Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Hành trình về phương Đông: Một hành trình tưởng tượng

Hành trình về phương Đông:
Một hành trình tưởng tượng?

Một nhóm chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh, có giáo sư Spalding, được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người suốt hai năm trời. Cuốn hồi ký do giáo sư Spalding viết tình cờ rơi vào tay của Nguyên Phong, tên thật là Vũ Văn Du, rồi được ông dịch ra tiếng Việt với tên “Hành trình về phương Đông”, sau đó được First News phát hành năm 2019, với quảng cáo là “Cuốn sách hay nhất mọi thời đại khám phá những giá trị vĩnh hằng”. Ngoài Hành trình về phương Đông, rất nhiều tác phẩm dịch và phóng tác của Nguyên Phong được phát hành tại Việt Nam như Muôn kiếp nhân sinh, Trở về từ xứ tuyết, Đường mây qua xứ tuyết, Bên rặng tuyết sơn, Hoa trôi trên sông nước, Hoa sen trên tuyết, Đường mây trên đất hoa, Ngọc sáng trong hoa sen, Đường mây trong cõi mộng, Trở về từ cõi sáng, Dấu chân trên cát, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, và Minh triết trong đời sống.
Hành trình về phương Đông, Baird T. Spalding, Nguyên Phong, First News, 2019
Lời giới thiệu của First News bên trên khẳng định Nguyên Phong là dịch giả, nhưng thực sự thì Nguyên Phong đã dựa trên cuốn sách của tác giả Spalding, rồi phóng tác ra một tác phẩm phái sinh, lấy tên là “Hành trình về phương Đông”. Theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP3 của chính phủ Việt Nam thì “Tác phẩm phóng tác là tác phẩm mô phỏng theo nội dung của tác phẩm được phóng tác, có thể được chuyển từ thể loại này sang thể loại khác hoặc sửa đổi trong cùng một thể loại, bao gồm cả sửa đổi bố cục tác phẩm để làm cho tác phẩm phù hợp với điều kiện khác nhau của việc khai thác, sử dụng”.
Phóng tác, tức là không giữ nguyên vẹn tác phẩm như dịch thuật, không còn giữ trung thành với bản gốc, nó là một sản phẩm phái sinh được viết lại dựa trên tác phẩm gốc. Như vậy, cuốn “Hành trình về phương Đông” đã không còn “nguyên bản” so với sách của tác giả Spalding. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn nữa, sau khi tìm hiểu thì có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng ngay cả cuốn sách của Spalding cũng không phải là cuốn hồi ký mô tả sự việc có thật xảy ra, mà hoàn toàn là do trí tưởng tượng của tác giả.
Cuốn sách đầu tiên của Baird T. Spalding được nhà xuất bản Devorss xuất bản năm 1924 có tựa Life and teaching of the masters of the Far East (Cuộc đời và Lời dạy của các Bậc Thầy Viễn Đông). Trong lời tựa của cuốn sách này vào lần xuất bản tiếp theo, năm 1937, Baird Spalding đã tuyên bố rằng mình là 1 trong 11 người thuộc nhóm nghiên cứu đã đến phương Đông vào năm 1894 trong ba năm rưỡi, đã tiếp xúc với các Bậc Thầy của dãy Himalaya, đã ghi chép lại các trải nghiệm thực tế của mình với các Bậc Thầy. Ông tuyên bố: “Các Bậc Thầy chấp nhận rằng Đức Phật đại diện cho Con đường Giác ngộ, nhưng họ nêu rõ rằng Chúa Kitô CHÍNH LÀ Giác ngộ, hay trạng thái ý thức mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm – ánh sáng Chúa Kitô của mỗi cá nhân; do đó, là ánh sáng của mọi đứa trẻ được sinh ra trên thế giới này.”
Lời tựa của Baird T. Spalding trong cuốn sách Life and teachingof the masters of the Far East, tập 1, NXB DeVorss, 1937
Ban đầu, vợ của một ông trùm đường sắt California tài trợ in một nghìn bản đầu tiên, và nó đã được bán hết ngay lập tức. Hàng chục nghìn bản trong đợt in tiếp theo cũng được bán sạch. Cuốn sách trở nên nổi tiếng khi bán được hơn một triệu bản trong những năm tiếp theo. Những phép lạ kỳ diệu được khám phá trong một cuộc thám hiểm thực tế đã mê hoặc những người dân quê tò mò về tâm linh. Baird T. Spalding đi diễn thuyết khắp nơi về chủ đề tâm linh của tôn giáo Thế giới mới (The New Age). Những câu chuyện về Chúa Kitô hiện hữu ở Ấn Độ, với các sức mạnh huyền bí, sống giữa các Bậc Thầy đã chạm đến cảm xúc tôn giáo sâu thẳm nhất trong mỗi người. Sau thành công của cuốn sách đầu tiên, Baird T. Spalding hoàn toàn bị bất ngờ. Ông chỉ có 2 lựa chọn: hoặc thú nhận rằng mình đã bịa ra tất cả; hoặc đơn giản là tiếp tục. Ông đã chọn cách thứ hai nhưng không bao giờ cố gắng kiếm tiền hay tận dụng sự nổi tiếng của mình.
Ngay sau khi tập 1 ra đời, trường đại học mà Baird T. Spalding nói tài trợ cho chuyến đi đã khẳng định không hề có chuyến thám hiểm đó xảy ra, bản in sửa đổi đã phải nói rằng Baird T. Spalding chỉ là một thành viên độc lập của nhóm nghiên cứu. Tập 2 của cuốn sách Life and teaching of the masters of the Far East được DeVorss xuất bản lần đầu vào năm 1927, sau đó được tái bản vào các năm 1937, 1944 và 1972. Trong tập này, Baird T. Spalding đã viết lời tựa rằng ông đã cố tình không ghi rõ tên người hoặc địa điểm, tùy độc giả nghĩ [cuốn sách] là sự thật hoặc hư cấu; Đó là một cách nói mập mờ, không phủ nhận cũng không xác nhận, tùy khán giả tin cuộc thám hiểm có thật hay không.
Lời tựa của Baird T. Spalding trong cuốn sách Life and teaching of the masters of the Far East, tập 2, NXB DeVorss, 1944
Baird T. Spalding thực sự có chuyến đi tới Ấn Độ lần đầu tiên vào năm 1935. Và đến đây thì chúng ta đã biết rõ lai lịch của ông. Trong hồ sơ xin cấp hộ chiếu, có ảnh của Baird T. Spalding, ông tên thật là Bayard Spaulding, sinh ngày 3 tháng 10 năm 1872 tại Cohocton, New York, Hoa Kỳ. Ngoài ra, trên bản chứng thực của anh ruột Spalding, cũng xác nhận như vậy.
Baird T. Spalding là con thứ 5 trong một gia đình có 6 con, cha tên là Stephen T Spaulding ở Cohocton, New York, còn mẹ là Mary Hartwell. Cha mẹ Baird T. Spalding kết hôn năm 1862, sinh sống trong một trang trại gần Cohocton, New York, sau đó sinh ra Baird T. Spalding vào năm 1872.
Nói đến Baird T. Spalding thì không thể không nhắc đến Douglas DeVorss, người thành lập nhà xuất bản DeVorss của Thời đại mới (The New Age). Tuy rất nổi tiếng và bán được rất nhiều sách nhưng Baird T. Spalding không hề có cuộc sống sung túc vì toàn bộ bản quyền đều nằm trong tay của Douglas DeVorss, và Douglas DeVorss chỉ trả cho Baird T. Spalding tiền trợ cấp hàng tháng chỉ đủ sống. Những năm cuối đời, ông sống cô đơn trong một túp lều khai thác mỏ cũ kỹ không có tiện nghi hiện đại ở New Mexico, và kết thúc đời mình qua một cơn đau tim vào sáng ngày 18 tháng 3 năm 1953 trong một nhà trọ ở Tempe, tiểu bang Arizona. Ông gục ngã trên giường trong một bộ quần áo thợ mỏ lôi thôi chỉ với 15.98 đô la Mỹ trong túi, cùng với số tiền tiết kiệm 110.74 đô la Mỹ.
Bi kịch cũng xảy đến với Douglas DeVorss. Cũng vào tháng 3 năm đó sau cái chết của Baird T. Spalding, vợ Douglas DeVorss qua đời vì biến chứng hậu sản. Tháng 9 năm sau, một tay súng xông vào phòng làm việc của Douglas DeVorss tại trung tâm thành phố Los Angeles, nổ súng liền bốn phát, bắn Douglas DeVorss chết tại chỗ. Nghi phạm khai với cảnh sát rằng ông giận dữ vì nghi ngờ Douglas DeVorss ngoại tình với vợ của mình.
Một điều đáng chú ý là sau khi cả hai qua đời, các cuốn sách xuất bản sau này đều được nhà xuất bản DeVorss cáo lỗi với bạn đọc với ghi chú rằng nhà xuất bản không có bất cứ một hình ảnh hay một bản đồ hay một thông tin nào ngoài bản thân cuốn sách. Baird T. Spalding, Douglas DeVorss và những người có lien quan đến cuộc thám hiểm của Baird T. Spalding đều đã qua đời nên nhà xuất bản không hề có bất kỳ một thông tin nào khác. Vậy là độc giả phải tự kết luận cho riêng mình về cuộc thám hiểm thực sự có thật hay không?
Ghi chú của nhà xuất bản sau khi Baird T. Spalding và Douglas DeVorss qua đời.
Chuyến đi Ấn Độ năm 1935 là một bi kịch đối với Baird T. Spalding. Cả đoàn 19 người chỉ mua vé 1 chiều vì Baird T. Spalding đã cam đoan với họ rằng một khi họ gặp các Bậc Thầy, họ sẽ không muốn quay về Mỹ nữa. Nhưng kết thúc thật bất ngờ khi họ cáo buộc Baird T. Spalding lừa đảo và bỏ về ngay lập tức. Đoàn thám hiểm muốn Baird T. Spalding dẫn đi tới các địa điểm mà ông đã mô tả trong sách, thậm chí đến gặp những “Bề Trên” của ông. Nhưng ông đã trốn tránh trong nhiều ngày, lấy lý do hoang đường rằng những con đường đã bị động đất cuốn trôi, nên không thể dẫn mọi người đi được.
Không một khẳng định nào có giá trị hơn khẳng định của Paul Brunton về cuộc thám hiểm Ấn Độ không có thật, chứng minh cuốn sách của Baird T. Spalding được viết do tưởng tượng. Paul Brunton, người đã gặp trực tiếp Baird T. Spalding, phỏng vấn và ghi lại trong cuốn sách của mình. Brunton là một nhà nghiên cứu tâm linh nổi tiếng, là người đầu tiên gặp Bậc Thầy Ramana Maharshi tại Ấn Độ, nhờ vậy mà phương Tây mới biết đến Bậc Thầy Ramana Maharshi nổi tiếng. Baird T. Spalding đã thừa nhận với Brunton cuốn sách đã viết về cuộc thám hiểm được thực hiện bằng phần hồn của ông, chứ không phải phần xác của ông như độc giả vẫn tin. [He finally admitted that the books dealt with visits made in his astral body, not in his physical body as readers were led to believe]. 
Trong những năm cuối đời Baird T. Spalding, một phụ nữ đã đến gặp Baird T. Spalding và nói: “Ông Spalding, tôi nghĩ ông là kẻ nói dối vĩ đại nhất mà tôi đã từng nghe”. Kẻ nói dối vĩ đại này đã viết lên một Hành trình về phương Đông trong tưởng tượng, sau đó được một người Việt Nam phóng tác câu chuyện giả dối này thêm một bước nữa để phục vụ các độc giả Việt Nam thân thương.
Nguồn:
[1]: Hành trình về phương Đông – Một trong những tác phẩm đương đại độc đáo nhất về văn hóa phương Đông, First News.
[2]: Bí ẩn đằng sau hai cuốn “Hành trình về Phương Đông”, báo Lao Động.
[3]: Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
[4]: Life and teaching of the masters of the Far East, by Baird Spalding, Vol I, DeVorss & Co Publisher, 1937.
[5]: Remarks on the Lesser-known Founders of the Myth of Tibet, Piotr Klafkowski, Ethnologia Polona, vol. 37: 2016 (2017), 53 – 66, PL ISSN 0137 – 4079.
[6]: Ramana Maharshi: Hindu and non-Hindu Interpretations of a Jivanmukta, Dr. J. Glenn Friesen, 2006.
[7]: The many names of Baird T Spalding (bairdtspalding.org)
[8]: Biographical dictionary of American cult and sect leaders, Melton, J. Gordon, Garland Publishing Inc, 1986.
[9]: The Sensitives, Vol. Eleven, The Notebooks of Paul Brunton, Larson Publications, 1987.
[10]: Occult America, The Secret History of How Mysticism Shaped our Nation, Mitch Horowitz, Bantam Books, 2009.
27/9/2024
Nguyễn Chí Thành
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...