Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Dậy đi em, hãy chui khỏi giấc mơ dài

Dậy đi em, hãy chui khỏi giấc mơ dài!

1. Chúng tôi đến thăm Lý Trung Dũng - Dũng từng là phóng viên báo Thanh niên và đã bị tai nạn xe khi đang trên đường về nhà cha mẹ ở Thủ Đức. Trên đường, chúng tôi gặp mưa. Mưa trắng trời. Gió ràn rạt. Xe, người lầm lũi, co ro.
Cha mẹ Dũng, ông bà Lý Chánh Trung lật đật mở cửa, đón những người khách lạnh run, ướt sũng vào nhà. Lau ráo nước trên người, chúng tôi xin phép hai bác được vào thăm Dũng.
Dũng nằm bất động trên giường. Đầu đắp một chiếc khăn, được kê cao trên gối, mắt Dũng mở to, đồng tử chậm chạp di động như đang cố nhận ra gương mặt những người bạn thân thiết của mình. Chúng tôi đứng ngồi sát Dũng, sờ vào thân thể Dũng, muốn truyền hơi ấm máu thịt và cả chút lành lạnh đất trời cho Dũng. Lặng im và muốn rơi nước mắt. Tôi chợt nhớ buổi tối trước khi tai nạn xảy ra, tại nhà hàng Vườn xanh nằm trên đường Võ Văn Tần, trong nhóm bạn họp mặt cụng ly chúc tụng ngày 21 tháng 6, Dũng khơi gợi nhiều kỷ niệm buồn vui trong quãng đời làm báo của bè bạn và của mình. Dũng uống, Dũng nói, tếu táo trêu đùa, Dũng cười. Nụ cười thân thiện, ánh mắt trong veo…
Cao Minh Hiển là người phá vỡ cái không gian chừng như đông cứng. Hiển kề miệng sát tai Dũng và nói to cốt để Dũng nghe thật rõ: “Tao vừa mua được nhà, mày khoẻ mạnh lẹ lên,  tụi mình đã có chỗ để nhậu và tha hồ cự cãi, tụi mình có chỗ để ôm nhau khóc mà không sợ em nào nhìn thấy”. Ngọc Thịnh nắm vai Dũng, lắc lắc: “Tao sắp cưới vợ, mày phải khoẻ để còn làm rể phụ nữa chớ!”. Hồng Hạnh, người từ Cần Thơ lên, mở túi xách, rút ra một xấp ảnh và lần lượt đưa từng tấm ra trước mắt Dũng: “Cầu Mỹ Thuận đây, Dũng nhìn xem ! Dũng đây nè, Dũng đẹp trai nhứt bọn và cười hết cỡ nè!…”. Có lẽ Dũng cũng cảm nhận được điều gì đó và hình như có một chút gì đó long lanh nơi mắt. Hồng Hạnh lại đưa ra những tấm ảnh khác và tiếp tục trò chuyện: “Dũng còn nhớ, hôm khánh thành cầu bọn mình bao một chiếc xe lôi, cả bọn chất lên đầy xe, Dũng là người quậy nhứt, Dũng vừa múa may vừa hát vang đây nè!…”. Bích Hạnh ngập ngừng mở tờ báo có đăng truyện ngắn của mình, nói nhỏ vào tai Dũng: “Truyện của Hạnh được đăng số báo này, cái truyện mà Dũng đã được đọc bản thảo và còn góp ý cho Hạnh, Dũng có nhớ đoạn này…”. Rồi Bích Hạnh đọc nho nhỏ cái truyện ngắn của mình cho Dũng nghe. 
2. Tưởng như mới hôm nào mà đã hơn hai năm. Sáng nay, tình cờ, tìm trong ngăn tủ của mình, tôi gặp hai tập bản thảo của Dũng, đúng hơn là những phác thảo. Một vở kịch thiếu nhi và một kịch bản phim, cũng dành cho tuổi thơ. Chữ viết bằng máy vi tính, cỡ chữ 10, trình bày trang trọng. Đây là một bản thảo được nâng niu, một đứa con được thai nghén trong tình yêu. Tôi lật từng trang bản thảo, lật tới lật lui và cố tập trung đọc kịch bản Chuyện cổ tích đêm hè. Truyện được viết trong khung cảnh của một đêm cổ tích, một góc nhỏ kỳ diệu của thế giới tâm hồn. Mà đã là kỳ diệu, cũng có nghĩa mọi điều có thể xảy ra, mơ và thực, hạnh phúc và đau khổ, khoảnh khắc và thiên thu… và sự kỳ diệu của Chuyện cổ tích đêm hè là sự kỳ diệu của một thế giới tràn ngập tình yêu, tình yêu của những sinh vật bé nhỏ như  Dế Mèn, Dế Trũi; tình yêu của chú Cuội, chị Hằng, chàng Đam San; tình yêu chói lọi của ông Mặt trời và tình yêu của người thiên cổ là nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu. Với Ông già râu (cách gọi gần gũi đối với nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu), Dũng đã dành biết bao là tình cảm trìu mến và ông đã nhắn gởi (có lẽ là không chỉ riêng đối với tuổi thơ): “Cuộc sống và cái chết là những khái niệm hết sức tương đối và các cháu nhỏ nên nhớ điều đó như là một kỷ niệm đẹp và to tát trong cuộc đời. Bởi sống trên đời ai cũng phải trải qua cảnh sinh ly tử biệt với bao nhiêu người yêu dấu. Nhưng các cháu hãy tin rằng họ, những người thân yêu đó, sẽ không bao giờ chết trong tình thương của các cháu . Và điều đó, cái sức mạnh đó của tâm hồn, thật rõ ràng và mạnh mẽ. Nó còn mạnh hơn cái chết…”. Tôi không đọc được nữa. Tôi thấy mắt mình cay cay. Gấp trang bản thảo của Dũng lại, tôi lại nhớ lần đến thăm Dũng, nhớ ánh mắt đợi chờ, đợi chờ trong niềm hy vọng dù hết sức mong manh của cha mẹ Dũng.
Lần ấy, bác Lý Chánh Trung dặn chúng tôi nếu tìm gặp những bài báo, kể cả những mẩu tin Dũng viết, nhớ giữ lại cho gia đình. Ba mẹ Dũng lại đưa chúng tôi trở ra phòng khách  với những tủ sách và cả hai cùng lần giở từng trang trong tập album ảnh gia đình, chỉ cho chúng tôi từng tấm ảnh của Dũng: “Đây ảnh này lúc Dũng vừa biết ngồi, ảnh này lúc Dũng biết đi chập chững, ảnh này lúc Dũng cắp sách đến trường, đây là bức ảnh chụp với cả gia đình…”. Rồi bác trai mở tủ sách, chỉ cho chúng tôi những quyển sách yêu thích của Dũng và cho biết quyển sách mà Dũng mê từ bé, mê đến thuộc lòng nhiều đoạn, thuộc cả bằng tiếng Pháp là quyển “Le petit Prince”.
Và lúc này, trước trang bản thảo dở dang của Dũng, tôi nhớ lại thật rõ hình ảnh cuối cùng của Hoàng tử bé qua nét vẽ và lời chú của nhà văn Saint-Exupéry: Rằng chú bé té xuống dịu dàng như một cái cây, như một chiếc lá. Hình ảnh này nhà văn của Cõi người ta cho là đẹp nhất và buồn nhất cõi nhân gian; bởi đó là lần cuối cùng chú bé hiện ra ngay bên dưới một ngôi sao, nơi chú bé hiện ra và biến mất. Vâng, biến mất, nhưng chỉ mất trên trang giấy của nhà văn, còn trong  tưởng tượng và tình yêu của con người thì Hoàng tử bé không bao giờ biến mất.
Không bao giờ biến mất, tôi chợt nói thành lời ý nghĩ này. Hoàng tử bé đang dung dăng trong cuộc hành trình vô tận của mình, đang tìm kiếm, đang khám phá, đang kết bạn, đang trò chuyện với muôn ngàn tinh tú.
Cũng như  em, Dũng ơi, em đang lang thang đâu đó, thật xa và mỏi quá em lại chui vào giấc mơ của mình.  Có lẽ là một  giấc mơ dịu êm và tràn nắng ấm. Thôi, Dũng ơi, dậy đi em! Ba mẹ trắng tóc chờ em; các anh các chị khắc khoải đợi em; bè bạn mong ngóng em; cả phác thảo kịch bản Chuyện cổ tích đêm hè cũng lặng lẽ chờ em.
Và cả em nữa, Dũng ơi, em cũng muốn dậy lắm mà! Ngay khúc hát đầu tiên chị Hằng sẽ hát lên trong câu chuyện cổ tích mà em dành cho tuổi thơ cũng khao khát: “Khi giấc mơ trở thành sự thật…”
Dũng ơi, dậy đi, hãy chui ra khỏi giấc mơ dài…        
Sài Gòn, 16/11/2003
Bích Ngân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...