Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

"Tiếng hạt nảy mầm" - Bài thơ truyền tải thông điệp giáo dục mang tính nhân văn

"Tiếng hạt nảy mầm"
Bài thơ truyền tải thông điệp
giáo dục mang tính nhân văn

Bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của tác giả Tô Hà, nằm trong sách Tiếng Việt lớp 5 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, đã dấy lên hai luồng tranh cãi về cách dùng từ và phong cách thể hiện. Một bên cho rằng bài thơ quá thô ráp, trúc trắc, khó hiểu, trong khi luồng ý kiến khác nhìn nhận đây là tác phẩm giàu tính nhân văn, giúp học sinh hiểu sâu hơn về cuộc sống của những bạn trẻ khiếm thính. Như nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà nhận định : “Với cách cảm thụ của người đọc và cách hiểu của một giáo viên Văn được đào tạo bài bản, tôi đánh giá bài thơ giàu nhạc điệu, hình ảnh sống động, dễ thương, dễ hiểu. Bối cảnh bài thơ được viết cho một lớp học khiếm thính… Bạn hình dung không gian im lặng, hoàn toàn im lặng, mọi âm thanh không thể nào được trẻ khiếm thính cảm nhận được dù vang động đến đâu. Các em học ngôn ngữ ký hiệu, mường tượng âm thanh qua hướng dẫn của cô… Bài thơ rất tròn vẹn, dùng từ rất đắt, chọn lọc…”.
Người phát tán hình chụp bài thơ đã cắt đi đoạn chú thích bên dưới: “Đây là lớp học của trẻ khiếm thính với yêu cầu chơi trò chơi nghe từ ngữ, đoán âm thanh” để hướng dư luận phản ứng chê bai bài thơ.  Chúng ta hãy tìm hiểu và đánh giá bài thơ từ góc nhìn tích cực, nhằm làm sáng tỏ những thông điệp giáo dục mà tác phẩm mang lại.
Khổ thơ đầu tiên mở ra với hình ảnh cô giáo trong lớp học khiếm thính:
“Mắt sáng, nhìn lên bảng/ Lớp mươi nụ môi hồng/ Đôi tay cô cụp mở/ Báo tưng bừng thanh âm.”
Hình ảnh “đôi tay cô cụp mở” thể hiện động tác ký hiệu ngôn ngữ mà cô giáo đang dùng để truyền đạt kiến thức. Dù có vẻ lạ lẫm và bị cho là “gượng ép,” nhưng cụm từ này lại tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với những ai hiểu về ngôn ngữ ký hiệu – một phương tiện thiết yếu cho học sinh khiếm thính để “nghe” và “nói.” Thay vì đơn giản hóa, tác giả chọn cách miêu tả chân thực sự chuyển động của bàn tay mang tính tượng trưng về quá trình truyền tải tri thức qua hành động phi ngôn từ.
Tiếp theo là hình ảnh:
“Cánh sẻ vụt qua song/ Hót nắng vàng ánh ỏi/ Các bé vẫn lặng chăm/ Nhìn theo cô mấp máy.”
Cụm từ “hót nắng vàng ánh ỏi” là một điểm gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng từ “ánh ỏi” là không hợp lý và thô ráp, tyu nhiên, khi ta suy xét kỹ, “ánh ỏi” ở đây gợi lên hình ảnh âm thanh vang vọng, ngân xa – một phép tu từ sáng tạo, nhằm thể hiện sự vươn xa, bay bổng của tiếng chim trong nắng vàng (đúng như cách nhìn của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thị Việt Hà). Điều này cũng phù hợp với không gian lớp học khi mà học sinh khiếm thính không thể nghe thấy âm thanh thực tế, nhưng cô giáo đang khéo léo tái hiện lại chúng qua từng động tác, biểu hiện trên gương mặt. Học sinh nhìn theo “cô mấp máy,” cho thấy sự chú tâm và nỗ lực kết nối với thế giới âm thanh mà các em không trực tiếp cảm nhận được.
Khổ tiếp theo:
“Sau ngón tay cô đấy/ Là tiếng hạt nảy mầm/ Tiếng lá động trong vườn/Tiếng sớm mai mẹ gọi.”
Hình ảnh “tiếng hạt nảy mầm” và “tiếng lá động trong vườn” là những phép ẩn dụ tinh tế, tượng trưng cho quá trình học tập và tiếp nhận kiến thức của học sinh khiếm thính. Ngón tay cô giáo như đang “gieo mầm” âm thanh, giúp các em tưởng tượng ra những thanh âm của cuộc sống qua những hình ảnh quen thuộc.
Khổ thơ thứ tư tiếp tục mở rộng ý nghĩa nhân văn sâu sắc:
“Bao nghĩ suy vất vả/ Trong mắt người lo toan/ Để từng âm có nghĩa/ Bật lên từ môi em.”
Khổ thơ này là sự tri ân đầy cảm động đối với những nỗ lực của người giáo viên. Qua đây, ta cảm nhận được rằng việc dạy học cho trẻ khiếm thính không đơn thuần là dạy chữ, mà còn là quá trình đưa các em đến gần hơn với thế giới âm thanh, giúp các em hiểu và cảm nhận cuộc sống qua một góc nhìn khác.
Khép lại bài thơ là một hình ảnh xúc động:
“Nghe cánh vỗ chim non/ Trước diệu kỳ tiếng hót/ Giữa hồn nhiên lớp học/ Ai nụ cười rưng rưng.”
Hình ảnh “nụ cười rưng rưng” là một chi tiết đắt giá, thể hiện sự hạnh phúc xen lẫn xúc động của cô giáo khi nhìn thấy các học trò dần tiếp cận được với thế giới âm thanh dù các em không thể nghe. Đây là một khoảnh khắc rất đời thường nhưng cũng mang ý nghĩa giáo dục sâu. Hai câu kết tôi cho là hay nhất bởi nó đượctác giả  cô đọng bằng hình tượng nghệ thuật ngôn ngữ tinh tế: “Giữa hồn nhiên lớp học/ Ai nụ cười rưng rưng”.
Đọc chậm và đọc kỹ bài thơ  “Tiếng hạt nảy mầm” của Tô Hà ta có thể nhận thấy bài thơ  đã phản ánh sự nỗ lực phi thường của người giáo viên trong việc truyền tải âm thanh và ý nghĩa của cuộc sống đến những học sinh khiếm thính. Tác phẩm này không chỉ là một bức tranh đầy cảm xúc về lớp học đặc biệt mà còn khơi dậy trong lòng người đọc sự thấu hiểu và trân trọng đối với công việc thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa của những người làm công tác giáo dục.
Và bài thơ  không chỉ khơi gợi sự cảm thông với trẻ khiếm thính, mà còn tôn vinh những người giáo viên tận tụy và sự giáo dục mang tính nhân văn cao cả. Những cụm từ bị phê phán như “đôi tay cô cụp mở,” “hót nắng vàng ánh ỏi,” và “nhìn theo cô mấp máy” không phải là sự vụng về của ngôn từ, mà là những điểm nhấn đặc biệt, mở ra thế giới âm thanh thông qua ký hiệu và hành động giảng dạy. Tác phẩm đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một tác phẩm giáo dục, giúp học sinh nhận ra giá trị của sự kiên trì và cảm thông với những người khiếm khuyết.
Tóm lại, bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” có những giá trị trong việc truyền tải thông điệp giáo dục, tôn vinh những người làm công tác giảng dạy, mang tính nhân văn tốt đẹp. Tuy nhiên, việc đưa một bài thơ vào sách giáo khoa để giảng dạy thì vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng của số đông. Điều quan trọng là làm sao để mỗi tác phẩm văn học không chỉ mang đến kiến thức mà còn khơi gợi cảm xúc, tạo động lực cho học sinh yêu thích môn văn học và cuộc sống. Đó mới là một thách thức lớn cho chúng ta.
6/10/2024
Phùng Hiệu
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...