Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Có một "Ngỡ" trong thơ Trần Mai Hường

Có một "Ngỡ"
trong thơ Trần Mai Hường

Tôi bắt đầu nhận ra những trái ngược trong tính cách của con người, đặc biệt là những người đã đem tâm tư và cảm xúc của mình đặt trọn vẹn vào văn chương chữ nghĩa. Thơ muôn đời vẫn là tiếng nói của tình cảm và khi cảm xúc dạt dào thì thơ tự động cũng bật lên. Điều này, có rất nhiều người đã nói nhưng tôi vẫn muốn lặp đi lặp lại. Và cái “ngỡ” của Trần Mai Hường phần nào đã nói lên được điều ấy.
Tôi tiếp xúc và đến với thơ chị như một sự đồng điệu văn chương rất tình cờ. Chị gửi cho tôi quyển “Ngược đêm” được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2014 với biết bao xúc cảm được nén được dồn vào trong từng câu chữ từng trang thơ. Thật vậy, như có sức hút lạ kỳ cuốn lấy tôi qua những câu thơ cháy bỏng. Tôi rất thích thơ chị nhưng cái làm cho tôi như một người say loạng choạng trong thế giới ấy là những bài thơ lục bát ngắn. Những bài thơ mà có lần chị tự bảo rằng là “lục bát dở hơi”. Lục bát ư? Thể thơ này đã quá quen thuộc với tất cả mọi người ngay từ thời nằm nôi nghe mẹ hát ru. Nhưng oái oăm, nàng là một thiếu nữ khó tính. Nàng có thể khoác lên người bất kỳ kiểu xiêm y nào từ chất phác hiền lành đến lộng lẫy kiêu sa nhưng để nàng thực sự tuyệt vời là điều vô cùng khó. Cái khó ấy được Trần Mai Hường chế ngự một cách tài tình và khéo léo. Đơn giản là cảm xúc.
“Ngỡ” chiễm chệ ở vị trí thứ sáu trong tuyển tập “Ngược đêm” của chị một cách quyến rũ và đầy hấp dẫn. Trong thời đại ra ngõ gặp nhà thơ như bây giờ thì khó lòng tìm thấy được một người tâm huyết với sân chơi văn chương. Tôi ngán ngẫm với kiểu viết dài, tràn lan với hỗn tạp cảm xúc ở phần đông tác giả thơ hiện nay. “Ngỡ” đã khắc phục được điều đó. Không dài mà đủ dài để người đọc nâng niu lưu giữ. Hãy bắt đầu đi tìm cái “ngỡ” của chị trong bài thơ nhỏ nhắn này.
Mở đầu bài thơ như một sự nhẹ nhàng, một sự êm đềm chấp nhận, nghe mong manh như một lời thủ thỉ với chính mình.
“Ừ xa mình đã xa rồi
ừ quên em cũng giống người đã quên”
Lời thơ như một sự chấp nhận gượng ép làm ta nghe có chút gì tiếc nuối luyến lưu. Nhịp thơ như lôi kéo người đọc đến gần hơn với lối ngắt 2/4 “ừ xa/mình đã xa rồi” bước đầu đã tạo ra sự hấp dẫn hơn so với kiểu ngắt nhịp truyền thống. Đôi lúc tôi bâng khuâng tự hỏi không biết chị có dụng ý này không “ừ/xa/mình đã xa rồi” nghe mạnh mẽ, táo bạo nhưng ngắt theo kiểu này thì âm điệu câu thơ bị gãy, độ thiết tha mềm mại bị lung lay. “Ừ quên em cũng như người đã quên” đây là câu thơ mang đầy đặn tính ỡm ờ làm cho người đọc hoài nghi. Quên ư? Chưa hẳn là quên đâu. Nhưng còn nếu nói nhớ thì có cái gì đó xót xa, tê tê bủa vây trên bờ môi. Chữ “cũng như” thật đắt trong tình huống này. Nhịp ngắt của câu thơ “ừ quên/em cũng như người/ đã quên” thì rõ ràng có sự trách hờn thoáng hiện lên. Trần Mai Hường là thế, không muốn chính mình chỉ rõ ra, chị nói mình “thua” thì thật ra chị “chưa thua” thậm chí còn “thắng” nữa là đằng khác. Thì ở đây cũng vậy, chẳng ai thấy chị “quên” dù ít nhiều chị có bảo rằng “đã quên”. Ẩn chứa trong câu thơ một nỗi niềm lạnh lẽo, hời hợt đến nao lòng “em cũng như người đã quên”, người ta đã quên rồi thì mình cũng dặn lòng cố mà quên đi chứ thật ra mình có muốn quên bao giờ.
Hai câu kết thúc bài thơ lại đem đến một hình ảnh khác về cái nhớ cái quên
“chiều nay nỗi nhớ dậy men
uống ngày xưa đến say mèm người ơi.”
Đến lúc này thì mọi việc đã dỡ lẽ ra, quên ư? không bao giờ. Giống như cái cách của chị mà thường biểu lộ. Rượu hay bất kỳ thứ gì đi chăng nữa thì ủ lâu ngày mới lên men, khi lên men thì đã đậm đà, đủ độ mặn mòi để chinh phục giác quan con người.
Hóa ra nỗi nhớ đã âm thầm dai dẳng theo người, nó âm ỉ trong tâm hồn để bây giờ nó trỗi lên như một điều tất yếu. Chữ “dậy men” đã lấn át đi những con chữ còn lại trong câu thơ này. Quả thật, một phép so sánh độc đáo “nỗi nhớ” khi đến tột cùng thì y như rượu “dậy men”. Ý niệm nhớ – quên được Trần Mai Hường khai thác một cách sâu sắc. Và khép lại bài thơ là hành động “uống ngày xưa đến say mèm người ơi”, một lần nữa cho thấy chẳng những khả năng diễn đạt cảm xúc rất tinh tế mà kỹ thuật chọn lọc ngôn từ của chị cũng cực kỳ sắc sảo.
Nhịp lục bát đã thay đổi “uống ngày xưa/đến say mèm/người ơi” tạo nên một dấu ấn đậm nét trong lục bát Trần Mai Hường. Uống lấy ngày xưa, hình ảnh thật đầy ấn tượng, gom cả không gian, thời gian mà trói lại rồi trút cạn. Quá khứ đâu, dĩ vãng đâu, kỷ niệm một thời bên nhau đâu, tất cả hãy tan vào nhau để cạn một lần rồi quên. Nhưng khổ nỗi có quên được đâu! Người đời là cho rằng kẻ say sẽ chẳng nhớ được điều gì? Sai lầm. Họ nhớ kỹ hơn rất nhiều những gì họ cố giấu che đi ở ngày thường. Thì đây, nhà thơ Trần Mai Hường đã đem lại cho ta cái hình ảnh ấy. Uống “đến say mèm”, khi say mèm là khi đó nỗi nhớ đã thống trị trên ngai vàng cảm xúc. Ai trách người say nói năng, hành động bao giờ. Khi say mèm thì con người có thể thốt lên rằng tôi nhớ lắm, tôi nhớ quá mà chẳng sợ mình còn bị ràng buộc điều chi. Chi tiết “say mèm” là chi tiết trở về với cảm xúc thật, cảm xúc tầm thường vốn có của con người. Cái hay nằm ở chỗ ấy.
Chỉ có bốn câu nhưng “Ngỡ” đã đem đến chúng ta đậm đặc nỗi niềm nhớ – quên. Bây giờ xét đến “ngỡ”. Lạ quá, sao là ngỡ? Ý nghĩa gì nếu không phải là “ngỡ” quên mà lại nhớ. Thế đấy, văn chương có cái hấp dẫn, thú vị mà ta càng đi tìm thì ta càng lại thấy mình càng nhỏ bé, hạn hẹp. Biết đâu, có một độc giả nào khác có cách hiểu khác so với tôi thậm chí là sai lệch hẳn với những góc nhìn của tôi nhưng không sao, văn chương mà. Mỗi người có một cách cảm nhận riêng về thơ, đâu có thể buộc họ phải khư khư hiểu theo cách của mình. Trước khi kết thúc, tôi muốn nói rằng, văn chương đã có một Trần Mai Hường, Trần Mai Hường đã có một Ngược đêm và Ngược đêm đã có một Ngỡ, thế thôi.
26/10/2024
Phan Duy
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...