Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Năm lần phượng nở

Năm lần phượng nở

Năm thứ nhất.
Phượng nở. Đầu tiền, chỉ vài cánh lác đác giữa tàng cây xanh. Rồi một sáng bất chợt nhìn lên tàng cây quen thuộc, tôi bỗng ngỡ ngàng nhận thấy cả một mâm lửa khổng lồ đang lan tỏa. Nghỉ hè, tôi hết đi lang thang lại khoái châu đầu vô một đống tiểu thuyết của J. Charles với những tên gọi hấp dẫn đến rợn người như: “Mình em trong quan tài”, “Đóa lan rừng nổi loạn”… hơn là đi chợ, nấu ăn. Còn Trần, anh đã là một chàng trai hai mươi mốt tuổi, rắn rỏi và có một “quá khứ lẫy lừng” trong con mắt của một con nhỏ vừa tốt nghiệp phổ thông trung học như tôi: từng trải qua ba năm khổ luyện tại trường Giao thông Vận tải trước khi “cải tà qui chánh” ở Đại học Tổng hợp.
Năm thứ hai.
- Ủa, anh học bên Cơ sở I sao lại đi “đậu phọng” qua giang san của người ta?
Tôi trừng mắt nhìn Trần khi tình cờ va phải anh nơi hành lang lầu một, Trần cười hiền lành:
- Thư viện là của chung cho hai cơ sở cô nương à!
- Không biết. Anh qua đây mượn sách hay… chôm sách gì thây kệ anh, miễn đụng mặt tui là phải đóng thuế… thân.
- Nhỏ muốn cái giống gì?
Tôi chu mỏ lãnh lót:
- Nói như vậy nghe sỗ sàng lắm. Trần phải nói “chẳng hay tiểu muội muốn dùng món chi để ngu huynh được hầu” mới xứng đáng đứng ở hành lang Văn Khoa Đại học đường chứ!
- Rồi. Photocopy.
- Bánh ngọt, trái cây hay bất cứ món gì có khả năng rượt tên buồn ngủ chạy có cờ là được. Du đang ôn kinh tế chính trị ở phòng 206. Tôi nhăn mũi trêu Trần rồi nhảy lóc cóc lên cầu thang. Vừa ló đầu vô lớp, Khánh Linh đã cau mặt:
- Gớm, “đi một chut, lút cả ngày” bánh trái gì đâu hết rồi?
Tôi nhảy tọt vô chỗ ngồi, giở tập ra:
- Ta chưa mua vì đã vớ được một “nạn nhân tình nguyện”.
- Hóa ra phải chờ con mồi dẫn xác đến nộp ư?
- Chứ sao, mi hãy tưởng tượng đến… năm chục cuốn bò bía nóng hổi vừa thổi vừa… chấm tương sau khi “tụng” cho thuộc câu một đi. Linh thở dài. Thấy tôi khoanh tay, lẩm nhẩm đọc, nó cũng chống cằm, đọc ra rả “kinh tế thị trường là…”
Giữa lúc hai tên đang cố sức nhồi nhét vô hai cái đầu trống rỗng những từ ngữ khô như ngói thì một bóng người thoáng qua cửa sổ và:
- Thụy Du!
Tôi quăng quyển vở xuống bàn, thoát nhanh ra cửa. Trần đưa tôi một gói nhỏ và chưa kịp để tôi mở miệng, anh đã biến mất sau khúc quanh hành lang. Tôi đành nâng “báu vật” bằng cả hai tay trở về chỗ ngồi. Linh háo hức:
- Ê, cái chi rứa?
Tôi đưa nó mở ra. Con nhỏ thất vọng:
- Mèn ơi chỉ có một cái bánh dẻo… trọng trọng dzầy thôi sao?
- Bộ mi tưởng ổng chạy đến chùa Xá Lợi mua bò bía thiệt sao cưng?
- Vậy là ổng chỉ định dụ dỗ mình mi thôi chứ ta đâu có phần.
- Thì cứ cắt ra làm đôi là mi có phần liền chứ có gì đâu mà thắc mắc.
- Á!
Tôi giật mình: - Đứt tay hả?
- Chúa ơi xuống mà coi nè. Một bông hồng đỏ thắm trên nền bột trắng tinh.
- Xời. Có vậy cũng la làng. Làm ơn cắt ra dùm cho tui nhờ!
- Thôi mi ăn cái bông hồng còn ta sẽ ăn những cái gọi là “tàn dư” nha.
- Nhiều chuyện quá. Ai mượn mi nghĩ đó là bông hồng làm chi cho rối rắm.
Linh cười cười khi chia cho tôi nửa cái bánh. Hai đứa vừa nhai vừa ngắm trời ngắm đất, bỏ mặc các trang vở bay lào xào dưới cánh quạt trần xoay tít. Tôi chợt nhìn thấy một bông phượng nở sớm nằm lẻ loi giữa tàng lá xanh rì. Mới hay, mùa thi đang cận kề…
Năm thứ ba.
Một buổi chiều vắng tiết, tôi đạp xe lang thang qua ký túc xá thì gặp Trần. Anh rủ:
- Đi ăn yaourt không, nhỏ?
- Ở mô hỉ?
- Cẩm Bình.
- Nổi tiếng lắm phải hông?
Trần cười. Hai tên lò dò qua đường. Quán khá vắng và nhạc thật nhỏ.
Trần hỏi: - Ăn khoảng bao nhiêu hũ hả Du?
- Một chục.
- Xịa!
- Anh chống mắt lên mà coi.
Trần nhăn mặt rồi gọi cho mình một café đá. Tôi nhấm nháp từng muỗng yaourt nhỏ xíu và nhìn những vòng tròn khói thuốc trắng đục bay vẩn vơ:
- Anh “tiến bộ” hơn anh Huy của Du nhiều quá!
- Nghĩa là sao?
- Du chưa từng thấy anh Huy hút thuốc lá.
- Nhỏ lầm rồi. Mỗi khi Huy đi chơi cũng hút thuốc, uống bia như ai.
- Hả? Uống bia nữa?
- Chứ sao, lớn hết rồi.
- Về méc mẹ cho mà coi.
Trần cười: - Mẹ chỉ dành để rầy Du mà thôi. Ăn nữa hông?
- Khoan, chờ chút, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Chúa ơi! Sao nhanh quá vậy? Du nhớ trong Tây Du Ký, Trư Bát Giới có… tuyên bố một câu xanh rờn “Mới lưng lửng cái bụng”.
- Hai hũ vừa há? Trần xoay người định gọi chủ quán. Tôi kéo áo anh:
- Đùa thôi. Để anh còn đủ “dũng khí” dắt Du đi ăn lần nữa chứ.
- Anh vui lòng dắt Du đi ăn hoài hoài.
Tôi gõ gõ cái muỗng xuống dĩa:
- Anh làm cái gì mà giàu dữ vậy?
- Rửa chén.
- Cái gì?
- Anh phụ việc cho một quán ăn vào buổi chiều. Lương tháng 500.000.
- Hay quá! Vậy là đủ xài phải hông?
- Còn dư để dắt Du đi ăn yaourt nữa chứ.
Tôi cười nhỏ. Trần cũng cười thật hiền lành. Chiều xuống chậm. Dòng xe cộ nối đuôi nhau đông dần… Chủ quán đã thay băng nhạc lúc nào không biết mà bây giờ, vang lên một giọng nam trầm thật da diết “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”.
Năm thứ tư.
- Trần! Ê! Ê!
- Tôi hét vang khi thấy Trần đứng lơ ngơ dưới sân. Vài cánh phượng đầu mùa theo gió bay chơi vơi trong nắng. Trần cười tươi rói:
- Sao, làm bài được không?
- Tàm tạm. Anh đi đâu vậy?
- Anh… ơ… vô phòng đọc học bài.
- Ủa, lớp anh còn thi hả? Lớp Du thi môn cuối cùng đó.
- Từ mai là “giã từ vũ khí” hả?
- Ừa. Và tha hồ coi truyện.
- Đi uống nước nhé?
Tôi gật đầu. Hai đứa ra quán cóc trước cổng trường. Trong lúc tôi giở tập ra dò tới dò lui thì Trần vẫn ngồi im. Một lát sau, anh nói:
- Thấy sai có chạy vô sửa lại được không mà coi cho thêm tức.
- Kệ người ta!
Tôi chu môi. Trần nhìn bâng quơ rồi quay lại:
- Hôm qua đi Tây Ninh về, anh có mua cho Du một món quà.
- A, hay quá! Ăn được hông Trần?
- Đoán thử coi.
Trần nhẹ nhàng đặt lên bàn một gói quà hình chữ nhật khoảng bằng ba ngón tay. Tôi háo hức cầm lên. Nhẹ hẫng:
- Ê, cái gì mà nhẹ hều vậy Trần?
Trần cười. Thấy tôi thảy tưng tưng rồi đưa lên mũi… đánh hơi. Trần nói:
- Có khi nào người ta tặng quà cho Du rồi Du… trả lại hông?
- Không hề! Cái gì vô tay “quan” là của “quan”. Không ưng thì “quan” đem quăng sọt rác chứ mắc gì phải trả lại. Bộ Trần định đòi lại hả? Trả nè!
- Không. Anh cho Du mà!
- Vậy thôi về. Hôm nay Du phải nấu cơm chiều. Cám ơn Trần nhiều nha!
Tôi đứng dậy đi lấy xe trong lúc Trần trả tiền. Tụi bạn ngồi bàn kế bên nheo mắt trêu chọc. Quang la: “Bà Du! Quả tang nhé!”. Tiếng hét của hắn khiến chiếc lá bã đậu vàng ươm đang ngủ gục giật mình rơi khỏi cuống lá, bay la đà rồi đậu ngay vào giỏ xe của tôi. Tự dưng tôi mỉm cười mà không biết mình cười cái gì.
Và bây giờ…
Bây giờ, tôi mới thực sự cảm nhận thấy sự hiện diện của tháng Năm – cái tháng rộn rã niềm vui lẫn nỗi buồn này – nhờ một sáng ngồi dưới gốc phượng già, sục mũi giày vào lớp sỏi nát vụn nhìn những cánh phượng khẽ chao nghiêng trước khi đậu xuống nền sỏi xám. Cái màu đỏ chói chang chợt thẫm lại và trong tôi, một nỗi xót xa bỗng vỡ òa… Bỗng dưng, tôi thấy mình lạc lõng vô cùng khi còn ngồi đây, nhìn phượng rơi, nghe gió thổi. Những bạn bè xưa cũ đã ra đi, kẻ về cố hương, người mải quay cuồng với những lo toan nào đó trong cái thành phố đầy bụi, khói, cùng những vòng xe quay đều vội vã này.
Trần cũng vậy. Anh không gặp lại tôi kể từ hôm anh đến nhà và tôi phải “tị nạn” trong bếp suốt một giờ đồng hồ trước khi nhờ nhỏ em mang trả lại cho Trần “cái hộp hình chữ nhật” trong đó chứa một chiếc đồng hồ đeo tay sang trọng. Tôi biết, tôi đã rất thiếu-lễ-độ khi không giải thích với Trần tiếng nào về sự chối từ ấy. Và Trần đã vác sự tự ái to bằng… cái cột đình ra về, thật “xứng danh” dân khối tự nhiên. Dĩ nhiên, sau đó anh biết rõ tôi bị ở lại lớp một năm vì trong cái danh sách dài ngoằng những kẻ “xấu số” dán trang trọng bên cơ sở I, có tên tôi. Và “người quân tử” đã không thèm quay lại nhìn “kẻ ngã ngựa”…
Một lần, anh Huy thông báo vu vơ rằng anh mới gặp Trần, Trần đang học Cao học Hóa. Tôi chỉ cười và tự hỏi Trần có bớt đi phần nào sự giận dữ? Trong cái mớ hỗn độn các hóa chất cùng các phản ứng hóa học của Trần chắc đâu có chỗ nào tồn tại cho những hũ yaourt, cái bánh và những bắt chẹt của bốn năm học qua. Vậy thì, màu đỏ của phượng, màu vàng của nắng và tiếng ve rả rích chẳng bao giờ có khả năng trở thành chất xúc tác để Trần nhớ lại “Những ngày xưa thân ái” đã qua… Đôi khi, trong những “Chiều một mình qua phố…” tôi bỗng ước chi hồi ấy Trần nhặt cho tôi một viên đá cuội “chánh gốc núi bà Tây Ninh” hay để tiền mua cho tôi mỗi tháng một số Áo Trắng, rồi “dư dả” nữa thì dắt tôi đi ăn một hơi… mười hũ yaourt còn có nghĩa lý hơn!.
Thạch Tâm
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...