Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

Bài viết của Trần Huy Thuận

Bài viết của Trần Huy Thuận

Cái… danh!
“Danh” là tên (một người, một nhóm người,…); là danh hiệu hoặc chức tước của một ai đó. “Tên” mỗi người đều do cha mẹ hay ông bà chú bác đặt cho. Có “tên khai sinh”, “tên thường gọi”, “bí danh”, thậm chí khi chết rồi, còn được đặt cả “tên cúng cơm” nữa (để đề phòng “cô hồn” ăn tranh!).
“Tên khai sinh” và “tên thường gọi” thì ai cũng có và nhiều khi hai cái tên này là một. “Bí danh” thì chỉ các người làm chính trị thời bí mật mới có, người thường không ai đặt. Gần đây, mấy “xếp” có máu cặp bồ, muốn tránh bị vợ con phát hiện, cũng đặt bí danh cho “bồ nhí” của mình - Mấy phu nhân thấy chồng gọi điện thoại “báo cáo thủ trưởng…” hoặc “kính thưa đồng chí…”, cứ tưởng các xếp đang bàn chuyện công tác, hóa ra toàn “thủ-trưởng-bồ”, “đồng- chí-bẹo” cả!
“Danh hiệu” của giới trí thức (như giáo sư, tiến sĩ,…) thì do sự học mà có – “Học thật” là chính, nhưng “học giả” cũng không hiếm. “Học giả bằng giả” đã đáng lo, nhưng không lo bằng “Học giả mà bằng vẫn thật” (nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có lần thốt lên: “Nạn bằng giả không sợ bằng nạn bằng thật”)! Danh hiệu của giới doanh nhân (như “Sao vàng đất Việt”…), của các nghệ sĩ, các nhà giáo và thày thuốc (như “nghệ sĩ ưu tú”, “nhà giáo nhân dân”, “thấy thuốc nhân dân”…) là do nỗ lực phấn đấu trong công việc mà thành. Mà ai đó “ngại” phấn đấu “mất thời giờ”, thì cứ bỏ tiền ra mà mua. Tiền “đồng” không đủ mua, thì kiếm “đô la” mà mua. Cái “danh” thường phải đi liền với cái “giá”, “danh” nào, “giá” ấy – thế nên người đời mới thường nói “danh giá” chứ! Không tin ư? - Thiên hạ chả đã “mua” đầy ra cả rồi đấy sao. Ai đó nói “không biết”, thì chả hóa ra ngây thơ quá!
Người làm “nghề cầm bút”, cũng thường tự đặt cho mình một cái danh, gọi là “bút danh”. Bút danh thường thể hiện ý nguyện, tư tưởng (như Thợ Rèn, Sóng Hồng,…), hoặc một lối “chơi chữ” (Tú Mỡ, Muỗi Sài-gòn…), nhưng nhiều khi chỉ đơn thuần là một cái tên. Thời trẻ, mới tập tọng viết, tôi cũng có một bút danh. Thấy mấy tác giả nổi tiếng thời trước hay dùng cách “trẹo” tên kiểu “Thứ Lễ” thành “Thế Lữ”, “Khánh Giư” thành “Khái Hưng”,.. tôi cũng bắt chước, đặt là “Hân Thụy”. Hy vọng mình sẽ nổi tiếng trên văn đàn như các vị tiền bối kia! Bài thơ đầu tiên gửi đi, được Báo Tiền Phong đăng – đó là vào khoảng năm 1956, 1957 gì đó, khi ấy tôi gần bước sang tuổi hai mươi - lâu ngày quá, cũng không nhớ thật chính xác. Người biên tập có tên Mai Khang, viết thư động viên, mở đầu bằng câu: “Xem tên, không biết tác giả là nam hay nữ? Thôi cứ tạm gọi là anh, nếu có gì không phải, mong “anh” thông cảm”. Sướng điên lên! Một lúc có được hai cái sướng, một là có thơ đăng báo, hai là có thư của Tòa soạn khen ngợi động viên. Trường hợp như thế mà không sướng điện lên, có là người rừng, là gỗ đá! Không chỉ sướng mà còn hí hửng lắm: Phen này thành nhà thơ là cái chắc – mới gửi đi bài đầu tiên, đã được đăng mà lị!
Nhưng, rất tiếc, bài thơ được đăng báo đầu tiên, cũng là bài thơ đăng báo cuối cùng của tác giả… Hân Thụy! Sau này được tiếp xúc, va chạm nhiều với các đồng nghiệp, mới thấy, con đường thành danh của một kẻ làm văn chương cũng lắm nỗi truân chuyên. Thành danh trước hết phải do tài năng thực thụ, nhưng cũng không hoàn toàn thế, hoặc chỉ có thế. Chưa nói chuyện to tát, chỉ nói khi viết được một bài muốn được đăng báo, phải có cách, trừ phi đó là một tác phẩm thật sự xuất sắc hoặc tác giả vốn đã là một người nổi tiếng! Thì ra, các cụ nói rồi, “Viết – lách!” Viết mà không biết “lách”, thì muôn thuở cũng chả ai in. “Lách” có nhiều cách, cách thân quen, cách quà cáp tiền nong; lại có cả cách dùng “vốn tự có” của tác giả nữa cơ! Mặc dù từ rất xa xưa người ta đã khuyên nhủ: “Lập thân tối hạ thị văn chương” rồi đấy! Cái nghề tối hạ mà còn thế, vậy nghề thượng đẳng sẽ ra sao?!. Câu hỏi này thì đến giờ, ai cũng tự trả lời được.
“ Đừng thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào!”. Việc bắt chước các nhà văn tên tuổi trong việc dặt bút danh của tôi thế là thất bại thảm hại! Sau này, khi tham gia Hội Văn nghệ địa phương, được anh em hội viên lớp trước giảng cho: cái bút danh là thứ quan trọng lắm, đặt không khéo, nó ám vào số phận viết của mình ngay. Đấy, như bút danh Hân Thụy của cậu, đọc trại lại, thành “Thuy Hận”, nghe nó “hận” đời thế nào ấy. Làm sao mà thành danh cho được, thậm chí không khéo còn “thân bại danh liệt” ấy nữa chứ!.. Được phân tích như vậy, tuy trong lòng cho là mê tín dị đoan, nhưng cũng sợ … nên tôi quyết định từ bỏ cái bút danh “hận” thù ấy. Vậy đổi là gì cho dễ thành danh? Nghĩ mãi, sau chợt nhớ đến câu của người xưa: “Không thành danh cũng thành nhân”, tôi liền chọn đặt bút hiệu của mình là “Mai Thành Nhân”, tức là quyết tâm, mai kia nếu không thành Danh, cũng sẽ thành Nhân!
Bây giờ già rồi ngẫm lại, “thành Danh” khó thật, nhưng “thành Người” còn khó khăn hơn gấp vạn lần. Khối kẻ danh tiếng cũng không phải loại vừa, vậy mà đời có coi ra gì đâu? (Thời nay có khi thành “chuột”, thành “sâu mọt” lại dễ. Tại sao ư? Xin thưa: Tại phiên khai mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, ngày 21/11/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói “Ở Việt Nam, không muốn tham nhũng vẫn phải động lòng tham”! Một tháng sau, tại cuộc “họp giao ban quận huyện” sáng 25/12/2009, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lại nói: "Cơ chế có những sơ hở khiến nhiều người giàu bất thường, họ có quyền lực nên người khác cứ đưa hối lộ cho dù họ không đòi" – Vậy rõ ràng với bối cảnh như thế, làm “quan thanh liêm” khó hơn làm “quan tham” là gì? Mà xưa nay, bọn quan tham vẫn được dân ta gọi là “chuột”, là “sâu mọt” đấy thôi!).
Cũng xin nói thêm, có một học giả giải thích: Trong câu “Không thành danh cũng thành nhân”, “Nhân không phải là...người (), mà là nhân đức ” (). Nếu như vậy, “thành nhân” càng trở nên không đơn giản chút nào!).
Chữ DANH ở đời – trừ cái tên bố mẹ đặt cho, ngẫm đều là những thứ “bả” làm mê hoặc loài người, hết thế hệ này sang thế hệ khác. Đến như Nguyễn Công Trứ cũng còn nói: “Đã sinh ra ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông!”. Nói chung người ta đều ham hố và chết vì Danh và Lợi (mà hai thứ này lại thường câu kết rất chặt với nhau – có danh ắt có lợi, muốn có lợi phải có danh!). Nhưng ở đời cũng công bằng lắm, có “thực danh” và có cả “hư danh”, danh “hão”! Thực danh thì được người đời trân trọng, khắc vào đá, khắc vào tâm – vì đó là “danh thơm”. Hư danh thì sớm muộn cũng về chốn hư không. Cũng cần ghi nhớ rằng, chữ danh thường gắn với chữ “phận”. Người có danh cũng không nên lấy thế mà “lên mặt”, coi thiên hạ như cái rơm cái rác. Kẻ không thành danh cũng không vì thế mà bận tâm, nản chí.
Những điều nói trên thật là đơn giản, Vậy mà hầu như chỉ đến khi gần “kề miệng lỗ”, chuẩn bị sang “thế giới bên kia”, có người mới chợt nhận ra đó là chân lý!
ĐỨT DÂY THẦN KINH... NGƯỢNG!
"Xấu hổ" là hành vi nhận ra lỗi lầm trong hành xử của mình. Có thứ xấu hổ hiện ra nét mặt như ngượng ngùng, thẹn thùng, như đỏ mặt tía tai! Nhưng cũng có thứ xấu hổ được giấu kín tròng lòng, bề ngoài có vẻ như không, nhưng trong lòng thì xấu hổ lắm! Con trai, con gái đến tuổi trưởng thành, khi gặp nhau, nhiều lúc cũng biểu lộ sự thẹn thùng, e lệ. Thái độ ấy thật đáng yêu, tuy cũng được định danh là xấu hổ, nhưng hoàn toàn không ẩn chứa một ý nghĩ xấu xa nào. Điều này cũng giống như một loại cây có tên là "cây xấu hổ", bản thân cây đó chả làm điều gì xấu, nhưng hễ có bàn tay ai chạm nhẹ vào, lập tức lá của cây đó e ấp khép lại ngay!
Có kẻ làm điều quấy, gây phương hại cho người khác mà không biết. Đến khi nhận biết được cái sai trái của việc mình làm, thì tự bản thân rất lấy làm xấu hổ. Trái lại, có kẻ thấy được trước những sự tác hại của việc mình làm, nhưng vì một sức ép nào đó, lý do khách quan nào đó, khiến anh ta tuy rất xấu hổ mà vẫn phải làm... Cả hai trường hợp này, lương tâm của họ đều bị dằn vặt, cắn rứt, ăn không thấy ngon, ngủ không được yên.
Khi một ai đó còn biết xấu hổ, thì hiển nhiên người đó còn lòng "tự trọng", bởi vì còn biết ngượng, biết thẹn! Người như thế, sớm muộn rồi cũng thay đổi, sẽ biến cải tư cách để không bao giờ còn phải xấu hổ đối với việc làm của mình. Là Dân, người đó sẽ là Dân Lành - là người lương thiện. Là Quan, người đó sẽ là Quan Thanh liêm!
Có kẻ làm điều xấu, thậm chí điều thất đức, điều ác, mà mặt cứ lạnh tanh, lòng cứ lạnh tanh. Vô cảm, không biết xấu hổ là gì. Dân gian nói họ bị đứt dây thần kinh... ngượng! Kẻ đó mới thật đáng sợ. Là Dân, kẻ đó sẽ là kẻ ác - là kẻ bất lương. Là Quan, kẻ đó đích thị là quan tham - Quan "hành dân là chính"!
Người biết xấu hổ thì không cần ai "động đến", không cần bị bắt quả tang hành vi sai quấy của mình, vẫn tự thấy xấu hổ - Xấu hổ từ tận đáy lòng.
Kẻ đã "đứt dây thần kinh ngượng", thì một khi chưa có chứng cứ quả tang, kẻ đó còn cãi, còn chổi bây bẩy. Thậm chí còn lớn tiếng đe doạ, đàn áp ý kiến phê phán của người khác! Và thậm chí ngay cả khi đã có khá đủ bằng chứng về tội lỗi của mình, anh ta vẫn cãi ngang: "Đó là bởi nguyên nhân khách quan dẫn đến, chứ thực không có ý ấy!".
Người biết xấu hổ thường rất sợ dư luận; ngại xuất hiện giữa đám đông (ngay những cô gái "bán hoa", những tên trôm cắp, trước máy quay của công an, báo chí, nhiều khi cũng còn biết che mặt đi). Ngược lại, kẻ "đứt dây thần kinh ngượng" lại sẵn sàng "ngồi xổm lên dư luận" - mặt lúc nào cũng vênh vang, đắc chí. Chiềng mặt ra ở khắp nơi khắp chốn, tịnh như chẳng hề có điều gì ảnh hưởng đến anh ta cả. Dân chúng mỗi lần trông thấy hình ảnh những kẻ như thế trên ti-vi, thường bảo nhau: Cái "đồ mặt thớt" nó lại xuất hiện kia kìa! Khổ nỗi, ti - vi là cái máy hoạt động có một chiều, người xem nghe được tiếng người nói; người nói không nghe được tiếng người xem. Chứ không, chắc nhiều kẻ chả dám chiềng cái mặt dầy trên đó nhiều như thế?!.
Xã hội ta có nhiều QUAN THANH LIÊM. Vâng! Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, cũng không ít ĐẦY TỚ MẶT THỚT như thế! Phải chăng, chính vì lẽ đó, mà cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta chậm tiến triển?
Xin kêu gọi các nhà y - học tài danh: với lòng yêu nước thương nòi sẵn có trong huyết quản của mỗi người, các vị hãy nhanh chóng nghiên cứu để nối càng sớm càng tốt những sợi dây thần kinh ngượng của ai đó đang bị đứt.
TẠI SAO BẮT TRẺ QUỲ?
“Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”- đó là câu ca trong dân gian nói về quá trình phát triển tự nhiên của một đứa trẻ - buổi đầu đời của mỗi một con người. Trong quá trình ấy, không, tuyệt nhiên không có tư thế quỳ.
Ấy vậy mà khi lớn lên, chính con người lại bắt con người... quỳ! Không thuộc bài: quỳ! Không nghe lời người lớn: quỳ! Quỳ trên nền gạch thôi chưa đủ, còn bắt quỳ lên gai mít, quỳ giữa trời nắng chang chang![1] (Gần đây, cá biệt có cô giáo còn áp dụng cả biện pháp... bịt miệng trẻ bằng băng keo nữa! – Thật khủng khiếp, thật man rợ!). Trưởng thành, con người lại dạy nhau “kinh nghiệm sống”: muốn tồn tại, muốn tiến thân, phải biết... quỳ - không phải quỳ theo nghĩa đen, mà là quỳ theo nghĩa bóng! Người ta gọi những người có được những địa vị không bằng thực tài của chính họ như thế, là những người biết đi bằng đầu gối. Không chỉ đi, họ còn biết uốn gối nữa! (Động thái này, thì các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình cũng phải chào thua!).
Những người khảng khái, những người có tư chất – những người đích thực, thì trước bạo lực, thậm chí trước kẻ thù, cũng quyết không chùng gối! Nhà thơ Hữu Loan sinh thời đã từng viết: “Thế quỳ, thế đội, thế bò; gặp thời thế, thế mà chẳng thế!”. Trong trường hợp này, quỳ hay đội hay bò, đều là những hành vi giống nhau về mục tiêu, giống nhau về lối sống!
Trong các loài động vật, hình như chỉ có con voi, con trâu, con bò là phải quỳ trước khi đứng dậy - Chắc vì các con vật này to xác quá so với sức mang của đôi chân chúng? Con chó, tiếng thế, lại không có động tác ấy, ngay cả lúc chó đang nằm ngửa, khi đã đứng là đứng dậy liền!
Nhưng nói thế, hoàn toàn không có nghĩa cứ quỳ là xấu cả: phong tục nhiều nước, người ta có thói quen hơi khuỵu gối xuống một chút, khi gặp cấp trên, gặp người lớn tuổi. Đấy là một kiểu chào hỏi - một ứng xử hoàn toàn mang tính văn hóa! Trong lĩnh vực quân sự, có tư thế quỳ bắn - một trong những động tác bắn súng khi luyện tập, thi đấu thể thao cũng như trong chiến đấu. Quỳ bắn rõ ràng là một tư thế đẹp, dũng mãnh, tư thế của người anh hùng. Nhiều nước đã dựng tượng tư thế này của con người.
Thưa các nhà giáo dục! Vì tương lai tươi đẹp của thế hệ trẻ, xin các vị chỉ dạy cho trò của mình quỳ bắn trong những giờ luyện tập quân sự. Nhất quyết không bắt chúng quỳ - dù đó là quỳ theo nghĩa đen hay quỳ theo nghĩa bóng trong bất kì hoàn cảnh nào, với bất cứ lý do nào! Phải coi việc bắt học trò quỳ, cũng là một hành vi bạo hành giáo dục, bạo ngược con người!
Chú thích:
[1] Có một chuyện xảy ra từ thời học tiểu học, mà nay mỗi lần nhớ lại, chúng tôi – những ông lão đã ở tuổi thất thập, vẫn thấy xót xa: Một hôm, chẳng hiểu vì lý do gì, thầy giáo phạt bạn T quỳ ở bậc thềm trước cửa lớp. Hết giờ ra chơi, mọi người xếp hàng vào lớp, khi ngang qua chỗ T quỳ, không nhớ ai đầu têu, lần lượt mỗi đứa chúng tôi cốc lên đầu bạn ấy một cái. T phải chịu khoảng 50 cái cốc của bè bạn! Bây giờ T ở đâu? Còn sống hay đã chết? Không hiểu, những kỷ niệm đau đớn thời niên thiếu ấy, liệu có buông tha T trong suốt các chặng đường đời của bạn ấy? (Thư Trần Văn Thủy – tác giả phim tài liệu “Chuyện tử tế”).
VÕ… MỒM!
Tất cả các môn võ trên thế giới hầu như chỉ dùng đến tứ chi: tay hoặc chân hoặc đồng thời cả tay lẫn chân, từ võ Việt đến quyền Anh, từ tâykônđô đến võ Thiếu Lâm, từ giuđô đến vật cổ điển… Vậy mà trong cuộc sống vẫn tồn tại một môn võ khác, tuy không được tổ chức thi đấu tranh tài như các môn võ trên, nhưng lại là môn võ rất phổ biến, đó là võ mồm! Các môn võ khác, cũng có khi có võ sĩ không chỉ dùng tay chân, mà dùng kèm cả mồm, như trường hợp Mike Tyson đã từng cắn đứt tai Evander Holyfield, trong một trận đấu quyền Anh quốc tế! Nhưng đấy chỉ là trường hợp rất hy hữu, không thật sự phổ biến, nên chẳng ai gọi M. Tyson là vận động viên hay võ - sĩ - võ - mồm cả.
Võ mồm, hiểu một cách nôm na là dùng mồm để đánh đối thủ. Sẽ có người đặt câu hỏi: Đánh nhau bằng mồm, thì làm thế nào phân biệt thắng thua? Để trả lời câu hỏi này, tốt nhất là thử đi sâu tìm hiểu nội dung của môn võ mồm này.
Có nhiều loại võ mồm lắm, nhưng tựu trung người ta phân thành hai loại chính sau: Võ của kẻ yếu và võ của kẻ mạnh.
Kẻ yếu dùng võ mồm để mồm miệng đỡ chân tay; để nói dzậy mà không làm dzậy; để a dua theo kẻ khác hoặc để chơi trò nước đôi, hai mặt – kẻ nào thắng, cũng tưởng mình thuộc phe của họ! Thế là giữ được mình trọn vẹn. Cao thủ chưa?
Kẻ mạnh lại khác, họ rất biết vận dụng thời cơ để hạ gục đối thủ - không chỉ một hai đối thủ, mà có khi cả một loạt đối thủ tầm cỡ, đều bị nốc-ao trong chốc lát, bởi cái võ mồm kiểu này! Kẻ mạnh dùng võ mồm thường thông qua người khác, số đông: Dư luận. Thiên hạ bảo: Chết vì dư luận chính là thế, chính là do bị kẻ khác tiêu diệt bằng môn võ mồm!
Một vài kẻ chức quyền cũng có khi dùng võ mồm để lừa dư luận, tức là chỉ nói, nói rất hay, nói rất đao to búa lớn, nói cứ như thật, khiến dân chúng vô cùng kì vọng và tụng ca. Nhưng bên trong, lại ngầm chỉ đạo bộ hạ làm khác. Bởi ngài trót nhận phong bao của cái kẻ mà ngài… đang đánh nó bằng môn võ bí truyền của ngài - võ mồm!
Môn võ nào cũng cần có trọng tài để phân thắng thua. Võ mồm là một môn võ phổ biến, nên cũng không thể không có trọng tài. Vậy, trọng tài võ mồm là người như thế nào? Xin thưa, đó là nhân dân. Kẻ chiến thắng bằng võ mồm, tưởng rằng bịp được tất cả, nhưng cuối cùng chưa bao giờ qua mắt được thiên hạ, trốn tránh được sự phán xét của nhân dân – người trọng tài công minh của mọi thời đại!
KÊ KHAI VÀ CÔNG KHAI
Báo “Thanh Tra online” (thanhtra.com.vn) 10-04-08, trong mục “Phòng, chống tham nhũng” có bài viết Hoàn thiện đề án kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn của Hạnh Nguyên, đã nhấn mạnh: “Kê khai tài sản - Giải pháp quan trọng về phòng ngừa tham nhũng”.
Vietnamnet, 24-11-2008, đưa tin:
Nhiều bức xúc của cử tri về... đã được nói với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sáng 24-11 tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.
Cử tri Phạm Đạt (phường Giảng Võ) cho rằng việc giám sát lời hứa của các bộ trưởng sau phiên chất vấn không chỉ là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội mà còn là nghĩa vụ của cử tri. Nhưng do không có thông tin nên cử tri khó giám sát. "Bộ trưởng hứa mà không thực hiện lời hứa thì sẽ dễ bị nhờn", ông Đạt lo ngại.
Cử tri này dẫn chứng, ngay như việc kê khai tài sản mà Thanh tra Chính phủ đang thực hiện với chủ trương công khai, minh bạch để chống tham nhũng, nhưng người dân cũng không được cung cấp thông tin, không biết gì để cùng giám sát.
Nhân đây, xin được lạm bàn đôi lời:
Làm sao mà cái việc “kê khai” và “công khai” tài sản công chức nhà nước ta lại cứ khó khăn đến thế?
Xưa các cụ dạy “Cây ngay không sợ chết đứng!”; thế thì vì lẽ gì, mà nhiều vị quan chức ta cứ né tránh mãi như vậy? Cái công việc kê khai và công khai ấy thực ra rất bình thường, rất đơn giản. Vì lẽ, nếu chỉ là một viên chức quèn thôi, thì việc thống kê tài sản của ông ta hết bao lăm thời gian, công sức? Kê rồi thì công khai toẹt ra trước mọi người, có gì mà phải ngại, bởi đó là tài sản chính đáng do công sức mình và gia đình mình làm ra? Người ở diện phải kê khai mà băn khoăn, đã đành; người có trách nhiệm thay mặt dân, đưa việc đó thành quy chế, luật lệ cũng ngại luôn, thì thật không sao lý giải nổi! Thế mà chúng ta cứ luôn được nghe: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”! Chúng ta còn thường xuyên nói rất hay: Dân làm chủ, cán bộ là nô bộc. Vậy mà ông chủ lại không được quyền hỏi xem, nô bộc của mình có những tài sản gì, là cớ làm sao?
Thực ra, bản thân từ “kê khai” đã bao hàm cả hai nội dung kê và khai rồi. Kê mà không công khai, là kiểm kê nội bộ – một công việc thường niên ở các cơ quan, doanh nghiệp; không công khai rộng rãi, nhưng vẫn phải báo cáo với cấp có thẩm quyền. Kê mà chỉ khai trong phạm vi hẹp, dễ trở thành... khai trong cánh hẩu với nhau! Cần phải khẳng định rằng, kê mà không khai, cũng chẳng khác gì khai mà không kê – nghĩa là đều vô nghĩa như nhau! Tách nội dung kê ra khỏi nội dung khai, chỉ là một trò chơi chữ. Chơi chữ cả với dân là điều không thể chấp nhận được!
Công khai là gốc của minh bạch. Đã không minh bạch thì đừng nói đến chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng. Minh thì hoàn toàn có thể bạch; không minh thì không chính; không chính tất mờ ám! Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã nói bên hành lang Quốc hội: “... đã công khai minh bạch thì không có chuyện gì có thể giấu diếm được mắt người dân” (Báo Thanh tra số 89, ngày 7-11-2006).
Như vậy, vấn đề cốt lõi của kê khai là phải giải đáp được cùng một lúc hai câu hỏi: “Kê khai để làm gì?” và “Kê khai với ai?”. Và câu trả lời đúng đắn nhất, chỉ có thể là: Kê khai phải nhằm vào mục tiêu ngăn chặn hành vi lợi dụng chức quyền tham nhũng của một bộ phận cán bộ có chức có quyền; và do vậy, việc kê khai phải đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Công khai rộng rãi mọi việc là cách tốt nhất để cơ quan công quyền gắn bó với dân.
Kê phải đi đôi với công khai, mới minh bạch, mới đúng đường lối của Đảng và mong mỏi của dân – Không thể hiểu khác!
MỜI ĐỌC THÊM:
Tuổi Trẻ Online - thứ năm, 5-2-09:
Ngày 3-2-2009, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 656-VPCP-KTNT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ phê bình các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập (Nghị định số 37-2007-NĐ-CP của Chính phủ). Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành việc kê khai phải thực hiện nghiêm túc công việc này.
Theo quy định, việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu phải hoàn thành trước ngày 31-12-2007. Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, đến ngày 20-12-2008 mới có 19 cơ quan ở trung ương và 10 địa phương báo cáo đã thực hiện xong.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ:Tham nhũng không giấu được dư luận đâu! (ngày 25-5-2005):
- Có một điều ở đây cần làm rõ: Ở ta có kê khai nhưng chưa công khai, thưa ông?
- Như thế đâu được. Kê khai như thế thì như chẳng kê khai. Tức là anh còn sợ. Anh làm cho tiêu cực có cách lẩn tránh…
BẦU BÁN
Không biết từ đâu, chữ bầu không ghép với chữ gì lại ghép với chữ bán, thành từ láy bầu bán? Chả nhẽ, cái sự ghép chữ cũng có số phận, giống như số phận cuộc đời mỗi con người chúng ta – bầu nhất định phải đi với bán!
Phải chăng vì lẽ đó mà đằng sau phần lớn các cuộc bầu cử (đương nhiên là không dám “vơ đũa cả nắm”!), đều có sự mua bán mà nói cho tế nhị, người ta gọi là “vận động hậu trường”, “vận động bên hành lang”? Vận động cũng có đôi ba đường, đường nghĩa, đường tình hoặc đường tiền. Nghĩa đi đôi với tình, tình không thể không có chút… tiền – tình mà không tiền thì suông tình quá! Quốc tế cũng thế mà Việt Nam ta càng rứa!
Bầu – bán! Một kiểu mua bán đặc biệt. Không phải hàng lậu, hàng giả mà vẫn chui lủi bán chứ không bán công khai! Người mua rõ ràng mua, mà vẫn nói được cấp trên và quần chúng tín nhiệm bầu vào! Cách rao bán cũng đặc biệt, lấy một ví dụ: “Kỳ này, sắp có cuộc bầu cử bổ sung. Cậu là một trong mấy đối tượng được chúng tôi quan tâm, hãy cố gắng lên để thể hiện mình nhé! Yên tâm, mình sẽ ủng hộ cậu!”.
Nhiều khi chúng ta tự đánh mất cái quyền lựa chọn của mình khi cầm lá phiếu bỏ cho cái kẻ mà người ta đã bán cái vị trí ấy cho anh ta từ trước đó rồi! Nghĩ mà thương cho những lá phiếu bầu cùng những hòm phiếu bầu (được in và trang hoàng rất đẹp, rất hoành tráng) như thế! Đáng tiếc rằng trong cái sự “đánh mất” ấy, có cả sự ngây thơ vô tình, lại cũng có cả sự hữu ý hữu tình nữa: biết nhưng không thể nào hoặc không dám làm khác! Không dám tức là sợ rồi, sợ trực tiếp hay sợ bóng sợ vía! Còn không thể lại là một dạng bất tín: ôi dào, bỏ thế nào thì kết quả vẫn thế, không tác dụng gì đâu!
Phường tôi vừa khuyết một chân phó chủ tịch, do người đảm nhiệm chức vụ đó được cấp trên cho đi đào tạo theo quy hoạch. Thảo nào từ gần một năm nay, không khí làm việc của cán bộ phường khác hẳn, nhất là mấy tay ủy viên ủy ban, những người ngấp nghé chức phó chủ tịch, đều trở nên vui vẻ, hòa nhã, vồn vã, cởi mở và năng động nữa! Ôi, vui quá! Ước gì cơ quan nào cũng có không khí làm việc như cơ quan phường tôi những thời điểm nhạy cảm như thế này nhỉ? Nhưng vui nhất cũng như bận rộn nhất vẫn là đồng chí bí thư và đồng chí chủ tịch. Hai vị này luôn phải về nhà muộn vì bận dự chiêu đãi; đã về muộn, lại tiếp tục còn phải tiếp khách thăm hỏi… đến tận khuya. Thế có “khổ thân” các đồng chí ấy và vợ con họ không cơ chứ!
Cuối cùng thì các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân phường tôi được triệu tập họp… bất thường (mà không bất ngờ, bởi thiên hạ biết tỏng cái nội dung cuộc họp này từ lâu rồi mà!). Rông dài cho đủ “thủ tục”, cho đúng ”luật”, cuộc họp bất thường này rồi cũng đến phần cuối cùng, phần quan trọng nhất (mà đâu còn nguyên ý nghĩa quan trọng?): bỏ phiếu bầu bổ sung chức danh phó chủ tịch phường (đúng ra là làm thủ tục bỏ phiếu bầu cho cái người đã hiển nhiên ngồi vào cái ghế phó chủ tịch phường, ngay sau cuộc họp bất thường này; điều mà không chỉ các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân mà bất cứ người dân nào quan tâm đều đã biết!). Một thủ tục không thể thiếu trước khi bầu, là vị bí thư đăng đàn “cho ý kiến quý báu”, để chỉ đạo hội nghị, giúp cho cuộc bầu cử đạt kết quả tốt nhất như dự kiến (chữ “dự kiến” này là nhạy cảm lắm đấy!):
- Kính thưa quý khách, kính thưa các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân… Để cuộc bầu cử hôm nay của chúng ta đạt kết quả mỹ mãn, dân chủ, đúng pháp luật, bầu được người có đủ đức đủ tài, có tín nhiệm với Đảng và với nhân dân. Tóm lại là phải chọn cho được một người vừa có tâm lại vừa có cả tầmđể đảm nhiệm công việc vô cùng hệ trọng này, Đảng yêu cầu mỗi vị đại biểu hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước những cử tri thân yêu đã tin tưởng bầu mình, ủy thác trọng trách cho mình… Lá phiếu của các vị đại biểu lúc này thật vô cùng giá trị. Lá phiếu chọn đúng người, thì sức mạnh lãnh đạo của Đảng được nâng lên, quyền tự do dân chủ của nhân dân được bảo đảm, bộ máy chính quyền phường ta có thêm sức mạnh. Vậy nên, trước khi cầm bút gạch tên ai, để tên ai, mong mỗi vị đại biểu hãy đắn đo cân nhắc cho thật thấu tình đạt lý. Tôi, với cương vị bí thư, với trách nhiệm lãnh đạo chỉ có mấy yêu cầu như vậy. Quyền bầu bán ai là hoàn toàn thuộc các vị đại biểu, quyền đó đã được luật pháp quy định, không ai được phép can thiệp – tôi xin trịnh trọng tuyên bố công khai như vậy!
Vâng, rất công khai! Rất minh bạch! Rất đúng trình tự, bài bản theo pháp luật! Và cuộc bầu cử kết thúc! Kết thúc trước sự dửng dưng của dư luận, nhưng lại hả hê với người thắng cuộc” cũng như người đứng phía sau cánh gà của cái sân khấu bầu – bán này!
Nếu có thể ước mà điều ước ấy sẽ trở thành hiện thực, thì dân chúng tôi chỉ xin ước rằng: “Đã bầu thì cấm bán; đã bán thì đừng bầy trò bầu (có một thực tế thế này: Tuyên bố thẳng thừng chỉ có bán, không bầu, thì các kẹo cũng không ông nào dám, nhưng thế lực ngầm thì vẫn ngang nhiên làm đấy!). Bầu mà vẫn bán, hay bán mà vẫn bầu đều thất nhân tâm, đều trái với quan điểm lãnh đạo của Đảng, đều vi phạm pháp luật – Đều là dối trên lừa dưới!”.
CHUYỆN VĂN CHUYỆN ĐỜI
Thành phố được lên “hạng”, một số đường phố lâu nay chưa có tên, nay được đặt tên. Trong dịp này, tên nhà văn CV cũng được đặt cho một đường phố. Chuyện này đáng ra không lấy làm lạ, bởi ông là một nhà văn nổi tiếng “cấp Quốc gia” (như cách nói của Đặng Hồng Nam, một nhà văn “trẻ” sống ở Thành phố này). Nhưng vẫn là “chuyện lạ”, bởi khi ông còn sống, còn viết, thì “một số người” không ưa ông. Họ nói ông kiêu ngạo, có chút “tên tuổi” đã tỏ vẻ coi thường vai trò lãnh đạo của họ…Thì xưa nay con ngựa hay bao giờ chả là con ngựa “bất kham”? Ông đã bị họ “hạ bệ” bằng một “chiến dịch” có bài bản, rất “lo-gic” và…rất “dân chủ”, bằng cách bật đèn xanh cho một số kẻ bất tài, bất mãn, bất… đức, đặt điều phê phán, chửi bới ông, thông qua diễn đàn một “Đại hội”! Họ còn phao tin ông là người “ngoại tỉnh”, nên không gắn bó lắm với việc đào tạo thế hệ người làm văn nghệ của địa phương. Cái đòn này như “gãi đúng chỗ ngứa”, vì con người ta vốn… thừa tính “cục bộ địa phương” mà! Oái oăm là sau khi đã tổ chức thành công “Đại hôi Hạ bệ”, thì người ta liền tiến hành ngay lễ trao tặng huân chương cho nhà văn, cùng một lúc với lễ “chào mừng Đại hội thành công tốt đẹp” – Tuyên dương và hạ bệ đã diễn ra trong cùng một thời điểm với cùng một con người. Ngẫm mà “ghê” cả người!
Ai cùng từng nghe hoặc từng nói; từng tự nhủ hay từng khuyên dạy kẻ khác, rằng: “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Ấy vậy, mà người đời vẫn cứ lao vào con đường “tối hạ” ấy, hết thế hệ này sang thế hệ khác. Nghiệp chướng chăng? Cũng có thể là nghiệp chướng thật. Bởi không ít kẻ đã “thân liệt, danh bại” về nó mà rồi vẫn cứ không thể nào “thoát’ ra được.
Nhưng không phải là không có nhiều người leo lên đến tột đỉnh vinh hoa nhờ cái công việc viết lách, trở thành những “QUAN VĂN”, thậm chí “VUA VĂN”! Vâng, VIẾT – LÁCH! Chữ nghĩa dân Việt Nam ta quả rất tài tình. Viết đi với Lách thì “Thánh” hết chỗ nói! Cái chữ “lách” này có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đấy. Và trong thực tế, khi “cần kíp” (trong giành giật vị trí), người ta không thèm “lách” và “luồn” – bởi làm như thế chậm lắm; mà phải “xông phứa lên”, mà “trèo lên đầu lên cổ” kẻ khác. Đó chính là sự cám dỗ từ cái bả vinh hoa của văn chương vậy! Cơ quan Hội văn nghệ tỉnh nọ liên tục “đánh” nhau suốt mấy chục năm trời, kể từ khi nhà văn CV bị bôi nhọ và phế truất - truy đến tận cội nguồn gốc rễ, cũng là xuất phát chính từ cái bả mà người ta cứ nói là “tối hạ” đó!
Vậy, Văn chương đâu có “tối hạ”? Nó có ánh hào quang của nó đấy chứ! Nó có cả xôi – thịt; có cả “hơi đồng”, thậm chí còn có cả nhà lầu xe hơi hẳn hoi nữa cơ. Thế thì việc người ta tranh nhau, hạ gục nhau, làm nhục nhau… có gì là lạ? Rõ ràng làm gì có kẻ ngu ngốc đến đận đi tranh giành cái thứ “tối hạ” của người khác? Nó là “nghiệp chướng” của người ta, lấy về mình để “chuốc họa” vào thân ưì?!.
Sau Đại hội ông C V có bảo với L H: “Chú muốn làm (ý nói chức Chủ tịch Hội) thì chú bảo anh, việc gì chú phải làm (ý nói những việc trong Đại hội) như vậy” (Xem chú thích 1).
Đúng ra thì đó là chuyện “CÁI GHẾ QUAN TRƯỜNG”, chứ không phải chuyên VĂN CHƯƠNG, nhưng khởi nguồn, chính là tại VĂN CHƯƠNG mà ra, tức là nếu Tỉnh nọ không có cái Hội Văn chương kia, thì làm gì có chuyện tranh chấp đó. Và khi đã vào cuộc tranh cướp ngôi thứ như vậy, cái gọi là “nghĩa xưa, tình cũ” cũng bị ném vào sọt rác. Vẫn theo bài báo vừa trích dẫn: Dưới thời ông C V làm Trưởng ty Văn hóa, L H làm diễn viên đoàn chèo, sau lên Trưởng đoàn. Hậu sinh khả úy là như thế đáy! Nhưng cái anh chàng “phản thày” đó chẳng qua cũng chỉ là một con rối. Kẻ “đứng sau giật dây”, kẻ “ném đá giấu tay”, kẻ “đốt nhà mượn tay người khác”, không hề lộ diện. Trường hợp này, bài học về “hiệu ứng đám đông” đã được chứng minh rõ rệt.
Và khi đã là chuyện “sôi thịt”, thì sau khi có được cái vị trí mà mình mơ ước, kẻ “chiến thắng” bao giờ cũng tranh thủ phát huy đến cao độ cái công việc “vơ vét” cho nhanh đầy túi tham. Chính điều đó, đã dần dần hình thành một lớp người chống đối mới, chống lại anh, chống lại kẻ mà trước đây họ đã “hồ hởi” tụng ca anh, bầu anh vào cái ghế quan trường đó. Đến lúc này, thì phải “phế bỏ” anh thôi. Và anh thì cũng nhận ra cái nguy cơ đen bạc đó. Thế thì, đang lúc quyền còn trong tay, anh phải nghĩ ra một cách nào để tự bảo vệ mình chứ? Sau vở kịch ĐẠI HỘI LẬT ĐỔ nói trên, người ta phải dựng vở khác. Đề tài vở mới này táo tợn hơn, đó là loại ngay đối thủ ra khỏi vòng bầu bán. Thế cho “chắc ăn”! Vậy là một “chiến dịch” săm soi, bới móc lý lịch được khẩn trương tiến hành. Rồi một cuộc họp bất thường của Ban chấp hành được triệu tập, tiếp đến là một quyết định khai trừ được biểu quyết thông qua. Đối thủ nặng kí thế là bị loại – mặc dù cái việc “phát hiện” lý lịch ấy “đúng” thật, nhưng cái “động cơ” thì chẳng “đắn” chút nào. Cuộc bầu bán sau đó, diễn ra suôn sẻ! Có người thốt lên: “Cái chức thủ lĩnh Văn chương” này cũng “xôi thịt” đến mức ấy ư (“Làm cái Chủ tịch Hội Văn nghệ (địa phương) thì ăn bàn ăn giải gì mà đánh nhau khiếp quá!” – Bài báo đã dẫn).
Và cái chức “TỐI HẠ” này, ở cơ quan Văn nghệ tỉnh nọ, cho đến nay, vẫn còn là miếng mồi của rất nhiều sự tranh chấp võ biền, ngoài văn hóa và không văn chương.
Nhưng dù sao thì tên nhà văn CV cũng đã được đặt cho một đường phố vốn “không tên”. Như vậy là, tuy chậm một chút, cuối cùng thì Văn chương đích thực cũng đã “thắng”. Giờ đây, những người “chống” ông thời đã kẻ còn, người mất. Người mất thì không nói làm gì, nhưng kẻ còn, liệu họ nghĩ gì nhỉ? Thôi, nghĩ gì cũng là quyền của họ; chỉ có linh hồn ông, hẳn là đang mỉm cười nơi chín suối!
CHÚ THÍCH 1:
Bài: "Cuộc chiến ở Hội Văn Nghệ Nam Định dưới mắt một hội viên". Tác giả Đặng Hồng Nam. Báo Tiền Phong chủ nhất. Số 28 ngày 9/7/2006.
ĂN... BẨN
Cái đường phố tôi ở, vốn xưa là một mom sông, nơi cư ngụ của bà con lao động nghèo, những người “buôn thúng bán bưng”, những gia đình “phu khuân vác”, những kiếp “thân cò lặn lội” ngày đêm… Từ ngày con đường lổn nhổn đất đá chạy song song bên hữu ngạn sông được Nhà nước nâng cấp, mở rộng; lại cho tôn cao và hiện đại hóa con đê trước mặt, thì khu mom sông này sầm uất hẳn. Nhà cao tầng mọc lên san sát, rất nhiều mẫu mã hiện đại.
Cùng với sự thay đổi về bộ mặt đường phố, là sự thay đổi dân cư.. Nhiều gia đình lao động “thâm căn cố đế” ngụ cư ở đây, nhưng vì không có tiền để “đô thị hóa” cái căn hộ của mình vốn lụp xụp chẳng khác gì “nhà chị Dậu”; đành bán đi, mua một nơi ở khác, rút ra ít tiền để nuôi dưỡng con cái ăn học cho “bằng anh bằng em”, hoặc để dưỡng già – âu cũng là một sự lưỡng tiện vậy. Người có của thì đổ nhau mua về đây, xây nên những căn nhà cao lộng lẫy, những khách sạn sang trọng chưa từng có. Lại có cả những gia đình cán bộ “có cỡ”, được “phân chia” đất công làm nhà ở cho bản thân hoặc cho con cháu, anh em. Sự di biến động dân cư (nói theo cách nói của mấy chú công an hộ tịch) ở đường phố này là khá lớn trong những năm gần đây – đương nhiên là theo hướng giảm dần các hộ nghèo khó. Giá nhà đất từ đó tăng lên vùn vụt đến chóng mặt! Nhưng thói đời lạ vậy: càng lên giá, thì người ta càng đua nhau mua, tranh nhau mua; để ở cũng có mà để kinh doanh cũng có. Bà con lao động chót bán nhà vào thời điểm còn rẻ, cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ, tiếc đến chảy máu mắt; còn những ông bà cô cậu chủ mới thì hớn ha hớn hở như những kẻ vớ được của người ta đánh rơi! Cuộc đời người ta hình như có số phận cả; cái sô đã nghèo thì tính toán mấy, nghèo vẫn lại hoàn nghèo, là thế.
Đường phố này đến nay, có đủ các thành phần cư ngụ: từ người mới phất lên nhờ cơ chế thị trường đổi mới; đến người lao động bình thường. Từ các vị quan chức đương chức, danh giá đầy mình; đến mấy cụ cán bộ thời bao cấp, sống bằng mấy đồng lương hưu còm cõi cộng với sự trợ cấp không thường xuyên của con cái. Nhà các quan chức đương chức thì lúc nào cũng kín cổng cao tường, chỉ mở ra vào các buổi tối có khách. Trái lại nhà các cụ về hưu, thì lúc nào cửa cũng mở. Có khách mở đã đành (những các cụ ít khách lắm; về hưu, nhất là lại về hưu lâu, thì còn tác dụng gì nữa, mà khách?); nhưng không khách, các cụ vẫn mở cửa, bê ghế ra ngồi hóng mát; nhìn người, xe nườm nượp chạy tới chạy lui, cho vui, cho bớt hưu quạnh! Nói thế thôi, chứ cũng có cụ, hưu rồi mà tâm đâu có được hưu. Không chuyện con cháu hư hỏng, nghiện ngập; thì cũng chuyện chạy vạy lo xin việc, xin học tốn kém đến tối cả mặt. Ấy là chưa kể, có vị, thưở còn “mũ cao áo dài” cũng danh giá khét tiếng, ấy vậy mà bây giờ luôn phải đóng cửa im ỉm suốt ngày đêm. Không giao tiếp với ai đã đành, nhưng cái chính là sợ mấy đứa xấu, nó cứ rình rập, hễ có điều kiện là ném những vật bẩn thỉu, những tờ rơi với đầy những lời lẽ chửi bới thô tuc, vào nhà! Thiên hạ bình luận: ông này ngày xưa “ăn” tợn lắm, ăn toàn đồ ngoại đắt tiền thôi, không vậy không thèm ăn. Bây giờ … khổ thế! Đúng là bị quả báo.
Trên đường phố, càng ngày càng có nhiều người sang trọng qua lại, bằng xe máy, bằng ô-tô riêng, ô-tô công,… Nhưng đôi lúc cũng có vài ba lão ăn mày, chìa cái bàn tay xương xẩu, bẩn thỉu ra xin ăn. Những người “ăn mày” này có nhiều lý do lắm: nào là bị con cháu bỏ rơi, không nơi nương tựa; nào là mắc căn bệnh nặng, không có tiền thuốc thang; nào là mất mùa, thất bát... Chuyện này cũng thường, vì xã hội ta vẫn còn trong thời kỳ xóa đói giảm nghèo, chứ chưa thực sự bước sang giai đoạn phát triển. Nhưng đặc biệt, gần đây, bỗng từ đâu xuất hiện ra một con điên, suốt ngày lang thang từ đầu phố xuống cuối phố; chuyên đi nhặt rác chỗ này, bỏ chỗ kia. Có lúc chị ta khệ nệ vác hàng ba bốn bao tải một lúc, tưởng trong đó có gì, hóa ra toàn rác là rác. Trông thật phản cảm!
Cái nhà con điên này có cái đặc biệt: không hề chìa tay ra xin ai bao giờ, dù chỉ là chút cơm thừa, canh cặn. Không một ai ở đường phố này trông thấy điều ấy. Thế mới lạ! Chả nhẽ điên mà còn biết … tự trọng hơn cả người thường ư?!. Không xin lại càng không ăn cắp (ăn cắp, dù ăn cắp của công hay của tư cũng phải có chút… minh mẫn, chút trí tuệ; chứ đã điên, tức đã mất trí thì còn ăn cắp làm sao?).
Không xin ăn, không ăn cắp, thì con điên này sống bằng gì? Hồi tôi mới về đây ở, thấy chị ta lê la nhạt ăn từ trong các túi ni-lông đựng rác mà người ta vứt ra cái rãnh trước nhà, đợi công nhân công ty môi trường đi thu gom; tôi có đem một cái bánh ra cho. Chị ta không ngửng lên, một tay vẫn bới rác, một tay hờ hững đưa lên cầm tấm bánh tôi trao. Cầm thôi, chứ chưa hào hững bóc ăn. Mấy bà hàng xóm thấy thế nói: hôm nay bà cho, chị ta còn chìa tay nhận đấy, chứ mọi khi, ai cho gì, cũng không thèm cầm đâu. Chỉ thích món ăn tìm được từ trong các túi rác thôi.. Trời! Trong túi rác thối rinh, còn lấy đâu ra chất gì bổ béo nữa mà ăn được nhỉ? Rõ cái thân làm khổ cái đời! Ăn toàn thứ bẩn như thế, ấy vậy mà con điên này chả hề bệnh tật gì cả, từ “tiêu chảy cấp” đến cúm A, cúm B gì gì đó; lại còn cứ ngày một béo quay ra! Lạ không thể hiểu nổi! Thấy tôi thắc mắc, có người giải thích: chị điên này đã ăn thua gì, ai từng sống ở thành phố Nam Định những năm đầu giặc Mỹ đánh phá, chắc đều biết một thằng điên, chuyên môn đi nhặt ròi ở cái nhà vệ sinh công cộng cạnh Chợ Rồng, để … ăn! Nghe ghê cả người, tởm không thể chịu nổi. Ấy vậy mà là chuyện hoàn toàn có thật, mới lạ chứ!
Người ta nói: ăn bẩn là đặc thù của những người mất trí. Thực tế quả có vậy, không quá đáng như cái nhà anh điên những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, thì cũng “khùng” như cái chị điên trên đường phố đang phát triển này.
Nhưng có người cãi lại: Người điên ăn như thế, là ăn bằng công sức mình kiếm tìm ra, chứ đâu có ăn mồ hôi của người khác, sao gọi là… ăn bẩn được? Câu “phản biện” này nghe có lý lắm! Nhưng chắc là người cãi muốn ám chỉ, muốn chửi đổng ai đó mà thôi. Chứ ăn như thế mà còn nói là không ăn bẩn, thì, xin lỗi, giỏi, cứ thử ăn xem?!.
Ăn bẩn hay không ăn bẩn, động đến đề tài này, có mà nói suốt năm, suốt đời. Có điều, chuyện cái nhà chị điên trên đường phố tôi đang ở đây, ăn uống như thế, mà chả hề ốm đau, chả hề suy dinh dưỡng, thì các nhà khoa học chân chính, xin các ngài hãy dành chút thời gian về đây nghiên cứu, xem có thể lý giải được không? Có khi đó lại là một đề tài nổi tiếng Thế giới, biết đâu. Tội gì mà cứ phải đi sao chép đề tài của đồng nghiệp, sinh kiện cáo lôi thôi, ảnh hưởng đến cả cái “đức thẳng ngay của kẻ sỹ”. Vị trí thức nào viết khéo, thậm chí dành giải Nô-ben, không chừng!
Thật đấy, không giám đùa đâu, cứ về đây làm thử một cái đề tài cấp gì gì đó xem sao.
NGANG!
Trong giới động vật, hình như CUA là con vật duy nhất không đi về phía trước mà chỉ chuyên đi… ngang! Người đời nói “ngang như cua” là vì lẽ ấy. Bây giờ thử tưởng tượng, con người chúng ta và các động vật khác cũng bắt chước cua, đi ngang, thì chắc là buồn cười lắm! Và vấn nạn mất an toàn giao thông hẳn sẽ xẩy ra nhiều chuyện khôn lường!
Vâng! Đấy mới chỉ là chuyện ĐI NGANG. Thế còn những chuyện NGANG khác thì sao?
Người ta nghịêm ra rằng, bất cứ cái gì … ngang đều xấu! Ví dụ: một người phát triển theo chiều ngang, lùn tịt, chân ngắn; dứt khoát xấu so với người phát triển theo chiều dọc, người cao, chân dài (Nếu người ấy lại là các cô gái, thì thế là đã chắc chắn đoạt được một trong các tiêu chuẩn Hoa Hậu đương thời rồi đấy!). Không nói toàn cơ thể bữa, chỉ xét riêng cái mặt thôi cũng vậy: Khuôn mặt đẹp phải là khuôn mặt Trái xoan (phát triển theo chiều dài); còn như Thị Nở, có cái mặt không tuân theo nguyên tắc đó, thì dứt khoát là người có bộ mặt xấu điển hình rồi!
Bỏ qua chuyện đẹp – xấu, bây giờ một người nào đó, vác cây tre đi đường, mà lại để cây tre nằm ngang trên vai, thì có mà gây tai nạn một… đống! Chỉ có Thằng Bờm trong phim “thằng Bờm” ngày xưa, mới vác như thế mà thôi!
Đến như chuyện chơi, thì thiên hạ cũng chả ai ưa những kẻ CHƠI NGANG cả!
Nhưng có lẽ xấu nhất, khó chịu nhất phải kể về cái tệ… NÓI NGANG. “Cái thằng hễ không cất lời thì thôi, cất lời toàn phun ra cái giọng ngang như cua, nghe tức hanh hách!”. Hoặc: “thoáng trông mặt hắn đã nhận ra đấy là một thằng ngang rồi, hình như hắn chưa hề biết nói những điều có lý, có lẽ bao giờ; lúc nào cũng chỉ chăm chăm phát ngôn những câu ngang cành bứa, không thể nào chịu nổi!”… NÓI NGANG cũng đồng nghĩa với NÓI CÙN. NÓI BỪA, CÃI CÙ BÂY. Đấy chính là cách mà những kẻ đuối lý trong các cuộc tranh luận, thường áp dụng! Người thường mà hay nói ngang đã làm mọi người khó chịu; nếu như kẻ có quyền mà lại dở trò nói ngang với nhân dân, thì sự khó chịu tăng rất nhiều lần, tai hại không thể lường nổi. Đương nhiên là tai hại cho nước, cho dân rồi!
Vâng! Món ăn làm từ CON CUA, cua đồng hay cua bể, đều là những món khoái khẩu. Nhưng xin mọi người khi nói năng, tranh cãi, chớ có bắt chước cái kiểu đi của chúng, chả thuyết phục được ai đâu; chỉ tổ gây mất thiện cảm đối với người nghe mà thôi!
ĐÔI ĐIỀU VỀ GIA ĐÌNH VÀ VĂN HÓA GIA ĐÌNH
Gia đình có thể chỉ là một tập hợp nhỏ, gồm hai vợ chồng với một hai đứa con. Cũng có thể là một tập hợp lớn gồm nhiều thế hệ: ông bà, cha mẹ, các con, các cháu, các chắt. Ngày xưa, “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” – nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà, là điển hình của những gia đình mẫu mực thời xưa.
Ngày nay, do sự phát triển nhiều mặt, quan niệm về gia đình có thể khác trước. Nhưng bất kể thế nào, con người sinh ra, ai cũng cần có một GIA ĐÌNH. Không gia đình là biểu hiện của sự bất hạnh.
Không gia đình con người rất khó trưởng thành theo đúng nghĩa một con người. Những đứa trẻ sớm mồ côi, bị ném vào xã hội, thì “chúng là cái mồi rất tốt cho những tật xấu thói hư” (NHỚ NGHĨ CHIỀU HÔM – Hồi ký của giáo sư Đào Duy Anh. NXB Văn nghệ TP HCM. 2003). Và nếu như sinh ra, lập tức đã không có gia đình, không có người MẸ cho bú mớm, ôm ấp vỗ về…, con người đó sống làm sao được?. Nhà phân tâm học D. Winnicott nói: “một trẻ sơ sinh – con người ấy không tồn tại”. Còn Gerard Poussin, giáo sư tâm lý học, người Pháp thì viết: “Con người không tự mình sáng tạo ra (mình) cũng không tự mình tạo dựng được cuộc sống (của mình)”.
Gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi con người. Tiếp mới đến xã hội. Và ngay khi con người hòa nhập vào cuộc sống xã hội để mưu sinh, để khẳng định mình, để làm “ông nọ bà kia”, thì gia đình vẫn luôn là môi trường không thể thiếu được. Trước mọi sóng gió cuộc đời, gia đình phải luôn luôn là cái cảng an bình nhất, là “tổ ấm” hạnh phúc nhất, là nơi chia sẻ mọi nỗi buồn vui, sự thành đạt cũng như nỗi bất hạnh…
Nhưng gia đình ấy là gia đình như thế nào chứ?
Một gia đình mà “Nhà kia lỗi phép, con khinh bố; mụ nọ chanh chua, vợ chửi chồng” (Thơ Trần Tế Xương); một gia đình mà bề trên sống không mẫu mực, không hết lòng vì con cháu,… Một gia đình mà đồng tiền ngự trị lên mọi giá trị tinh thần, văn hóa, đạo đức… – “gia đình” ấy đã tự đánh mất vai trò của mình, “gia đình” ấy không còn nguyên cái nghĩa sơ đẳng của một gia đình.
Ngày xưa, để tạo dựng một gia đình, cha ông ta đưa ra rất nhiều quy chuẩn: “Gia giáo” hay “Gia huấn” là cách thức giáo dục con cháu của từng gia đình, trong đó, nội dung chủ yếu là giáo dục về đạo đức, phẩm chất một con người. Đa số “con nhà có gia giáo” đều trở thành những “người tử tế”. “Gia lễ” là những quy định chặt chẽ về đường ăn nết ở của mỗi thành viên trong gia đình: ngôn ngữ trong nói năng, cử chỉ điệu bộ, cách ăn mặc phục sức… trước và với từng cấp bậc các thành viên trong gia đình phải như thế nào cho phải phép. Bề trên khác, “ngang bằng phải lứa” khác, không thể “cá đối bằng đầu”, “cá mè một lứa” được! Khổng Tử nói: “Đạo đức nhân nghĩa, phi lễ bất thành”. Gia giáo và gia lễ của từng gia đình có thể khác nhau, nhưng tựu chung đều sử dụng “ngũ luân” làm nội dung cơ bản. Trong đó người ta lấy chữ “Nhân Từ” để dạy cho bậc làm cha mẹ; lấy chữ “Hiếu” dạy cho con cháu; lấy chữ “Nghĩa” dạy cho kẻ làm chồng; lấy chữ “Đoan chính” dạy cho người làm vợ; lấy chữ “Lương” (hiền lành) dạy cho anh, chị; lấy chữ “Đễ” (nhún nhường) dạy cho các em.
Muốn thực hiện được “gia giáo”. “gia lễ” thì phải có “gia pháp”.. Gia pháp nhằm bảo vệ, đề cao uy thế của người chủ gia đình (“nghiêm đường”); đồng thời duy trì sự thống nhất chung trong nếp sống gia đình.
“Gia phong” (hay còn gọi là nếp nhà) là cái lề thói mà mỗi thành viên trong gia đình phải noi theo; là bản sắc văn hóa của một gia đình. Giáo sư Đào Duy Anh coi gia phong là sự tổng hòa những thành quả của gia giáo, gia lễ, gia pháp. Gia phong giúp chuẩn bị một cách tốt nhất cho mỗi một con người, để họ trở thành hữu ích, khi hòa nhập vào môi trường xã hội.
Mấy chục năm nay chúng ta đã nói rất nhiều và cũng đã làm rất nhiều về “xây dựng gia đình văn hóa mới”. Nhưng hình như “nội dung cốt lõi” của một gia đình văn hóa mới, lại chưa cụ thể? Đã có rất nhiều gia đình được tặng danh hiệu “gia đình văn hóa mới”. Bản thân người viết bài này cũng đã có lần đi xa mấy tháng trở về, bỗng nhiên được ông tổ trưởng dân phố mang đến cho một tấm bằng công nhận và một cái phích nước nóng Rạng đông có in dòng chữ “tặng gia đình văn hóa xuất sắc” – danh hiệu dành cho những gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa ba năm liền. Trong khi đó, hai năm trước, gia đình tôi chưa hề được bầu chọn lấy một lần (vì nhiều lý do, trong đó có lý do hay đi xa với con, không tham gia thường xuyên các hoạt động đường phố). Tôi có đem điều ấy hỏi những người có trách nhiệm, thì được trả lời: “cấp ủy, mặt trận và các đoàn thể đã nhận xét, thống nhất biểu quyết, bác không phải băn koăn”. Cũng có thể hiểu: chẳng qua chẳng có ai chịu nhận, thì cấp ủy, đoàn thể đành ép cho gia đình tôi, là người vắng mặt, cho hết chối từ! Nhận thì thấy mình “dơ” quá; đem trả lại thì sợ phật ý cấp ủy và các đoàn thể. Đành chọn cách đem một số tiền tương đương giá chiếc phích nước, ùng hộ công quỹ, để khỏi mang tiếng “tham”. Riêng giấy khen thì vì đã ghi rõ tên gia đình tôi, nên không thể “xung công” được; mà đem treo lên thì cứ ngượng ngượng thế nào ấy, vậy thì đem cất kỹ một chỗ là hơn cả!..
Đã có một thời hế cứ nói đến cái gì thuộc xã hội cũ, người ta đều cho là lạc hậu, là phải xóa bỏ. Gia giáo, gia lễ,… cũng chung số phận đó. Người ta lầm tưởng có thể dùng “giáo dục xã hội” thay thế cho giáo dục gia đình. Vai trò gia đình bị hạ thấp. Đoàn thể mới là nơi giáo dục và rèn luyện con người mới. Dẫn đến cha mẹ mất đi vai trò người “gia trưởng”, vai trò “tấm gương”. Con cái chỉ tuân theo những gì “xã hội” giáo dục. Thậm chí có lúc, con gọi bố đẻ bằng “đồng chí”; rồi con cái “phê phán” cha, mẹ, ông, bà là “cổ hủ lạc hậu”, là “lỗi thời”!... Chữ “hiếu” vẫn còn nhắc đến trong lớp người trẻ tuổi, nhưng là “hiếu với Dân”, tức với một đối tượng rất chung chung, rất “xã hội”.
Thiết nghĩ, nếu cái GIA PHONG cũ không còn thích hợp với cuộc sống mới, xin hãy tìm ra cho được một “khuôn mẫu mới” cho một gia đình kiểu mới. Khuôn mẫu này nhất định phải hơn hẳn cái “gia phong” cổ lỗ kia, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, như phương hướng mà Đảng ta đang lãnh đạo Đất nước ta. Tại sao thế? Bởi vì, nói như Phan Bội Châu: “Nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà lớn”. Nhà (gia) không bao giờ là chuyện riêng trong nội bộ một gia đình.
Thiết nghĩ, Xây dựng VĂN HÓA GIA ĐÌNH phải bắt đầu từ bên trên, chứ không phải từ dưới. Nghĩa là phải dạy cho người làm cha, mẹ cách thức và đạo lý làm cha, mẹ - khi người ấy đóng vai trò phụ huynh. Rồi phải dạy chính họ cách thức làm con, em – để họ biết nêu gương sáng cho chính con em họ. Thậm chí còn phải làm ngược lại, dạy cách làm tròn phận sự con em trước, rồi mới dạy đến cách làm cha mẹ. Phải làm cho gia đình trở thành nền tảng đạo đức của xã hội. Trách nhiệm này thuộc nhiều tổ chức, nhưng trước hết, không thể không nói đến vai trò của ngành giáo dục, ngành văn hóa.
“Nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà lớn”. Chân lý đó cần được ghi nhớ.
TẢN MẠN HAI TIẾNG KHÓC – CƯỜI
Người ta, khi buồn: khóc; khi vui: cười. Lẽ thông thường là thế, nhưng không hoàn toàn thế. Có những sự buồn đau đến mức tưởng như không thể chịu đựng nổi, thì lại không thể khóc được; hoặc khóc mà không ra được nước mắt, khóc mà tiếng khóc nghẹn nơi cuống họng. Thậm chí không những không khóc mà bỗng dưng lại bật lên tiếng cười man dại – khóc như thế mới thực sự ghê sợ! Tương tự như vậy, khi vui quá, người ta cười ngặt nghẽo, rồi cười chẩy cả nước mắt nước mũi. Nhưng nếu niềm vui đến quá lớn, quá đột ngột, thì lúc ấy thường chúng ta khóc chứ không cười. Cái “cười” ấy mới chứa biết bao nhiêu là sung sướng, hạnh phúc!
Khóc hay cười đều do bộ não chúng ta chỉ huy. Bộ chỉ huy đó lại bắt nguồn từ thông tin do đôi mắt và đôi tai (thậm chí có khi phải huy động đủ cả năm giác quan) đem đến. Chuyện đáng khóc, mà cười, thì cái cười ấy vô duyên, vô văn hóa, vô đạo đức! Chuyện nên cười, mà khóc, là kẻ yếu đuối, ớn hèn; nếu không thì cũng là sự giả dối!
Khóc cho thân phận mình, đó là lẽ thường. Nhưng con người đôi khi còn khóc cả cho người dưng nữa, như Kiều khóc Đạm Tiên chẳng hạn! Và cũng có trường hợp khóc cho người dưng chỉ để kiếm tiền sinh sống – gọi là khóc thuê! Trường hợp đầu thì tiếng là khóc người dưng, nhưng chính là mượn cớ, khóc cho chính mình. Còn trường hợp sau thì rõ ràng chỉ là khóc cho người mà thôi. Lại có kẻ chả có gì đáng khóc, cũng khóc rên rỉ. Đó là sự khóc giả tạo, thiên hạ gọi họ là những kẻ “thương vay khóc mướn”.
Cười đôi khi còn biểu hiện thái độ khinh miệt: cười khẩy, “cười vào mũi” (ví dụ: “anh làm ăn như thế, không sợ thiên hạ người ta cười vào mũi cho à?”).
Cười hoặc khóc, có thể cùng đám đông, giữa đám đông; nhưng đáng sợ lại là khi ai đó cười một mình, khóc một mình – nếu như chủ nhân tiếng cười, tiếng khóc đó không hề mắc bệnh thần kinh (nghe người tâm thần khóc, cười cũng sợ; nhưng đó là thứ sợ khác!).
Cùng một sự việc mà đôi khi kẻ khóc, người cười; “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Lại có kẻ, bề ngoài thì cùng khóc với mình, chia xẻ niềm bất hạnh với mình, nhưng bên trong, hắn “múa tay trong bị”, nghĩa là hắn đang cười thầm ta đấy!
Vâng! Cuộc đời mỗi con người chúng ta thường xuyên gắn chặt với sự Cười và sự Khóc, sự Khóc và sự Cười – Từ lúc lọt lòng Mẹ đến khi nhắm mắt xuôi tay. Khoảng giữa hai sự Khóc, Cười ấy, là tất cả sự bề bộn trong lo toan tồn tại, mưu sinh và phát triển.
Cầu chúc cho mọi Người được CƯỜI KHI ĐÁNG CƯỜI, KHÓC KHI KHÔNG THỂ KHÔNG KHÓC. Không ai phải “cười ra nước mắt”; cũng không ai phải “khóc dấm khóc dúi”, “khóc thầm khóc vụng”!
Và câu hỏi từ hàng ngàn năm: tại sao khi vừa thoát thai ra khỏi bụng MẸ, con Người lại khóc? – Đó là tiếng khóc buồn hay tiếng khóc vui? Chưa dễ gì khẳng định được! Còn nếu như bây giờ, có đứa trẻ nào đó sinh ra, không khóc, mà lại … cười, thì điều đó sẽ ra sao nhỉ? – nên mừng hay nên lo đây?!.
Và câu nói dùng cho người đã về với tiên tổ: “mỉm cười nơi chín suối” – là ước nguyện của người sống hay của người chết? Cũng không phải là điều dễ trả lời!.
Lẳng lặng mà nghe “họ”... chúc nhau!
Trước tiên xin quý vị độc giả miễn thứ cho điều này: Nguyên văn câu thơ của nhà thơ trào phúng đất Non Côi sông Vỵ mà ai ai cũng thuộc, là: "Lẳng lặng mà nghe "nó" chúc nhau"; nhưng kẻ hậu sinh này xin được dùng chữ “họ”.
Bởi nhẽ thời Cụ, có thể sự nhận diện quan thanh liêm, quan chính trực hay quan tham... là khá dễ dàng! Dễ, nên Cụ chả sợ gì, cứ thẳng... miệng gọi bọn họ là "nó" (mặc dù Cụ chưa chắc đã lớn tuổi hơn... "nó"!). Bây giờ "tham nhũng" lại có khi là "đồng chí" của mình, là “cấp trên” của mình, là cái nhà ông đã từng đứng trên bục rao giảng "đạo đức Cách Mạng" cho mình; thì dù Cụ Tú có cho phép, tôi, kẻ viết bài này cũng không dám gọi bằng... "nó"! Thôi, gọi "họ" cho nó lịch sự.
Thời đại bây giờ, "sống và làm việc theo pháp luật", nên càng phải thận trọng. Đã nói đến pháp luật thì điều trước tiên là phải có bằng chứng - không bằng chứng, dễ mắc tội vu khống lắm. Cho nên mới thấy "có biểu hiện... " mà đã gọi người ta bằng "nó", bằng "đứa" như Cụ Tú thời xưa, thì vô phép, có ngày chuốc họa vào thân!
Trước kia, trong ngày Tết truyền thống, cán bộ và nhân dân mình cũng chúc nhau; nhưng là chúc "mạnh khỏe", "hạnh phúc", chúc "thi đua yêu nước", chúc "làm việc bằng hai", chúc "lập chiến công", "lập thành tích",... chứ tuyệt không có chúc giầu sang. Đặc biệt cái từ "thăng quan tiến chức" bị giấu biệt!
Những Tết đầu tiên nghe mấy cán bộ Nhà Nước mình chúc nhau: "an khang thịnh vượng", nhiều người đã thấy "chờn chợn", ngường ngượng, khó lọt tai lắm! Lâu dần nghe nhiều, mới thấy quen. Người chúc cũng cười, mà "xếp" cũng cười! Vui vẻ, đầm ấm, sung sướng và hạnh phúc lắm! Rồi “cơ chế thị trường” ngày càng phát triển, người ta không chỉ chúc xuông, mà còn dâng tặng nhau những "lễ" rất hậu. Hậu đến mức nào ư? Thông thường là những phong bì USD, rồi có khi cả một chiếc xe hơi đời mới hay một lô đất cũng nên (nhưng chẳng có bằng chứng đâu, dân ngồi bệt dưới đất thì làm sao có bằng chứng được? Nói nghe biết vậy thôi đấy nhé!). Thế là "lời chúc" lập tức thành hiện thực! Hơn cả trò ảo thuật của nhà ảo thuật lừng danh thế giới "Cooc-pơ-phin"! Cụ Tú mà sống lại, phen này buôn "lọng", nuôi gà, chắc chắn đều lãi to! Mà Cụ Tú cũng thật lẩm cẩm, ai lại đi lo "trăm nghìn vạn mớ để vào đâu?". Để kho bạc, để vào thẻ ATM, nhiều nữa thì gửi sang ngân hàng nước ngoài. Một cú "kích chuột" là xong - thời đại "a-còng" mà! Đâu có lạc hậu như cái thời Cụ?!.
Vâng! Dân mình từ lâu đã có nếp sống văn minh không còn đốt pháo vào dịp Tết nữa. Thật yên tĩnh, tha hồ “lẳng lặng mà nghe...!”.
Trần Huy Thuận
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...