Ngang qua mấy thửa mạ, tôi bỗng thấy nhớ những ngày nhổ mạ, mọi người tập trung ở đây rất đông vui, chuyện trò rôm rả. Tôi thường bị lá mạ cứa đứt tay, chảy máu. Những lúc ấy bố lại lấy thuốc lào rịt vào chỗ đau của tôi cho cầm máu.
Mạ đã lên được bốn, năm lá rồi. Lá mạ xanh non trông thật thích mắt. Mẹ gánh tro bếp ra để té chân ruộng đủ ấm cho mạ trong mấy ngày sương muối. Thấy tôi về, mấy người trong làng đi làm đồng gọi với ra chỗ mẹ:
- Nhà bà Liên lại có thêm thợ mạ, thợ cấy rồi.
Mấy đứa bạn gái trong làng học cùng với tôi ngày xưa, bây giờ đã lấy chồng, có con, gặp tôi chào lí nhí. Vất vả làm cho chúng già đi nhanh quá. Tôi tranh gánh tro của mẹ để xuống té dưới ruộng nhưng mẹ không cho. Mẹ bảo:
- Vừa mới về, cứ nghỉ ngơi cho khoẻ con ạ.
Rồi mẹ cởi khăn của mẹ, quàng vào cổ cho tôi:
- Chiều tối, trời lạnh mà ăn mặc phong phanh như thế này, ốm thì khổ.
Mẹ tất tả gánh tro xuống ruộng mạ, dáng mẹ xiêu vẹo trong bóng hoàng hôn đang về. Tôi đứng trên bờ đợi mẹ. Mấy người đi làm đồng về hỏi chuyện vui vẻ làm tôi tan đi cảm giác ngượng ngùng. Người nhà quê vẫn thế, họ đôn hậu và mộc mạc nhất trần đời.
Chiều buông chầm chậm xuống làng quê. Tôi như trút bỏ được những suy tư, tính toán ở trên trường để hoà mình vào với những điều thân thuộc. Lũ trẻ chăn trâu đang giong trâu về. Chúng chào tôi thật ngoan. Luỹ tre bên đường kẽo kẹt trong gió chiều. Trong thôn, tiếng gọi gà văng vẳng. Khói bếp đã chờn vờn trong hơi sương cay cay, ẩm ướt. Một buổi tối bình yên, ấm áp đang về.
12/1996
Hoàng Trọng Muôn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Em thắp lại ánh ban mai trên phím dương cầm

Em thắp lại ánh ban mai trên phím dương cầm! Em chưa định dạng đám mây bay qua?// Từ phía cánh đồng hay thảo nguyên xanh biếc/ Nghe trên v...