Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

"Nắng dậy thì" Rọi lòng sâu thẳm

"Nắng dậy thì"
Rọi lòng sâu thẳm

(Đọc tập thơ “Nắng dậy thì” của Nguyễn Ngọc Hạnh, Nxb Hội Nhà văn, 2024)
Nắng dậy thì  là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Vùng nhớ thương của Nguyễn Ngọc Hạnh là cái làng đầu nguồn sông Vu Gia, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Anh đã viết về quê hương bằng những hình ảnh rất thật, gắn với nỗi buồn thương trong cuộc đời. Quê hương là nơi người thơ đã sinh ra trong khổ nghèo lam lấm: “Nhớ mà thương một thời thơ dại/ Nơi tôi sinh ra bụi chuối sau vườn/ …/ Mẹ ấp ủ tôi tay bùn chân lấm/ qua bao năm tháng cơ hàn” (Vô thường). Đó là dòng sông quê với hình ảnh chiếc đòn gánh tre nhọc nhằn đời mẹ: “Tảo tần đời mẹ chân quê/ Bao năm lặn lội đi, về triền sông/ Nón che không hết mùa đông/ Phố che không hết nỗi buồn trần gian” (Lục bát qua sông). Người cha nhọc nhằn ngày tháng mưu sinh giữa cuộc đời đầy trắc trở: “Cả một đời lội suối trèo non/ Cha gánh hết muôn phần khổ nhọc” (Cha). Ấy là nơi người thơ quặn thắt cõi lòng, tận cùng nỗi đau: “ai dán tiếng cười con tôi/ rong rêu bia đá/ lấp lánh hoàng hôn giữa nghĩa trang” (Viếng mộ con), là nơi thấp thoáng bóng hình người tình phận bạc: “Em đâu phải hồng nhan/ Mà trời trao phận bạc/ Thơ tôi không làm thêm nhan sắc/ Em cứ lặng thầm mà chín vào trong”. Quê hương in đậm trong tâm trí nhà thơ, có lẽ vì phải xa quê quá sớm nên trong tâm hồn giấy trắng chỉ có hình bóng quê hương: “Xa quê từ thuở nằm lòng/ Mấy ai biết được đục trong đôi bờ/ Chỉ còn hoài niệm tuổi thơ/ Qua dâu bể chẳng bao giờ nguôi quên” (Nói gì đây sông ơi). Hình ảnh dòng sông quê hiện lên trong tâm tưởng: “Con đò năm ấy còn không? Mà sao bến cũ vẫn trông theo người/ Bây giờ tôi với mình tôi/ Dọc bờ sông nắng bên đồi mong manh” (Hôn mình trên sông). Con sông trôi xuôi, thời gian đời người trôi xuôi về phía xa xăm mà tâm hồn thi nhân cứ ngược chảy về quá khứ, về với tuổi thơ, với dòng sông, bến nước cánh đồng thơ dại. Quê hương là chốn đi về, là nơi nương tựa của tâm hồn lúc ta đớn đau hay thất vọng, bởi vậy, khi xa quê hương đất nước, ở tận bên trời Âu Mỹ, nhà thơ càng thấm thía niềm quê: “Nửa vòng trái đất thì xa/ Mượn câu lục bát quê nhà nương thân” (Nương thân). Viết về quê hương cũng là về tình người đấy thôi. Tình người tạo nên cái hồn quê sâu thẳm, hồn sông, hồn núi, cũng như chiếc đòn gánh cong và đôi dép vẹt mòn của mẹ góp nên cái hồn của chợ quê…
Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh mang âm điệu buồn sâu thẳm. Buồn bởi những ẩn ức, thương tổn tâm hồn: Tuổi thơ khốn khó, nghèo đói và chiến tranh loạn lạc; nỗi nhọc nhằn, vất vả mưu sinh của cha mẹ; nỗi chia ly trong cuộc đời, nhất là nỗi đau chết lòng vì mất con. Cảm thức chia lìa, thất lạc, hư hao đã tạo nên những lớp sóng cảm xúc, dường như mọi hình ảnh sự vật đều chuyển động âm thầm theo chiều phôi phai ấy. Không phải ngẫu nhiên khi ta gặp những điệp khúc “dạt trôi” day dứt mãi: “Vầng trăng hư ảo trong chiều/ Dạt trôi và dạt trôi nhiều dạt trôi” (Tôi ngồi một bóng). Người thơ xa quê, xa làng, xa sông, xa cha mẹ, anh em, bạn bè, chia ly với người tình, đến giấc mơ cũng trôi lạc: “Xa rồi, thôi nửa giấc mơ qua” và con người lạc trôi như một chiêm bao: “Chắc gì có tôi trên đời/ Chẳng qua là giấc mơ trôi cõi người”. Hình ảnh tương phản: “Con sông trôi xuôi mà lòng tôi chảy ngược” cũng là đẩy ra cách xa nhau vời vợi. Người mẹ yêu thương đã mang theo chiếc “đòn gánh cong” và đôi dép vẹt mòn đi mãi về miền mây trắng. Khi người thơ cảm nhận được sự hy sinh thầm lắng của cha thì “tóc con bạc như tóc cha ngày ấy”, đã quá muộn để nói lời tri ân. Dòng sông quê trở thành một sinh thể có hồn cũng mòn mỏi, hư hao, gợi cảm giác lạc trôi: “Một mình đứng tựa bơ vơ/ Sông xưa đã lấp đôi bờ cỏ khô/ sông giờ cạn hẹp thành ao/ người về đâu biết ngõ nào là quê”; “Tôi về trong một chiều mưa/ Còn đâu cả tiếng đò thưa vắng dần”… Chỉ trong một bài thơ đã thấy hàng loạt hình ảnh gợi sự lạc trôi, chia lìa: “con thuyền trôi xuôi/ lòng tôi ở lại”, “bồng bềnh trôi/ một mình mẹ/ trôi/ đàn con lưu lạc/…/ rồi mai đây biết phiêu dạt về đâu?”, “đêm xa làng”, “phút xa quê”, “tôi đâu biết/ cái ngày ly biệt ấy/ ngày anh em tôi tan tác lìa đàn”, “đàn chim lạc bầy từ đó cũng ly tan”(Bếp lửa chiều quê).
Cảm thức lạc trôi là biểu hiện của cái “tôi” cô đơn bản thể, càng khát khao gắn bó càng thấy ngập tràn đơn côi. Trong hành trình bước tới “phía sau”, phía sông quê, phía quá khứ nay chỉ còn là kỷ niệm ấy, người thơ chỉ đi một mình. Anh muốn tìm về thân thương, muốn tâm tình với cuộc đời, với sông quê, làng quê, với tình thân, bè bạn, với “em”, nhưng tất cả như dần khuất lấp, xa vắng. Rốt cuộc, anh đối diện và tâm tình với chính mình, chất vấn bản thể. Những hình ảnh chỉ nỗi cô đơn xuất hiện với tần suất khá dày trong tập thơ: “Một mình say với mình thôi”, “một mình/ đứng tựa bơ vơ/ sông xưa/ đã lấp đôi bờ cỏ khô”, “Nửa tôi đơn lẻ câu thơ lạc vần”, “Bây giờ tôi tôi với mình tôi”, “Biết đâu tôi lại ru tôi một mình”, “rồi ngày qua đêm sẽ trôi/ mình tôi ngồi lại cùng tôi giao thừa”… Phải chăng, cô đơn là đặc trưng cuối cùng của thân phận con người, là hạt ngọc nhân bản giúp nhà thơ ý thức được sự tồn tại và khẳng định bản ngã, khẳng định cá tính sáng tạo của mình. Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nhiều cung bậc cảm xúc giữa hiện thực ngổn ngang, bất toàn của đời sống. Nhưng nỗi buồn ấy cũng chạm đến đặc tính chung phổ quát của con người. Nỗi buồn không bi luỵ, không làm người ta chán chường gục ngã mà có sức thấu rọi, thanh lọc tâm hồn. Nỗi buồn, giọt nước mắt được sẻ chia và thăng hoa thành cái đẹp: “Giọt nước mắt giờ đâu còn vị mặn/ Mà rạng ngời như giọt lệ giữa không trung”.
Có thể cảm nhận, những chấn thương tinh thần từ tuổi thơ đã đi theo suốt cuộc đời thi nhân, gợi buồn đau và nỗi cô đơn, góp phần định hình một chất thơ riêng, một giọng thơ riêng Nguyễn Ngọc Hạnh, không thể lẫn với người khác. Trong thơ anh, chất thơ nhuần nhuyễn tình cảm và lý trí, tạo nên giọng điệu trữ tình thật sâu lắng và đầy suy tư. Không mấy người trải lòng mình chân thật và sâu đậm đến thế. Chính nhờ cảm xúc thật sâu, thật chín mà những suy tư, chiêm nghiệm trong thơ cứ nảy ra tự nhiên, khái quát mà đầy hình ảnh cảm xúc chứ không khô khan, giáo điều. Người đọc sau phút xúc động phải dừng lại, lắng mình, đằm sâu suy ngẫm cùng thi nhân. Nhiều người còn nhớ mãi câu thơ đã thành thương hiệu Nguyễn Ngọc Hạnh: “Xưa tôi sống trong làng/ giờ làng sống trong tôi” (Làng). Ta dễ tìm gặp những câu thơ chứa đựng ý nghĩa nhân sinh sâu sắc như thế: “Chưa đi qua hết đò ngang/ làm sao hiểu đời sông dọc”(Hạnh phúc), “không còn thì thôi xin đành/ người ơi tôi cúi hôn mình trên sông” (Hôn mình trên sông),“Mai sau con lớn nên người/ Biết đâu tôi lại ru tôi một mình” (Lời ru). Tình yêu là cảm xúc phổ biến của nhân loại đã được thể hiện rất phong phú trong nghệ thuật, vậy mà người đọc vẫn có cảm nhận mới mẻ từ những chiêm nghiệm của nhà thơ: “Yêu là được bao điều đã mất/ và sẽ còn mất nữa, để yêu” (Yêu)…
Thơ Nguyễn Ngọc Hanh, lục bát hay thơ tự do đều rất giàu nhịp điệu. Nhịp điệu ấy không chỉ là hình thức mà chính là nhịp đập của con tim, nhịp rung của tâm hồn, nhịp điệu của những cung bậc cảm xúc. Nhà thơ Heinrich Haine cho rằng: “Tâm hồn là điềm mách bảo vần luật…Chỉ có vần luật bên trong hoà hợp với nhịp đập của con tim là có ý nghĩa”*. Nhờ thế, thơ anh tìm được sự đồng cảm đồng điệu, tạo được những rung ngân trong lòng người đọc. Bài Thu rơi có âm điệu rất đặc biệt: Âm điệu chơi vơi, gợi lên trạng thái tàn tạ, lạc trôi, được tạo ra nhờ hiện tượng điệp thanh bằng cuối dòng thơ và điệp vần “ơi”. Tất cả dường như đang chuyển động rất nhẹ, rất êm: Thu rơi, thu trôi, chiều trôi, thu xa, lá rơi, em rơi, tôi rơi: “Mưa cong vút lên trời hoàng hôn/ Chiều chậm trôi mờ xa vơi đầy/ Treo bài thơ trên lưng chừng mây/ Như là em rơi trong thu gầy…”. Nguyễn Ngọc Hạnh không ồn ào cách tân mà thơ độc đáo, không làm xiếc ngôn từ mà đầy sáng tạo. Nhà thơ đã bồi đắp ý tưởng mới mẻ vào những hình ảnh quen thuộc, bình dị. Đó là một “đôi dép mẹ” đã bao năm rồi lại “thương mòn đời con” hay một “bụi chuối sau vườn” nơi nhà thơ đã sinh ra. Bài Chỗ ướt mẹ nằm phát triển tứ thơ độc đáo. Thời thơ bé trong nghèo khó, mái tranh dột nát đêm mưa lạnh, mẹ “chừa bên ráo để con lăn” thì đã quen thuộc rồi, nhưng đến khổ thơ: “Mẹ nằm đây giữa núi non cao/ rừng đã khép một đời dông tố/ chiều tháng ba trời đầy gió bão/ chỗ mẹ nằm ướt sũng cơn mưa” thì lại là một bất ngờ. Câu thơ biểu hiện sự thấu cảm tận cùng những hy sinh thầm lặng của người mẹ, tận cùng nỗi niềm của người con.
Nét nổi bật của thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là ngôn từ giàu hình ảnh gợi tình, gợi cảm. Nhà thơ kết hợp nhiều phương thức chuyển nghĩa nhuần nhuyễn đến mức tự nhiên, tưởng như không phải là những nỗ lực dụng công. Đặc biệt là thủ pháp tương phản: “con sông đầu nguồn trôi xuôi/ mà lòng tôi chảy ngược” (Lạc mất đường về); “Giếng xưa sâu mà đời sắp cạn/…/“Sông chảy đời sông qua bao nhiêu bến/ Mà đời người chỉ một bờ thôi” (Giếng xưa), “Khi tóc bạc mới thương ngày thơ bé/ Để bây giờ yêu muộn thuở còn xanh”(Muộn), “Yêu là được bao điều đã mất”(Yêu). Tác giả lạ hoá bằng những kết hợp từ bất ngờ thú vị: “chiếc đòn gánh cong đời mẹ”, “Chiếc nón cong vành dâu bể”; “mái chèo cằn cựa đến xa xăm”, “Bất chợt nhớ ngày xưa đến lạ/ Mơ được một lần làm mẹ để sinh con”. Đôi khi là một so sánh đồng nhất: “Lòng tôi là mạch nước trong/ Trôi xa bốn biển vẫn mong ngày về” (Gửi quê nhà), “Tiếng gàu khuya rơi như tiếng khóc” (Giếng xưa), hoặc so sánh tương liên: “chúa ra đời từ trong máng cỏ/ tôi tái sinh từ kiếp bèo trôi” (Nguyện cầu). Từ một hình ảnh ca dao quen thuộc, nhà thơ đã phủ lên một lớp nghĩa mới bằng cách gợi liên tưởng: “Lặng lẽ với giếng sâu/ Xin nối sợi dây gàu cho lòng bớt cạn/ Tôi múc ánh trăng về làm thơ/ Rồi tri âm em mà bầu bạn” (Nhớ). Thảng hoặc ta gặp những ẩn dụ siêu thực, hình ảnh ảo giác, làm cho hình tượng thơ lung linh: “Tôi gối đầu lên tháng chạp/ Nằm co ro/ nghe tiếng mưa buồn/ Chiều lấp đầy đêm hao khuyết/ Vầng trăng rơi/ sáng rực hoàng hôn” (Trăng phía thượng nguồn), hoặc: “bay mất cả cái đêm thập thò định mệnh/ tôi thấy linh hồn mình/ bước qua hố thẳm/ rơi từ trên cao xuống đáy vực sâu” (Chiêm bao), v.v…
Dòng sông quê, dòng sông thơ Nguyễn Ngọc Hanh vẫn miệt mài chảy, không réo rắt ngân vang mà âm thầm vỗ sóng. Làng quê, sông quê đã trở thành một phần máu thịt trong anh. Không có tình quê da diết, đậm sâu thì làm sao có được những vần thơ neo đậu lòng người bền lâu như thế. Và hơn hết, đó là một nỗ lực không ngừng, là ý thức vượt lên mình của một nhà thơ tự trọng, tài hoa và đầy khát vọng sáng tạo.
Chú thích:
* Theo: M. Arnauddov, Tâm lý học sáng tạo văn học, Nxb Văn học, Hà Nội, 1978, tr. 528.
27/9/2024
Nguyễn Phương Hà
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...