Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Hồ đêm thăm thẳm

Hồ đêm thăm thẳm

Thư nhận phòng. Phòng có chiếc giường đôi và mọi vật dụng khác đều có đôi. Thư bấm điện thoại, nói với tiếp tân: “Tôi chỉ ở một mình…”. Giọng cô tiếp tân ngọt ngào: “Ban tổ chức Hội thảo đã đặt phòng, chị chịu khó nhé !”. Thư gác điện thoại. Nhìn ngắm căn phòng, Thư mỉm cười. Lần đầu tiên, cô biết đến cái cảm giác “chịu khó” này. Chịu khó vì được sở hữu miễn phí một căn phòng sang trọng mà tiền thuê một đêm chắc mất đứt một tuần lương của cô. Thư mở va-li, treo quần áo vào tủ, đem các thứ đồ dùng cá nhân vào buồng tắm. Xem ra, sự chuẩn bị chu đáo của Thư thành ra thừa. Buồng tắm còn có cả dụng cụ cạo… râu. Tuy vậy, theo thói quen Thư dùng sữa tắm mình mang theo. Đó là loại sữa Johnson’s thường dùng cho trẻ con. Cô lại thích làm… trẻ con khi tắm.
Mùi sữa tắm dìu dịu, nước âm ấm, cô nhắm mắt, cứ để vòi nước hoa sen thoả sức gội rửa. Sau đó Thư ngâm mình trong bồn tắm, tận hưởng cảm giác thư thái, thứ cảm giác không có được lúc ở nhà, dù là khi tắm. Lúc nào cũng có cái gì đó chờ đợi, níu kéo, xô đẩy, dù nhiều lúc chỉ là những hình ảnh vùng vằng không chịu lướt qua, những ý nghĩ không đầu không đuôi, những dự định dang dở hay những mơ tưởng trên trời dưới đất.
Bước ra khỏi phòng tắm, sạch sẽ, thơm tho, Thư chải tóc, thoa một chút kem, bôi một tí son. Nhìn vào gương, Thư bắt gặp một cái nhìn vô định, phảng phất nỗi đìu hiu của mặt hồ tĩnh lặng không một dáng liễu, một bóng mây. Thư dịch ra khỏi mặt gương, với lấy remote, bật tivi. Một bộ phim truyền hình đang chiếu dở. Những gương mặt đẹp, quần áo hợp thời trang, căn phòng với nội thất sang trọng nhưng diễn xuất và lời thoại lại giả. Thư bấm sang kênh khác.Trận đấu giữa đội bóng nào đó với đội Achentina. Thư nhận ra đội Achentina bởi những chiếc áo sọc xanh - trắng quen thuộc mà Maradona từng mặc. 
Maradona, một cái tên, một chân sút, một cuộc đời toả sáng và cuốn hút như một khối nam châm. Anh ta từng là nguyên nhân gây nên những bất hoà giữa Thư và Khiêm. Maradona trở thành thần tượng của Khiêm bất kể việc anh ta nghiện ngập, có con rơi và đôi lúc dùng tay chơi bóng. Thư thì không chịu nổi cái kiểu chơi bóng hùng hục thực dụng của anh ta và nhất là cái cách Khiêm hâm mộ quá cuồng nhiệt đến độ biến dạng cả giọng nói và khuôn mặt mỗi khi Maradona xuất hiện trên sân cỏ.
Thư tắt tivi. Nỗi nhớ ùa về. Thư cầm điện thoại, lưỡng lự một hồi rồi bấm số máy của Khiêm. Không có tín hiệu chờ. Thư bấm lại những con số. Lại không liên lạc được. Thư lại bấm những con số. Số máy lại không có thật. Thư bấm tiếp những con số và thấy ớn lạnh vì sự khước từ, trước nhất là của trí nhớ.
Thư không chịu nổi ý nghĩ tất cả rồi cũng sẽ bị vùi lấp,  mất hút và rơi vào lãng quên, dù đó là cả một miền ký ức, là một phần đời của mình. Thư thấy phấp phỏng trước cái nguy cơ dẫn đến sự lãng quên và càng không chịu nổi nếu đó là sự lãng quên của chính mình. Rồi cô cảm thấy sợ. Sợ sự lãng quên…Cô lật đật bấm điện thoại, gọi cho mấy đứa bạn từng chơi thân.
Mấy đứa bạn, dường như chúng chẳng quên điều gì, từ những chuyện vặt vãnh bếp núc kim chỉ đến chuyện hơn thua ganh ghét giận hờn khi gặp lại nhau tại ngôi nhà của Thùy.
Ngồi trong phòng khách sang trọng ấp ám và ngát hương hoa - hoa còn được cắm tinh tươm trong mỗi phòng toa-let, lại khiến cả bọn nhớ lại những tháng ngày cơm rau chật vật khi cùng nhau học dưới một ngôi trường. Một ngôi trường năng khiếu nhưng lại nhọc nhằn mọc lên từ một cái trũng ngập nước. Một cái hội trường nhỏ chứa vài mươi người nối liền với khu nội trú, tất cả được mọc lên từ một phần của ao rau muống.
Và cũng bởi vì khu nội trú chỉ một phần được nâng cao, được bê-tông, được xây tường, được chia thành từng ô hình vuông (mỗi đứa sung sướng được sở hữu 9m2 trong hơn một ngàn ngày đêm theo học) nên mỗi năm, năm bảy lần, nước từ mặt ao dềnh lên. Nước vừa có màu vừa có mùi từ dòng Tô Lịch dật dừ chảy. Tất cả ngập ngụa. Bọn con trai cởi quần dài, ngay chiếc quần đùi cũng phải lấy dây thun cột lại ống cho bớt…rộng. Còn bọn con gái xắn quần tận bẹn. Bì bà bì bõm. Mang vác. Cơi lên. Xoong nồi sách vở bút mực quần áo để hết trên ghế. Ghế được đặt lên bàn. Bàn được kê lên giường. Mỗi lần nước dềnh lên, Khiêm lại sốt sắng làm nhiệm vụ của một tay thợ điện. Anh mang kềm mang búa nhổ nhổ đóng đóng, nâng tất cả các ổ điện của từng phòng lên cao khỏi mặt nước. Và với khả năng ráp nối vặn xoáy của Khiêm, không một căn phòng nào bị mất điện. Mọi người vẫn nấu nấu nướng nướng dù phải đặt những cái bếp điện lò xo rực đỏ nằm chênh vênh trên những cái ghế ngấm nước. 
“Mỗi khi nước rút, kiểm lại, bọn mình đứa nào cũng bị thiếu mất cái gì đó!”, chủ nhà mặt mày tươi rói, vừa cắm thêm những bông hoa Lis trắng muốt vào chiếc bình pha-lê, vừa nói. “Có lần tao tìm lại được một chiếc dép nhựa nhưng từ màu trắng nó đã ngả sang màu rêu”, Xuân, đứa bạn mau mồm mau miệng, nói. “Tao nhớ lần nào nước cũng cuốn theo những bông hồng khô héo của mày!”, Vy, đứa bạn có đôi mắt lúc nào cũng buồn như chực khóc, nhớ lại. Đó là những bông hoa Khiêm mua từ những gánh hoa còn đặt trên vai hoặc vừa được đặt xuống lề đường, những bông hoa còn đẫm sương. Thư tưng tiu chúng cho đến lúc tàn, cô cũng không nỡ bỏ đi. Cô phơi khô và giữ lại. Vậy mà những lần nước dâng, khi cơi bàn cơi ghế, Thư lại vô ý làm chúng ngấm nước, vật vờ. “Còn tao, tiếc nhất là chiếc bút máy mẹ tao tặng hồi năm lớp mười!”, Vy cất giọng bâng khuâng. “Hình như có những thứ mình cứ tưởng không thể mất nhưng lại không bao giờ tìm thấy”, giọng Thư nuối tiếc. Thùy nhìn bạn, trêu: “Mày không tìm thấy gì, tay Khiêm của mày à? Đừng lo, hắn sẽ tới!”. Thư chới với. Cô không mong. Ngàn lần không mong cuộc chạm mặt bất ngờ này. Nhưng đã muộn. Chuông cửa reo. Thùy hớn hở: “Linh chưa, vừa nhắc…”. Bỏ lửng câu nói, chủ nhà lật đật chạy xuống cầu thang. Tiếng cửa mở. Tiếng chào hỏi. Tiếng bước chân.
Vừa nhìn thấy Thư, Khiêm sững lại. Dưới những ngọn đèn ấm, Thư vẫn thấy gương mặt Khiêm tái đi. Không phải là dây rung của cảm xúc. Càng không phải bởi sự quẫy đạp của ký ức. Cũng không phải những ẩn ức thình lình bùng vỡ. Trần trụi hơn, giản đơn hơn, thường tình hơn, Khiêm thấy lòng tự ái bị cào xé. Thư ngồi chết trân, sượng sùng. Thùy lên tiếng: “Sao hai người chẳng nói gì với nhau?”. “Bọn mình lúc nào chẳng nói với nhau!”, Khiêm vặn lại. “Thế cơ à? Hạnh phúc nhỉ?”, giọng xỉa xói trêu đùa của Xuân. “Bọn mình lúc nào mà chẳng hạnh phúc!”. Giọng tỉnh rụi, trơn tru của Khiêm như đẩy Thư ra thật xa. Khiêm đang cố khoác cho mình chiếc áo hạnh phúc, dù hơn ai hết anh biết chiếc áo ấy đã cũ, đã quá chật và có lẽ cũng đang rách nát.
Thư thấy như ngứa ngáy vì những mảng áo đang mục rữa. Cô lấy cái móng tay được tỉa tót sắc nhọn cào một cái thật mạnh vào da thịt mình. Thư vừa cảm thấy cái đau rát rạt trên da thịt thì phòng khách của Thùy có thêm một người khách. Thoạt tiên, Thư ngờ ngợ. Rồi cô đứng phắt dậy, la lên: “Thằng quỷ, mày thay đổi quá làm chị suýt không nhận ra!”.
Trọng tâm chú ý dồn sang Hữu, đứa em út của khoá học đang là một người làm ăn thành đạt. Sự thành đạt của Hữu không chỉ được biểu hiện ở giá trị vật chất của chiếc đồng hồ đeo tay, chiếc điện thoại đang cầm, chiếc ô tô đậu trước cửa nhà Thùy mà còn bằng sự mạnh mẽ tự  tin trong nụ cười, trong ánh mắt, trong cái siết tay thật chặt và trong sự chân thành với quãng đời khốn khó ngày nào của mình.
Ngày nào, tức cách đây gần hai chục năm, cái khoá học trên hai chục người ấy, tất cả đều nghèo, mỗi người nghèo một cảnh. Nhà Hữu cách trường học chỉ hơn 50 cây số nên chiều thứ bảy nào Hữu cũng nôn nả đạp xe về và chiều chủ nhật lại còng lưng chở bao khoai sắn rau củ lên trường.
“Em vẫn còn thèm những củ sắn lùi!”, Hữu nói và cầm chai rượu  mình đem đến, rót vào từng ly và nâng ly mời.
Những bữa tiệc sắn lùi ngày ấy sao thịnh soạn và vui! Ngồi quanh bếp lửa bập bùng, khoai lùi được bóc ra, ngọt bùi, thơm phức, rồi trò chuyện, trêu đùa, đàn, hát và nhiều lần, những bài thơ được đọc. Thỉnh thoảng, Khiêm đọc thơ mình. Giọng anh, thơ anh như có ma lực. Thiết tha. Say đắm. Có những bài thơ Khiêm viết cho Thư và cho chính họ. Hữu nhìn Khiêm: “Em vẫn mê giọng đọc thơ của anh!”. Khiêm cười to: “Nói như thế là hạ thấp anh chú mày, phải mê cả thơ và người thơ nữa chớ !”. Hữu cũng cười to không kém gì Khiêm: “Em mê tất!”. Bà chủ nhà vồn vã gắp thức ăn vào chén cho từng người, phụ hoạ: “Bọn này cũng như Hữu, mê tất!” và đề nghị Khiêm đọc lại bài thơ đã từng khiến khoai lùi thơm hơn, bếp lửa ấm hơn và mặt mày bọn con gái cũng rỡ ràng hơn. Khiêm thoái thác. Anh nói: “Thời bây giờ ai còn hứng đọc thơ, nghe thơ!”. “Vậy thời bây giờ người ta hứng cái gì?”, Vy hỏi. “Thiếu gì cái hứng khác, như hứng làm giàu chẳng hạn!”, Khiêm đáp ngay và quay sang Hữu: “Anh chú mày nói có đúng không?” Hữu lấp lửng: “Muốn đến nơi đến chốn thì làm cái gì cũng phải có hứng!”. Cả bọn đàn bà gần như cùng một lúc lườm Hữu: “Thằng ranh này!”. Hữu cũng không vừa: “Sống cùng với các anh các chị chừng đó năm có muốn làm thằng khờ cũng không được!”. Những ly rượu sóng sánh được nâng lên. Một lát sau, khi chút men thấm vào máu, ai cũng  hào hứng, nói nhiều hơn nghe.
Và nói gì thì nói, cuối cùng cũng quay lại đề tài làm giàu. Hữu nói: “Giàu nhanh thì phải biết kinh doanh, dĩ nhiên là không phải mua bán những cái mẹt văn chương- Hữu đỏ mặt thấy mình lỡ lời, vội đưa cả hai tay về phía Thư và những người bạn của Thư - Em xin lỗi các anh chị - Hữu chậm rãi - Em…em không phải không coi trọng tài năng của các anh các chị, nhưng…nói như một nhà thơ nào đó đã nói, là dường như những người cầm bút như các anh các chị là…là chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”. Khiêm chen vào: “Chú mày thế mà khá!”. Xuân hưởng ứng: “Bọn này cũng quá mệt mỏi vì cô đơn, nhất là cô đơn nửa vời, cứ lơ lơ lửng lửng, buồn không ra buồn, vui không ra vui, yêu không ra yêu, ghét không ra ghét, không đẩy cái gì cho đến tận cùng được Hữu ạ!”. Hữu dứt khoát: “Vậy thì làm như em, vứt bút đi!”. Vy chen vào: “Không vứt được mới khổ, cứ phải bày bán nỗi đau của mình!”.
Đang nói, Hữu dừng lại và trả lời điện thoại. Nói xong, Hữu quay lại: “Em thắng một vụ đất, rất hời !”. “Nhà đất à?”, Xuân hỏi . Hữu đưa ly rượu về phía mọi người và uống cạn: “Một ngôi biệt thự ở cạnh bờ hồ, chưa đầy 6 tháng em đã lời gần nửa tỷ”. Khiêm nói:”Vậy chú mày giúp anh bán một nền nhà cũng ở cạnh một bờ hồ”. “Cạnh bờ hồ sao anh Khiêm không xây nhà ở “, chủ nhà lên tiếng. “Nếu xây thì cũng chỉ xây được nhà ống như cái nhà mình đang ở  - Khiêm lướt mắt quanh phòng khách - mà mình muốn xây cái nhà to hơn nhà này nữa cơ”. “Anh định bán bao nhiêu?”, Hữu hỏi. “Có người đã trả trên 3 tỷ!”. Hữu hỏi dồn: “Hồ nào?”…
Thư không thể giả vờ chăm chú lắng nghe, nhưng cũng không thể sấn sổ bỏ về. Cô cứ nhấp nha nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Đôi lần Thư xen vào, xa gần đưa đẩy sự chú ý của mọi người sang đề tài khác; nhưng đất đai, nhà cửa, những cơ hội làm ăn lại có sức hút như đôi chân điệu nghệ của Maradona trên sân cỏ ngày nào. Và Khiêm, một người vốn đầy lòng kiêu hãnh, khao khát sự thanh cao cũng đã cuốn vào đó với tất cả mặc cảm của người vừa thành công vừa thất bại vừa đầy tự ti mặc cảm lẫn tự tôn mặc cảm - thứ mặc cảm đeo bám thường trực nơi kẻ chới với đuổi bắt khát vọng; anh đã cuốn vào đó, lạc vào đó và có lẽ cũng đã mất hút trong cái thú đau thương của một người đã vuột mất niềm tin và anh đang đắp điếm nó thay cho nỗi say đắm thơ, say đắm yêu, say đắm kiếm tìm, mặc dù mặt anh lúc này như phớt lờ tất thảy.
Vẻ phớt lờ cũng không mất đi khi Khiêm bảo Thư ngồi lên xe để anh đưa về khách sạn nơi cô đang ở. Khi ngồi lên yên xe, Thư biết một lần nữa, trước mắt bè bạn thân quen, cô phải tiếp tục đóng vai một người tình hạnh phúc. Khi ô tô đi ngang qua Thư và Khiêm, Hữu pha đèn, nhấn kèn và đưa tay vẫy vẫy. Khiêm nhìn theo Hữu, nói: “Thằng bé thế mà giỏi!”. “Anh cũng giỏi đến mức em không thể ngờ!”, Thư cố  giữ giọng nhỏ nhẹ. Khiêm cho xe đi chậm lại: “Anh tiếc là mình đã bỏ qua biết bao nhiêu cơ hội!”. “Sao lại phải bỏ qua?”, Thư thấy giọng mình trở lại bình thường. “Vì anh đã bỏ mất quá nhiều thời gian cho thơ phú - ba cái trò vớ va vớ vẩn”. Thư thấy trái tim trong lồng ngực như cồn lên: “Kể cả những bài thơ anh viết cho em…?”, nhưng cô ghìm lại và đẩy câu hỏi đớn đau đó vào cái góc khuất tăm tối nào đó trong tim. Trời lất phất mưa. Gió quất ràn rạt. Lá xanh lá vàng rơi lả tả trên mặt đường loang loáng nước. Thư lạnh. Lạnh đến phát run. Và ngộp. Ngộp trong cái áo mưa màu đen lùng nhùng và bít bùng của Khiêm. Thư chui đầu ra khỏi áo mưa. Đầu tóc mặt mũi cô dấp dính mưa. Đầu lưỡi Thư cũng thấm mưa. Những giọt mưa sót lại của mùa xuân thấm vào cổ họng khô rát của cô.
Xe lướt qua một cái hồ. Rồi một cái hồ nữa. Thành phố nơi Thư đang lưu lại, níu giữ chân người bởi những mặt hồ, nhất là những mặt hồ đêm. Chúng như những con mắt ướt. Ai lướt qua như một du khách xa lạ vẫn nhận ra được vẻ long lanh dịu dàng của nó. Ai cảm nhận nó bằng cơn gió se sắt, bằng những gợn sóng tan vỡ tức tưởi bọt bèo, bằng cái ớn lạnh của thịt da và bằng dòng máu rần rật luân chuyển trong huyết quản sẽ thấy đó là những con mắt thăm thẳm, những con mắt đong đầy nỗi đau được mất. Lòng Thư thắt lại khi nhận ra dáng vẻ quen quen của một mặt hồ. Những bóng cây đen sẫm, lơ thơ một vài bóng đèn, rải rác những chiếc ghế đá đọng nước nép dưới bóng cây xùm xoe, một vài con chim cánh cụt ngơ ngác há mỏ chờ rác. Mặt hồ như lung linh huyền ảo bởi muôn ngàn mảnh vỡ của sao trời và của thứ ánh sáng bị che khuất. Đó là mặt hồ quen thuộc, quen thuộc đến nỗi mỗi lần được nhìn thấy, mắt Thư lại rân rấn cay xè, nơi từng khắc dấu ấn trong ký ức cô và Khiêm, nơi chứng kiến những buổi hẹn hò, những vòng tay siết chặt, những nụ hôn tưởng không thể dứt ra được; nơi gần đó Khiêm có nền nhà đang rao bán.
Đưa Thư đến khách sạn, Khiêm gần như không nhìn Thư: “Em có mời anh một tách trà?”. Thư cũng không dò tìm ánh mắt Khiêm, cô nói: “Anh về đi, đã quá muộn!”. Khiêm nín lặng lên xe. Trước khi rồ máy, lao đi, Khiêm nói: “Anh biết, đã quá muộn!”.
Trở về phòng, vẫn chưa quá muộn như Thư và cả Khiêm vừa nói. Tivi vẫn còn chương trình tin tức thế giới. Một nhạc sĩ lừng danh vừa đột ngột ra đi. Sự bất tử của một con người dường như còn ở ngay cái cách tiễn biệt nơi những người đang sống. Còn một mối tình, giọt nước mắt khổ đau và hạnh phúc của nó có lẽ cũng chỉ làm long lanh  thêm cho mặt hồ vốn lung linh, thăm thẳm.
Sài Gòn, 11/6/2005
Bích Ngân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...