Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Cảm nhận tập thơ "Tiếng vọng hồn sông núi" của Trương Hòa Bình

Cảm nhận tập thơ "Tiếng vọng hồn
sông núi" của Trương Hòa Bình

Trong chuyến đi thăm khu nhà vườn, nơi thờ tự cụ Trương Văn Bang (thân sinh anh Trương Hòa Bình) tại Cần Giờ, tôi gặp anh Trương Hòa Bình, Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và được anh tặng tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi”.
Tập thơ dày 360 trang với 84 bài thơ và 13 ca khúc phổ nhạc do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành. Thông thường, khi được một nhà thơ chuyên nghiệp nào đó tặng thơ, tôi không đọc ngay, mà mang về cất đó khi có thời gian sẽ mang ra đọc. Nhưng riêng tập thơ của anh Trương Hòa Bình thì tôi mở ra đọc ngay và tiếp tục đọc trên đường về khi ngồi trên ô tô. Tại sao tôi phải đọc vội vã như vậy, thứ nhất vì muốn biết thơ của chính trị gia viết như thế nào, thứ 2 là chất lượng nội dung tác phẩm. Ban đầu tôi cứ nghĩ, thơ anh sẽ dựa trên nền tảng của yếu tố chính trị mang nhiều “chất thép”. Nhưng không, xuyên suốt tập thơ là những bài thơ đầy cảm xúc, giàu tính lãng mạn và chất trữ tình mang vẻ đẹp của phong cảnh đất nước mến yêu Việt Nam: Từ tình yêu quê hương, đất nước, con người, đặc biệt là quê hương Long An và miền đất Nam Bộ – Nơi anh sinh ra và lớn lên thừa hưởng những làn điệu dân ca phóng khoáng và trữ tình đã len lén trầm tích vào tâm hồn anh đầy những xúc cảm yêu thương, cùng với những vùng miền, nơi anh đã đi qua, được anh đúc kết và ghi lại bằng ngôn ngữ thi ca.
Từng là một kỹ sư, thạc sĩ luật lại có bề dày công tác trong ngành công an, tòa án… Tôi không nghĩ trong anh lại có một hồn thơ mềm mại, trữ tình và lãng mạn như thế. Đọc hết tập thơ, có thể nói anh Trương Hòa Bình là một chính khách mang tâm hồn nghệ sĩ đích thực. Tập thơ như là thực chứng một hành trình nhật ký được khơi dậy bằng nguồn cảm xúc dạt dào và nguồn cảm hứng vô tận. Anh đã thi ca hóa cả một hành trình từ những bước chân công tác qua các vùng miền đất nước. Vẽ đẹp quê hương, non nước hữu tình, bức tranh làng quê Nam Bộ được anh tô đẹp bằng phong vị thi ca:
“…Ai ơi biển lúa hồn quê/ Đất trời trải rộng nhớ về Long An/ Một vùng Đồng Tháp mênh mang/ Quê hương miền thượng gió ngàn nắng hanh/ Dòng sông in bóng trời xanh/ Chở tình non nước ngọt lành phù sa…Quê mình đẹp tựa như tranh/ Trời xanh, mây trắng đất lành chim bay…” (Láng Sen Miền Thượng).
Dòng sông Vàm Cỏ – Nơi quê hương anh như lưu vào ký ức tuổi thơ, mà ở đó tình yêu quê hương, vẻ đẹp dòng sông len qua những cánh đồng bạt ngàn trăng gió, luôn là nguồn cảm hứng để anh sáng tạo: “Sông Vàm Cỏ hợp lưu hai nhánh/ Nhập hai dòng Vàm Cỏ Đông – Tây/ Xanh biêng biếc một màu chung thủy/ Chở tình quê đất nước đong đầy”… Hay “Sóng xô con nước dập dềnh/ Mái chèo con nước bập bềnh bến quê/ Trùng phùng ngày ấy phu thê/ Đò xưa bến cũ lời thề sắt son…” (Vàm Cỏ – Phước Đông – Miền hạ Long An).
Có thể nhận thấy tập thơ Tiếng vọng hồn sông núi như là một hành trình nhật ký được nhà thơ thi ca hóa bằng loại hình nghệ thuật sử ca, ghi lại bước chân anh qua các vùng miền từ Nam ra Bắc, theo suốt chiều dài tổ quốc. Viết về thành phố mang tên Bác, nơi anh từng có một thời gắn bó: “Dọc những con đường thành phố mê say/ Đường Nguyễn Du lá vàng lấp lánh/ Nhè nhẹ rơi trong nắng chiều buông nhẹ/ Hàng cây sao đường Sương Nguyệt Ánh/ Nữ sĩ ngày xưa “Vọng tiếng chuông”… Và:  “Sài Gòn bao dung thành phố nghĩa tình/ Nơi hội tụ những tấm lòng nhân hậu/ Từ Hà Nội trái tim Tổ quốc/ Nhớ Sài Gòn tôi thức trắng đêm nay” (Nhớ Sài Gòn). Đúng như vậy. Nếu không có tình yêu và những kỷ niệm một thời gắn bó thì không thể có sự trải lòng đầy cảm xúc và thi vị đến thế.
Đấy là Sài Gòn của mảnh đất phương Nam, còn đây là khúc ruột miền Trung cũng được nhà thơ thể hiện bằng chất liệu thi ca lãng mạn: “Đà Nẵng chiều nay trời lộng gió/ Nắng hanh vàng biển hát lời ru/ Hồn Tổ quốc âm vang cổ độ/ Dáng hổ chồm bán đảo Sơn Trà/ Sông Cửa Đại nghĩa tình sâu nặng/ Nhớ Trường Sơn bao nỗi dặm trường”…Hay là: “Nghe hồn đất gọi chơ vơ/ Sa Huỳnh trầm tích thẫn thờ Mỹ Sơn…” Và khổ thơ kết bài là một cảm xúc rất cô đọng, đầy thiết tha: “Đêm tỉnh lặng không gian trầm lắng lạ/ Trên trời cao du dương khúc nghê thường/ Ôi, đất nước bao dặm dài thiên lý/ Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã quê hương”! Đây là câu thơ tôi rất đắc ý có tính sáng tạo, có khi nào các bạn mới thấy rượu trong lòng đã… hiển thị quê hương, chỉ có thi ca mới làm được điều ấy. (Đà Nẵng đêm pháo hoa).
Vâng, có thể nói bất kỳ nơi nào trên dải đất hình chữ S mà anh đến, đều là quê hương mến yêu của Trương Hòa Bình. Cũng tại quê hương Đà Nẵng, trong bài “Đoạn thơ về Bà Nà”, 4 câu kết thể hiện tố chất thi sĩ trong anh: “Nồng nàn hương sắc Trà Mi/ Trăm hoa đua nở mỗi khi xuân về/ Riêng ai khắc một lời thề/ Đào chuông đẹp nhất chân quê Bà Nà”.
Thủ đô Hà Nội, nơi anh có hơn 10 năm xuyên suốt làm việc ở cương vị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối Cao cho đến Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ. Ở môi trường đó, công việc của một chính trị gia ngỡ sẽ chiếm hết thời gian sáng tạo của anh, nhưng không, vẫn có những khoảnh khắc nào đó trong bộn bề công việc, trong những chuyến đi công tác nguồn cảm xúc chợt lóe lên và anh đã bắt lấy nó trong khoảng thời gian hạn hẹp để cho những vần thơ được tự do bay bỗng. Từ Hưng Yên lên Hà Giang sang Tây Bắc, mỗi tỉnh thành anh đến đều lưu lại những vần thơ giàu ngữ nghĩa, đa chủ đề: Từ địa danh, lịch sử, di tích, văn hóa đến phong tục, tập quán và cả tình yêu đôi lứa. Trong bài thơ “Tây Bắc mùa yêu thương”, tình yêu trong tâm hồn chính trị gia toát lên sự thơ mộng, hồn nhiên, say đắm và bay bỗng du dương. Bài thơ nghe như có nhạc địêu của núi rừng: “Ta lại về Tây Bắc/ Say đắm hồn ta tình chứa chan/ Dẫu đá tai mèo cắt bàn chân tái tím/ Vẫn rộn lên những thổn thức nồng nàn/ Em mỹ miều như ruộng lúa bậc thang/ Nối gần lại bước đường xa vạn dặm/ Về với chợ tình đang thắp lửa/ Nhịp múa nào nhún nhảy cuồng si…”. Và hình tượng của thi ca được nhà thơ “bắt gặp” một cách đầy lãng mạn: “Tôi chợt thấy trong mắt em ngọn lửa/ Trái tim em nhịp đập rộn ràng/ Em hạnh phúc cho ta nhiều hơn nữa/ Hương vị tình yêu thật đáy lòng…/ Tây Bắc anh về da diết nhớ mong”.
Xuyên suốt 84 bài thơ trong “Tiếng vọng hồn sông núi” có hàng loạt bài thơ tác giả viết về địa danh và tên của mỗi tỉnh thành là chủ đề cho một bài thơ. Bên cạnh đó còn có nhiều bài thơ viết về những danh sĩ, danh nhân, danh tướng các anh hùng dân tộc như: Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Trung Trực, Trương Định, cho đến Huyền Trân công chúa, Ngọc Vạn công chúa… được anh cảm tác như bản sử thi ghi lại những công lao của tiền nhân với sự biết ơn và lòng tự hào dân tộc. Với bài viết hạn hẹp, tôi không thể nêu hết được những vần thơ đa dạng và bất tận trong “Tiếng vọng hồn sông núi” của thi sĩ Trương Hòa Bình.
Có thể nói, đọc thơ Trương Hòa Bình, chúng ta nhận thấy rằng, ngoài công việc của một chính khách, thì trong tâm hồn anh còn có những vần thơ luôn mang những hơi thở của cảm xúc, của thi vị, của tiếng lòng đa cảm. Những yếu tố đó đã nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo để thi nhân tạo nên những vần thơ nhân cách.
TP.HCM, 1/5/2024
Phùng Hiệu
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...